Ngày 9/7, trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất một giải pháp cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung.
Theo một nguồn tin trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giải pháp mà ông Vương đề xuất tương đồng với quan điểm trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng “sự hợp tác” là “lựa chọn duy nhất” cho hai quốc gia.
Ông Vương đề nghị “các viện chính sách ở cả Mỹ và Trung Quốc lập bản danh sách gồm ba cột, một là các vấn đề song phương và toàn cầu mà hai nước có thể giải quyết, hai là các vấn đề mà hai nước đang có tranh chấp nhưng kỳ vọng có thể giải quyết được thông qua đối thoại, thứ ba là về những vấn đề không thể giải quyết được”.
Sau đó, ông Vương tuyên bố, “chúng ta nên giải quyết các tranh chấp một cách hợp lý và giảm thiểu thiệt hại cho mối quan hệ song phương”.
Vậy những vấn đề “không thể giải quyết được” là gì?
Không có gì phải bàn cãi khi ông Vương đang muốn đề cập đến các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền Trung Quốc, bao gồm: tống giam và lạm dụng khoảng 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, đàn áp, tra tấn các tín đồ Cơ Đốc và các học viên Pháp Luân Công (môn khí công theo trường phái Phật gia dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn), vi phạm hiệp ước quốc tế về quyền tự trị và quyền tự do của người dân Hồng Kông, cầm tù những người bất đồng chính kiến và những tiếng nói chỉ trích chính quyền, kìm hãm các quyền lợi cơ bản của người dân Trung Quốc như quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo…..
Thật ra, đó lại là những vấn đề mà ông Vương đang ngăn chặn để chúng không gây trở ngại hợp tác giữa 2 nước trong các vấn đề toàn cầu, cũng như các vấn đề song phương như thương mại.
Điều ông Vương muốn nói chính là mối quan ngại về nhân quyền không được đặt lên bàn đàm phán: Chúng ta có thể thỏa hiệp về rất nhiều vấn đề, nhưng các vị không thể tước đoạt quyền lạm dụng nhân quyền của chúng tôi. Nếu các vị muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, các vị phải từ bỏ mối quan tâm của mình đối với nhân quyền.
Do đó, ông Vương muốn tách bạch nhân quyền ra khỏi các vấn đề khác, hay chính xác hơn là muốn tách bạch nhân quyền ra khỏi các khu vực chính sách khác. Trên thực tế, trong bốn thập kỷ qua, Hoa Kỳ vẫn luôn phân tách mối quan ngại về nhân quyền Trung Quốc với các vấn đề khác. Việc phân tách các “lĩnh vực chính sách đối địch” chính là điều Ngoại trưởng Vương ủng hộ.
Trong từng thời điểm quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung kéo dài 40 năm qua, rất ít thành viên trong giới học thuật, chính sách đối ngoại, quân đội và doanh nghiệp Mỹ có thể dự đoán hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc lại nghiêm trọng như ngày hôm nay.
Năm 1979, khi Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và 31 năm trước, trong cuộc thảo luận về “thương mại-nhân quyền” sau cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, và cuối cùng vào 19 năm trước, khi Hoa Kỳ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà gần như không đi kèm bất kỳ điều kiện bắt buộc nào, Mỹ khi đó đang ủng hộ ý tưởng rằng việc bỏ sang bên lề và tách bạch vấn đề nhân quyền để đưa Trung Quốc vào trật tự kinh tế toàn cầu sẽ góp phần thay đổi hành vi của nó. Họ cho rằng việc “bình thường hóa” thương mại sẽ dẫn đến dân chủ, bởi vì thương mại chắc chắn sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, mà đến lượt mình tầng lớp này sẽ đòi hỏi nhiều tự do chính trị hơn.
Tuy nhiên, sau cuộc thảm sát hàng ngàn sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, các nhà hoạt động nhân quyền này đã đến Washington để giúp chính phủ Mỹ và các nhà hoạch định chính sách về Trung Quốc hiểu rằng, việc Mỹ tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại “bình thường” với Trung Quốc, nhưng lờ đi vấn đề nhân quyền, sẽ giống như truyền máu cho chính quyền độc tài ở Bắc Kinh, khiến nó càng trở nên “hung hăng” hơn cùng lúc gây tổn hại cho cả người dân Mỹ và Trung Quốc.
