Mạnh Kim
Cách đây không lâu, tuần san Time từng đăng hai trang quảng cáo với ảnh kim đồng hồ nhiên liệu chỉ ở chỗ “hết xăng” và cạnh đó là hàng chữ “mệt mỏi, chán chường, không hứng thú tình dục. Tất cả có thể do testosterone của bạn đã cạn”. Mẩu quảng cáo giải thích thêm rằng đàn ông càng lớn tuổi, testosterone càng giảm. Cụ thể, “hết xăng” là như thế nào?
Ðược gọi là tắt kích thích tố tình dục nam (“andropause” hoặc “male menopause”), hiện tượng này ở phái nam cũng tương tự tình trạng tắt kinh (menopause) ở phái nữ, gây ra cái gọi là “khủng hoảng giữa đời”đối với giới mày râu. Andropause ngày càng được y học nhìn nhận là hiện tượng có thực mà đàn ông trung niên thường gặp phải, thể hiện ở tình trạng suy nhược, mất năng lượng, tuyệt vọng và đặc biệt chán ngán ái ân. “Nó hoàn toàn trái ngược với giai đoạn dậy thì” – phát biểu của Jed Diamond, nhà tâm lý liệu pháp California, tác giả hai quyển nổi tiếng Male Menopause và Surviving Male Menopause.
Ðược so sánh với giai đoạn dậy thì bởi andropause liên hệ với loạt biến động hormone dẫn đến thay đổi trong đời sống tâm lý-tình dục-xã hội và thậm chí tinh thần, đặc tính andropause là sự mất dần testosterone. Tùy trường hợp, có người “hết xăng” nhiều hơn người khác.
Theo Jed Diamond, andropause hiện tấn công khoảng 25 triệu đàn ông Mỹ từ 40-55 tuổi. “Hiện tượng mãn ở phái nam rất quỷ quyệt” – theo bác sĩ Stephen Sinatra, chuyên gia về dược phẩm chống lão hóa tại Massachusetts. Tình trạng mất testosterone có khi xảy ra ở người khoảng 35 tuổi và nó diễn biến từ từ với tỷ lệ giảm testosterone 1-1.5%/năm.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết nghiên cứu nồng độ androgen (kích thích tố tình dục nam) ở phái nam 25 tuổi và 70 tuổi, người ta nhận thấy nồng độ androgen giảm trung bình 10% mỗi 10 năm, bắt đầu từ năm 30 tuổi. Không như tình trạng giảm estrogen ở phái nữ (trong thời kỳ tắt kinh), andropause xuất hiện từng bước, khó nhận biết, cho đến khi nó hạ gục nạn nhân. Cáu gắt, mệt mỏi, chán nản và gặp vấn đề với sự cương cứng…, tất cả đều là dấu hiệu của andropause. “Tôi thậm chí không muốn di chuyển nữa” – lời kể của bệnh nhân Cecil Dorsey, tài xế xe tải 58 tuổi.
Dù nghiên cứu đầu tiên về andropause được đăng trên chuyên san Journal of the American Medical Association vào giữa thập niên 1940 nhưng chỉ đến gần đây y học mới thật sự quan tâm andropause – theo Adrian Dobs thuộc Ðại Học Y Johns Hopkins. Thông thường, bệnh nhân andropause được chữa bằng vài liều thuốc an thần, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ có khi không nhận ra rằng vấn đề nằm ở chỗ testosterone chứ không phải stress.
Ðúng ra người ta nên sử dụng liệu pháp thay thế testosterone, bằng tiêm chích, cao dán (patch), gel hoặc thuốc viên, nhằm làm tăng lượng testosterone trong cơ thể. Chữa trị tiến hành song song chế độ ăn uống. Theo bác sĩ Stephen Sinatra, bệnh nhân andropause được khuyên giảm rượu, thuốc lá và tăng cường thể dục; đồng thời tăng lượng thức ăn chứa kẽm, vitamin C và E.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, người ta vẫn chưa thật hiểu hết về cơ chế hoạt động testosterone. Tờ New Yorker cho biết đến nay khoa học còn chưa xác định được nồng độ testosterone trong cơ thể như thế nào mới được xem là bình thường – như nghiên cứu nhiều năm của bác sĩ William Crowley và đồng sự Frances Hayes. Trong phòng thí nghiệm với đủ thiết bị hiện đại và một nhóm đối tượng tình nguyện, sau khi đo tinh hoàn, tính độ dày lông tóc, xem xét chức năng cương cứng, đếm tinh trùng…, hai nhà nghiên cứu phát hiện rằng 15% đối tượng có nồng độ testosterone thay đổi trong ngày. Trong một số nghiên cứu khác, nồng độ testosterone chưa hẳn dính dáng “sức khỏe” xương như thường bị quy kết.
Một số bệnh nhân (liên quan bệnh loãng xương) có nồng độ testosterone thấp lại chứng kiến sự làm việc bình thường ở cột sống nhưng hầu như không có thay đổi nào xuất hiện ở xương hông.
Hơn nữa, cũng cần nói thêm rằng một số liệu pháp testosterone thường đem lại hiệu ứng phụ, chẳng hạn ngực to bất thường (gynecomastia) trong khi bìu teo!
Testosterone cũng làm tăng hồng huyết cầu, dẫn đến nguy cơ bệnh tim. Trong số bệnh nhân dùng 100 mgr AndroGel/ngày trong năm 2004, có gần 20% bị rối loạn tuyến tiền liệt. Nguy hiểm hơn cả là testosterone có khả năng làm phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
Ðiều giới y học cảnh cáo là người ta không nên xem andropause như một thị trường cho đủ các loại thuốc không qua thử nghiệm cẩn thận. Cuối thập niên 1960, phương Tây từng xem liệu pháp estrogen như một giải pháp đẩy lùi tình trạng tắt kinh ở phụ nữ nhưng sau đó người ta tá hỏa tam tinh khi biết vài phương pháp trong liệu pháp này đã rủ theo nguy cơ ung thư vú!
Mạnh Kim