KỲ THỊ: CHUYỆN DÀI KHÔNG CÓ KẾT CUỘC

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I

Sự kỳ thị xuất hiện ngay từ khi loài người có mặt trên hành tinh này. Đó là phản ứng tự nhiên của con người trước người khác không cùng màu da, trình độ sống, tuổi tác và nam- nữ phái. Sự kỳ thị rất đa dạng. Ta có các dạng kỳ thị thường thấy sau đây:

– Kỳ thị sắc tộc (Đen, Trắng, Đỏ, Vàng, Trắng, mầu cà phê sữa): được tìm thấy khắp nơi trên thế giới. Khi chủ nghĩa đế quốc thịnh hành người Bạch Chủng tự xem mình là sắc tộc thượng đẳng. Nào là mũi cao, góc mặt rộng, trán cao, tai dài và rộng v.v. Ở một tô giới của người Tây Phương ở Shanghai (Thượng Hải) có công viên mang bảng cấm chó và người bản địa vào. Vào thế kỷ XIV nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Simhavarman III). Tức thì trong nước có câu: Tiếc thay cây quế giữa rừng…để cho thằng M…, thằng M…nó leo! Tình duyên giữa công chúa Ngọc Vạn và vua Cambodia Chey Chetta II hay tình duyên giữa công chúa Ngọc Khoa và vua Po- Rome của Chiêm Thành là tình duyên chánh trị như Huyền Trân với Jaya Simhavarman III vậy. Hôn nhân giữa Trịnh Kiểm và Ngọc Bảo, Võ Tánh và Ngọc Du…không phải là hôn nhân cách mạng và bình đẳng giai cấp mà là hôn nhân chánh trị.

– Kỳ thị địa phương và nơi cư trú (Bắc- Nam, Đông- Tây; thị dân và dân nông thôn): Rudyard Kipling cho rằng Đông là Đông, Tây là Tây. Đông và Tây không bao giờ gặp nhau. Mao Zedong (Mao Trạch Đông) cho rằng Đông phương hồng; gió Đông đè bẹp gió Tây. Ngày xưa người Trung Hoa gọi các dân tộc ở phía nam sông Yang Tse Kiang (Dương Tử Giang) là NAM DI và các dân tộc ở phía bắc sông Huang He (Hoàng Hà) là RỢ HỒ. Người Hoa miền Bắc há không kỳ thị người Hoa ở miền Nam tiêu biểu là người Hong Kong, Ma Cao, Guangzhou (Quảng Châu) trong tỉnh Guangdong (Quảng Đông)? Ma Cao và Hong Kong sớm tiếp xúc với văn hóa và kỹ thuật Tây Phương (Bồ Đào Nha, Anh). Guangdong là tỉnh trù phú ở Trung Hoa. Đó là tỉnh sinh quán của Sun Yat Sen (Tôn Dật Tiên), linh hồn của Cách Mạng Tân Hợi, cha đẻ của nền Dân Quốc Trung Hoa với Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) và Quốc Dân Đảng (Kuomintang). Tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam kiêm Chủ Tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng há không tuyên bố người miền Nam không có lý luận chánh trị? Người Pháp há không nói: ‘Paris et le desert’ (Paris và sa mạc). Người Việt Nam há không chế nhạo: “Nhà quê thấy cứt dê hô thuốc tễ?” Napoléon Bonaparte là người đảo Corse. Ông há không bị các bạn đồng khóa chế nhạo vì giọng nói tiếng Pháp nặng giọng Ý của ông?

– Kỳ thị giai cấp: Vào thời phong kiến con cái người xướng ca ở Việt Nam không được tham dự vào các cuộc thi tam trường để cải thiện hoàn cảnh xã hội. Trường hợp Đào Duy Từ là một điển hình. Xướng ca bị đối xử ngang hàng với nô tỳ. Kịch sĩ và soạn giả Molière chết không được chôn trong đất Thánh theo luật pháp thời bấy giờ. Nhờ có sự can thiệp của vua Louis XIV (1638- 1715- vua: 1643- 1715) ông mới được chôn trong đất Thánh nhưng lễ chôn cất cử hành vào ban đêm. Hôn nhân giữa người hoàng tộc hay quí tộc với thứ dân bị ngăn cấm. Từ xưa ở nước ta đã có chuyện truyền khẩu về sự chung sống giữa công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử, con một thuyền chài nghèo đến nỗi không có khố che thân. Mối tình này bị vua Hùng Vương tìm mọi cách phá vỡ dù phải dùng đến những biện pháp thật nhẫn tâm. Xã hội loài người lúc nào cũng có giai cấp. Câu: “Con vua thì lại làm vua” của người Việt Nam nói lên điều đó. Trước cách mạng 1789 những thành phần nằm trong đệ tam giai cấp (Tiers Etats) không được đào luyện để trở thành sĩ quan chỉ huy quân đội. Các chức vụ chỉ huy quân đội đều do con cái các nhà quí tộc nắm giữ.

