Doanh nghiệp than khó vì cước vận chuyển ‘ăn hết lời’

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Doanh nghiệp than khó vì cước vận chuyển ‘ăn hết lời’

Ông Phạm Hoàng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho biết hoạt động trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu gần 30 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến giá chi phí đầu vào, nhất là cước vận chuyển, tăng chóng mặt như thời gian qua.

Từ năm 2020 đến hết năm 2021, giá vận chuyển container từ các cảng Việt Nam sang Mỹ, châu Âu, Nhật… tăng gấp nhiều lần khiến các doanh nghiệp mệt mỏi. Hiện tại, do ảnh hưởng chiến sự Ukraine – Nga, chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu ra thế giới tiếp tục leo thang. 

“Điều này gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Làm ăn bây giờ khó quá, tính toán và điều tiết không kỹ lỗ như chơi. Nếu chi phí vận tải cứ tăng cao thì sẽ không còn đủ sức cạnh tranh với quốc tế”, ông Việt cho Tuổi Trẻ biết.

Ông Võ Quan Huy, chủ tịch Công ty TNHH Huy Long An (Long An), cho rằng giá cước vận tải cao kỷ lục cùng với giá phân bón tăng nóng như là cú “đấm bồi” đối với xuất khẩu nông sản.

“1kg chuối xuất khẩu với giá 17.000 đồng, trong đó phí đóng gói và bao bì khoảng 4.000 đồng, còn lại 13.000 đồng. Trước đây, cước vận chuyển chừng 4.000 – 5.000 đồng thì nay lên đến 8.000 đồng. Như vậy, chúng tôi chỉ còn 5.000 đồng cho 1kg chuối. Với giá phân bón tăng chóng mặt, việc sản xuất ra trái chuối đủ chuẩn xuất khẩu với giá 5.000 đồng gần như là không thể”, ông Huy phân tích.

Theo ông Huy, để “cứu” người nông dân và việc xuất khẩu nông sản hiện nay, Chính phủ cần có phương án can thiệp.

Nhiều nạn nhân ‘tố’ bị sàm sỡ trên xe buýt ở TP.HCM

Tuổi Trẻ – Chia sẻ trong một hội nhóm trên mạng xã hội, M.P. cho biết đã gặp một tên “biến thái” trên chuyến xe buýt số 53 vào 16h ngày 28/2.

Tên này đã chủ động ngồi sát vào P., để cặp trên đùi che tay rồi bắt đầu giở trò sàm sỡ. P. viết: “Lúc đó mình cứ nghĩ là do đi xe mình mệt quá nên bị ảo giác. Một lúc sau mình bắt gặp tay nó sờ vòng 1 mình mới giật mình chạy qua ghế khác ngồi. Lúc đó mình rất sốc và sợ nên không dám la lên. Lúc mình đổi chỗ thì người đó cũng xuống xe liền”.

Theo lời kể của P., tên này đeo kính, dáng người nhỏ con và trông rất giống sinh viên nên lúc đầu P. không cảnh giác. “Các bạn nữ khi đi xe buýt nhớ cẩn thận”- P. nhắn nhủ.

Mục tiêu mà những tên sàm sỡ hướng tới không chỉ riêng phụ nữ mà còn có cả đàn ông. N.K. (nam, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM) cho biết từng bị một tên “biến thái” sàm sỡ ngay trên chuyến xe buýt số 8 đông nghịt người.

N.K. nhớ lại người này có dáng người khá gầy, mặc áo đen khoác trùm kín đầu. Vì bị say xe nên suốt chuyến xe buýt, N.K. trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.

K. kể: “Lúc mơ màng, tôi thấy người này chủ động dựa vào vai mình trước. Sau đó hắn tiếp tục để tay lên đùi và tiến dần vào chỗ nhạy cảm. Tôi bàng hoàng tỉnh dậy, lập tức hất tay hắn ra. Đó là lần đầu tiên gặp phải tình huống thế này nên tôi rất hoảng sợ, chỉ đứng lên đi tới chỗ gần bác tài xế”.

Sau đó N.K. đã chia sẻ câu chuyện này với gia đình và không dám đi thêm một chuyến xe buýt nào kể từ lần đó. “Gần đây tôi lại thấy liên tiếp xuất hiện những bài đăng của sinh viên tố bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết triệt để tình trạng này” – N.K. nói.

Gần nửa năm, hơn 900.000 người dân TP.HCM chưa nhận tiền hỗ trợ đợt 3

Zing – Toàn bộ hơn 1.500 người dân ở tổ 44, 45, 51, khu phố 3, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, đều chưa nhận được một triệu đồng từ gói hỗ trợ đợt 3 cho người gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Về lý thuyết, khoản tiền này lẽ ra phải đến tay người dân trong tháng 10/2021.

Thế nhưng, gần 6 tháng trôi qua, TP.HCM đã từng bước trở lại “bình thường cũ”, nhưng người dân vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ này.

“Thiếu tiền” là nguyên nhân được ông Huỳnh Thanh Bình, Phó chủ tịch phường Bình Trị Đông A, lý giải cho việc gói hỗ trợ chậm đến tay người dân.

“Không phải riêng khu phố đó không, phường còn tới 47.000 người chưa được chi trả gói hỗ trợ”, ông nói.

Ông Bình kể phường liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc chưa nhận gói hỗ trợ, nhưng vì phường cũng chưa nhận được tiền để chi nên “không dám hứa với dân”.

Bà Nguyễn Ngọc Thắm, Phó chủ tịch phường Bình Hưng Hòa, cho biết giai đoạn tháng 9/2021, người dân đều nghe nội dung “ai cũng được hỗ trợ” trên ti vi nên yêu cầu được nhận. Tới nay, vẫn còn người dân có ý kiến chưa nhận được tiền.

Phường này đề xuất 90.522 trường hợp được nhận gói hỗ trợ đợt 3 và đã gửi hồ sơ, được duyệt. Nhưng đến giờ, còn 21.632 trường hợp chưa có kinh phí để chi trả. “Đến giờ dân vẫn liên hệ để yêu cầu nhận một triệu đồng này. Rất khó khăn cho địa phương”, bà Thắm thông tin.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH gửi đến HĐND TP.HCM, trên toàn địa bàn TP.HCM, hiện còn 909.715 người chưa nhận hỗ trợ trong số hơn 7,4 triệu người đã được phê duyệt hỗ trợ, tương đương 12,2%.

Related posts