Trung Quốc tặng Việt Nam khẩu trang, dư luận lại ‘quan ngại sâu sắc’, vì sao?
Chính quyền Trung Quốc vừa hỗ trợ khẩu trang N95 cho Việt Nam để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng đã vấp phải sự phản đối từ dư luận.
Hôm 6/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng thông tin trên trang Fanpage, rằng: “Đêm ngày 2 tháng 8, Lô hàng khẩu trang N95 và khẩu trang y tế của Chính phủ Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đã được vận chuyển đến sân bay Nội Bài, Hà Nội”.
Thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý từ dư luận.
Thay vì đón nhận thì nhiều người Việt bày tỏ quan điểm: “Ai cho cũng được, trừ bạn ‘made in china’ ra”; “Trung Quốc có tốt với Việt Nam mình bao giờ đâu”; “Nó lại cho COVID thì có”; “Tốt nhất là trả lại. Mất công kiểm tra mới đưa ra dùng. Mà ai là người dám dùng những thứ đó”; “Việt Nam đâu thiếu”;…
Có lẽ, việc phản ứng tiêu cực với mặt hàng này cũng là chuyện dễ hiểu, vì thời gian qua, các nước trên thế giới đã phát hiện, khẩu trang N95 sản xuất từ Trung Quốc là đồ giả, dính ruồi, bám bẩn, thiếu màng lọc,…
Ngày 9/4 “Nhật báo Kinh tế Hồng Kông” cho biết, một đại lý xuất khẩu khẩu trang tiết lộ rằng 60% nhà máy sản xuất khẩu trang tại Đại Lục, đa số đều không có xưởng vô trùng, hầu hết họ chỉ mua máy sản xuất khẩu trang là bắt tay vào việc. Trong xưởng sản xuất khẩu trang không chỉ nhiều bụi, mà công nhân cũng không đeo khẩu trang và găng tay. “Ai dám sử dụng khẩu trang được sản xuất theo cách này?”
Sau khi đại dịch toàn cầu bùng phát, ĐCSTQ liên tục xuất khẩu khẩu trang kém chất lượng ra nước ngoài. Các nước như Pakistan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Phần Lan và Úc, Đức, đã phát hiện, chất lượng vật tư chống dịch như khẩu trang tại Đại Lục có chất lượng rất kém. Một số người nói rằng Pakistan vừa phát hiện ra “khẩu trang áo lót” của Đại lục, hiện giờ lại xuất hiện “khẩu trang ruồi nhặng”.
Hôm 24/4, Bộ trưởng Giao thông Liên bang Đức Andreas Scheuer nói trên tờ Der Spiegel, rằng: “Bảy triệu chiếc khẩu trang, đều là rác”.
Tờ Brussels Times cũng đưa tin rằng, Bỉ đã phải từ chối 3 triệu chiếc khẩu trang được nhập khẩu từ Trung Quốc “vì chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết”.
Hà Lan cũng đã thu hồi 600.000 khẩu trang bị lỗi từ các bệnh viện Hà Lan. Số khẩu trang này là một phần của lô hàng 1,3 triệu chiếc khẩu trang được mua và nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 21/3,…
Trần Tâm
Việt Nam thêm 34 ca nhiễm virus Vũ Hán, có 22 ca ở Đà Nẵng
Bộ Y tế Việt Nam công bố 34 ca nhiễm virus Vũ Hán mới, trong đó 22 ca tại Đà Nẵng, 8 Quảng Nam, một Hà Nội, một Hải Dương đều liên quan Đà Nẵng và 2 ca cách ly sau nhập cảnh.
Bệnh nhân 751: nam, 45 tuổi, ở Cam Thúc Bắc, Cam Ranh, Khánh Hòa. Người này ra Hà Nội công tác và gặp vợ con đang sống tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 23/7. Ngày 1/8, anh khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, ngày 4/8 vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính virus Vũ Hán. Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 752: nữ, 30 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội, tiền sử đi du lịch Đà Nẵng từ ngày 24-26/7 cùng gia đình. Ngày 2/8, chị khởi phát ho, ngày 5/8 sốt nhẹ, ngày 6/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngày 7/8 dương tính với virus Vũ Hán. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 753: nam, 30 tuổi, quốc tịch Philippines, liên quan chuyến bay CX906 từ Philippines về sân bay Tân Sơn Nhất (quá cảnh Hong Kong), được cách ly ngay sau nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với virus Vũ Hán, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, TP HCM.
Bệnh nhân 754: nam, 30 tuổi, liên quan tàu chở gas Texiana từ Qatar về Cảng Vũng Tàu ngày 28/7, được cách ly trên tàu, lấy mẫu ngay sau nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần hai bệnh nhân dương tính với virus Vũ Hán (trước đó tàu ghi nhận 9 ca dương tính). Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Các bệnh nhân từ số 722 đến 779, ở Quảng Nam, gồm 7 ca là F1, một ca thăm người thân tại Khoa Nội Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện 8 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Các bệnh nhân từ số 755 đến 771 và 780 đến 784, ở Đà Nẵng, gồm 16 ca là bệnh nhân, ba ca là F1, hai ca là người thăm, một ca tại quận Hải Châu (đang tiếp tục điều tra).
Nam Vương
Cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam muốn trả lại nhà công vụ
- Minh Long
Trước làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận, bà Đặng Huỳnh Mai – cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đề nghị trả lại căn nhà công vụ.
Truyền thông nhà nước vừa dẫn thông tin từ Bộ Xây dựng Việt Nam cho biết, bà cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai, đã gọi điện đề nghị trả lại căn nhà công vụ ở Hoàng Cầu (quận Đống Đa, TP. Hà Nội), rộng 93m2.
Cụ thể, trong ngày 7/8, gia đình bà Đặng Huỳnh Mai đã liên hệ với bộ phận chuyên trách đề nghị cử người đến kiểm kê để thực hiện bàn giao lại căn hộ 608, tòa A2, khu nhà công vụ Hoàng Cầu.
Trước đó, bà Mai đã bày tỏ nhiều nỗi niềm để muốn giữ lại căn nhà trên, như:
“Cùng thời với chúng tôi, nếu công tác ở hệ Đảng hoặc Quốc hội đều được hóa giá nhà, chỉ có chúng tôi bên hệ Chính phủ thì không có gì, bản thân tôi cũng chỉ có một căn hộ chung cư tự hoàn thiện, tự trang bị và ở gần 20 năm qua thế thôi”.
“Thật ra suốt cuộc đời hoạt động của mình, tôi chưa hề nhận được một chính sách nào của Đảng về nhà ở, đất đai hay phương tiện đi lại. Tôi chỉ có một căn hộ đang thuê để tiếp tục làm việc và ở cùng con trai là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Việc này khiến dư luận bức xúc vì cho rằng, chồng bà Mai đã làm tới chức Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long; con trai thì làm giám đốc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Long; con dâu thì làm giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Long,… mà vẫn còn muốn giữ lại nhà công vụ.
Hơn nữa, tại Vĩnh Long, gia đình bà Mai cũng có căn biệt thự trị giá nhiều tỷ đồng, nằm trên đường con đường đắt giá nhất Vĩnh Long – Phạm Thái Bường.
“Với gia thế của bà Mai có thể mua mấy mảnh đất ở Hà Nội ấy chứ. Con người đúng là lòng tham không đáy, chết có mang đi được đâu” – là một trong rất nhiều những lời nhận xét mà dư luận nói về vụ việc.
Minh Long