Theo trang tin ANI (Asia’s Premier News Agency), các phần mềm theo dõi tàu biển cho hay tàu Trung Quốc lại xuất hiện tại Bãi Tư Chính và tiến sát đến giàn khoan Lan Tư. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình trong vùng biển của Việt Nam, chỉ cách hơn 1 hải lý.
Tàu hải cảnh mang số hiệu 5402 đã đi vào phạm vi 30 hải lý giàn khoan Việt Nam hôm thứ Hai. Theo RFA, trước đó chưa đầy một tuần, Trung Quốc cũng gửi tàu thăm dò tới Biển Đông, và hiện con tàu này đang đi tuần gần Lô 06.01, một khu vực khoan dầu mà Việt Nam đã ký hợp đồng thăm dò khai thác với Hãng Rosneft của Nga. Năm ngoái việc Việt Nam lên kế hoạch khai thác ở lô này đã khiến Trung Quốc gửi tàu hải giám trang bị vũ khí hạng nặng cùng với tàu thăm dò địa chất tới khiêu khích Việt Nam.
Cụ thể, con tàu 5402 rời cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, vào ngày 1/7, dừng lại ở Đá Xu Bi ngày 2/7, một trong những đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Tới sáng 4/7 tàu chạy với tốc độ cao 15 hải lý/giờ, về hướng giàn khoan khai thác khí đốt Lan Tây của Việt Nam, một giàn khoan đã hoạt động ổn định từ nhiều năm qua.
Theo VOA, có tin tức cho hay có thời điểm Trung Quốc chỉ cách giàn Lan Tây có 1.3 hải lý.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông kiểm chứng và xác nhận tin này thông qua việc phân tích dữ liệu AIS.
ANI nhận định sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong điểm nóng tranh chấp giữa hai nước có thể khiến lặp lại cuộc đối đầu kéo dài tại phía Nam Biển Đông trong nửa cuối năm nay.
Dựa trên các dữ liệu về sự di chuyển của các tàu bè thì có lúc tàu hải cảnh Trung Quốc chỉ còn cách mỏ khí Lan Tây có 1,3 hải lý, sâu bên trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Tới ngày 6/7, tàu hải cảnh 5402 đã tiến gần một giếng đầu thuộc mỏ Phong Lan Dại, giếng mà tập đoàn Rosneft của Nga khoan thăm dò hồi năm ngoái, và bị tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống và cả máy bay thả bom sách nhiễu.
Theo kế hoạch đã định, lẽ ra Rosneft tiến hành khoan thẩm lượng vào đầu tháng 6, nhưng từ tháng 5 đã có tin cho biết Trung Quốc đã gia tăng áp lực chính trị để buộc phải ngừng các hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Vào cuối tháng trước, một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc số hiệu 5403 cũng tiến sát lô 06.01 của Việt Nam. Tàu di chuyển quanh quẩn hai giếng dầu thuộc mỏ Lan Đỏ, cách nơi này từ 1 tới 2 hải lý. Tàu hải cảnh 5403 đã rời khỏi khu vực từ ngày 30/6, và đến ngày 5/7 đã tới Đá Xu Bi.
Năm 2019, Trung Quốc cho tàu hải giám và tàu thăm dò địa chất tiến vào sâu vùng biển của Việt Nam, gây nên cuộc đối đầu và căng thẳng ngoại giao kéo dài nhiều tháng. Trung Quốc tuyên bố có quyền lịch sử đối với vùng đặc quyền kinh tế này của Việt Nam và gần hết phần Biển Đông còn lại.
Chính phủ Việt Nam chưa có bình luận về hiện diện của tàu 5042. Tuần trước, Hà Nội chỉ tích việc Trung Quốc tập trận hải quân ở khu vực Đảo Hoàng Sa và tuyên bố các tàu khảo sát nước ngoài cần có sự cho phép trước khi tiến vào vùng biển Việt Nam.
Bắc Kinh nhiều lần quả quyết rằng việc khai thác năng lượng ở Biển Đông phải được thực hiện với đối tác Trung Quốc chứ không phải một nước nào khác ngoài khu vực. Lập trường này được Trung Quốc đưa ra khi đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa nước này và Đông Nam Á, nhằm đưa ra một khuôn khổ tránh xung đột trên biển. Tuy nhiên, các động thái khiêu khích của Trung Quốc gần đây đã khiến người ta hoài nghi tính khả thi của các cuộc đàm phán COC.
“Họ đang dùng khiêu khích, áp lực, vũ trang hạng nặng, nhưng cùng lúc đó Trung Quốc cũng dùng củ cà rốt và tỏ ra có lý lẽ về mặt ngoại giao khi tìm kiếm một giải pháp đàm phán”, Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tổ chức RAND (Mỹ), và giáo sư tại Đại học Hàng Hải, nhận xét.
“Đây là một phần của một chiến lược toàn diện nhằm mở rộng lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông”.
ANI nhận định, việc điều động tàu hải giám tới Bãi Tư Chính là một trong rất nhiều hành động khiêu khích khác của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong thời điểm mà hầu hết mọi người kỳ vọng Bắc Kinh sẽ xuống thang đối đầu để tập trung khôi phục kinh tế trong nước. Ngoài ra, các vụ đụng độ gần đây với Ấn Độ tại Thung Lũng Galwan gần biên giới hai nước, khiêu khích tấn công Đài Loan cùng với một loạt chiến dịch trấn áp bạo lực lực tại Hồng Kông sau khi ban hành luật an ninh quốc gia mới đã cho thấy rõ sách lược bàn tay sắt của Bắc Kinh đối với hiện trạng địa chính trị trong khu vực.
Đức Trí