Cảnh sát Hồng Kông truy bắt 6 nhà hoạt động ở nước ngoài theo luật an ninh

Hải Lam

Trái: Nhà hoạt động Simon Cheng (ảnh chụp màn hình BBC HARDtalk/Youtube), phải: Nhà hoạt động Nathan Law (ảnh chụp màn hình video Amanpour and Company/Youtube).

Cảnh sát Hồng Kông đã phát lệnh bắt 6 nhà hoạt động dân chủ sống lưu vong với cáo buộc kích động ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, theo bản tin ngày 1/8 của BBC.

Theo BBC, 6 nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền Hồng Kông nhắm đến là:

Simon Cheng, một cựu nhân viên lãnh sự quán Hồng Kông của Vương quốc Anh, người gần đây đã được cấp tị nạn chính trị ở Anh. Anh bị cảnh sát Trung Quốc bắt và tra tấn ở Thâm Quyến vào tháng 8/2019. Cảnh sát vu cáo anh là gián điệp, tham gia kích động tình trạng bất ổn ở Hồng Kông.

Phản ứng trước các tin tức về lệnh bắt giữ, anh Cheng nói với BBC rằng anh vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng về các vấn đề ở Hồng Kông. “Chế độ toàn trị hiện đang kết tội hình sự đối với tôi tôi, và tôi sẽ coi đó không phải là một sự xấu hổ mà là một vinh dự”, anh nói.

Nathan Law, 27 tuổi, là cựu lãnh đạo phong trào Ô dù 2014 và cựu chủ tịch đảng Demosisto, cùng đảng với Hoàng Chi Phong. Gần đây, Nathan Law đã sang vương quốc Anh. “Tôi không biết ‘tội ác’ của mình là gì và tôi không nghĩ điều đó quan trọng. Có lẽ tôi yêu Hồng Kông quá nhiều”, anh viết trên Twitter.

Nathan Law cho biết anh thất vọng, sợ hãi khi phải sống lưu vong, và anh sẽ phải cắt đứt mối quan hệ của mình với gia đình ở Hồng Kông.

Samuel Chu là một công dân Hoa Kỳ. Anh là con trai của Mục sư Chu Yiu Ming – một trong những người sáng lập Phong trào dù vàng năm 2014.

Anh Chu điều hành Hội đồng Dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington DC. Nhà hoạt động cho biết lần cuối anh đến thăm Hồng Kông vào tháng 11/2019.

“Tôi có thể là người đầu tiên không phải công dân Trung Quốc bị nhắm tới, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng. Nếu tôi bị nhắm mục tiêu, thì bất kỳ người Mỹ cũng như bất kỳ công dân của quốc gia nào lên tiếng cho Hồng Kông đều có thể cũng như sẽ bị nhắm đến”, anh viết trên Twitter.

Ray Wong, một nhà hoạt động ủng hộ độc lập đã sang Đức vào năm 2017 và hiện đang ở Anh. Anh nói với BBC rằng danh sách những người lưu vong “bị truy nã” đã được đưa ra để đe dọa các nhà hoạt động dân chủ đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế cho sự nghiệp của họ.

Lau Hong, còn được biết đến với tên Honcques Lau, là một thanh niên 18 tuổi ở Anh. Anh trở nên nổi tiếng vào tháng 11/2017 khi anh giơ một biểu ngữ ủng hộ độc lập bên cạnh trưởng đặc khu Carrie Lam.

“Hãy đến bắt tôi ở Anh”, anh nói với một nhà báo vào hôm 31/7.

Wayne Chan là một nhà hoạt động ủng hộ độc lập khác đang ở nước ngoài.

“Đối với tôi, tình huống mà người Hồng Kông phải đối mặt thậm chí còn nguy hiểm hơn những gì tôi phải đối mặt. Tôi không thể nghĩ quá nhiều về sự an toàn cá nhân của mình”, anh nói với hãng tin Reuters.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, 6 nhà hoạt động dân chủ trên bị truy nã vì “kích động ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài”. Động thái này diễn ra khoảng một tháng sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. Một điều đáng chú ý của luật này là Điều 38, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia, cho dù được thực hiện ở nước ngoài, thậm chí bởi người nước ngoài, vẫn có thể bị truy tố. Tờ The Epoch Times nhận định, nếu chính quyền Trung Quốc có thể bắt giữ và kết tội bất cứ ai mà họ thấy “không hợp pháp” theo chủ kiến của họ, và điều này đang đe dọa người dân toàn thế giới.

Gần đây, Mỹ, Anh, Cananda, New Zealand và Đức đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia. Liên minh châu Âu hôm 28/7 đã quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hồng Kông các vật dụng hoặc thiết bị công nghệ có thể được sử dụng để trấn áp và giám sát.

Related posts