Mỹ hạn chế thị thực nhân viên Huawei vi phạm nhân quyền
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/7 thông báo Washington sẽ áp hạn chế thị thực với một số nhân viên Huawei dính líu đến các hành vi vi phạm nhân quyền, theo CNBC.
“Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ áp hạn chế thị thực đối với một số nhân viên của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, đã hỗ trợ trang thiết bị cho các chỉnh thể vi phạm và lạm dụng nhân quyền trên toàn cầu”, ông Pompeo phát biểu trong buổi họp báo tại Washington.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cáo buộc Huawei là vũ khí giám sát của Bắc Kinh, hỗ trợ kiểm duyệt các nhà bất đồng chính trị, cho phép ĐCSTQ thực hiện các hành vi giam giữ và tra tấn hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ông Pompeo nói thêm rằng một số nhân viên của Huawei đã “hỗ trợ trang thiết bị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc – một chế độ vi phạm nhân quyền”. Ngoại trưởng Mỹ cho biết động thái trừng phạt này của Washington là sự cảnh báo với các công ty công nghệ khác.
“Các công ty viễn thông trên toàn thế giới nên cân nhắc về cảnh báo sau: Nếu đang làm việc với Huawei, nghĩa là đang làm việc với những người vi phạm nhân quyền”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ từng mô tả Huawei và các công ty công nghệ khác do Bắc Kinh hậu thuẫn là “mã độc của tình báo Trung Quốc”. Washington đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về độ an toàn của các thiết bị Huawei, cáo buộc chúng có thể được sử dụng để đánh cắp tài sản trí tuệ của các nước phương Tây.
Chính phủ Anh hôm 14/7 công bố lệnh cấm Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G ở nước này. Động thái mới nhất này của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đảo ngược quyết định hồi tháng 1, cho phép Huawei tham gia hệ thống 5G nhưng bị giới hạn ở mức 35% và sẽ không được tiếp cận các hệ thống lõi “nhạy cảm”.
Chính quyền Trump sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư (15/7) cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ hỗ trợ các quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters cho biết, Ngoại trưởng Pompeo nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ mà chúng tôi có sẵn và chúng tôi sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới, những nước nhận ra rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của họ, cũng như chủ quyền lãnh hải”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nói tiếp: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ những hỗ trợ mà chúng tôi có thể cung cấp, cho dù đó là tại các tổ chức đa phương, hay là ở ASEAN, hay là thông qua các phản hồi pháp lý, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể”.
Trước đó một ngày, trợ lý của Ngoại trưởng Pompeo, ông David Stilwell, cho biết chính quyền Tổng thống Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có các hành vi thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Hôm 13/7, Hoa Kỳ đã chính thức phủ nhận gần như toàn bộ tất cả các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố của chính quyền Trump khẳng định: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ ủng hộ các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ tự do biển cả và tôn trọng chủ quyền, đồng thời bác bỏ bất kỳ ý đồ nào nhằm áp đặt ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ ở Biển Đông cũng như khu vực rộng lớn hơn”.
Chính quyền xả lũ khiến vỡ đê, dân Trung Quốc cầu cứu trong nạn lũ
Lũ lụt do mưa lớn đã ảnh hưởng đến ít nhất 27 trong số 31 tỉnh và vùng của Trung Quốc. Ngày 14/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng sẽ có lượng mưa lớn hơn được dự báo cho lưu vực sông Dương Tử trong 24 giờ tới.
Trung tâm này ước tính lượng mưa tổng thể ở phía nam lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc sẽ là 100mm đến 180mm từ ngày 14 đến 16 tháng 7. Ở một số vùng, lượng mưa sẽ đạt 300mm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia Việt Nam, lượng mưa trên 100 mm/h là thuộc vào loại mưa rất to.
Trung tâm này cũng cảnh báo rằng các khu vực phía bắc Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải, Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông, Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh và Hắc Long Giang sẽ có mưa lớn vào hai ngày 15 và 16/7.
Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Quân nói trong cuộc họp báo ngày 13/7 tại Bắc Kinh rằng sông Hoàng Hà, sông Hải và sông Tùng Hoa ở miền bắc Trung Quốc sẽ trải qua đợt lũ lụt trong những tháng tới, nhưng người dân địa phương đều thiếu kinh nghiệm đối mặt với thảm họa này.
