Dương Tự Lập
25-7-2020
Khi thế hệ tôi ra đời, cũng là lúc ông cố thủ tướng Phạm Văn Đồng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vừa dâng Công Hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 cho Trung Cộng.
Công Hàm này trả lời đồng ý với Công Hàm của phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố, do cố Thủ tướng đương nhiệm khi đó là Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai, gửi Việt Nam trước đó mười ngày, vào ngày 4/9/1958, về vấn đề chủ quyền 12 hải lý, thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc ngoài biển Đông. Vùng biển có chung với nhiều nước Đông Nam Á.
Suốt thời đi học hết cấp phổ thông, khi vào môn học địa lý, chúng tôi không hề được nghe thầy cô giáo nào giảng dạy hay nói gì về đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài biển Đông của quê hương Việt Nam mình. Mà trong sách học cũng không thấy viết về những đảo đó.
Tôi nhớ khoảng năm 1974-1975, trong sách địa lý cấp III mới, có in bài nói về những đảo này nhưng với tên gọi đã được phiên âm khác đi, lại nói là của Trung Quốc. Sách giáo khoa của Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in thế này: “Chuỗi đảo từ Nam Sa và Tây Sa đến Hải Nam, Đài Loan, Bành Hồ, Chu San tạo thành hình giống như một cây cung và cấu thành nên bức tường vĩ đại bao quanh lục địa Trung Hoa“.
Thậm chí năm 1974, khi Trung Quốc cướp mất Hoàng Sa từ tay những người lính Việt Nam Cộng hòa, người dân cũng chẳng được biết. Rồi đến năm 1988 bọn Trung Quốc cướp trắng bãi Gạc Ma cũng có người dân nào được biết đâu. Mãi sau này mới biết Nam Sa (Nansha) ta gọi là Trường Sa, Tây Sa (Xisha) là Hoàng Sa.
Sự thật chỉ vào khoảng hơn mười năm trở lại đây vấn đề biển đảo giữa ta và Tàu ngày càng nóng lên bởi bọn giặc Trung Quốc gây hấn, leo thang, lấn chiếm mở rộng, lộng hành tác oai tác quái, tự ra luật lệ cấm đoán ngang ngược ngoài biển Đông. Chúng cắt cáp, đâm chìm Tàu, cướp bóc, bắn giết ngư dân. Các hợp đồng khai thác dầu khí với đối tác của Việt Nam bị nghiêm cấm, có hợp đồng đã ký đành phải bỏ dở gây thiệt hại lên đến nhiều tỷ USD. Chúng coi thường tiếng nói của Bộ Ngoại giao, coi khinh lãnh đạo chóp bu Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân nước Việt căm phẫn thấy bị tổn thương xúc phạm nặng nề.
Trước nguy cơ nước mất, nhà tan, người dân từ Bắc chí Nam cùng xuống đường biểu tình, phản đối giặc Trung Quốc. Thế nhưng, hành động yêu nước của họ đã bị liệt vào “thế lực thù địch”, những kẻ phản động, hành vi phản quốc. Bọn công an, côn đồ đã đàn áp, đánh đập nhiều người một cách dã man tàn bạo, những chiếc giầy đế cứng đạp thẳng vào mặt, những cú đấm, roi điện quật thẳng vào đầu, có người được đưa vào viện thì chết, có người bị thương tật tàn phế cả đời.
Cũng may, gần hai mươi năm nay nhờ có hệ thống Internet nên giới cầm quyền lãnh đạo không thể bưng bít, bịp bợm được dân ta, chứ nếu không thì những Vân Đồn (Quảng Ninh) Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) Phú Quốc (Kiên Giang) đã rơi vào tay bọn Trung Quốc cả rồi.
Đại họa mất nước không thể tránh khỏi. Tháng 7 năm 2011 báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên tiếng phản bác hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền mới có một tờ báo chính thống dám ra mặt phản đối.
