Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước làm công cụ cưỡng chiếm Biển Đông

Tâm Tuệ

Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

 Mỹ cáo buộc Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước làm công cụ thực thi yêu sách ‘đường lưỡi bò’ nhằm cưỡng chiếm Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh không có chủ quyền.

David Stilwell – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Thái Bình Dương đưa ra cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc làm công cụ cưỡng chế kinh tế và lạm dụng quốc tế – ông David Stilwell phát biểu trong một cuộc hội thảo mới đây ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), truyền thông trong nước đưa tin.

Ông David Stilwell cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được sử dụng để nạo vét, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, để từ đó Bắc Kinh xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chỉ rõ, Tập đoàn Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc (CCCC) – một trong doanh nghiệp nhà nước về cơ sở hạ tầng hàng đầu của Trung Quốc hoạt động trên toàn thế giới, đi đầu trong việc nạo vét, bồi đắp các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, gây tàn phá khủng khiếp đối với môi trường biển và sự ổn định khu vực.

“Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được sử dụng rầm rộ để thực thi yêu sách đường 9 đoạn phi pháp của Bắc Kinh. Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan HD-981 vào quần đảo Hoàng Sa năm 2014 để đe doạ Việt Nam” – ông Stilwell nói. 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấm mạnh vùng biển của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc không có quyền. Tuy nhiên, “các đội tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông thường hoạt động như lực lượng dân quân biển dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, quấy rối và đe dọa các tàu khác như một công cụ cưỡng chế bạo lực của nhà nước”.

Ông David Stilwell cho hay: “Các doanh nghiệp nhà nước này là những công cụ lạm dụng của Trung Quốc và chúng ta cần làm rõ hành vi không đúng đắn của họ. Chúng ta cũng nên đưa ra ánh sáng cách thức những công ty này hoạt động trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Đông Nam Á và Mỹ. Trong tất cả các xã hội của chúng ta, người dân xứng đáng được biết sự khác biệt giữa các doanh nghiệp thương mại và các công cụ của thế lực ngoại bang”.

Chính quyền Trump đang có những lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh trên mọi phương diện kinh tế, nhân quyền. Lập trường này được thể hiện rất rõ ràng trong các vấn đề chính trị và an ninh quốc tế (Hongkong, Đài Loan, Biển Đông).

Hôm 14/7 vừa qua, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á cảnh báo rằng Washington có thể áp đặt cấm vận và trừng phạt các quan chức hay doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến các hành động sử dụng vũ lực ở Biển Đông sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuy nhiên, với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’, Trung Quốc tiếp tục xúc phạm Mỹ khi tuyên bố “không sợ bất kỳ lệnh trừng phạt nào” mà Hoa Kỳ có thể áp đặt vì tình hình ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Washington “kích động và gây bất ổn” cho khu vực.

“Hoa Kỳ nên suy nghĩ cẩn thận về chính sách của mình. Còn nói về biện pháp trừng phạt, Trung Quốc không sợ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Nếu Mỹ muốn khuấy động rắc rối thì hãy để bão tố nổi lên mạnh hơn nữa”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo hôm 15/7.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ không đi xa hơn nữa trên “con đường sai lầm”.

Related posts