– Kỳ thị tôn giáo: Rất ít tín đồ Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, Hồi Giáo bỏ đạo hay theo đạo khác khi lập gia đình. Các nước Hồi Giáo cảm thấy không ổn khi sống chung với những người không đồng đạo. Người ta chỉ thấy những làn sóng tín đồ Hồi Giáo xin tỵ nạn ở các quốc gia phi Hồi Giáo chớ không có tín đồ các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Phật Giáo, Ba La Môn đến các nước Hồi Giáo và được sống chung an lành với người Hồi Giáo. Thánh Chiến xảy ra giữa Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo ở đông Địa Trung Hải từ năm 1096 đến 1271. Chiến tranh giữa Thiên Chúa Giáo và Tin Lành Giáo diễn ra ở Âu Châu vào thế kỷ XVI, XVII. Tín đồ Tin Lành Pháp trải qua cuộc thảm sát kinh hồn trong đêm St Barthelemy (1572). Vua Bảo Đại theo Khổng Giáo. Bà Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào hay Nguyễn Hữu Thị Lan là tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành. Khi cưới bà vua Bảo Đại vẫn giữ đạo của mình vì ông là Vua! Nhưng các con của ông với Nam Phương Hoàng Hậu đều theo đạo Thiên Chúa. Trường hợp thái tử Akihito (vị Nhật hoàng vừa thoái vị- 1989- 2019) giống với vua Bảo Đại ở phần đầu và khác biệt hoàn toàn ở phần sau.

– Kỳ thị Giàu- Nghèo, kỳ thị về trình độ học vấn: Đó là những phản ứng tâm lý rất tự nhiên trong xã hội loài người. Câu: Môn đăng hộ đối diễn tả trọn vẹn sự kỳ thị Nghèo- Giàu. Ca dao Việt Nam có câu: Một đêm quân tử nằm kề. Còn hơn thằng Nhắn vỗ về quanh năm. Hay: Văn chương phú lục chẳng hay. Trở về làng cũ học cày cho xong. Hay: Những anh mít đặc thời thôi. Ai mà ưa chuộng đón mời làm chi. Người Pháp cũng có ý tương tự khi nói: “Revenez chez vous; Cultivez vos choux and marriez-vous”. Tất cả đều diễn tả sự coi thường người có học vấn kém. Việc Trần Hưng Đạo trọng dụng người đan sọt Phạm Ngũ Lão, việc chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng người chăn trâu Đào Duy Từ hay việc Trần Đức Hòa gả con gái cho người giúp việc Đào Duy Từ là những chuyện hi hữu trên hành tinh này. Nhưng nó đã diễn ra ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Than ôi! Ngoại lệ không phải là luật!

– Kỳ thị Cũ- Mới: Loài người sống tập hợp theo sự đồng đẳng. Người cũ tập hợp với người cũ. Người mới tập hợp với người mới. Người giàu tập hợp với người giàu v.v. Sự tập hợp với người đồng đẳng là thể hiện tinh thần liên đới tự vệ dần dà dẫn đến sự phân ly, chia rẽ và đấu tranh, kình báng lẫn nhau.

