Có phải từ nhau vì bất đồng quan điểm về Tổng Thống Trump?

Ls Nguyễn Văn Thân

Có lẽ không có vì tổng thống nào trong lịch sử cận đại gây ra nhiều tranh cãi và chia rẽ như Donald Trump, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt. Có những người trong cùng gia đình, anh em, bạn bè từ bỏ nhau chỉ vì tranh cãi và khác quan điểm về Trump. Người thích Trump thì việc gì Trump làm cũng là đúng và tốt. Người ghép Trump thì việc gì Trump làm cũng sai và xấu. Cảm tính yêu ghét lấn át mọi tư duy và lý trí phê phán một cách khách quan và trung thực.
Donald Trump cũng như bất cứ vị tổng thống nào khác đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng có lẽ với Trump thì mặt tiêu cực nhiều và nổi bật hơn. Khi đánh giá một tổng thống hoặc một nhân vật lãnh đạo người ta thường nhắm tới hai góc cạnh là tư cách và chính sách.

Luận về tư cách thì phải nói là Trump quá tệ. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 3 năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Centre) thì có tới 80% dân Mỹ (gồm có cả cử tri Cộng hòa) cho rằng Trump là một người ích kỷ (self centred). Chỉ có 36% cho rằng Trump là một người thành thật và chỉ có 32% cho rằng Trump là một người có đạo đức.

Thứ nhất là nhìn về tư cách của một người chồng và một người cha. Karen McDougal là một cựu ngôi sao của tạp chí Playboy. Bà có một mối quan hệ tình dục với Trump kéo dài cả năm vào năm 2006 bắt đầu chỉ vài tháng sau khi Melanie sinh ra Barron. Khi ra tranh cử, Trump đã nhờ luật sư riêng Michael Cohen dàn xếp với chủ tờ báo National Enquirer mua lại câu chuyện của McDougal và trả cho bà 150,000 đô Mỹ với điều kiện là bà không được tiết lộ bí mật quan hệ với Trump cho bất cứ người nào khác. Đây là một cách ém nhẹm. Có nghĩa là mua sự im lặng của người trong cuộc. Cũng trong năm 2006, Trump có ăn nằm với Stormy Daniel là một diễn viên phim người lớn. Sau đó, Trump cũng cũng dàn xếp trả cho bà 130,000 đô Mỹ để bịt miệng. Vào năm 2018, Stormy Daniel xuất bản hồi ký tường thuật chi tiết quan hệ giữa bà với Trump. Thậm chí, bà còn miêu tả ‘thằng nhỏ’ của Tổng thống Trump trong giống như Mario Kart (nhân vật trong trò chơi điện tử Nintendo). Michael Cohen là luật sư riêng của Trump từ năm 2006 – 2018 đã nhận tội khai gian và phạm luật gây quỹ tranh cử từ các vụ bịt miệng này và đang thọ án 3 năm tù.
Thật ra, Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất có quan hệ lăng nhăng với phụ nữ. Các vị tổng thống Đảng Dân chủ như Kennedy và Clinton cũng đều có những chiến tích lẫy lừng trên mặt trận giường chiếu. Việc những người đàn ông có quyền lực nhất thế giới đi tìm của lạ thì cũng không có gì là lạ. Nhưng cùng lúc ăn nằm với 2 cô gái giang hồ trong lúc vợ vừa mới sinh con thì phải nói Tổng thống Trump thuộc loại đàn ông hết thuốc chữa.

Thứ hai là bản tính thô lỗ. Như Tướng Colin Powell nhận xét, Trump tối ngày lên twitter mắng chửi từ trái sang phải không chừa một ai. Trump gọi đối thủ tranh cử Hillary Clinton là Hillary gian lận (Crooked Hillary), Joe Biden là ‘người khờ’ (Sleepy Biden), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là bà điên (Crazy Pelosi). Lối ăn nói hàng tôm cá kiểu này hạ thấp danh dự chức vụ tổng thống và là một nỗi ô nhục cho nước Mỹ.

