Anh đồng ý trao 3 triệu passport cho người Hồng Kông
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý cho phép khoảng 3 triệu người Hồng Kông nhận passport hải ngoại của Vương quốc Anh, đồng thời tạo điều kiện cho những người Hồng Kông có cơ hội định cư tại nước này, SCMP đưa tin tối thứ Tư.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết những người mang loại hộ chiếu này của Anh sẽ có quyền ở lại nước ông trong 5 năm, và sau đó có thể nộp đơn xin định cư dài hạn.
Chính phủ Anh đưa ra quyết định này sau khi Trung Quốc, vào sáng 30/6, chính thức thông qua luật an ninh Hồng Kông vốn bị các nước phương Tây lên án. Ông Raab nói với Nghị viện Anh rằng đạo luật này vi phạm nghiêm trọng tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984.
Đạo luật mà Bắc Kinh nhất quyết áp dụng cho người Hồng Kông có điều khoản xử phạt tù chung thân đối với những người bị gán tội phá hoại an ninh quốc gia.
Mỹ triển khai các đội đặc nhiệm bảo vệ tượng đài
Chính quyền Trump đã triển khai các đội thực thi pháp luật đặc biệt để bảo vệ các di tích lịch sử mà họ tin rằng có thể bị người biểu tình quá khích phá hoại trong dịp quốc khánh 4/7, Bộ An ninh Nội địa (DHS) cho biết thông tin trong một thông báo hôm thứ Tư, theo Reuters.
Sau khi những người biểu tình nhân danh đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc phá hoại một số tượng đại anh hùng dân tộc, Tổng thống Trump đã đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với họ và nói rằng có thể dùng biện pháp mạnh đế trấn áp những hành vi quá khích.
Vào tuần trước, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp cho phép thành lập một đội làm nhiệm vụ đánh giá khả năng gây bất ổn dân sự hoặc phá hủy các di tích liên bang, đồng thời đội này có thể “tăng cường” các phản ứng trước các mối đe dọa tiềm ẩn.
“Bộ tôn trọng quyền biểu tình trong hòa bình của mọi người Mỹ, [nhưng] bạo lực và gây bất ổn dân sự sẽ không được dung thứ”, quyền Bộ trưởng DHS, Chad Wolf, nói.
Ethiopia: Bạo lực leo thang, hơn 80 người chết
Aljazeera đưa tin, hôm thứ Tư, chính phủ Ethiopia đã triển khai quân đội ở khu vực thủ đô của nước này để trấn áp các băng đảng có vũ trang vẫn đang hoành hành trong các khu phố và cướp đi sinh mạng của hơn 80 người.
Tiếng súng vang vọng trên các khu phố, các băng đảng với dao rựa và gậy lảng vảng trên các con đường. Nhạc sĩ nổi tiếng Haacaaluu Hundeessaa của Ethiopia đã bị bắn chết vào hôm thứ Hai. Cảnh sát nói đây là một vụ giết người có chủ đích.
Bedassa Merdasa, cảnh sát trưởng của khu vực Oromia thông tin: “Cho đến nay 81 người đã thiệt mạng, trong đó có ba thành viên lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Oromia”.
Ngoại trưởng Mỹ lên án Bắc Kinh về luật an ninh
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng với việc cho thông qua luật an ninh Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã đối đầu với tất cả các quốc gia, và Washington sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump chấm dứt các chính sách ưu đãi dành cho hòn đảo này, theo Reuters.
Trong một cuộc họp báo ngắn, ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ rất quan tâm tới sự an toàn của người dân Hồng Kông và cho biết Điều 38 của đạo luật mà Bắc Kinh vừa cho thông qua hôm thứ Ba còn có thể áp dụng cho cả người nước ngoài, bao gồm người Mỹ.
Ông Pompeo cũng đã tóm tắt các biện pháp gần nhất mà Hoa Kỳ áp dụng để phản ứng với hành động cho thông qua luật an ninh Hồng Kông của chính quyền Trung Quốc. Theo đó, vào thứ Sáu tuần trước, Washington đã thực thi các hạn chế thị thực đối với những người liên quan tới đàn áp tự do Hồng Kông, và hôm thứ Hai đã chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng và công nghệ sử dụng kép qua Hồng Kông.