– Kỳ thị Đẹp- Xấu, Bệnh tật và Ác tật: Chuyện Trương Chi và Mỵ Nương cho thấy điều đó. Mỵ Nương say mê giọng hát ngọt ngào, trong trẻo và ai oán của Trương Chi. Khi thấy mặt xấu xí và dị tướng của Trương Chi thì người đẹp Mỵ Nương ngất xỉu và xua đuổi người mà nàng mơ ước được gặp mặt. Người Pháp khuyên các bà vợ giữ chồng như sau: Nếu con không giữ chồng con bằng sắc đẹp của con thì con giữ bao tử của nó (nghĩa là nấu thức ăn ngon để giữ chồng). Người Đông Phương giữ chồng bằng Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Trong Thất Xuất (Bảy Điều Bỏ Vợ) của Việt Nam thời phong kiến có đề cập đến bệnh tật và ác tật của người vợ, một trong những lý do để chồng được quyền bỏ vợ.

– Kỳ thị giữa người vừa thoát khỏi bùn nhơ xã hội với những người đồng cảnh ngộ còn nằm dưới đáy bùn nhơ xã hội.

– Kỳ thị Nam – Nữ: Chế độ đa thê là dạng kỳ thị và khinh thường nữ phái với: Trai năm thê, bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng. Phụ nữ ở Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Giáo, không được quyền tham gia các kỳ thi tam trường để nắm giữ các chức vụ công quyền. Trong gia đình con gái không được thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại nếu có chồng. Con gái không được truyền nghề vì sợ nghề ấy bị bên chồng cướp mất. Jeanne d’Arc, nữ anh hùng của Pháp đánh bại quân Anh và Burgundy. Bà bị kết án dị giáo và dùng ma thuật để bị xử hỏa thiêu trên giàn hỏa ở Rouen năm 1431! Năm ấy bà được 19 tuổi. Ở Hoa Kỳ mãi đến năm 1920 phụ nữ mới có quyền bầu cử. Việt Nam có hai nữ hoàng: Hai Bà Trưng và Lý Chiêu Hoàng. Hai Bà Trưng trên ngôi được 03 năm (40- 43 sau Tây Lịch). Lý Chiêu Hoàng trên ngôi không đầy một năm (1224- 1225) thì vương quyền rơi vào tay họ Trần. Từ đó Việt Nam không có nữ hoàng. Việc truyền ngôi dựa vào 03 tiêu chuẩn chính yếu: 1. trọng nam 2. trọng trưởng 3. trọng đích. Pháp nổi tiếng galant với phụ nữ và Hoa Kỳ nổi tiếng với khẩu hiệu Ladies first. Vậy mà Pháp không có nữ hoàng hay nữ tổng thống. Cho đến 2020 Hoa Kỳ cũng chưa có nữ tổng thống. Dựa vào giá trị sản xuất mà vai trò của nam phái được xem quan trọng hơn nữ phái kể từ khi kinh tế nông nghiệp và kỹ nghệ phát triển.

– Kỳ thị tuổi tác: Việc kỳ thị giữa TRE và MĂNG được tìm thấy khắp nơi trên hành tinh này. Người Già tự hào với tuổi tác và kinh nghiệm. Người Trẻ tự hào với sức khỏe, nhiệt huyết và kiến thức thu nhận được qua giáo dục. Trong xã hội Khổng Giáo người già được nể trọng. Trong xứ kỹ nghệ người trẻ được tin dùng vì có hiệu năng sản xuất cao hơn người già. Hoa Kỳ là quốc gia trẻ so với các quốc gia già nua như Ai Cập, Trung Hoa, La Mã, Ấn Độ, Anh, Pháp, Hy Lạp. Đó là quốc gia có nhiều vị lãnh đạo ở vào tuổi 40. Quốc gia trẻ ấy sớm trưởng thành để trở thành một đại cường quốc trên thế giới trên mọi lãnh vực hoạt động.

****

Kỳ thị có thể do sự tự tôn mặc cảm, lòng ganh tỵ và sự lo sợ gì đó trong tương lai mà ra.

Người Trung Hoa vừa kỳ thị Rợ Hồ vừa sợ nhóm người hiếu chiến nầy nên phải huy động dân chúng xây bức Trường Thành để ngăn chặn sự tấn công của Rợ Hồ. Bức Trường Thành là dấu hiệu của sự lo sợ hơn là ấn dấu của sự hùng mạnh.

Hitler cho rằng người Aryans là giống người thượng đẳng. Ông kỳ thị và bách hại người Do Thái vì khinh khi hay vì ganh tỵ sự thành công và giàu có của nhóm người vô tổ quốc sống phiêu bạt khắp nơi trên thế giới?

