Tin thế giới chiều Chủ Nhật

Mỹ cấm vận, Huawei hết chip Kirin để làm smartphone

Điểm tin thế giới sáng 9/8: Mỹ cấm vận, Huawei hết chip Kirin để làm smartphone; Người biểu tình Beirut xông vào trụ sở các bộ ở Lebanon
Ảnh từ Reuters.

Tạp chí tài chính Caixin cho biết tập đoàn Huawei sẽ ngừng sản xuất dòng chipset Kirin cao cấp vào tháng tới dưới áp lực của Mỹ đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này.

Lệnh cấm vận không được dùng công nghệ Mỹ đối với các nhà cung cấp linh kiện cho Huawei đã khiến bộ phận chip HiSilicon của công ty này không thể tiếp tục sản xuất chipset, thành phần quan trọng trong các smartphone, Richard Yu, Giám đốc điều hành Bộ phận Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei thông tin về việc trình làng dòng điện thoại Mate 40 mới nhất tại một hội nghị chuyên ngành.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, Washington đang thúc ép chính phủ các nước loại bỏ Huawei, lập luận rằng Huawei sẽ giao dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, cấu thành nên vấn đề gián điệp. 

Người biểu tình Beirut xông vào trụ sở các bộ ở Lebanon

Những người biểu tình Beirut ở Lebanon đã xông vào trụ sở các bộ hôm thứ Bảy (8/8) vì giận dữ trước sự thiếu trách nhiệm và lơ là của chính quyền nước này khiến vụ nổ xảy ra, theo Reuters.

Những người biểu tình cho biết các chính trị gia nên từ chức và bị trừng phạt vì sơ suất đã dẫn đến vụ nổ hôm thứ Ba (4/8), vụ nổ lớn nhất từng xảy ra ở Beirut, khiến 158 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương, theo sau nhiều tháng khủng hoảng kinh tế và chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ quán Mỹ tại Beirut cho biết chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ quyền biểu tình hòa bình của người dân và kêu gọi tất cả những người liên quan kiềm chế bạo lực.

Hạm đội đánh cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép gần vùng biển ngoài khơi đảo Ecuador

Đội tàu đánh cá lớn nhất Trung Quốc đã có hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trong những năm gần đây ở ngoài khơi quần đảo Galapagos thuộc Ecuador, theo Fox News.

Trong khi quần đảo đã được Unesco tuyên bố là di sản thế giới từ những năm 70, các tàu cá Trung Quốc đi qua khu vực này hàng năm. Đội tàu cá năm nay có 248 tàu, 243 trong số đó được gắn cờ Trung Quốc, một số được đăng ký sở hữu bởi các công ty bị nghi ngờ đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và kiểm soát, hãng tin the Guardian cho hay.

Sự xuất hiện của hạm đội tàu cá mới nhất cũng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ dư luận và sự khiếu nại chính thức của chính quyền Ecuador vì hải quân nước này đang trong tình trạng cảnh giác trước bất kỳ cuộc xâm nhập nào vào vùng biển của họ.

Một số tàu Trung Quốc đang săn mực, trong khi những tàu khác bị cáo buộc săn cá mập trái phép.

Ông Trump nói Mỹ sẽ ‘rất cẩn thận’ sau khi cộng đồng tình báo cảnh báo sự can thiệp bầu cử từ các nước đối đầu

Tổng thống Trump hôm thứ Sáu (7/8) cho biết Mỹ sẽ “rất cẩn thận” sau khi cộng đồng tình báo cảnh báo rằng Trung Quốc, Nga và Iran đang tìm cách can thiệp vào bầu cử năm 2020, theo Fox News.`

“Chúng tôi sẽ quan sát nó rất kỹ lưỡng”, ông Trump nói khi được hỏi tại một cuộc họp báo ở Bedminister, N.J., về những gì ông dự định làm sau khi một đánh giá của cộng đồng tình báo được công bố.

“Báo cáo đó mới xuất hiện cách đây ít lâu và chúng tôi sẽ xem xét nó rất kỹ lưỡng”, ông Trump cho hay.

Ông phát biểu không lâu sau khi cộng đồng tình báo cho biết Iran muốn “làm suy yếu” Tổng thống Trump trong khi Nga đang nỗ lực để “chủ yếu bôi nhọ” cựu Phó Tổng thống Joe Biden, và rằng Trung Quốc “muốn” ông Trump “không tái đắc cử”.