Hai mươi lăm năm trước, khi có dịp đi qua các nước như Pháp, Hà Lan, Ý, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Tôi thường hay nhờ người quen đưa vào các thư viện lớn để tìm xem những quyển sách hội họa tôi cần, những cuốn từ điển Bách khoa toàn thư (Encyclopaedia) để tra cứu, bổ sung thêm một số sự kiện trong công việc đang làm của mình.
Tôi thấy có cuốn từ điển trước năm 1975. Sở dĩ tôi nói trước năm 1975 là vì ở nước ngoài những cuốn Bách khoa toàn thư này cứ vài ba năm người ta lại tái bản và bổ sung thêm vào sách các nhân vật, sự kiện nổi tiếng mới của thế giới xảy ra nên nó có rất nhiều tập dầy đồ sộ. Sau này khi chính thức định cư ở Đức, tôi có vài lần tới thư viện lớn nhất của thành phố Munich, nằm ở 16 Ludwig Straß, cũng tìm thấy cuốn Bách khoa toàn thư, tiếng Đức gọi (Lexikon). Cuốn trước năm 1975 này có in và nói giống như các cuốn tôi đã thấy ở các nước tôi qua.
Năm 1954, ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc. Ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống nước Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Bắc Việt và Nam Việt (North Vietnam – South Vietnam) đều có cờ của hai quốc gia, tương tự như Bắc Hàn và Nam Hàn, hay Đông Đức và Tây Đức.
Thực tế, khi đó nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận sự tồn tại song song của hai tiếng nói Bắc Việt và Nam Việt. Ở mục biển đảo thì vùng biển Đông ghi: South China Sea có nghĩa là vùng biển Nam Trung Quốc, không thấy ghi đảo. Chỉ có những cuốn sách sau năm 1975 in hình bản đồ thế giới có ghi chú thêm Paracel Islands South China Sea mà dịch ra là đảo Hoàng Sa nằm ở biển Nam Trung Quốc. Nói như vậy cũng chưa chính xác bởi vì vùng biển này ngoài Trung Quốc, Việt Nam, còn có các nước Đông Nam Á khác như Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei…
Khi Hiệp định Genève (Thụy Sĩ) năm 1954 chia cắt Việt Nam thành hai quốc gia riêng biệt, lấy danh giới từ vĩ tuyến 17, thì rõ ràng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc phía Việt Nam Cộng hòa quản lý, trên thực tế họ vẫn trấn giữ tới năm 1974 thì bị Tàu cộng cướp mất. Vậy hà cớ gì ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý cái không phải của mình, đem dâng cho kẻ khác?
Như vậy đây là một chuyện phi lý, không thể chấp nhận bởi thằng xin là một thằng xin đểu (Trung Quốc), còn kẻ cho là một kẻ gian tà (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Chẳng trách một chuyện quốc gia đại sự như vậy mà chỉ sau mười ngày đã đồng ý gật đầu cho giặc.
Mặc dù Công hàm phía Trung Quốc ra điều kiện mười hai hải lý nghe tưởng đơn giản, nhưng trong đó cái không đơn giản là nó có ghi tên các hòn đảo lẫn lộn tiếng Hán-Việt, tiếng Anh, phiên âm lằng nhà lằng nhằng, rối tinh rối mù, chỉ nhằm mục đích ngụy tạo, lừa đảo đối phương như Penghu (Bành Hồ), Dongsha (Đông Sa), Xisha (Tây Sa), Zhongsha (Trung Sa), Nansha (Nam Sa)… Lẽ nào đầu mấy ông Cộng sản Bắc Việt nhà ta thời đó khi đọc bức Công hàm của Trung Quốc ra điều kiện lại ngu muội thế sao? Các ông ấy rất thông chữ Hán thì làm sao mà bị lừa được?
