- Hướng Dương
Mới đây, bệnh dịch hạch bùng phát ở Ba Ngạn Náo Nhĩ (Bayannaoer), Nội Mông, Trung Quốc. Chính quyền nước này đã nâng mức độ phòng dịch lên cấp III và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2020. Điều này gợi nhớ đến bệnh dịch đã xảy ra ở Bắc Kinh và Nội Mông vào tháng Mười Một năm ngoái.
Ngày 5/7, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Thành phố Ba Ngạn Náo Nhĩ, Nội Mông phát đi thông báo cho biết, ngày 4/7/2020, Bệnh viện Nhân dân Ô Lạp Đặc Trung Kỳ (Urad Zhongqi) đã báo cáo một ca nghi nhiễm dịch hạch, áp dụng “Thực hiện chính sách cảnh báo sớm dịch hạch tại khu vực tự trị Nội Mông” và “Kế hoạch khẩn kiểm soát dịch hạch khu tự trị (phiên bản năm 2020)”, yêu cầu phát cảnh báo sớm cấp III để ngăn ngừa và kiểm soát dịch hạch, áp dụng tại địa phương từ ngày 5/7 trở đi.
Bên cạnh đó, thông báo còn cảnh báo nguy cơ lây lan dịch hạch, nhắc nhở công chúng cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu “ba không, ba báo” về phòng chống dịch bệnh, bao gồm không tự ý săn bắn động vật nhiễm dịch, không ăn động vật nhiễm dịch, không mang động vật, các sản phẩm từ động vật nhiễm dịch ra khỏi khu vực có dịch, đồng thời, phải báo cáo nếu phát hiện: chuột và các động vật khác bệnh (chết), bệnh nhân nghi nhiễm dịch, bệnh nhân sốt cao và bệnh nhân chết đột ngột không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, thông báo yêu cầu người dân thận trọng khi tiếp xúc với khu vực đang có dịch. Nếu có lịch sử đi lại trong vùng dịch mà bị sốt và các triệu chứng khó chịu khác xuất hiện, cần kịp thời đến bệnh viện chỉ định để điều trị.
Được biết, công tác phòng chống dịch hạch ở Nội Mông được phân loại theo 5 cấp độ, bao gồm dịch hạch đặc biệt nghiêm trọng (cấp 1), dịch hạch nặng (cấp 2), dịch hạch (cấp 3), dịch hạch nói chung (cấp 4), động vật nhiễm dịch (cấp 5). Bệnh dịch hạch, còn được gọi là “cái chết đen”, có đặc điểm phát bệnh rất nhanh, thời gian bệnh ngắn, tỷ lệ tử vong cao, nhiễm trùng mạnh và lây lan nhanh. Đặc biệt đối với dịch hạch nhiễm trùng huyết, tỷ lệ tử vong là 30% đến 100%.
Chính quyền ĐCSTQ đã ban hành ít nhất 5 báo cáo về bệnh dịch hạch vào năm ngoái, hầu hết các ca nhiễm phát sinh vào tháng Mười Một.
Đánh giá từ các hồ sơ cho thấy, tháng 5/2019, Ban Tuyên giáo của Ủy ban Tô Ni Đặc Tả Kỳ (Sunuo Zuoqi) đã thông báo phát hiện bệnh chuột ở thị trấn Ba Ngạn Náo Nhĩ, nhưng không có ai liên hệ chuyện này với dịch hạch. Mãi đến ngày 12/11/2019, khi dịch hạch bùng phát tại Bệnh viện Triêu Dương Bắc Kinh lan truyền trên WeChat, các quan chức Bắc Kinh mới xác nhận việc điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm dịch hạch ở Nội Mông, người dân địa phương lúc này mới biết thị trấn của họ đã trở thành ổ bệnh.
Theo một người dân địa phương, lần cuối cùng chính phủ phổ biến kiến thức về bệnh dịch hạch cho người dân là vào những năm 1970.
Tháng 4/2020, Thời báo Epoch Times nhận được nội dung “Thông báo tình hình dịch bệnh” ngày 13/4 từ Trung tâm phòng kiểm bệnh truyền nhiễm khu tự trị Nội Mông. Nội dung cho thấy tại một trong 12 khu vực hành chính cấp tỉnh ở Nội Mông đã xảy ra bệnh dịch hạch. Một văn kiện được đánh số khác là “Khẩn cấp phòng chống dịch hạch Nội Mông số 17”, cho thấy ngày 3/4, “Nhóm chỉ huy khẩn cấp phòng chống dịch hạch” ở Nội Mông đã ban hành “Thông báo về việc thực hiện tinh thần của hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch hạch trong toàn khu vực”. Báo cáo tình trạng thực hiện đề cập đến mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch hạch, trong đó thúc giục khẩn cấp thành lập các nhóm chỉ huy về phòng chống và kiểm soát dịch hạch ở các khu vực.
Thông báo tiết lộ rằng Nội Mông “gần đây đã phát hiện sự bùng phát dịch hạch ở các thành phố Bao Đầu (Baotou), Ô Lan Sát Bố (Ulanqab), Tích Lâm Quách Lặc Minh (Xilinguole League) và Ba Ngạn Náo Nhĩ (Bayannaoer)”.
Hướng Dương