“Hồng Kông [ở trạng thái] tự do là một trong những thành phố ổn định, thịnh vượng và năng động nhất thế giới. [Nhưng] Bây giờ, nó sẽ chỉ là một thành phố khác do chính quyền Trung Quốc quản lý, nơi mọi người dân sẽ phải chấp nhận sự thống trị của giới cầm quyền”, ông Pompeo nói.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc về an ninh Hồng Kông
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư (1/7) đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng liên quan đến những quan chức Trung Quốc thực thi luật an ninh Hồng Kông, theo Reuters.
Dự luật được thông qua theo hình thức đồng thuận, phương pháp được sử dụng để thông qua những dự luật không bị xem là gây tranh cãi và không có nghị sĩ nào phản đối.
Dự luật này đang chờ Thượng viện thông qua trước khi được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký ban hành hoặc phủ quyết. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật tương tự để trừng phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông.
“Không người dân nào nên bị bỏ tù chỉ tham gia biểu tình. Hiện tại, người Hồng Kông đang tháo chạy khỏi Hồng Kông vì lo sợ cho sự an toàn của họ, chúng ta nên ủng hộ quyền biểu tình của họ. Chúng ta cần phải bắt chính phủ Trung Quốc gánh chịu hậu quả vì hành động của họ đối với Hồng Kông”, nghị sĩ đảng Dân chủ Brad Sherman, một trong những người soạn thảo dự luật, viết trên Twitter.
Reuters cho biết thêm, trước khi Hạ viện thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xuất hiện tại một phiên điều trần về tình hình Hồng Kông. Bà nói rằng rằng luật an ninh đánh dấu cái chết của mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Bà nói rằng luật an ninh mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông “là sự đàn áp tàn bạo với người dân Hồng Kông, nhằm phá hủy các quyền tự do mà họ đã được hứa hẹn”.
Động thái của Hạ viện Mỹ phản ánh sự quan ngại của chính quyền Washington về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp cho Hồng Kông. Cũng trong hôm 1/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bình luận rằng luật an ninh mà Trung Quốc áp đặt đối với Hồng Kông là một sự sỉ nhục đối với tất cả các quốc gia và Washington sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho thành phố này.
Luật an ninh quốc gia Hồng Kông được chính quyền Trung Quốc thông qua vào hôm 30/6, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hồng Kông và nhiều nước trên thế giới. Hôm 1/7, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, hàng ngàn người Hồng Kông đã xuống đường phản đối đạo luật hà khắc của chính quyền Trung Quốc.
Hơn 300 người Hồng Kông bị bắt vì phản đối luật an ninh
Theo Reuters, hôm thứ Tư, cảnh sát đã xịt vòi rồng và hơi cay vào đám đông biểu tình phản đối luật an ninh Hồng Kông. Hơn 300 người biểu tình đã bị bắt giữ sau khi họ xuống đường phản đối đạo luật mà các nhà phân tích cho rằng sẽ kết thúc thời tự trị của Hồng Kông.
Người biểu tình đã bị đàn áp sau khi họ tập trung hô các khẩu hiệu như “kháng cự cho tới cùng” và “Hồng Kông độc lập” trong ngày hòn đảo quê hương họ được Anh bàn giao lại cho chính quyền Trung Quốc (1/7/1997).
“Tôi sợ đi tù, nhưng, hôm nay, vì công lý tôi phải xuống đường, tôi phải đứng lên”, một người biểu tình 35 tuổi có tên Seth nói.
Ấn Độ phía Đông đề phòng Trung Quốc, phía Tây cảnh giác Pakistan
Ấn Độ đã dự phòng cho một cuộc chiến trên 2 mặt trận cùng lúc
Vào lúc Ấn Độ và Trung Quốc đang bế tắc trong xung đột dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở phía Đông Ladakh, quân đội Ấn Độ cũng đang cảnh giác cao độ ở mặt trận phía Tây để ngăn chặn Pakistan “thừa nước đục thả câu” và đón lõng một cuộc xung đột trên hai mặt trận, giới chức Ấn Độ cho biết hôm 1/7, theo Hindustan Times.