“Chúng ta nên lưu ý nhiều hơn đến khu vực miền bắc Trung Quốc”, ông Diệp nói.
Ông Diệp giải thích rằng lượng mưa mùa hè này ở lưu vực sông Dương Tử và lưu vực hồ Thái gấp 1,5 lần đến 2,6 lần lượng mưa trong những năm trước, và chính quyền sẽ sơ tán người dân trong vùng ảnh hưởng trước.
Tuy nhiên, người dân ở các tỉnh bị ngập lụt gồm An Huy, Hồ Bắc và Giang Tây đã nói với tờ The Epoch Times trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng quê hương của họ gần đây đã bị nhấn chìm sau khi chính quyền xả lũ tại các hồ hoặc sông hoặc do vỡ đê. Tuy nhiên, chính quyền không cung cấp các hỗ trợ thích hợp, họ nói.
Xả lũ
Ông Vương Minh (bút danh) sống ở làng Yiguan, phía đông thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy. Dòng sông Dương Tử chảy qua làng ông. Ông nói với The Epoch Times ngày 13/7 rằng ông và dân làng đã bị buộc phải rời khỏi quê, nằm gần một con đê nhỏ, ngay ngày hôm đó.
“Họ [chính quyền] đã phải bỏ mặc những con đê nhỏ để bảo vệ những con đê lớn”, ông Vương nói. “Bằng cách không gia cường kè khiến nó sụp đổ tự nhiên, hoặc bằng cách phá thủ công, họ đã cho phép nước lũ từ sông Dương Tử tràn qua các con đê”, ông nói thêm.
Ngày hôm đó, hơn 12.000 người dân làng đã phải rời nhà ở Tongling, ông Vương nói. Hầu hết trong số họ không có nơi nào để đi và hiện đang chờ lũ rút tại các khu nhà tạm trú.
Ông Vương cho biết các khu nhà chờ này thiếu nước sinh hoạt, túi ngủ chống muỗi để xua côn trùng, áo mưa, đèn pin và lều.
Chính quyền đã không cung cấp cho dân làng đủ thực phẩm, ông Vương nói thêm. Nhiều người lo lắng tài sản của họ sẽ bị lũ cuốn trôi.
Còn ông Yu sống tại làng Hudong thuộc thôn Bà Dương, tỉnh Giang Tây ở phía đông Trung Quốc. Ba thế hệ gia đình ông sống chung dưới một mái nhà.
Hudong và hàng chục ngôi làng khác trong quận đã bị nước lũ nhấn chìm vào ngày 8/7 sau nhiều lần vỡ đê. Nhà chức trách tuyên bố rằng họ đã sơ tán người dân khỏi vùng ảnh hưởng, nhưng gia đình ông Yu vẫn bị mắc kẹt trong nhà từ ngày 12/7, và lũ vẫn chưa rút.
“Lũ lụt ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể ra ngoài và chúng tôi thực sự cần thực phẩm”, người cha nói với tờ The Epoch Times bản tiếng Trung.
Người ông trong gia đình cho biết ở Hudong, nước lũ đã dâng lên đến tầng hai.
Ông Zhang đến từ làng Dixi, cách Hudong khoảng 30 dặm. Ông và những người dân làng của mình cũng ở trong tình cảnh tương tự nhà ông Yu.
“Ở làng tôi nhiều người đã mất nhà”, ông Zhang nói. “Nước lũ vẫn đang dâng lên,… chính quyền đang xả nước lũ từ hồ Bà Dương”, ông nói thêm.
Vũ Hán
Đỉnh lũ đã đến Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, vào lúc 11 giờ đêm ngày 12/7, theo chính quyền thành phố.
Tuy nhiên, một người dân tại làng Gangzhou, quận Caidian ở Vũ Hán đã chia sẻ một đoạn video với The Epoch Times bằng tiếng Trung vào ngày 14/7, trong đó ông cho biết tất cả dân làng đã buộc phải sơ tán vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó bởi vì chính quyền sẽ xả lũ từ sông Dương Tử vào làng ông.
