- Thanh Thuỷ
Trong khi cuộc đua tìm kiếm vắc-xin cho COVID-19 vẫn chưa có hồi kết, thế giới vẫn đang phải vật lộn với một loại “kẻ thù vô hình” có tốc độ lây lan nhanh và liên tục biến chủng.
Sáng 7/8 giờ Việt Nam, thế giới đã có hơn 19,2 triệu ca nhiễm Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tăng tới gần 270.000 ca mới so với ngày trước đó, theo dữ liệu từ trang tổng hợp dữ liệu COVID-19 trực tuyến worldometers.
Mức tăng trong ngày tương tự như vậy đã được lặp lại liên tiếp trong nhiều tuần qua, khiến thế giới trung bình từ 3 đến 4 ngày lại tăng thêm 1 triệu ca nhiễm mới, báo hiệu cuộc chiến dai dẳng và khó đoán định trước một “kẻ thù vô hình.”
Cùng với đà tăng các ca nhiễm mới, số ca tử vong trên toàn cầu đã lên tới hơn 716.000 trường hợp, tăng hơn 6.000 trường hợp so với ngày hôm trước, tức trung bình cứ mỗi phút lại có 4 người tử vong. Dữ liệu này tương đương với tính toán của hãng Reuters trong vòng 2 tuần trở lại đây: cứ mỗi 15 giây lại có một bệnh nhân COVID-19 trên thế giới tử vong.
Mỹ, Brazil và Ấn Độ tiếp tục là 3 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Mỹ đã vượt 5 triệu ca nhiễm, tăng hơn 55.000 ca; Brazil gần chạm mốc 3 triệu ca nhiễm, tăng hơn 54.800 ca; còn Ấn Độ cũng vượt 2 triệu ca nhiễm, tăng tới hơn 62.000 ca so với trước đó – một mức tăng kỷ lục tại quốc gia Nam Á.
Tổng cộng, số ca nhiễm mới của 3 quốc gia lên tới hơn 172.000, chiếm 64% số ca nhiễm mới toàn cầu.
Ba quốc gia nói trên cũng có số ca tử vong cao nhất trong vòng 24h qua, với lần lượt là 1.134 ca (Mỹ), 1.226 ca (Brazil) và 899 ca (Ấn Độ).
Hai nước khác nằm trong “top 5” ca nhiễm COVID-19 thế giới là Nga và Nam Phi. Nga ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 871.000; trong khi Nam Phi có tới hơn 8.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên hơn 538.000.
Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nam Mỹ. Ngoài Brazil, Mexico cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Nước này có hơn 6.000 ca nhiễm mới và 829 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 456.100 và tổng số ca tử vong lên tới 49.698, tỷ lệ tử vong lên tới gần 11%.
Xếp ngay sau Mexico (nước có số ca nhiễm cao thứ 6 thế giới) là 3 quốc gia Nam Mỹ khác gồm Peru, Chile, và Colombia. Peru chưa có dữ liệu mới, nhưng con số cho tới thời điểm hiện tại đã gần 450.000 ca nhiễm và hơn 20.000 ca tử vong, tỷ lệ tử vong 4,5%. Đặc biệt nghiêm trọng là Colombia với gần 12.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24h qua, mức tăng cao nhất kể từ đầu dịch.
Các quốc gia Nam Mỹ khác có số ca nhiễm tăng cao gồm: Argentina (+7.500); Ecuador (+1.600); Bolivia (+1.700).
Tại châu Á, các quốc gia Trung Đông tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh: Iran tăng hơn 2.600 ca; Ả Rập Xê Út tăng hơn 1.400 ca; Iraq tăng hơn 3.000 ca.
Tại Đông Nam Á, Philippines đã vượt Indonesia để trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực. Philippines trong 24h qua tăng hơn 3.500 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong; trong khi Indonesia có thêm hơn 1.800 ca nhiễm và 69 ca tử vong.
Số ca nhiễm tăng mạnh đã khiến Philippines phải tái phong toả thủ đô Manila và khu vực lân cận từ ngày 4/8 đến 18/8, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 100 triệu người. Tổng thống Rodrigo Duterte trước đó đã xin lỗi người dân hôm 2/8 vì “không còn tiền” nên “không thể phát thức ăn hay trợ cấp cho người dân nữa.”
Thanh Thuỷ