New Zealand tái xem xét hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
New Zealand tái xem xét hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Sau khi Canada và Úc đình chỉ các hiệp ước dẫn độ tương ứng của họ với Hồng Kông để đáp trả luật an ninh mới gây tranh cãi, New Zealand đang tái xem xét thỏa thuận dẫn độ của chính mình, theo Taiwan News.
Bộ Ngoại giao New Zealand nói với tờ Taiwan News hôm thứ Sáu (10/7) rằng nước này sẽ xem xét lại hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Theo một phát ngôn viên của Bộ, “Sẽ có một hoạt động tái xem xét các cơ chế ngoại giao giữa New Zealand và Hồng Kông. Mọi quyết định New Zealand đưa ra, bao gồm liên quan đến việc dẫn độ, sẽ là kết quả của đánh giá này.”
Five Eyes là một liên minh chia sẻ thông tin bao gồm Mỹ và năm đối tác Khối Thịnh vượng chung: Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Ấn Độ cử nhà ngoại giao chủ chốt đến Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc
Được nhìn nhận là một sự thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ với Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã chọn một nhà ngoại giao cấp cao chuyên xử lý các mối quan hệ Ấn-Mỹ làm đặc phái viên mới của mình tại Đài Bắc.
Tờ Sunday Express của Ấn Độ cho biết Gourangalal Das, hiện là Thư ký chung (phụ trách khu vực Châu Mỹ) trong Bộ Ngoại giao nước này, sẽ là đặc phái viên tiếp theo tại Đài Loan.
Động thái này xảy ra vào thời điểm có các lời kêu gọi trong cộng đồng chiến lược đối với việc nâng cấp mối quan hệ New Delhi-Đài Bắc. Trung Quốc và Mỹ cũng đang leo thang căng thẳng đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
Hàng chục ca nhiễm Covid-19 tại căn cứ Mỹ ở Okinawa
Hàng chục lính thủy đánh bộ Mỹ tại hai căn cứ trên đảo Okinawa phía nam Nhật Bản đã bị nhiễm virus corona, trong bối cảnh lo ngại bùng phát một ổ dịch lớn, thống đốc Okinawa cho biết hôm thứ Bảy (11/7), đồng thời yêu cầu phản hồi đầy đủ từ quân đội Hoa Kỳ, theo the Associated Press.
Thống đốc Denny Tamaki cho biết ông chỉ có thể nói rằng “một vài chục trường hợp lây nhiễm” đã được xác nhận gần đây khi quân đội Mỹ yêu cầu không tiết lộ con số chính xác vì lý do an ninh. Ổ dịch bùng phát tại Căn cứ Không quân Futenma và Trại Hansen thuộc Hải quân Mỹ.
Truyền thông địa phương, trích dẫn nguồn tin giấu tên, cho biết khoảng 60 người đã bị nhiễm bệnh.
Thống đốc Tamaki đã yêu cầu phía Mỹ cung cấp minh bạch thông tin chi tiết bao gồm số ca lây nhiễm, đồng thời phong tỏa Futenma và Trại Hansen, song song với việc đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tại trại.
Hồng Kông đối mặt làn sóng Covid-19 thứ ba
Hồng Kông đã ghi nhận sự bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 hôm thứ Bảy (11/7), theo tờ Bưu Điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP).
“Đợt lây nhiễm thứ ba này là nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn hồi tháng 3”, theo bác sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Chi nhánh (CHP).
Làn sóng Covid-19 thứ ba ở Hồng Kông tiếp tục không suy giảm vào hôm nay khi giới chức trách báo cáo ít nhất 58 trường hợp nữa.
Bác sĩ Chuang Shuk-kwan cho biết trong một cuộc họp ngắn hàng ngày rằng 38 ca nhiễm đã được xác nhận, bao gồm 30 trường hợp tại địa phương, trong khi hơn 20 người vẫn đang chờ kết quả.
Giáo sư Trung Quốc chỉ trích Tập Cận Bình được ra tù
Một giáo sư luật từng công khai chỉ trích các chính sách khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã được thả ra hôm Chủ nhật, một tuần sau khi bị cảnh sát đưa đi, hai người quen biết với giáo sư cho biết, theo The New York Times.
Giáo sư Hứa Chương Nhuận từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, là một trong số ít các học giả Trung Quốc dám chỉ trích công khai và thẳng thừng chính quyền Bắc Kinh. Trong hai bài tiểu luận năm nay, ông cho biết thái độ giấu dịch của chính quyền đã châm ngòi cho sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
“Khi các quyết định [sai lầm] dẫn đến chính sách thất bại, không những cần sửa chữa đường lối, mà những người có trách nhiệm cũng phải thừa nhận sai lầm của mình, khiêm tốn chịu trách nhiệm và cầu xin sự tha thứ của công chúng”, giáo sư Hứa đã viết trong một bài tiểu luận hồi tháng Năm.
“Chúng tôi rất quan ngại việc Bắc Kinh bắt giữ giáo sư Hứa Chương Nhuận vì chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh thắt chặt kiểm soát ý thức hệ trong các trường đại học ở nước này”, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết trên Twitter hôm thứ Ba (7/7).