Phía Ấn Độ đã có nhiều báo cáo quốc phòng nhấn mạnh về mối đe dọa đồng thời đến từ Trung Quốc và Pakistan.
Theo truyền thông Ấn Độ, ngay từ năm 2014 đã có một vị tướng lĩnh cấp cao của Không quân Ấn Độ (IAF) nói rằng, Pakistan có khả năng đẩy mạnh chiến sự nếu Trung Quốc tiến hành các hoạt động tấn công chống lại Ấn Độ.
Các quan chức theo dõi diễn biến quân sự gần đây trong khu vực cho rằng không nhiều khả năng Ấn Độ bị lôi kéo vào một cuộc chiến ở hai mặt trận, nhưng khẳng định rằng các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã sẵn sàng để tránh mọi mối đe dọa.
“Khả năng của một cuộc chiến hai mặt trận là không thể nào. Nhưng chúng tôi phải chuẩn bị về mặt quân sự để đối phó với mối đe dọa kết hợp từ Trung Quốc và Pakistan”, Hindutan Times dẫn lời vị quan chức giấu tên thứ nhất cho biết.
Quân đội Ấn Độ mô tả mối đe dọa thông đồng đến từ Trung Quốc và Pakistan là kế hoạch “Dự phòng III”, vị quan chức giấu tên thứ hai nói.
Dự phòng 1 và Dự phòng 2 đề cập đến mối đe dọa riêng từng 2 quốc gia.
“Ba quốc gia vũ trang hạt nhân có thể không tham chiến cùng một lúc. Nhưng Trung Quốc và Pakistan có mối liên hệ quân sự “thâm căn cố đế”. Cho dù khả năng của mối đe dọa hai mặt trận như thế nào đi nữa, các lực lượng vũ trang Ấn Độ vững vàng chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào”, Trung tướng D.S Hooda, nguyên chỉ huy Tư lệnh Lục quân Quân đoàn miền Bắc Ấn Độ cho biết.
Quân đội Ấn Độ đã điều động khoảng 30.000 binh sĩ, một vài sư đoàn xe tăng tiền tuyến, linh kiện pháo binh bổ sung và các đội bộ binh cơ giới đã hoàn toàn sẵn sàng cho khu vực Ladakh, đây là một phần mở rộng của quân đội Ấn Độ nhằm tăng cường triển khai quân sự đáp ứng với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Một số khí tài quân sự cũng được điều đến khu vực phía Tây để đối phó với Pakistan.
Sự xâm lấn gần đây của Trung Quốc ở vùng đồng bằng Dépang và thung lũng Galwan đã tăng cường khả năng quân đội Trung Quốc cố gắng cắt qua phía Bắc Ladakh và liên kết với các lực lượng Pakistan ở phần thuộc khu vực Kashmir mà Pakistan chiếm đóng trong một kịch bản chiến tranh”, chiến lược gia Brahma Chellaney nói với Hindustan Times.
Căng thẳng dọc theo LAC đã bùng lên sau một cuộc giao tranh chết người giữa Ấn – Trung tại thung lũng Galwan vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, về phía Trung Quốc không tiết lộ số lính tử vong. Nhưng phía Ấn Độ đánh giá, số lính tử vong của Trung Quốc là gấp đôi.
Tài liệu mật: Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch thứ 2
Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục báo cáo thấp số lượng bệnh nhân được chẩn đoán, theo các tài liệu bị rò rỉ từ bệnh viện duy nhất được chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thủ đô Trung Quốc.