Tôi muốn nêu lên ở đây một bằng chứng mà ai cũng thấy rõ là ông Hồ chủ tịch từng viết cuốn thơ: Nhật Ký Trong Tù (Ngục Trung Nhật Ký) hoàn toàn bằng chữ Hán. Thậm chí khi ra tù ông vẫn có những bài thơ, câu thơ trong đó nếu giấu tên ông thì ta cứ ngỡ thơ của các nhà thơ Trung Hoa cổ: “Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh / Dao vọng Nam thiên ức cố nhân – Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong / Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai“.
Các hình ảnh tư liệu lưu giữ về ông Mao khi tiếp kiến với ông Hồ tại Bắc Kinh đều không cần thông qua phiên dịch. Thế hệ đàn em ông Hồ như cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở Mật ước Thành Đô – Trung Quốc 1990 trở về nước còn cảm khái được mấy câu thơ chữ Hán: “Huynh đệ chi giao sổ đại truyền / Oán hận khuynh khắc hóa vân yên / Tái tương phùng thời tiếu nhan triển / Thiên niên tình nghị hựu trùng kiến“. Dịch: “Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ / Oán hận trong khoảnh khắc đã biến thành mây khói / Khi gặp lại nhau cười rạng rỡ / Tình nghĩa ngàn năm lại dựng xây“.
Đoạn thơ này rút trong Hồi ký của Trương Đức Duy, cựu Đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Duy chính là kẻ đi đêm, môi giới cho tướng độc nhãn Lê Đức Anh, dẫn đến gian manh Thành Đô – Trung Quốc. Chứng tỏ thế hệ đi theo ông Hồ là thế hệ thân Hán và am tường chữ Hán. Không vì lý do gì mà không am hiểu bức Công hàm ma quỷ của giặc Tàu yêu cầu. Đặt trường hợp bí bách nhất các ông vẫn có thể cho gọi được phiên dịch tới làm rõ nội dung bức Công hàm trước khi ký.
Vấn đề ta hiểu ở đây mục tiêu lẫn ý tưởng của mấy ông chóp bu Cộng sản nhà ta lúc đó chỉ tập chung vào việc lật đổ Quốc gia Việt Nam Cộng hòa của chế độ Ngô Đình Diệm và đánh đuổi đế quốc Mỹ “xâm lược” tiếp theo. Chuyện biển đảo chỉ là vặt vãnh, hơn nữa giới lãnh đạo nước Việt khi ấy rất tin tưởng tuyệt đối vào lòng hảo tâm hữu nghị của người anh cả Trung Quốc.
Từ ông Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân; tới ông Lê Đức Thọ, trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Từ Chủ tịch nước Trường Chinh, đến Tổng Bí thư Lê Duẩn, đi tới đâu nói chuyện cũng vui mừng giáo huấn một điều rằng nước bạn vĩ đại Trung Hoa lấy được đảo Hoàng Sa của “bọn ngụy quân ngụy quyền” Sài Gòn, sau này họ sẽ trao trả lại cho chúng ta, ta cứ yên tâm như thế đi. Nhiều ngàn năm chứ không phải nhiều trăm năm, nước Việt triền miên bị bọn giặc Trung Quốc chơi cho sát ván nhưng chỉ đến thế hệ Cộng sản của ông Hồ Chí Minh dựng lên, mới cứ u u mê mê bọn Bắc Kinh như những con nghiện thuốc phiện.
Trong các sách học phổ thông của Trung Quốc từ xưa tới nay học sinh đều được giảng dạy về hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc cho trò học rất đỗi tự hào, thì ở Việt Nam việc đó lại quá mờ nhạt trong trường học. Tôi biết, bởi tôi làm cùng với thằng bạn người Tàu Quách Gia Lưu hơn tôi hai tuổi. Hồi mới chơi, khi tranh luận chuyện biển đảo thuộc Việt Nam, hai đứa suýt choảng nhau, không ngờ cái máu dân tộc đại Hán trong nó mà ghê đến vậy. Nó thường kể về tuổi thơ của nó mà tôi nghe cứ như tuổi thơ của tôi. Nó kể chuyện đất nước nó mà tôi nghe cứ như chuyện đất nước mình.