Ấn Độ-Trung Quốc tổ chức  đàm phán cấp cao về việc rút quân tại biên giới tranh chấp

Các cuộc hội đàm cấp Thiếu tướng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang được tổ chức tại khu vực Daulat Beg Oldi nhằm thảo luận việc phía Trung Quốc sẽ rút quân dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh, đã kết thúc vào khoảng 7h30 tối thứ Bảy (8/8), nguồn tin phía quân đội Ấn Độ nói.

Trong cuộc hội đàm, dự kiến ​​bắt đầu lúc 11 giờ sáng, hai bên đã tập trung thảo luận việc rút quân khỏi khu vực Đồng bằng Depsang, nơi Trung Quốc đã điều hơn 17.000 quân dọc theo LAC, theo The Times of India.

Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 15.000 quân tại khu vực, cùng với việc triển khai dày đặc các trung đoàn thiết giáp để chống lại bất kỳ động thái tiềm năng nào của Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng đã đến đây với một số trung đoàn thiết giáp.

Covid-19: Châu Âu cố tránh làn sóng thứ hai

Quảng trường Trocadéro trước tháp Eiffel, Paris, Pháp, ngày 03/08/2020. Ngày càng có nhiều thành phố của Pháp bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. © REUTERS – GONZALO FUENTES摄影

Pháp: Bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời

Tại Pháp, ngày 04/08/2020, Hội đồng Khoa học, cố vấn cho chính phủ về phòng chống dịch virus corona, đã cảnh báo là dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát được, nếu người dân lơ là các biện pháp giãn cách xã hội. Họ còn dự báo là rất có thể làn sóng dịch thứ hai sẽ đến vào mùa thu hoặc mùa đông năm nay.  

Vấn đề là tại Pháp, việc xét nghiệm, truy tìm và cách ly các ca nhiễm virus corona còn quá chậm, theo nhận xét của Hội đồng Khoa học. Cho nên, họ yêu cầu chính phủ phải cải thiện hơn nữa việc tiếp cận các xét nghiệm vì hiện nay người dân phải chờ rất lâu mới được xét nghiệm.

Các thành viên của Hội đồng Khoa học cũng một lần nữa khẩn thiết kêu gọi dân Pháp nên tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp ngăn ngừa, như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước tẩy trùng… Các nhà lãnh đạo chính trị, từ tổng thống Emmanuel Macron, cho đến thủ tướng Jean Castex cũng đã ra lời kêu gọi như vậy, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Pháp đang tăng tốc: kể từ nay mỗi ngày lại có thêm hơn 1.000 người bị nhiễm Covid-19. Số bệnh nhân nặng phải nằm trong phòng hồi sức cũng đang tăng trở lại, sau khi đã giảm liên tục từ đầu tháng 4

Trước tình hình đó, ngày càng có nhiều thành phố của Pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời, bên cạnh quy định phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng khép kín, đã có hiệu lực từ ngày 20/07. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời đã được áp dụng từ ngày 03/08 tại một số thành phố như Lille, Nice, Biarritz và Saint-Malo. Từ ngày 05/08, tại Toulouse, khi đi đến những khu vực có đông người qua lại, người dân cũng phải mang khẩu trang.

Cũng từ hôm đó, quy định tương tự có hiệu lực tại hai thành phố của Hà Lan, cụ thể là khu “Đèn đỏ” ở Amsterdam và các khu thương mại ở Rotterdam. Về phần Ireland, chính phủ nước này cũng quyết định là kể từ ngày 10/08 sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và các thương xá.

Ireland : Số ca nhiễm tăng đáng ngại

Tại Ireland, tuy chưa phải là làn sóng thứ hai, nhưng đang có nhiều xu hướng đáng lo ngại. Số ca lây nhiễm Covid-19 tăng trở lại với mức độ chưa từng có từ hai tháng qua. Các giới chức y tế kêu gọi dân chúng nên cẩn trọng hơn bao giờ hết. Từ Dublin, thông tín viên Emeline Vin gởi về bài tường trình ngày 06/08/2020:

Tính trung bình có gần 50 người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 mỗi ngày. Điều gây quan ngại cho bác sĩ trưởng Ronan Glynn, đó là tuyệt đại đa số các ca nhiễm mới là những người dưới 45 tuổi, tức là những người khó mà tự cách ly, vì lý do gia đình, nghề nghiệm hoặc vì họ cảm thấy an toàn.