Sự tự tôn mặc cảm của người Bạch Chủng chớm nở vào thế kỷ XVI và đạt đỉnh cao vào thế kỷ XIX. Những quốc gia Bạch Chủng sớm có nhiều thuộc địa trên thế giới là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Anh và Pháp.

Một nước Anh nhỏ bé từng đô hộ Ấn Độ và chiếm Hong Kong của Trung Hoa.

Một nước Hòa Lan nhỏ bé, ít dân, lại đô hộ quần đảo Indonesia rộng lớn và đông dân nhất trong thế giới Hồi Giáo.

Một thời mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Tây Ban Nha của Philip II (1527- 1598- Vua: 1556- 1598). Sự nhận xét này sau áp dụng cho đế quốc Anh thời nữ hoàng Victoria.

Người Bạch Chủng đi từ óc tự tôn, tự hào đến lo sợ:

– Tự tôn, tự hào vì quan hệ CHỦ- TỚ. 
– Lo sợ bị các thuộc địa vùng lên giành độc lập và cạnh tranh với họ.
– Lo sợ, nếu không giữ chặt chẽ kỷ luật tinh thần, thì nước họ sẽ bị các thuộc địa nhuộm màu.

Hoa Kỳ là một quốc gia tân lập chào đời vào năm 1776. Những người Âu Châu đầu tiên đến Hoa Kỳ bấy giờ là người Tây Ban Nha (1492). Vào đầu thế kỷ XVII người Anh đến vùng đất này và có ưu thế hơn người Tây Ban Nha và Hòa Lan. Đến thập niên 1760 Anh có 13 thuộc địa trên bờ Đại Tây Dương với 2.5 triệu dân Bạch Chủng từ Âu Châu đến. Họ đặt dưới sự cai trị của người Anh. Họ bị người Anh kỳ thị. Thời bây giờ có quốc tịch Anh là một danh dự lớn lao đối với những người sống trên 13 thuộc địa Anh. Là công dân thuộc địa họ không có quyền có đại biểu trong Hạ Viện Anh.

Chế độ nô lệ người Phi Châu bắt đầu vào năm 1619 khi tàu chở người nô lệ từ Phi Châu đến Virginia. Chế độ nô lệ này đã có trước khi người dân Bạch Chủng trên 13 thuộc địa Anh đấu tranh giành độc lập và lập ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Các quốc gia Âu Châu nhất là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chở nhiều người Da Đen từ Phi Châu đến Mỹ Châu (Hoa Kỳ bây giờ, các hải đảo trong biển Caribbean, Nam Mỹ) để làm nô lệ, lao động nặng nhọc trong các đồn điền trồng mía, bông vải, thuốc lá v.v. Họ bị người Da Trắng đối xử tệ bạc.

Từ năm 1791 đến 1804 người nô lệ Phi Châu ở Santo Domingo vùng lên chống chế độ nô lệ của Pháp (ngày nay là xứ Haiti) thành công.

Vấn đề giải phóng nô lệ Da Đen trở thành nguồn gốc cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1861 đến 1865.

Các tiểu bang miền Bắc phần lớn được kỹ nghệ hóa. Họ muốn giải phóng nô lệ Da Đen. Các tiểu bang miền Nam là những tiểu bang nông nghiệp. Họ muốn duy trì chế độ nô lệ để có nhân công rẻ tiền làm việc trong các đồn điền bông vải, thuốc lá v.v.

Cuộc nội chiến chấm dứt. Người nô lệ Da Đen được giải phóng. Nhiều người rời bỏ các đồn điển ở miền Nam lên miền Bắc sinh sống. Hoa Kỳ và cá nhân tổng thống Abraham Lincoln được thế giới ngưỡng mộ. Hiến pháp và tinh thần của bảng Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 04-07-1776 được thi hành nghiêm chỉnh với câu: Mọi người sinh ra đều bình đẳng (All men are created equal).

Luật pháp ngăn cấm sự kỳ thị dù bất cứ dạng kỳ thị nào. Điều đó có nghĩa sự kỳ thị công khai không còn môi trường sống. Nhưng sự kỳ thị ngấm ngầm làm sao kiểm soát được. Nó tồn tại và sống vững mạnh với thời gian và không gian.