Có lần, Quách Gia Lưu hát bài hát tiếng Trung: Bài ca hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận “Việt Nam Trung Hoa / Núi liền núi, sông liền sông / Chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông” rồi hỏi lại tôi: Mày có biết bài này không? Tôi lắc đầu. Nó cười bảo tôi nói dối. Những bài viết của chúng mày ngợi ca đất nước Trung Hoa của bọn tao đều được nước tao dịch ra tiếng Anh để cho thế giới biết rằng chính phủ nước tao đối xử với chính phủ nước Việt Nam mày tốt đẹp đến chừng nào, thì người dân chúng mày mới ca ngợi chúng tao hết lời đến như vây. Tôi càng hiểu thêm dã tâm thâm độc của giặc Tàu mà không lúc nào bọn chúng không nghĩ đến chuyện ăn sống nuốt tươi nước Việt của ta.
Thời Cộng sản Việt Nam thật lạ lùng, cứ hễ bất kỳ chuyện tày trời xảy ra đều né tránh nói tên lãnh tụ Hồ chủ tịch trong đó, như vụ Cải cách ruộng đất năm 1953, họ đem bà Nguyễn Thị Năm, người phụ nữ đầu tiên ra giết hại tàn bạo. Bà là người nhân hậu, mang tiếng địa chủ nhưng có nhiều đóng góp lớn lao cho Cộng sản Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa. Hay vụ án Văn học Nhân văn – Giai phẩm 1958. Vụ án Xét lại chống Đảng 1967… cũng vậy.
Khi ông thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm trả lời Chu Ân Lai năm 1958 thì ta hiểu ông Hồ còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Mỗi độ xuân về ông vẫn làm thơ chúc tết đồng bào miền Bắc tới năm 1969. Ông Đồng không thể tự quyền làm được chuyện này. Ở đây ta còn hiểu thế hệ ông Đồng là thế hệ trực tiếp do chính ông Hồ đào tạo mà ông Đồng đặc biệt hơn những kẻ khác ở chỗ, ông luôn là người được ông Hồ tin cậy, gần gũi. Kể cả khi đi dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp năm 1946, ông Hồ cũng cho ông Đồng theo hầu.
Thời ông Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng cũng vậy. Vụ ký cho thành lập nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tàn phá hủy hoại môi trường miền Trung; vụ cướp đất của dân Thủ Thiêm – Sài Gòn kéo dài hàng chục năm; vụ công an tấn công trấn áp cướp đất dân Đồng Tâm – Hà Nội, bắn chết đồng chí Đảng viên lão thành cách mạng Lê Đình Kình… Nhưng trên hết là biên giới phía Bắc nước Việt, tới các hòn đảo lớn nhỏ ngoài biển Đông, hay Bãi Tư Chính những năm sau này cứ ngày một mất dần vào tay bọn cướp Bắc Kinh mà vẫn phải nín im thin thít… lỗi đều đẩy cho kẻ khác, chứ ông Trọng thì vô can.
Nước Mỹ lúc xảy ra vụ khủng bố Al – Qaeda đánh sập tòa nhà tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới năm 2001 tại New York. Ngay sau vụ việc, dân biểu Mỹ đòi Tổng thống đương nhiệm George W. Bush phải ra điều trần trước Quốc hội và người dân Mỹ, chứ không được đùn đẩy cho ai, kể cả không được đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng Donald Henry Rumsfeld dưới thời ông Bush khi đó.
Năm 1958, khi ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Công hàm đồng ý với Công hàm phía Trung Quốc trao. Trên ông còn có ông Hồ Chủ tịch, thế thì dân cứ xúm vào chửi rủa ông Đồng là sao: Cũng như ngày nay vụ Formosa – Hà Tĩnh gây ô nhiễm khí hậu cùng cá chết suốt các tỉnh vùng biển miền Trung, dân chỉ biết nguyền rủa Võ Kim Cự, nhưng nếu không có sự đồng ý của các lãnh đạo cấp cao hơn, liệu Cự có rước Formosa vào được không?