Thứ ba là thói khoác lác. Trump khoe là số người tham dự Lễ Tuyên thệ nhậm chức của ông là đông nhất trong lịch sử. Các cơ quan truyền thông chính mạch ước lượng số người tham dự khoảng 500,000 so với 1.8 triệu khi Tổng Thống Obama nhậm chức vào năm 2009. Chỉ có vậy thôi mà Trump lồng lộn tấn công truyền thông. Khi có người đặt vấn đề về sức khỏe tâm lý và tâm thần thì Trump đáp rằng ông là một thiên tài ổn định (a stable genius). Sau một cuộc họp báo về Covid-19 mà Bs Fauci cảnh báo là con số tử vong có thể lên tới 200,000, Trump lên twitter khoe là có tới 12.2 triệu người theo dõi cuộc họp báo của ông trên tivi. Không có một lãnh tụ nào có liêm sỉ lại có thể mở miệng khoe khoang khoác lác như vậy khi có hàng trăm ngàn người chết.

Thứ tư là về mặt ích kỷ. Hầu như tất cả các cơ quan tình báo an ninh của Mỹ đều lên án Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử vào năm 2016. Nhưng Trump phản bác lại và luôn bênh vực Putin vì sợ ảnh hưởng tới tính chính danh của kết quả bầu cử. Theo John Bolton Cựu cố vấn an ninh của Trump cho biết là Trump không đặt quyền lợi của nước Mỹ trên hết mà chỉ cần biết làm sao có thể thắng cử vào năm 2020. Trump kêu thuộc hạ làm mọi cách để ông chụp chung tấm hình với Kim Jong- un ngay tại khu vực phi quân sự. Ông dọa cắt tài trợ cho Ukraine chống lại mối đe dọa của Nga và đặt điều kiện là phải điều tra Hunter Biden con của Joe Biden. Khi Tập Cận Bình cho biết là sẽ xây trại tập trung ở Tân Cương để nhốt ‘khủng bố’ thì Trump đồng tình vì không muốn phật lòng và nài nỉ Tập mua lúa mì của nông dân Mỹ để giúp ông lấy phiếu tái đắc cử.

Thứ năm là thói nói láo liên tục và không biết xấu hổ. Có rất nhiều ví dụ những lời phát biểu của Trump là sai sự thật chẳng hạn như gần đây vào ngày 9 tháng 6 năm 2020, Trump viết trên Twitter là ông cụ 75 tuổi bị cảnh sát ở thành phố Buffalo xô té đập đầu xuống đường chảy máu có thể là thành viên của ANTIFA (một tổ chức chống kỳ thị) cố tình gài bẫy cảnh sát. Vào ngày 7 tháng 6 năm 2020, Trump viết là Joe Biden muốn rút lại ngân sách cho cảnh sát. Vào ngày 11 tháng 05 năm 2020, Trump tuyên bố là Đức và Mỹ là hai quốc gia thành công nhất về con số tử vong liên quan tới Covid-19 tính theo tỷ lệ dân số. Giáo sư David McQueen của Đại học Oregon đã nghiên cứu, thu thập, đối chiếu tất cả lời phát biểu của Trump và kết luận rằng mỗi ngày trung bình Trump nói láo 23.3 lần trong năm 2020 so với 22.8 lần trong năm 2019. Từ khi có Covid-19 khi mà người dân cần có lòng tin vào lãnh tụ cung cấp thông tin y tế một cách chính xác thì mỗi ngày Trump nói láo trung bình tăng lên 23.8 lần.