Trên thế gian không nàng dâu nào không than phiền mẹ chồng của mình. Nhưng, 20 năm sau, người dâu của 20 năm trước, trở thành mẹ chồng. Bà mẹ chồng trẻ nầy hành sử không khác gì bà mẹ chồng ác độc mà bà than phiền, oán trách 20 năm trước.

Người Bạch Chủng từ Âu Châu đến 13 thuộc địa Anh bị người Anh Da Trắng kỳ thị. Sau khi thành công và trở nên giàu có những người này kỳ thị lại người Anh và kỳ thị những người nô lệ Da Đen từ Phi Châu đến.

Người Hắc Chủng ở Hoa Kỳ được luật pháp nhân bản của một quốc gia dân chủ, thượng tôn pháp luật bảo vệ. Họ thành công nhờ sự đoàn kết và đấu tranh bạo động lẫn bất bạo động trên cơ sở Tự Do Không Biếu Không (Freedom is not Free). Từ thời tổng thống Kennedy (Dân Chủ) về sau người Hắc Chủng thành công lớn trong các cuộc đấu tranh nhân quyền và dân quyền theo lời kêu gọi của Mục Sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. (1929- 1968). Người Mỹ Da Đen chiếm 14% dân số Hoa Kỳ nhưng họ có vai trò quan trọng quyết định sự thành bại của đảng Dân Chủ. Họ có đại diện cao cấp trong guồng máy chánh quyền Hoa Kỳ:

1. Hành Pháp: Tổng thống Barack Obama (2009- 2017). Nhiều người Mỹ Hắc Chủng nắm các chức vụ chỉ huy trong ngành an ninh, ngoại giao, tư pháp, y tế, quốc phòng v.v. trong chánh quyền Cộng Hòa hay Dân Chủ.

2. Lập Pháp:

    a. Thượng Viện: 08 Thượng Nghị Sĩ (từ năm 1967 đến nay)

    b. Hạ Viện: 127 Dân Biểu (từ năm 1930 đến nay)

3. Tư Pháp: 02 Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện

    1. Thurgood Marshall (1967- 1991)

    2. Clarence Thomas (1991- )

Vị tướng hai sao đầu tiên người Mỹ Hắc Chủng là ông Benjamin O. Davis Sr. Ông thăng lên cấp tướng vào năm 1940 dưới thời tổng thống Dân Chủ Franklin Delano Roosevelt. Từ đó đến nay người Mỹ Hắc Chủng có 400 tướng lãnh nam và nữ từ 02 sao đến 04 sao trong các binh chủng Không Quân, Lục Quân và Hải Quân. Đại tướng Collin Powell giữ chức vụ này năm 1989. Trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Bush II (Cộng Hòa) (2001- 2005) ông giữ chức bộ trưởng bộ Ngoại Giao của Hoa Kỳ tức nhân vật quan trọng thứ tư trong nước.

Từ thập niên 1960 đến nay có 170 người Mỹ Hắc Chủng đắc cử thị trưởng ở các thành phố lớn nhỏ trong nước kể cả các thành phố nổi tiếng như Washington DC, New York, Los Angeles, Detroit, Chicago v.v. Có từ 25% đến 30% Hội Đồng Thành Phố ở Hoa Kỳ do người Mỹ Hắc Chủng nắm giữ. Tỷ lệ người Mỹ Hắc Chủng trong các chức vụ cảnh sát trưởng ở các thành phố Hoa Kỳ khá cao.

Người Mỹ Hắc Chủng chiếm đại đa số trong ngành giáo dục tiểu học và trung học.

Người Mỹ Hắc Chủng có rất nhiều nhà triệu phú. Đó là những nhà thể thao, cầu thủ tơ- nít, bóng rổ, bóng chuyền, football, baseball, võ sĩ quyền Anh, lực sĩ điền kinh, ca sĩ, nhạc sĩ, điều khiển chương trình TV giải trí hàng ngày v.v. Có ít ra 05 nhà tỷ phú người Mỹ Hắc Chủng: Robert Smith có 5 tỷ Mỹ Kim, Oprah Winfrey có 3.5 tỷ Mỹ Kim, Michael Jordan có 1.5 tỷ Mỹ kim v.v. Phần lớn những người Mỹ Hắc Chủng thành công đều có vợ Bạch Chủng. Michael Jackson đã trở thành Bạch Chủng khác với màu da bẩm sinh của ông ấy lúc ấu thời.

