Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong bản quy tắc hàng hải sửa đổi nhằm ấn định vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vùng ven biển” thay vì “vùng biển xa bờ”, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng SCMP.
Giới quan sát nhận định hành động này là dấu hiệu cho thấy động thái của Bắc Kinh nhằm tuyên bố chủ quyền đối với càng nhiều vùng biển tranh chấp nhất có thể.
Việc thay đổi thuật ngữ xuất hiện trong một phiên bản sửa đổi của bộ quy tắc kỹ thuật về luật định tàu biển được soạn thảo năm 1974. Quy tắc này sẽ có hiệu lực vào hôm nay.
Quy tắc này – có tiêu đề “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa” – sẽ thành lập “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa”, kéo dài từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hay Tây Sa theo cách gọi trái phép của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trên trường thế giới về các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Zhang Jie, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết động thái này có thể nhằm thắt chặt quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Ngay cả khi điều này không trực tiếp tăng cường kiểm soát trong khu vực, nó vẫn có thể khởi tác dụng đó”, ông nói.
Collin Koh, một nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, tán đồng với nhận định này.
“Điều này không ngạc nhiên, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập các khu hành chính cho Hoàng Sa và Trường Sa, ông nói.
Trung Quốc hồi tháng 4 thông báo thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Trung Quốc tuyên bố “quận Tây Sa” sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi “quận Nam Sa” quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường chín đoạn” nhằm đòi yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích yêu sách này của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gay gắt trên trường quốc tế đối với các yêu sách của mình đối với hầu hết khu vực Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn” do nước này đơn phương vẽ ra.
Đầu tháng này, Mỹ và Úc đã độc lập bác bỏ phần lớn các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, nói rằng chúng không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (29/7), Malaysia bác yêu sách của Trung Quốc ở vùng thềm lục địa phía bắc Biển Đông, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.