Về mặt tích cực thì có thể nêu ra 2 điểm. Thứ nhất, Trump là người giữ lời hứa. Trump đã hoặc cố gắng thực thi mọi lời hứa và cam kết khi ra tranh cử ví dụ như xây tường ở biên giới Mexico, siết chặt nạn di dân bất hợp pháp, rút Mỹ khỏi TPP (mặc dù đối với các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương thì đây là một sai lầm chiến lược). Thứ hai là hàng năm Trump vẫn đều đặn hiến tặng tiền lương cho các cơ quan công quyền và từ thiện. Trump có thể được coi là ích kỷ về quyền lợi chính trị nhưng về mặt tài chánh thì là một vị tổng thống hào phóng nhất.
Luận về chính sách thì về mặt đối nội có thể nói Trump tương đối thành công về mặt kinh tế trước nạn dịch Covid-19. GDP tiếp tục tăng từ 2.3% trong năm 2017 đến 2.9% trong năm 2018 và 2.3% trong năm 2019 so với 2.4% trong năm 2014, 2.6% trong năm 2015 và 1.6% trong năm 2016 dưới thời Obama. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm qua ba năm liền từ 4.3% vào năm 2017 xuống 4% trong năm 2018 và 3.7% trong năm 2019 so với so với 6.2% trong năm 2014, 5% trong năm 2015 và 4.7% trong năm 2016 dưới thời Obama.

Nhưng Covid-19 cho thấy sự yếu kém của hệ thống y tế của Mỹ và khả năng lãnh đạo của Trump. Úc cũng có thể chế liên bang. Thủ Tướng Úc Scott Morrison nhanh chóng cùng với các Thủ hiến thành lập Nội các quốc gia họp hành trực tuyến thường xuyên và đi đến đồng thuận về những chính sách cần thiết đối phó với nạn dịch. Kết quả Úc là một trong những quốc gia thành công nhất với số người nhiễm bệnh chưa tới 7,000 và chỉ ngoài 100 người chết. Trong khi đó tại Mỹ thì là một hình ảnh bát nháo với Tổng thống Trump cãi lộn với các vị thống đốc. Hậu quả là có hàng triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm ngàn người Mỹ chết. Cùng lúc xảy ra các vụ biểu tình liên quan tới nạn kỳ thị chủng tộc cho thấy xã hội Mỹ đang trong cơn bệnh hoạn về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen dưới thời của Tổng thống Trump với khẩu hiệu ‘làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’.

Về mặt đối ngoại thì Trump không phải là một tổng thống có viễn kiến chiến lược mà chỉ nhìn vào con số trước mắt. TPP có thể được ví như là một chiến lược hợp tung của thời Chiến Quốc mà Tổng thống Bush và Obama dùng để kềm chế và bao vây Trung Quốc. Tập Cận Bình đã dùng sáng kiến Đới Lộ như là một đối sách liên hoành nhằm phá vỡ hợp tung. Nhưng Trump vội vã rút Mỹ khỏi TPP đánh mất lòng tin của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố là Trung Quốc sẽ ký RCEP trong năm 2020 và thúc đẩy tiến trình Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Một khi Bắc Kinh hoàn tất 2 hiệp định này thì có thể làm bá chủ ở châu Á.
Tại châu Âu, thái độ khinh thường đồng minh của Tổng thống Trump làm NATO suy yếu và Putin ngày càng dạn dĩ hơn. Chỉ riêng đối với Trung Quốc thì Tổng thống Trump hoặc là chính sách của chính quyền Trump là đáng ca ngợi nhất. So với phản ứng nhu nhược của chính quyền Obama khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough và quân sự hóa Biển Đông mà không phải trả một giá nào hết thì Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc giữ đúng lời hứa khi tranh cử. Trump đánh thuế quan trên 360 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc, cấm vận các công ty kỹ thuật công nghệ như Hoa Vi và ZTE. Vào đầu năm 2018, nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis công bố chiến lược quốc phòng đặt việc đối đầu với Trung Quốc và Nga lên hàng đầu sau nhiều năm đối phó với khủng bố tại Trung Đông, bắn phát súng khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ – Trung. Mỹ siết chặt quan hệ với Đài Loan. Ngoài ra, Tổng thống Trump đã ký ban hành luật chế tài các quan chức Trung Quốc dính líu tới các trại tập trung ở Tân Cương. Ngoại Trưởng Mike Pompeo cũng đã tuyên bố là Mỹ sẽ rút quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong vì luật an ninh áp đặt từ Bắc Kinh. Ngoài miệng thì Trump ngọt dịu với Tập nhưng dưới trướng thì các phụ tá từ Phó Tổng thống Mike Pence đến Ngoại Trưởng Mike Pompeo lúc nào cũng nhất quán bày tỏ thái độ và thực thì chính sách cứng rắn với Bắc Kinh. Nói chung, dưới thời của Tổng Thống Trump, Mỹ đã chọn đối đầu với Trung Quốc một cách trực diện và toàn diện.