Công hàm của ông cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý với yêu sách Trung Quốc đưa ra, là vô cùng phi lý mà ai cũng thấy. Đủ tư cách pháp lý nói chuyện này lúc đó chỉ duy nhất thuộc quyền của quốc gia Việt Nam Cộng hòa mà thôi. Nhưng ngay sau khi có chữ ký xác nhận của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập tức phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lưu giữ, sao chụp, gửi lên Liên Hiệp quốc như một bằng chứng hùng hồn và họ luôn lặp đi lặp lại Công hàm này mỗi dịp có cơ hội đứng trên các diễn đàn quốc tế suốt 60 năm qua. Nhất là những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với Việt Nam hoặc Việt Nam trở mặt, ăn cháo đá bát với người anh cầm lái vĩ đại phương Bắc.
Trong khi đó phía đảng Cộng sản Việt Nam viện cớ đưa ra những lời nói suông đối với người dân Việt, lý lẽ yếu ớt không thể chấp nhận, rằng đây là bức Công hàm vô giá trị, nó chỉ có tính chất ngoại giao chứ không có giá trị pháp lý. Rằng ta chỉ chấp nhận mười hai hải lý chứ không có Hoàng Sa, Trường Sa nào trong đấy, rằng khi đó ta chủ trương thống nhất đất nước nên lùi bước tạm ký cho yên chuyện để sau này tính tiếp. Rằng lịch sử Việt Nam thời nhà Lê thế kỷ 15 đã có ghi chép về hai quần đảo này. Đến thời vua Gia Long cũng đã chính thức thu nhận quần đảo Hoàng Sa, vào năm 1816, khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Đông Dương…
Còn ở tại các diễn đàn Quốc tế thế giới hay Hội nghị Thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương, như hội nghị cấp cao an ninh châu Á – Đối thoại Shangri La ở Singapore, phía Việt Nam ngồi im thin thít mỗi khi phía Trung Quốc hay nước nào đó nhắc tới tình hình biển Đông. Hoặc phía Việt Nam lên phát biểu cũng tránh không dám nói đến tên Trung Quốc. Hay các cuộc họp giữa hai nước Việt – Trung, dù song phương hay đa phương, phía Trung Quốc nói thẳng Hoàng Sa là của họ thì các tướng lĩnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng ngồi câm họng, kết thúc hội họp còn vỗ tay ầm ầm.
Những năm tháng này, nước Mỹ và châu Âu, hàng loạt các trường đại học trên thế giới, hay tại Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Bỉ… đã cấm mở thêm và bắt đóng cửa các Viện Khổng Tử đã mở, vì họ phát hiện ra mưu đồ chính trị của Trung Quốc sẽ dùng thế hệ trẻ can dự vào chính trường các nước sở tại. Đại dịch cúm virus corona bùng phát từ ổ bệnh Vũ Hán – Trung Quốc đầu năm 2020 gây cho thế giới thiệt hại về người và của. Cả thế giới căm phẫn, tẩy chay Trung Cộng.
Đảng CSVN đã sợ hãi, im tiếng sáu mươi năm qua. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho họ sám hối trước cha ông, tổ tiên và dân tộc mình. Cơ hội đưa bọn Cộng sản Trung Quốc ra tòa án Quốc tế về tranh chấp biển đảo, rạch ròi về bức Công hàm phi lý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải được quyết định, phân giải rõ ràng. Người ta không thể cho ai cái gì khi mà cái đó không phải của mình, càng không thể cho ai khi mà cái đó không có trong tay mình, thuộc quyền mình.