Chính quyền thành phố tuyên bố rằng đợt bùng phát thứ hai đang nằm dưới quyền kiểm soát và một cơ sở điều trị là đủ để chống dịch. Nhưng tờ ET (The Epoch Times) trước đó đã thu thập được các tài liệu mật của chính quyền thành phố từ một nguồn tin khả tín cho thấy giới chức y tế đang yêu cầu các bệnh viện địa phương chuẩn bị thêm giường để đáp ứng sự gia tăng số bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, một văn bản mật từ một chính quyền quận ở tỉnh Hà Bắc lân cận, nơi đợt dịch thứ hai khởi phát, nhấn mạnh rằng thông tin về dịch bệnh địa phương cần được giữ kín, không công khai.
Trên bề mặt, chính quyền Hà Bắc không chính thức xác nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào, nhưng đãáp lệnh phong tỏa đối với khoảng nửa triệu dân.
Trong khi đó, nhà chức trách đã công bố thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Kinh.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền thành phố đã đưa ra một loạt các quy tắc nghiêm ngặt.
Ủy ban Y tế Bắc Kinh nêu trong một tài liệu nội bộ ngày 24/6 rằng:
“Tất cả các phòng bệnh nhân [tại bệnh viện] phải bị phong tỏa [và cách ly] 24 giờ một ngày … Ngoài việc chẩn đoán hoặc điều trị cần thiết, bệnh nhân không được phép rời khu vực bệnh nhân”.
Ủy ban nói thêm rằng không ai được phép thăm bệnh nhân tại bệnh viện vào lúc này.
Trung tâm Cấp cứu Bắc Kinh, một nhánh của ủy ban y tế, đã nói trong một tài liệu nội bộ ngày 22/6 rằng nhân viên y tế Bắc Kinh từng đến Hồ Bắc để hỗ trợ chống dịch sẽ không được phép quay trở lại Bắc Kinh trong thời gian này. Ngoài ra, học sinh ở trường phải kiểm tra nhiệt độ vào mỗi buổi sáng, trưa và chiều.
Báo cáo giảm con số thực
Xu Hejian, phát ngôn viên chính quyền thành phố Bắc Kinh, cho biết trong cuộc họp báo ngày 30/6 rằng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát thứ hai đã lên tới 325 ca, trong đó có 27 ca không triệu chứng. Đợt tái bùng phát này bắt đầu vào giữa tháng 6, theo nhà chức trách.
Nhưng Ma Yanfang, giám đốc văn phòng y tế tại Bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh, cơ sở duy nhất được chỉ định điều trị Covid-19, thừa nhận quy mô 300 giường cho bệnh nhân hiện tại là không đủ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo nhà nước Health News.
Vào hai ngày 18 và 19/6, Bệnh viện Ditan đã chuyển tất cả các bệnh nhân không mắc Covid-19 sang các bệnh viện khác, và giờ chỉ tập trung điều trị Covid-19.
The Epoch Times đã thu thập được các tài liệu nội bộ từ Bệnh viện Ditan cho thấy báo cáo tóm tắt hàng ngày về kết quả xét nghiệm axit nucleic trong vài ngày trong tháng Sáu.
Lấy ví dụ, ngày 19/6, bệnh viện này đã xét nghiệm cho 773 người, kết quả có 246 người dương tính. Báo cáo lưu ý tất cả 246 bệnh nhân này đang được điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Bắc Kinh chỉ công bố 22 bệnh nhân mới được chẩn đoán vào ngày 19/6, do đó suốt từ ngày 11/6 chỉ ghi nhận tổng cộng 205 ca.
Thành phố Bắc Kinh ngày 14/6 tuyên bố 79 cơ sở y tế trong thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19. Vì một mình bệnh viện Ditan ghi nhận nhiều ca chẩn đoán dương tính hơn so với báo cáo chính thức, nên số ca nhiễm thực sự cho toàn thành phố nhiều khả năng sẽ cao hơn rất nhiều, vì khả năng có nhiều ca cho ra kết quả dương tính hơn tại các địa điểm xét nghiệm khác.
Theo một báo cáo nội bộ khác, hôm 17/6, Bệnh viện Ditan ghi nhận khoa ngoại trú của nó đã xét nghiệm cho 288 người, 26 người trong đó có kết quả dương tính với Covid-19. 3 người khác được xác nhận là các ca nhiễm không triệu chứng.
