Tâm Thanh
Sau những ngày mưa lớn kéo dài cộng thêm việc xả lũ từ sông Dương Tử, hồ Sào, tỉnh An Huy và sông Trừ – một nhánh sông cấp 1 của sông Dương Tử tiếp tục vượt qua mực nước cao nhất trong lịch sử, theo Epoch Times.
Cửa xả lũ đã được mở ở nhiều nơi trong lưu vực hồ Sào khiến nhiều thị trấn gần đó như thị trấn Chá Cao, thị trấn Hòe Lâm, thị trấn Cao Lâm, hồ Hoàn đều bị ngập lụt. Lũ lụt dâng cao nhấn chìm tầng 1 của tòa nhà. Nhiều cửa hàng không kịp thu dọn và phải chịu tổn thất nặng nề.
Lúc 10h24 sáng ngày 21/7, mực nước của trạm Miếu trong hồ Sào đã lên tới 13,36m, vượt quá mực nước được ghi nhận trong lịch sử.
Nước lũ trong cửa hàng sâu tới 2m
Ông Lưu, chủ một cửa hàng bán đồ đông lạnh, ngũ cốc, dầu và các loại gia vị ở thị trấn Chá Cao tiết lộ với Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, chính quyền đã giải phóng lũ vào rạng sáng ngày 19, người dân không hề nhận được bất kỳ thông báo nào. Nếu như có thông báo thì họ đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy.
“Toàn bộ thị trấn của chúng tôi hiện đang bị ngập lụt. Những vật dụng cơ bản không thể mang ra ngoài, về cơ bản mọi thứ chưa được sơ tán. Nước lũ đến và dâng nhanh khiến chúng tôi muốn di chuyển đồ đạc đi nơi khác cũng không kịp”.
Ông Lưu nói rằng, thời điểm nước ngập trong cửa hàng của ông sâu nhất lên tới 2m và ông không thể vào trong. Đến ngày 23, mực nước đã rút nhưng vẫn cao ngang ngực. Lúc đó, họ mới chèo thuyền vào và chuyển một số hàng hóa ra ngoài.
“Hiện tại ước tính tổn thất ít nhất là 100.000 nhân dân tệ (tương đương 330 triệu vnd), như vậy với tôi vẫn là còn khá nhỏ. Có một ông chủ chuyên lắp đặt các thiết bị đã bị mất gần 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 16 tỷ 505 triệu vnd) và tất cả các vật liệu đều bị ngâm trong nước”.
Chính quyền xả lũ không thông báo, người dân rút lui không kịp
Ông Lưu cho biết, ban đầu không ai thông báo cho người dân rằng đó là một trận xả lũ. “Tôi nghĩ rằng đó chỉ là lụt lội bình thường. Tôi đã kê mọi thứ lên cái ghế cao trong nhà. Khi tôi vừa kê xong, thì nước lũ đã vào đến cửa tiệm. Tôi chạy ra bờ sông để xem, mực nước trên sông cao hơn 0,5m so với mức nước chảy vào thị trấn. Tôi vội trở lại cửa hàng để lấy những thứ đồ quan trọng mang đi nhưng đã không còn kịp nữa”.
Trương Ngọc (bút danh), một nữ dân làng khác ở thị trấn Chá Cao nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung: Chính quyền đã mở cổng xả lũ mà không hề thông báo gì cho người dân. Đến ngày 22/7, nước đã ngập sâu đến 3m, nhấn chìm tầng 1.
“Nước sâu đến chân vào buổi sáng ngày 19, đến thắt lưng vào tầm trưa và khi tôi thức dậy vào ngày hôm sau, nước đã lên cao đến đầu người”, Trương Ngọc nói.
“Tầng 1 ngôi nhà của tôi về cơ bản đã biến mất. Có rất nhiều cửa hàng trong thị trấn bị ngập lụt. Bây giờ quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản bị tổn thất nặng nề nhưng cũng phải chịu”.
Trương Ngọc nói rằng nhiều nơi trong thành phố Sào Hồ, kể cả các nhà máy đều đã bị ngập lụt. Bây giờ, mọi người phải tranh giành nước suối để uống.
Ông Lưu chia sẻ, ông có một người bạn: “Ngôi nhà của anh ấy ở nơi địa thế thấp, lúc nửa đêm khi đang ngủ ngon giấc, nước lũ ập tới, anh ấy mặc quần áo, xỏ vội đôi dép và chạy nhanh ra ngoài. Nước lũ sâu nhất ngập tới tận nóc của tầng trệt”.
Dân làng ban đầu dự đoán nước này sẽ rút trong vòng nửa tháng. Giả như nước thực sự rút được sau nửa tháng, thì việc dọn dẹp, sửa sang cửa hàng cũng phải mất 1 đến 2 tháng mới có thể khôi phục.
Ông Lưu bày tỏ, người dân bây giờ đang phải tự tìm nơi ở, chính phủ không quan tâm đến hậu quả trận lũ. Có những người dân sống ở tầng trên của căn nhà bị ngập tầng 1, không có điện, không có nước. Nếu như muốn ăn thì phải thuê thuyền để chèo ra ngoài hoặc có thể tìm người giao đồ ăn đến.
“Gia đình tôi có rất nhiều anh chị em, vì vậy tôi không thể đi chỗ khác ở. Hầu hết mọi người đều tự cứu mình và chỉ khi không còn khả năng tự cứu, họ mới gọi điện tới chính phủ”. Ông Lưu nói.
Người dân đòi chính phủ một lời giải thích
Ông Lưu tin rằng các yêu cầu của dân làng trên thực tế rất đơn giản. “Hãy thông báo cho chúng tôi trước khi các vị xả lũ. Như vậy, chúng tôi có thể có thời gian để xử lý kịp thời. Ít nhất thì cũng có thể cứu vãn được 80-90% tổn thất”.
Ông Lưu nói rằng thị trấn của ông bị ngập lụt tới 60 đến 70%. Ba siêu thị lớn ở khu vực thịnh vượng nhất của trung tâm thị trấn đều bị ngập trong nước. Người bạn của ông đến từ Vũ Hán, gia đình có 5 người, sau nhiều năm làm lụng vất vả thì giờ đây đã bị mất trắng sau trận lũ.
Bây giờ mọi người đã kiệt sức vì quá mệt mỏi, đến nỗi không còn chút sức lực nào để đi đòi chính phủ bồi thường. Tuy nhiên, sau khi sự việc này kết thúc, những thương nhân này sẽ đi tìm chính quyền đòi một lời giải thích thỏa đáng. “Nào là đại gia hay tiểu gia, thì ít ra phải thông báo trước cho chúng tôi một tiếng trước khi hành động xả lũ chứ”.
Theo Tôn Vân, Epoch Times
Tâm Thanh biên dịch