Nếu thực sự như Đảng Cộng sản Việt Nam tự sướng huênh hoang tuyên bố “có đầy đủ cơ sở pháp lý chủ quyền” thì hà cớ gì phải sợ, hà cớ gì không phanh phui trước công luận và nhân dân thế giới về hành động ăn cướp la làng của bè lũ Bành trướng Bắc Kinh? Dẫu biết nếu xảy ra chiến tranh dù phe nào thắng lợi thì kẻ thiệt hại mất mát lớn nhất vẫn là nhân dân. Song đối với bọn cướp nước Trung Cộng, nhân dân Việt Nam quyết không sợ như chưa hề sợ hãi hơn bốn ngàn năm chứ không phải bây giờ.
Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam hèn hạ, luôn tìm cách tranh giành quyền lực, chém giết nội bộ, đàn áp, cướp bóc dân lành, né tránh viện hết cớ này, lấy lý do kia để bao biện sự đốn mạt của mình. Lịch sử giữ nước của ông cha chưa có thời kỳ nào nhục nhã làm mất nhiều đất đai biển đảo vào tay Trung Quốc như thời Cộng sản nắm quyền. Dân Việt đã nghe quá nhàm tai hàng chục năm nay những từ ngữ cũ rích lặp đi lặp lại mà đài báo Đảng, cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam lải nhải:
– Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
– Việt Nam phản đối Trung Quốc về yêu sách biển Đông.
– Việt Nam lấy làm quan ngại trước tình hình diễn biến ngày một phức tạp tại biển Đông.
– Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối Tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam.
– Trung Quốc nên tôn trọng Công ước về Luật biển Quốc tế năm 1982…
Suốt ngày đảng Cộng sản Việt Nam chỉ dám lèm bèm ở trong nước, chứ ngoài nước, đố dám động đến Trung Quốc. Chẳng thế, trong đất liền, từ Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam hết tháng này đến năm khác, từng đoàn lũ lượt kéo nhau sang thăm viếng Bắc Kinh, ngược lại trên biên giới và ngoài biển Đông bọn Trung Cộng dùng chiến thuật bóc lá cải, cứ từ từ bóc dần bóc dần, gặm nhấm từng nắm đất hòn đá. Tình hữu nghị kiểu trò hề ma bùn ma mãnh, chó vờn chuột này thì trên thế giới chắc chỉ có hai quốc gia Cộng sản Trung – Việt mà thôi.
Thời gian mấy năm trở lại đây có một số phần tử phản động, thế lực thù địch, trong cũng như ngoài nước với ý đồ gian manh, đổi chữ Công hàm Phạm Văn Đồng thành chữ Công thư nghe cho nhẹ tội hơn. Người ta phát hiện ra chữ Công thư đầu tiên được phun ra từ mồm ông Lê Hải Bình, kẻ phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời báo chí vào tháng 5/2014, đỉnh điểm cả nước xuống đường chống Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ vào hải phận Việt Nam. Chưa biết nhẹ tội ở đâu chứ phá hỏng tiếng Việt thì quá rõ, xảo ngữ tùy tiện, ngôn từ bừa bãi.
Tôi đố ai tìm được chữ “Công thư” trong bất cứ cuốn Từ điển Tiếng Việt nào từ trước tới nay đã được in ấn tái bản phát hành. Với sự hiện đại ngày nay dám đố ai vào Google tra ra được chữ Công thư. Nếu có từ này ở bài viết nào đó thì hẳn cũng phải liệt vào kẻ phá hỏng tiếng Việt, bởi với cái kiểu xỏ lá xỏ xiên như thế thì có lúc bọn chúng ngán gì không sửa đổi, gọi Di chúc Hồ Chủ tịch thành “Chúc thư” ông Hồ.