Chen Guiya, đội phó đội kỹ sư của Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử thuộc Bộ Thủy Lợi Trung Quốc, trong một đoạn tài liệu trên đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 13/7 đã cho biết sông Dương Tử có thể dâng nước lên mức nguy hiểm ở địa phận Hồ Bắc trong 10 ngày tới.
Trang web tin tức do chính quyền Vũ Hán, Trường Giang Net đưa tin vào ngày 14/7 rằng lũ lụt ở sông Dương Tử sẽ gây ra một đỉnh đúp, có nghĩa là một đỉnh lũ mới sẽ đến trước khi đỉnh cũ đi qua.
Tiến sĩ Huang Guanhong, con trai của nhà thủy văn học nổi tiếng Huang Wanli, nói với hãng truyền thông NTD vào ngày 12/7 rằng:
“Nếu đập Tam Hiệp không xả nước, thành phố Trùng Khánh [trên thượng nguồn] sẽ bị ngập. Nếu đập xả nước, thành phố Vũ Hán [ở hạ lưu] sẽ bị ngập. Phương án sau chính là tình hình hiện tại”.
Không chỉ Vũ Hán, mà các thành phố khác ở hạ lưu đập Tam Hiệp cũng đang phải vật lộn với lũ. Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc báo cáo rằng mực nước ở địa phương của sông Dương Tử cao hơn 1.3 m so với mức báo động.
Cảnh báo từ WHO
Lo lắng trước khả năng lây lan của các bệnh truyền nhiễm sau lũ lụt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên tài khoản chính thức của mình trên Weibo, một trong những mạng xã hội tương tự Twitter lớn nhất Trung Quốc.
WHO kêu gọi các nạn nhân trong vùng lụt uống nước đun sôi hoặc khử trùng bằng clo. Ngoài ra, không nên ăn thực phẩm mà họ vớt được trong nước lũ, cũng như bất kỳ thực phẩm nào từng tiếp xúc với nguồn nước lũ. WHO cũng khuyên người dân không nên sử dụng quần áo hoặc các vật liệu khác từng tiếp xúc với nước lũ mà chưa giặt qua bằng thuốc tẩy.
Cầu cổ Trung Quốc bị lũ đánh sập, có người nói ‘quả báo đã đến’
Nhiều cây cầu cổ có cấu trúc hành lang, mái che ở Trung Quốc đã bị lũ đánh sập.
Mưa xối xả trút xuống gây lũ lụt lớn ở miền Nam, động đất dội lên khiến Trung Quốc lâm vào tình thế trên đe dưới búa, thiệt hại về người và của là đáng kể.
Thống kê phạm vi chịu ảnh hưởng từ đợt mưa lũ tháng 6/2020 cho thấy, 433 con sông ở Trung Quốc có mực nước vượt cảnh báo, trong đó, 109 dòng sông có mực nước vượt ngưỡng kiểm soát, 33 sông có mực nước dâng lịch sử. Trên 27 tỉnh thành và khu tự trị với tổng số 37,89 triệu dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, 141 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 82 tỷ USD.
Mưa lũ vượt kỷ lục cũng xóa sổ nhiều công trình kiến trúc cầu cổ có niên đại hằng trăm năm tuổi ở Trung Quốc. Đây là những danh thắng trong bao năm, là những điểm đến thu hút du khách. Những thiệt hại khó đo lường bằng con số khiến người dân và chính quyền địa phương nuối tiếc trong bất lực.
Trong tháng 7/2020, lũ đã phá hủy cầu Thải Hồng còn gọi là cầu Vồng có niên đại 800 năm tuổi ở thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây. Mưa lớn kèm gió đã làm tốc mái cầu và lũ đã cuốn phăng một nhịp cầu. Cầu gỗ có kiến trúc theo kiểu hành lang gồm 11 tòa mái đình trên 4 trụ đá. Đây là di tích lịch sử quốc gia và được xem là một trong những cầu cổ đẹp nhất Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định chính thiết kế khoa học của cầu giúp nó đứng vững qua hàng niên đại. Cầu Thải Hồng được xây từ thời nhà Tống vào thế kỷ thứ 12, ở vị trí rộng nhất trên mặt sông, chân cầu hình bán thuyền có tác dụng giảm lực tác động của nước lũ từ sông Dương Tử.