Có 04 người Mỹ Hắc Chủng được giải thưởng Nobel.
– Người Mỹ Hắc Chủng đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1950 là ông Ralph Bunche.
– Năm 1964 Martin Luther Jr. là người Mỹ Hắc Chủng trẻ nhất lảnh giải thưởng Nobel Hòa Bình khi mới đuoc 35 tuổi.
– Bà Toni Morrison lảnh giải thưởng Nobel về Văn Chương năm 1992.
– Năm 2009 tổng thống Barack Obama được giải thưởng Nobel Hòa Bình khi vừa nhậm chức được 09 tháng!

Với 14% trên tổng số dân Hoa Kỳ mà người Mỹ Hắc Chủng đã đạt những thành quả đáng kể như trên. Đó là kết quả của sự đoàn kết và đấu tranh bạo động lẫn bất bạo động. Đấu tranh vì Hắc Chủng, vì quá khứ nô lệ bị áp bức và kỳ thị. Đôi khi những cuộc đấu tranh bạo động vượt khỏi lằn ranh PHẢI- QUẤY tựa hồ như muốn xóa bỏ quá khứ lịch sử để phục hận. Vai trò của người Mỹ Hắc Chủng càng ngày càng rõ nét. Họ bỏ xa người Latinos và người Da Đỏ bản địa tuy rằng người Latinos hiện chiếm 17% dân số Hoa Kỳ.

****

Vi khuẩn kỳ thị ẩn nấp trong cơ thể người kỳ thị lẫn người bị kỳ thị. Nó không bị Hiến Pháp, Tuyên Ngôn Độc Lập, Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền, các đạo luật dày đặc hay các loại bom đạn nguyên tử nào giết chết được. Không có thuốc men hay giáo lý cao siêu nào diệt vi khuẩn kỳ thị nổi. Không người giàu có nào không có ý định mua nhà và đất của người láng giềng. Không một quốc gia giàu mạnh nào không có ý đồ xâm chiếm hay hù dọa, hiếp đáp các nước láng giềng.

Óc kỳ thị bành trướng hay tạm ẩn mình tùy theo sự thịnh suy của con người hay quốc gia. Vẫn biết thực tế là vậy. Nhưng làm người phải tế nhị nhất là người làm chánh trị lại cần phải cẩn ngôn nhiều hơn. Sự kỳ thị trắng trợn luôn luôn bị dư luận bàng quan lên án. Ứng cử viên mang tiếng kỳ thị dễ bị mất phiếu bầu và mang tiếng độc ác, thất nhân tâm.

****

Người Bạch Chủng nắm ưu thế quân sự, kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX. Họ làm chủ hành tinh và là chủ nhân của các dân tộc bị trị. Ưu thế này ngày nay vẫn còn nhưng sự độc quyền, độc tôn đã mất.

Kỹ nghệ hóa dẫn đến sự phồn vinh kinh tế và sự đô thị hóa. Người Bạch Chủng thụ hưởng đời sống phồn vinh và phú túc nhưng tìm cách hạn chế sinh sản và hân hoan chào đón luật phá thai. Sinh suất của người Bạch Chủng rất thấp so với người Hoàng Chủng và Hắc Chủng. Nhiều thanh niên nam- nữ sống độc thân, không dám nghĩ đến việc lập gia đình vì phải nặng lo về nơi ăn chốn ở, công việc làm và chăm sóc con cái. Đôi khi tiền lương làm ra thấp hơn tiền gởi con ở nhà trẻ hàng tuần!

Sự kỳ thị biến thiên theo thời gian, từ thế thượng phong của người Bạch Chủng sang suy bì và lo lắng:

– Đối với người Hoàng Chủng như Nhật Bản, Trung Hoa thì gọi là hoàng họa.

– Đối với người Hắc Chủng thì bắt đầu phác họa một viễn ảnh tương lai của sự thay màu da người sống. Đó là con đường mà các conquistadors Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã trải qua trên lục địa Mỹ Châu. Đến thời gian T nào đó sự kỳ thị sẽ đổi hướng khi một quốc gia Bạch Chủng nào đó có màu cà phê sữa, nhiều cà phê nhưng ít sữa. 
 

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

Related posts