Tại khoa điều trị nội trú, bệnh viện này đã chẩn đoán 83 bệnh nhân dương tính với Covid-19 vào ngày 17/6, nghĩa là bệnh viện đã chẩn đoán được tổng cộng 109 ca dương tính với Covid-19 trong ngày hôm đó.
Tuy nhiên, thành phố chỉ công bố 21 bệnh nhân mới được chẩn đoán vào ngày 17/6.
Xét nghiệm quy mô lớn
Thành phố bắt đầu yêu cầu một số cư dân nhất định thực hiện các xét nghiệm axit nucleic, bao gồm cả những người gần đây ghé thăm chợ thực phẩm Tân Phát Địa – nơi nhà chức trách quy cho là nguồn gốc bùng phát dịch mới – hoặc những ai sống trong các khu dân cư gần chợ.
Người dân đã phàn nàn về các xét nghiệm. Một công nhân nhập cư ở Bắc Kinh đã lên kế hoạch trở về quê đã thực hiện xét nghiệm vào ngày 24/6, vì giới chức trách hiện không cho phép người dân rời Bắc Kinh trừ khi có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng bảy ngày trước đây.
Người công nhân này nói với tờ ET tiếng Trung trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng anh chưa nhận được kết quả xét nghiệm vào ngày 27/6, và phải ngủ trong nhà ga xe lửa trong khi chờ đợi.
Anh lo rằng bệnh viện nơi anh xét nghiệm sẽ không trả kết quả trong vòng bảy ngày tới – nếu thế kết quả xét nghiệm sẽ hết hạn.
Wang Tianhe, cư dân Bắc Kinh cho biết ông cũng đã làm xét nghiệm vào ngày 22/6 nhưng chưa nhận được kết quả cho đến ngày 27/6. Wang cần kết quả xét nghiệm để có thể tiếp tục làm việc.
Giới chức trách đã yêu cầu người làm công trong một số ngành nghề nhất định, ví như nhà hàng và chuyển phát nhanh, phải trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trước khi bắt tay vào công việc.
Lệnh phong tỏa
Hà Bắc là tỉnh bao quanh Bắc Kinh. Sau sự tái phát của virus vào tháng 6, Hà Bắc đã công bố chỉ có 12 bệnh nhân được chẩn đoán trong toàn tỉnh. Hôm 27/6, chính quyền tỉnh không báo cáo bất kỳ ca nhiễm mới nào, nhưng lại phong tỏa toàn quận An Tân để ngăn chặn virus lây lan.
Tân Hoa Xã đưa tin rằng tất cả cư dân ở An Tân, ngoại trừ những người rất ốm cần được điều trị tại bệnh viện hoặc các nhân viên áp lệnh phong tỏa, đều phải ở nhà. Chỉ một người trong mỗi hộ gia đình được phép ra ngoài mua sắm những nhu yếu phẩm cơ bản một lần mỗi ngày.
Theo thống kê chính thức của Hà Bắc, An Tân có khoảng 458.000 cư dân tính đến năm 2018
Chính quyền địa phương đã giữ kín về vụ bùng phát dịch, bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt.
Tờ ET thu thập được một tài liệu nội bộ do chính quyền quận An Tân ban hành ngày 13/6, trong đó ra lệnh cho tất cả các quan chức kiểm soát chặt chẽ dư luận và không tiết lộ thông tin liên quan đến dịch bệnh.
“Tất cả các thông tin liên quan đến dịch bệnh chỉ có thể được công bố bởi chính quyền tỉnh”, tài liệu có ghi.
Một bộ tài liệu nội bộ khác mà The Epoch Times thu thập được cho thấy tỉnh Hà Bắc cũng đã ra lệnh xét nghiệm quy mô lớn đối với các cư dân.
Trong một thông báo ngày 24/6, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các “nhóm nguy cơ cao” phải được xét nghiệm hai lần trong vòng ba ngày. Những nhóm này bao gồm các giáo viên, học sinh, bệnh nhân mới tại mỗi bệnh viện địa phương, những người đến Hà Bắc gần đây, những người làm việc trong môi trường nơi các công nhân làm việc gần nhau …