- Xuân Thành
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Tư (15/7) nói rằng Washington sẽ ủng hộ các quốc gia khẳng định Trung Quốc đã đang vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ trên Biển Đông. Nhưng ông Pompeo cũng đề nghị rằng Mỹ sẽ ủng hộ các nước thông qua ngoại giao thay vì các biện pháp quân sự.
Trao đổi với phóng viên trong cuộc họp báo hôm 15/7, Ngoại trưởng Pompeo cho hay: “Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các nước trên thế giới thừa nhận Trung Quốc đã đang vi phạm các tuyên bố lãnh thổ hợp pháp của họ, cũng như các tuyên bố về [chủ quyền] hàng hải”.
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ sự trợ giúp mà chúng tôi có thể, hoặc là thông qua các tổ chức đa phương, hoặc thông qua ASEAN, hoặc thông qua các phản ứng hợp pháp, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ mà chúng tôi có thể”, ông Pompeo nói.
Trước đó, hôm thứ Hai (13/7), Mỹ đã chính thức phát đi tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông.
“Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Tuyên bố nêu trên là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đưa ra lập trường rõ ràng rằng những yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông, nơi các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Phản ứng với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Ba (14/7) nói rằng tuyên bố của Mỹ là “không có cơ sở” và đó là nỗ lực của Washington nhằm gieo rắc bất đồng giữa Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á.
“Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu trở thành một đế chế hàng hải. Trung Quốc đối xử với các nước láng giềng trên cơ sở bình đẳng và thực hiện kiềm chế tối đa”, ông Triệu nói.
Ông Triệu cho biết thêm rằng Mỹ thường xuyên điều động các tàu chiến hiện đại và máy bay quân sự tới Biển Đông. Đây là hành động quân sự hóa khu vực này.
Sau tuyên bố bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông của Mỹ, các nước Đông Nam Á đã đưa ra phản ứng khá thận trọng.
Theo The Straits Times, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque hôm 14/7 nói với báo giới rằng: “Các siêu cường, khi họ leo thang căng thẳng với đối thủ của họ, thì họ sẽ ve vãn chúng tôi đứng về phe họ. Nhưng chúng tôi sẽ thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình”.
Ông Roque cho biết mặc dù Philippines đồng ý với phán quyết 2016 của tòa trọng tài quốc tế chống lại Trung Quốc, nhưng “đây không phải là toàn bộ mối quan hệ của chúng tôi”.
“Chúng tôi sẽ phải chấp nhận sự bất đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ song phương với Trung Quốc”, ông Roque nói.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines khẳng định rằng Manila không muốn đảo lộn tình hình hiện nay và muốn theo đuổi chấm dứt tranh chấp với trung Quốc thông qua các thể chế như ASEAN và các cơ chế như “bộ quy tắc ứng xử” về giải quyết các bất đồng trên biển.
Giám đốc Ngeow Chow-Bing của Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaysia nói với The Straits Times rằng Malaysia có lẽ cũng sẽ không “trở nên quá sốt sắng tiếp tục đẩy mạnh đối đầu với Trung Quốc”.
Indonesia, không phải là bên tranh chấp trực tiếp nhưng đã từng xung đột với Trung Quốc về quyền đánh cá quanh đảo Natuna, nói rằng họ giữ lập trường “kiên định và nhất quán”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho hay: “Bất cứ sự ủng hộ của nước nào đối với quyền của Indonesia liên quan tới vùng biển quanh Natuna là bình thường, vì lập trường của chúng tôi là dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng hôm 15/7 đã nói rằng Việt Nam hoan nghênh mọi quan điểm về Biển Đông mà phù hợp với luật quốc tế.
“Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Biển Đông là khát vọng và mục tiêu chung của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế”, Reuters dẫn lời bà Hằng.
Xuân Thành