Một yếu tố khác gây lo ngại cho các bác sĩ : khi có người bị lây nhiễm, những người được biết là đã tiếp xúc với ca bệnh đó lại không chịu đi xét nghiệm, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm nhưng không có triệu chứng. Trong tuần qua, hơn 10% ca nhiễm mới không có liên quan gì đến một nhóm, điều này một lần nữa cho thấy là virus đang lan truyền một cách không thể kiểm soát được.

Trong một thông cáo, bác sĩ Ronan Glynn một lần nữa cảnh báo là tuyệt đối phải giữ khoảng cách an toàn và giới hạn các tiếp xúc. Ông viết: “Chúng ta phải bảo đảm là mọi người trong chúng ta nỗ lực hết mình để bảo vệ người khác”.

Xu hướng này, nếu được xác nhận trong tuần này, có thể đe dọa đến việc mở lại những khu vực cuối cùng nền kinh tế hiện còn bị đóng, đầu tiên là các quán rượu ( pub). Bộ trưởng Y Tế cho biết là chính phủ sẽ cố đạt được mục tiêu là toàn bộ trẻ em có thể trở lại trường vào cuối tháng này.        

Chính phủ Ireland cuối cùng đã quyết định tạm hoãn giai đoạn cuối của việc dỡ bỏ phong tỏa, tức là chưa mở lại các quán rượu và các khách sạn.  

Anh Quốc tăng tốc xét nghiệm

Cũng trong nỗ lực ngăn chận làn sóng thứ hai, vào đầu tuần, chính phủ Anh thông báo là từ đây đến mùa thu sẽ tiến hành hàng triệu xét nghiệm Covid-19 nhờ vào các công nghệ mới, có thể giúp xét nghiệm nhiều người hơn trong một thời gian nhanh kỷ lục. Từ Luân Đôn, thông tín viên Elodie Goulesque gởi về bài tường trình ngày 04/08/2020 :

Đây là một vấn đề nhạy cảm, thế nhưng lần này, chính phủ Anh có vẻ rất tự tin : khả năng xét nghiệm Covid-19 sẽ tăng từ 220 ngàn mỗi ngày lên thành nữa triệu từ đây đến tháng 10. Thông báo này do bộ trưởng Y  Tế Matt Hancock đưa ra hôm 03/08 vào lúc mà Anh Quốc muốn tăng cường khả năng chống đở virus corona trong mùa đông này.

Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ Luân Đôn đã đầu tư vào 5.000 máy xét nghiệm có thể cho kết quả trong vòng 90 phút. Ngoài việc cho kết quả nhanh như vậy, công nghệ mới này còn xác định được là bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 hay chỉ bị cảm cúm, từ đó quyết định xem có cần cách ly người này không. Một công nghệ khác có thể giúp phân tích đến 15 ngàn xét nghiệm mỗi ngày và xác định được việc lấy mẫu xét nghiệm có đã được lấy đúng cách hay không, và như vậy là tránh gặp phải những kết quả âm tính sai lạc.

Thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh rất phức tạp đối với chính phủ. Từ đầu khủng hoảng Covid-19 đến nay, nhà chức trách Anh Quốc đã bị chỉ trích rất nặng nề về tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, nhất là trong các viện dưỡng lão. Anh Quốc hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất châu Âu, với hơn 300.000 người được xét nghiệm dương tính”.

Đức : Mùa tựu trường gây tranh cãi

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới cũng đang tăng trở lại từ hơn hai tuần qua tại Đức, mùa tựu trường đang gây nhiều tranh cãi. Tại nước này, tựu trường thường trải dài nhiều tuần lễ. Riêng trong vùng Mecklembourg, gần bờ biển Baltique, hôm 04/08/2020, 150.000 em đã là những học sinh đầu nhập học kể từ khi các trường ở Đức đóng cửa do tình hình dịch Covid-19.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault gởi về bài tường trình ngày 05/08:

Khác với các bang khác ở miền đông nước Đức, vùng này ít bị dịch, cho nên chính quyền địa phương đã quyết định cho nhập học gần như bình thường. Trái với những gì được quyết định ở các vùng khác, chính quyền địa phương không bắt buộc phải mang khẩu trang cả bên ngoài, lên bên trong khuôn viên các trường và trong phòng học. Người dân chỉ được yêu cầu tuân thủ các biện pháp thông thường về vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh.