Một cây cầu khác có niên đại 400 năm ở thành phố Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam cũng bị lũ quét trôi. Đoạn video quay vào tháng 6/2020 cho thấy cây cầu được xây dựng vào cuối triều đại nhà Minh và đầu triều đại nhà Thanh đã sụp đổ.
Tại hiện trường, chứng kiến cảnh tượng cầu sụp đổ như trong phim, nhiều người kêu trời. Thân cầu và trụ cầu bị đợt sóng mạnh đánh sập ngay từ lần thứ nhất.
Một video cầu bị lũ cuốn phăng đăng trên YouTube nhận được nhiều lời bình luận, có người để lại lời than vãn “mưa ở đâu ra mà lắm thế”, có tài khoản tên julianto triwijaya thì viết: “Tự nhiên: 400 năm chỉ qua đi trong nháy mắt”. Người dùng khác viết ngắn gọn: “Khi tạo hóa nhấn nút xóa”, người nói: “Quả báo đến với Trung Quốc”…
Đáng chú ý, người dùng Alan CHIU viết: “Lục Tứ năm 2020 đó mà, đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) thất đức”, đề cập tới sự kiện thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6, CCP tàn sát sinh viên tay không tấc sắt ở Bắc Kinh, và “trong tương lai phải tới Nhật Bản để xem các di tích văn hóa Trung Quốc rồi. Đa tạ Nhật Bản đã giữ lại văn hóa Trung Hoa”, CHIU viết.
Trung Quốc đã mất dần những cây cầu cổ trong những trận mưa bão lớn. Trước đó, vào năm 2016, do ảnh hưởng của siêu bão Meranti, cầu Đông Quan 871 năm tuổi có cấu trúc hành lang mái che ở Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, và nhiều cây cầu cổ khác có niên đại hàng trăm năm tuổi ở tỉnh Chiết Giang như cầu Xuezhai 504 năm tuổi, cầu Wenzhong 262 năm tuổi, cầu Wenxing 159 năm tuổi đã bị mưa lũ cuốn trôi.
Năm đó sức tàn phá của bão Meranti ở Phúc Kiến và Chiết Giang được mô tả là “đáng kinh ngạc” với mưa xối xả và gió quần quật.
Cảnh tượng cầu hành lang 871 tuổi Vĩnh Xuân Đông Quan ở Tuyền Châu Phúc Kiến bị lũ đánh gãy ngay giữa cầu đã gây sốc cho cư dân. Theo video truyền thông Trung Quốc đăng tải, chỉ trong vòng chục giây, cầu bị lũ chia thành hai phần, trơ một khoảng ở giữa.
Cầu hành lang có mái che này được xây dựng vào năm Thiệu Hưng thứ 15 trong thời Nam Tống. Năm 1991 cầu được liệt kê là một di tích văn hóa quốc gia được bảo vệ ở tỉnh Phúc Kiến.
Cầu đã trải qua hàng trăm năm gió và mưa, nhưng trong trận lũ lớn vào năm 2016, cây cầu đã không còn trụ nổi nữa. Sau khi bị gãy đôi, một lượng lớn các mảnh vụn lẫn cành cây và thân tre đã bị kẹt lại hai đầu khúc cầu gãy, làm chuyển hướng cả dòng chảy của nước.
Tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa; Trung Quốc tuyên bố trả đũa Mỹ về Hồng Kông
Tàu khu trục Mỹ USS Ralph Johnson hôm 14/7 xuất hiện gần quần đảo Trường Sa, một ngày sau khi chính quyền Mỹ ra thông cáo bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
DVIDS, trang chuyên cung cấp hình ảnh của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 14/7 đã đăng tải bức ảnh cho thấy tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) xuất hiện gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Ralph Johnson được triển khai để thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải và các nỗ lực hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, DVIDS cho biết.
Trung Quốc tuyên bố trả đũa Mỹ về Hồng Kông
Bắc Kinh hôm nay tuyên bố sẽ áp các biện pháp trừng phạt các cá nhân và thực thể Mỹ để trả đũa sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành một đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì sự can thiệp của chính quyền nước này đối với nền tự trị của Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ động thái mới nhất của Mỹ và kêu gọi Washington ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước đưa tin.
