Cắt điện tại Trung Quốc tiếp tục tăng giữa nắng nóng kỷ lục và hạn hán

Dorothy Li

Người dân đi ngang qua màn hình được tắt để tiết kiệm điện, ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, hôm 17/08/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Một tỉnh phía tây nam Trung Quốc đã phải tiếp tục cắt điện dùng cho công nghiệp do một đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán làm cạn kiệt mực nước sông Dương Tử, đồng thời khiến sản lượng thủy điện giảm sút, gây tổn hại cho ngành công nghiệp xe hơi trong bối cảnh các nhà máy trong khu vực này phải đóng cửa.

Hôm 21/08, tỉnh Tứ Xuyên đã kích hoạt cấp độ ứng phó khẩn cấp cao nhất, trong khi các quan chức nêu rõ tình trạng thiếu điện “vô cùng nghiêm trọng.”

Các quan chức chính quyền Tứ Xuyên cho biết: “Kể từ tháng Bảy, tỉnh Tứ Xuyên đã phải đối mặt với một tình huống đáng ngại do nhiệt độ cao khắc nghiệt nhất, lượng mưa thấp nhất lịch sử so với cùng thời kỳ, và phụ tải điện cao nhất lịch sử.” 

Phân phối điện 

Theo hãng dịch vụ tin tức tài chính Tài Tân (Caixin) và hồ sơ của một công ty, các quan chức đã gia hạn lệnh hạn chế cung cấp điện cho các nhà máy cho đến ngày 25/08. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hóa học Lợi Nhĩ (Lier Chemical Co. Ltd.) chuyên sản xuất thuốc trừ sâu cho biết thông qua sàn giao dịch chứng khoán hôm 22/08, rằng các cơ sở của công ty này tại Tứ Xuyên đã nhận được một thông báo hạn chế cấp điện cho tới hôm 25/08. 

Ban đầu tỉnh Tứ Xuyên, nơi sản xuất hàng đầu về pin xe điện và tấm quang năng, dự định đóng cửa các nhà máy trong sáu ngày khi các quan chức công bố kế hoạch hôm 14/08. Họ cho biết những hạn chế cấp điện này nhằm bảo đảm cho các gia đình được cung cấp điện đầy đủ. Các nhà máy bị ảnh hưởng bao gồm Foxconn, nhà cung cấp của Apple và Contemporary Amperex Technology Co., nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới.

Gián đoạn cung cấp điện đã tạo thêm thách thức cho các công ty vốn đã bị tổn hại do chính sách “zero COVID” của chính quyền Trung Quốc, nhằm loại bỏ mọi ca nhiễm trong các cộng đồng bằng cách kiểm soát di chuyển, phong tỏa nhanh chóng, và xét nghiệm nhiều lần. Những biện pháp nghiêm ngặt này đã khiến các nhà máy ngừng sản xuất, gây thiệt hại cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Hôm 19/08, hãng thông tấn nhà nước Economic Observer đưa tin, nhà sản xuất xe điện Hoa Kỳ Tesla và nhà sản xuất xe hơi quốc doanh lớn của Trung Quốc SAIC đã thông báo với chính quyền Thượng Hải rằng các nhà cung cấp linh kiện chính của họ ở Tứ Xuyên đã bị đóng cửa, điều này rốt cuộc có thể làm trì hoãn việc sản xuất tại các nhà máy ở Thượng Hải của họ. 

Một hồ nước cạn trơ đáy ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc hôm 21/08/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Đợt nắng nóng dài nhất và gay gắt nhất

Việc mở rộng hạn chế phân phối điện được đưa ra trong bối cảnh nước này đang trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng giữa một đợt nắng nóng kỷ lục. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã đưa tin, Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho biết có tới 262 trạm thời tiết — từ Tứ Xuyên ở vùng tây nam đến Phúc Kiến trên bờ biển đông nam — đã chứng kiến mức ​​nhiệt độ kỷ lục trong đợt nắng nóng này. 

Bài báo trên cho biết, đến hôm 15/08, đợt nắng nóng này đã kéo dài 64 ngày, lâu nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu quan sát khí tượng vào năm 1961.

Khi đợt nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia đã nâng cảnh báo hạn hán quốc gia lên “màu da cam” — mức cao thứ hai. Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết, hồ Bà Dương, nằm ở một trong những vùng đồng bằng ngập lụt của sông Dương Tử, được xem như “quả thận” của Trung Quốc vì có vai trò điều tiết nguồn cung cấp nước, hiện đã thu hẹp hơn 67% so với mức trung bình trong 10 năm qua. 

Các khu vực bị cạn khô của hồ Bà Dương ở Cửu Giang thuộc tỉnh Giang Tây, miền trung Trung Quốc hôm 21/08/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Con sông dài nhất của nước này là sông Dương Tử, đang khô cạn, làm gián đoạn giao thông hàng hóa và giảm sản lượng thủy điện vào đúng thời điểm nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí tăng cao.

Tứ Xuyên — một nơi cung cấp điện chính cho phần còn lại của đất nước — gần đây đã đưa một cơ sở lưu trữ than mới vào hoạt động để bảo đảm các nhà máy nhiệt điện của tỉnh này có thể hoạt động mà không bị gián đoạn. Tuy nhiên, khoảng 80% công suất lắp đặt của tỉnh này là thủy điện, khiến việc cung cấp điện đặc biệt dễ bị sự biến động trong nguồn cung cấp nước làm ảnh hưởng. 

Hôm 22/08, nhiệt độ ở thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên tăng vọt lên 43.4°C (110.1°F), khiến thành phố này phải tắt đèn trên các chuyến tàu điện ngầm để tiết kiệm điện.

Trùng Khánh, một thành phố bị ảnh hưởng nặng nề khác thuộc vùng lân cận Tứ Xuyên, thông báo rằng giờ mở cửa tại hơn 500 trung tâm thương mại và các địa điểm thương mại khác sẽ được rút ngắn, bắt đầu từ ngày 29/08, để giảm bớt nhu cầu điện năng.

Một người đàn ông nhìn ra ngoài từ lối đi dạo trên Bến Thượng Hải dọc theo sông Hoàng Phố trong lúc đèn trang trí được tắt như một biện pháp giúp tiết kiệm năng lượng ở Thượng Hải hôm 23/08/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Chính quyền Thượng Hải cho biết trong một thông báo, tại đây đèn trang trí dọc theo Bến Thượng Hải mang tính biểu tượng đã bị tắt trong hai ngày kể từ hôm 22/08, sau khi thành phố bị chỉ trích trên nền tảng tiểu blog Weibo của Trung Quốc vì sử dụng điện được tạo ra ở Tứ Xuyên. 

Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

Thanh Nguyên biên dịch

Related posts