Để tránh phải đóng cửa hoàn toàn một trường nếu phát hiện các ca nhiễm Covid-19, họ đã lập các nhóm có thể lên tới 400 em, quy tụ nhiều lớp khác nhau. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhóm này không được tiếp xúc với nhóm kia. Như vậy là khi có các ca nhiễm, chỉ có một bộ phận học sinh bị cách ly. Nhưng những em đã đi nghỉ hè tại các nước có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải bị cách ly, trừ khi có kết quả xét nghiệm hai lần đều âm tính.

Giáo viên có quyền đi xét nghiệm mỗi hai tuần một lần nếu muốn. Tuy vậy, một số giáo viên không cảm thấy an tâm. Nhưng người thuộc nhóm có nguy cơ cao thì sẽ làm việc từ nhà. Các phụ huynh trong vùng hoan ngênh việc con em họ nhập học gần như bình thường.

Các bang khác thì ban hành các quy định khắt khe hơn, buộc thầy trò phải đeo khẩu trang khi di chuyển trong hành lang của trường. Có bang còn muốn bắt buộc đeo khẩu trang trong các phòng học”.

Peru vượt ngưỡng 20,000 ca tử vong

Dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành dữ dội tại các nước châu Mỹ Latinh, trong đó có cả Peru, nay đã trở thành một trong 10 quốc gia bị dịch nặng nhất thế, với gần 500.000 ca nhiễm virus corona. Ngày 04/08 vừa qua, số ca tử vong tại nước này đã vượt ngưỡng 20.000 người. Những lý do nào khiến tình hình dịch bệnh tại Peru trầm trọng như thế ? Từ Lima, thông tín viên Wyloën Munhoz- Boillot giải thích trong bài tường trình gởi về ngày 06/08:

Tại Peru, kể từ khi chấm dứt phong tỏa toàn diện vào tháng 7, số người chết vì virus corona không ngừng tăng lên, đến mức trung bình 200 ca tử vong mỗi ngày. Đối với ông Farik Matul, nguyên là thành viên ủy ban chuyên gia về Covid-19 của bộ Y Tế và là cựu viện trưởng Viện Quốc gia Thống kê, sự gia tăng này rõ ràng có liên quan đến việc dỡ bỏ phong tỏa và khởi động lại một số hoạt động kinh tế vào tháng trước. Ông nói : «  Khi chúng ta quyết định khởi động lại một số lĩnh vực kinh tế như vận tải hành khánh liên tỉnh, thủ đô Lima, tâm chấn của dịch Covid-19, đã « xuất khẩu » những ca nhiễm đến các tỉnh và các vùng mà cho tới nay không có dịch, hậu quả là có nhiều người chết tại những nơi này. »

Với 600 ca tử vong trên mỗi 1 triệu dân, Peru nằm trong số 5 quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, hơn cả Brazil và Hoa Kỳ ( theo thống kê của đại học Mỹ Johns Hopkins ). Ấy là chưa tính đến con số 30.000 ca tử vong « rất có thể » là do virus corona, mà bộ Y Tế đang điều tra.

Đối với nhà truyền nhiễm học Ciro Maguina, tỷ lệ tử vong cao như vậy không chỉ là do hệ thống y tế của Peru quá tồi tệ, mà còn vì có rất nhiều người chết do đã bị mắc những căn bệnh khác. Bà nói : « Bệnh béo phì đã gia tăng rất mạnh trong những năm gần đây ở Peru. Ở miền bắc, nơi mà hệ thống y tế đã suy sụp, cũng có rất nhiều người bị tiểu đường. Theo tôi, chính điều đó khiến cho Peru có tỷ lệ tử vong cao như thế”.

Thật vậy, trên 20.000 ca tử vong do Covid-19 được thống kê cho đến nay ở Peru, có đến 85% bị béo phì, 43% bị tiểu đường và 27% bị huyết áp cao, theo thống kê của bộ Y tế.

Nhưng quốc gia chiếm hạng đầu ở châu Mỹ Latinh vẫn là Brazil, hiện sắp vượt ngưỡng 100.000 ca tử vong và ngay từ tháng 10, số người chết sẽ tăng gấp đôi, tức là lên đến 200.000, nếu cứ theo đà gia tăng như hiện nay, theo lời cảnh báo của giáo sư Domingos Alves, chuyên gia về các số liệu thống kê Covid-19, khi trả lời hãng tin AFP ngày 06/08/2020.

Related posts