Thật không may, những cảnh báo của chúng tôi như “nước đổ lá khoai”, và phần còn lại câu chuyện đã trở thành lịch sử. Ngày nay, các thành viên trong giới học giả, chính sách đối ngoại, quân đội và doanh nghiệp Hoa Kỳ phải có can đảm thừa nhận sai lầm, có sự hiểu biết và tầm nhìn để làm ăn theo hướng khác.
Thật vậy, Mỹ và các quốc gia tự do khác trên thế giới, cần móc nối nhân quyền với thương mại, và nhấn mạnh rằng nếu không từ bỏ các chính sách và hành động vô nhân đạo, Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận rộng rãi vào thị trường, nền khoa học công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ.
Mỹ cần phải khẳng định rõ ràng rằng chúng ta, như một dân tộc, không thể duy trì mối quan hệ bình thường với một chính phủ quá coi rẻ người dân của mình như vậy, những người anh em của chúng ta ở Trung Quốc.
Sự kiêu ngạo của Bắc Kinh không chỉ dựa trên việc các đối tác phương Tây sẽ bỏ qua các hành vi vi phạm nhân quyền của họ, mà còn dựa trên niềm tin rằng các đối tác nước ngoài rất cần Trung Quốc, rằng Trung Quốc cho rằng họ là người lèo lái mối quan hệ quốc tế và có quyền ra điều kiện cho các quốc gia khác. Thật vậy, chúng ta đã trở nên quen thuộc với hàng giá rẻ – một số được tạo ra bởi những tù nhân trong các trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc. Trong khi đó, chủ nghĩa vật chất lãng phí đã bùng nổ ở phương Tây, trong khi các nhà máy sản xuất công nghiệp của chúng ta lại đang chết dần chết mòn để nhường chỗ cho Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Trung Quốc đã phá hỏng các định nghĩa nhân quyền được hình thành trong các thể chế quốc tế, mà gần như không trở ngại. Phủ nhận tính phổ quát của quyền con người, Trung Quốc đã theo đuổi thuyết tương đối văn hóa thô thiển để biện minh cho việc từ chối quyền tự do của người dân bằng cách cải thiện phúc lợi của 1,5 tỷ công dân đại lục (dù rất không đồng đều).
Trung Quốc là một xã hội bất công tàn bạo, với các chính sách phúc lợi xã hội yếu kém. Trợ cấp cho những người thất nghiệp do đại dịch COVID-19 chỉ khoảng 1,7 USD/tuần, và khoảng 78 triệu người thất nghiệp không nhận được bất kỳ phúc lợi nào vì họ làm việc không hợp đồng. Theo tạp chí Economist ngày 9/5/2020, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc chỉ chiếm 2% GDP.
Chúng ta, sống trong các nền dân chủ tự do, đã bị lòng tham, sự thiên lệch khỏi các nguyên tắc căn bản kiến lập nền tự do của chúng ta làm mờ mắt, đến mức khuyến khích sự tàn bạo, thói kiêu ngạo và hung hăng của Trung Quốc. Đề xuất của ông Vương có thể sẽ được chào đón bởi các nhà lãnh đạo biết thích ứng muốn tìm kiếm “sự bình yên và ổn định”, bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi hạn chế quyền tự do của Bắc Kinh, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn tại hải ngoại.
Việc thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, rốt cục sẽ đòi hỏi thay đổi cách tiếp cận đối với chính xã hội của mình. Nó sẽ đòi hỏi chúng ta phân tích và làm rõ các nguyên tắc và ưu tiên của bản thân. Thách thức từ Trung Quốc trên thực tế là một cơ hội cho sự thay đổi.
• Yang Jianli là chủ tịch của Quỹ Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc. Aaron Rhodes là chủ tịch Diễn đàn Tự do Tôn giáo-Châu Âu và biên tập viên nhân quyền của Tạp chí Dissident.
HOA TỰ DO