Vì lời nguyền địa lý, Việt Nam ở bên cạnh anh láng giềng khổng lồ và Đảng Cộng sản Trung Quốc thâm hiểm. Hễ Bắc Kinh rảnh là Việt Nam mệt. Bắc Kinh bận rộn thì Việt Nam dễ thở một chút. Từ một cái nhìn ích kỷ, nếu chiến tranh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc thì cả hai bên sẽ bị thiệt hại nặng nề nhưng có lợi cho Việt Nam. Cho tới bây giờ thì không biết chính sách của Joe Biden đối với Trung Quốc sẽ như thế nào? Nếu cũng nhu nhược như thời Obama thì sẽ bất lợi cho Việt Nam.
Có lẽ vì vậy mà có nhiều người Việt trong nước thích và ủng hộ Tổng Thống Trump vì chính sách cứng rắn của ông đối với Trung Quốc. Một phần là vì các cơ quan truyền thông trong nước đều là công cụ của nhà cầm quyền và họ đã được Ban Tuyên Giáo chỉ thị đưa lên những tin tức, hình ảnh tích cực và sạch sẽ mà thôi. Người dân không nhìn thấy bộ mặt trần trụi, nham nhở của vị đương kim Tổng thống Mỹ.
Nhưng cũng có nhiều người Việt ở ngoài nước có đủ cơ hội tiếp cận truyền thông độc lập và trung thực mà vẫn tôn sùng Trump. Trên facebook có trang ‘Những người yêu thích Donald J. Trump’ có hơn 189,000 người theo dõi (followers) và hơn 58,000 người thích. Nếu như những người này ủng hộ chính sách của Trump và mong muốn ông tái đắc cử thì không có gì đáng nói vì đó là một hình thức bày tỏ chính kiến mà trong một xã hội tự do dân chủ thì tất cả mọi người đều có quyền làm vậy. Nhưng nếu họ yêu thích và tôn sùng thần tượng một người có tư cách tồi tệ như Trump thì cũng không còn gì để nói.

Tóm lại, Donald Trump là một con người không đáng để cho thân nhân và bạn bè trong gia đình người Việt phải tranh cãi với nhau trên Facebook rồi đi đến từ bỏ hoặc thù ghét nhau. Chúng ta phải vượt qua cảm tính yêu ghét khi thảo luận hoặc tranh luận về chính trị. Đừng bắt chước cộng sản mà thần thánh hóa lãnh tụ như Lenin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Lãnh tụ cũng là con người mà đã là con người thì không có ai hoàn hảo cả. Cũng không nên mang nặng định kiến. Không phải cái nào Trump làm hoặc nói cũng sai hay dở. Cái nào mình thấy đúng thì ủng hộ, thấy không đúng thì lên tiếng phản đối. Thẳng thắn trình bày quan điểm và bất đồng ý kiến là một sinh hoạt lành mạnh và cần thiết trong nỗ lực xây dựng ý thức và văn hóa tranh luận dân chủ mà đó cũng là một yếu tố cần thiết trong tiến trình tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Sydney 1/7/2020

Related posts