Tôi còn tìm ra thêm phần tử nỗ lực phá hoại tiếng Việt này chính là tay “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” Hoàng Duy Hùng ở Mỹ, hắn từng là cựu đảng viên Đại Việt Quốc dân đảng, một tổ chức người Việt ở Mỹ, đã bị đảng này sa thải, cùng câu kết với các thành phần bất hảo trong nước để bóp méo từ “Công hàm” nguyên chữ quốc tế “Diplomatic note”. Hắn vỗ ngực xưng danh hắn là luật sư, nhưng chắc hắn khoác áo sư hổ mang hay sư quốc doanh, đã bị đảng CSVN chiêu dụ, dù trước kia hắn từng có lần về nước, mưu đồ lật đổ đảng CSVN nhưng bất thành. Mời xem clip:
Trên thế giới có người lúc sống đã rất nổi tiếng nhưng khi chết lại càng nổi tiếng hơn, đó là John F. Kennedy, vị Tổng thống Mỹ thứ 35, trẻ tuổi nhất trong các đời Tổng thống Mỹ. Ông bị ám sát chết, đã tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực, viết về ông sau này, sau nữa, sau mãi, nhưng không nhục. Còn ở Việt Nam chuyện đó lại rơi vào thân phận ông cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dù ông ta không bị ám sát như Kennedy, nhưng sống nhục, nhục tới hai lần.
Phạm Văn Đồng là một Thủ tướng già cỗi nhất, tai tiếng nhất, tại vị lâu nhất, tới hơn 32 năm. Tháng 9 năm 1958, khi đặt bút ký cam kết đồng ý với Công hàm phía Trung Quốc yêu cầu, đã là một nỗi nhục, mãi đến tháng 9 năm 1990 tức là 32 năm sau, ở tuổi 84, ông còn lọ mọ theo các đàn em Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, vác mặt sang Bắc Kinh nhúng chàm vào Mật ước Thành Đô, thêm một nỗi nhục nữa.
Một Thủ tướng gần kề miệng lỗ mới tự nhận ra mình dại dột (theo Hồi ký của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ). Lần bị lừa sang Thành Đô – Trung Quốc với mong ước cuối đời được diễm phúc gặp mặt “đồng chí” Đặng Tiểu Bình kính mến như lời ông ta nhắn gửi với Đại sứ Trung Cộng Trương Đức Duy trước khi đến với Mật ước Thành Đô, Đặng có hứa cho gặp nhưng sau đó đã khinh thường lánh mặt.
Bức Công hàm mà ông Đồng để lại ngày nay nhục hơn nỗi nhục Cột đồng Mã Viện. Thực hư Cột đồng Mã Viện đã bị nhân dân chôn vùi từ lâu. Và cũng chính những vị vua anh minh đồng cam cộng khổ với nhân dân ta quyết rửa gột nỗi nhục này trên biển Đông bằng những trận chiến oanh liệt: Đằng Giang Tự Cổ Huyết Do Hồng, tức ‘Sông Bạch Đằng thuở trước máu thù còn loang’. Câu đối trên được sứ thần Giang Văn Minh, mấy thế kỷ trước đứng giữa cung đình Trung Hoa quát thẳng vào mặt lũ thiên triều Bắc Kinh, làm ông rơi đầu sau đó nhưng mãi rạng danh trong sử Việt nước nhà.
Nay muốn gột rửa, chôn vùi bức Công hàm của ông cố nội Phạm Văn Đồng, một chiến sĩ trung kiên, một đảng viên ưu tú, một Thủ tướng lẫn lú, thì duy chỉ có Đảng trưởng cùng đảng Cộng sản Việt Nam tâm huyết mới làm được việc này mà thôi và phải làm. Nếu không, sẽ còn tốn kém nhiều giấy mực để thế hệ các đời sau này phỉ bang, nguyền rủa bức Công hàm bán nước phi lý đểu cáng này. Chẳng những bị nguyền rủa mà nó còn là nỗi đau, nỗi nhục nhã nhức nhối đến muôn đời.
_____
Ghi chú: Tám ảnh sau đây được ông Nguyễn Việt Chiến chụp trong Từ điển Lexikon – Đức ở một thư viện bên Đức:
Bình Luận từ Facebook