Luật trừng phạt Trung Quốc được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông vào đêm 30/6, một động thái chính thức kết liễu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa hẹn đảm bảo cho Hồng Kông, khi tiếp quản thành phố này từ Anh Quốc vào ngày 1/7/1997.
Ông Trump nói đã thuyết phục Anh loại Huawei khỏi mạng 5G
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã tác động đến chính phủ Thủ tướng Boris Johnson để cấm Huawei khỏi mạng 5G của Anh, theo bản tin ngày 15/7 của Reuters.
“Chúng tôi đã thuyết phục được nhiều, rất nhiều quốc gia không sử dụng Huawei, chủ yếu tôi đã tự mình làm điều này, vì chúng tôi nghĩ rằng nó gây ra rủi ro bảo mật, đó là một rủi ro bảo mật lớn”, ông Trump nói, trước khi đề cập đến lệnh cấm của Anh.
Chính phủ Anh hôm 14/7 thông báo sẽ cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G, đảo ngược quyết định hồi tháng 1 cho phép công ty công nghệ Trung Quốc tham gia việc xây dựng cơ sở hạ tầng không dây của đất nước nhưng bị giới hạn ở mức 35% và sẽ không được tiếp cận các hệ thống lõi “nhạy cảm”.
New York Times sẽ chuyển 1/3 nhân viên từ Hồng Kông sang Hàn Quốc
Tờ Hong Kong Free Press hôm nay đưa tin, New York Times sẽ chuyển một phần ba nhân viên ở Hồng Kông tới Seoul, Hàn Quốc, vì lo ngại luật an ninh quốc gia và những thách thức trong việc đảm bảo giấy phép tác nghiệp.
“Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hồng Kông tạo ra rất nhiều sự mơ hồ về việc các quy định sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động và nghiệp vụ báo chí của chúng ta”, ban điều hành New York Times viết trong email gửi tới các nhân viên, được đăng trên website của báo hôm nay.
Ban lãnh đạo tờ báo cũng cho biết họ cần lập kế hoạch khẩn cấp và bắt đầu chuyển đội ngũ biên tập viên ra khỏi đặc khu, tới các nước khác trong khu vực.
“Bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động đều có khả năng làm suy yếu hoạt động báo chí của chúng tôi”, ban lãnh đạo New York Times viết.
Dàn xe quân sự xuất hiện, sắp hy sinh Bà Dương để bảo vệ Vũ Hán?
Nhà chức trách nói ít có khả năng Vũ Hán phải chịu một trận lụt lớn nữa trong thời gian tới, nhưng mực nước ở Vũ Hán đang rất cao, người dân hoang mang khi thấy dàn xe quân sự tiến tới hồ Bà Dương.
Miền nam Trung Quốc vẫn tiếp tục mưa bão kéo dài với cường độ mạnh khiến sông hồ ngập lụt. Hồ chứa đập Tam Điệp đã bắt đầu toàn lực xả lũ càng khiến hạ lưu sông Dương Tử ngập nặng hơn. Tình hình hồ Bà Dương ở Giang Tây cũng đang rất nguy cấp. Một video chia sẻ trên mạng cho thấy lượng lớn xe quân sự dừng lại gần hồ Bà Dương. Các cư dân mạng nghi ngờ chính quyền có ý định “hy sinh hồ Bà Dương để bảo vệ Vũ Hán”.
Ngày 13/7, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết, 38 triệu người dân ở 27 tỉnh, thành nước này đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ít nhất 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Bộ Tài nguyên nước và Cục Khí tượng dự đoán rằng mực nước của sông Dương Tử có thể tiếp tục cao trong một khoảng thời gian nữa và mưa lớn sẽ dịch chuyển lên phía bắc của sông Dương Tử. Các khu vực ở trung lưu của sông Hoàng Hà, sông Hoài, Thái Hồ, và các khu vực khác có thể sẽ xảy ra lũ lụt.
Chính quyền Trung Quốc ban đầu thông tin dự đoán lũ sẽ đến Vũ Hán vào đầu giờ sáng ngày 14/7, nhưng truyền thông đã trích dẫn dữ liệu thời gian thực từ Ủy ban bảo tồn nước sông Dương Tử cho biết đỉnh lũ với mực nước 28,77 m ở trung và hạ lưu sông Dương Tử đã đi qua trạm Hán Khẩu, Vũ Hán vào lúc 11 giờ tối ngày 12/7.
Bài báo dẫn lời Mạnh Kiến Quân, Viện trưởng Viện Kế hoạch và Khảo sát lũ lụt đô thị Vũ Hán, nói rằng có rất ít khả năng xảy ra một trận lụt lớn khác trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giới quan sát nghi ngờ rằng kể từ khi đập Tam Hiệp bắt đầu xả lũ, áp lực lũ của Vũ Hán đã tăng lên. Việc xả lũ của hồ chứa Tam Hiệp, mức nước cao của hồ Động Đình và việc xả lũ của hồ Bà Dương ở vùng hạ lưu khiến mực nước Vũ Hán hiện cao thứ tư trong lịch sử thực hiện ghi chép dữ liệu.
Mực nước sông Dương Tử đoạn qua Hán Khẩu, Vũ Hán cao hơn đường ven sông, chòi quan sát sông Nghi Xương đã bị ngập lụt chỉ nhìn thấy đỉnh. Hồ chứa Tam Hiệp phía trên Vũ Hán có thể tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ do mực nước vượt quá mực nước cảnh báo.
Một video trên mạng cho thấy một số lượng lớn xe quân sự dừng ở bên lề đường. Các cư dân mạng Trung Quốc đang lan truyền thuyết âm mưu về việc chính quyền sẽ hy sinh Bà Dương để bảo vệ Vũ Hán, rằng đập hồ Bà Dương có thể sẽ cho đào một lỗ hổng để đặt thuốc nổ. Cư dân mạng cũng cho biết, có ít nhất vài trăm xe quân sự đang hiện diện ở đây.
Hồ Bà Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Ngày 10/7, mực nước hồ đã phá vỡ kỷ lục lịch sử 22,52m vào năm 1998, và hiện vẫn đang dâng cao. Cục phòng chống lũ Giang Tây thông báo đã bước vào “tình trạng chiến tranh”. Mực nước của khu vực Cửu Giang tiếp tục dâng cao. Vào ngày 12/7, Cục kiểm soát lũ của thị trấn Giang Châu, huyện Sài Tang, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây đã đưa ra một thông báo sơ tán cư dân theo từng nhóm do mực nước đoạn Cửu Giang, sông Dương Tử vượt mức bảo đảm 3m và vẫn đang dâng cao.
Bị ảnh hưởng bởi mực nước hồ Bà Dương dâng cao, vào 7h40 tối ngày 12/7, một con đê ở thị trấn Đại Đường Bình, huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây đã bị sập với lỗ hổng rộng hơn 100m. Một quan chức của Trụ sở phòng chống lụt bão và hạn hán ở huyện Vĩnh Tu cho biết, khu vực đê vỡ làm ảnh hưởng tới 50.300 mẫu (khoảng 3.353 ha) đất canh tác, với hơn 26.000 người dân.
Các làng mạc và thị trấn ở lưu vực sông Dương Tử bị ngập úng, áp lực kiểm soát lũ ở hồ Bà dương rất lớn, dự kiến sẽ có lũ to. Ngoại trừ ảnh hưởng từ mưa lớn, trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, một số cư dân mạng đổ lỗi hiện tượng lũ lụt tràn lan ở lưu vực sông Dương Tử là do đập Tam Hiệp.
Một số cư dân mạng chế giễu: “Khi hạ lưu bị hạn hán thì nó trữ nước; khi hạ lưu bị ngập thì nó xả lũ”; “Đập Tam Hiệp đổ 53.000 tấn nước mỗi giây tương đương với việc trút 302,3 Tây Hồ ra hạ lưu”. “Chỉ biết xây dựng đập chứa, các người chính là mưu sát. Trả lại những con sông, hồ nước đầy thì sẽ không còn lũ lụt nữa…”; “Đập lớn phóng nước, hạ lưu chịu hại, không xả thì thượng lưu lại bị hại”.