Di sản của Lê Khả Phiêu để lại cho Việt Nam

Trương Nhân Tuấn

8-8-2020

Lê Khả Phiêu vừa qua đời ngày 7 tháng 8, 2020 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Từng là Tống bí thư đảng CSVN từ năm 1997 đến 2001 và được nhiều người cho là người đã nhượng bộ nhiều lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc trong lúc tại chức.

Di sản của Lê Khả Phiêu để lại cho Việt Nam rất nặng nề, đa số là “tiêu sản”. Hệ quả làm cho Việt Nam bị tụt hậu rất xa so với các quốc gia láng giềng, ít ra 30 năm. Phiêu là một nhân vật điển hình có đầu óc “cổ hủ”, giáo điều trong đảng CSVN.

Đại hội đảng lần VII năm 1995 Lê Khả Phiêu “đánh” Nguyễn Mạnh Cầm vì các lý do:

1/ Cầm chủ trương “bãi bỏ đấu tranh giai cấp”.

2/ Cầm khẳng định “Mỹ không phải là kẻ thù chiến lược” và

3/ Cầm cho rằng thế giới không còn kẻ thù ý thức hệ mà chỉ có đối tác cạnh tranh kinh tế.

Do vụ này Nguyễn Mạnh Cầm bị loại ra ngoài cuộc đua chức Tổng Bí Thư.

Phiêu cũng “đánh” Võ Văn Kiệt tơi tả. Kiệt xém chút bị loại ra khỏi Bộ Chính trị nếu không có Đỗ Mười can thiệp. Lập trường của Kiệt là loại bỏ “định hướng XHCN”, “bỏ điều 4 Hiến pháp” và “thực hiện dân chủ triệt để”.

Nhờ đánh Nguyễn Mạnh Cầm và Võ Văn Kiệt, Phiêu lên làm Tổng Bí thư năm 1997.

Di sản chính trị của Lê Khả Phiêu “kiên định con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa” đã làm cho VN đến nay không thể hội nhập hoàn toàn với thế giới văn minh. Phiêu chủ trương hoãn ký Hiệp ước kinh tế với Mỹ. Chỉ hai năm ngồi ghế Tổng Bí thư, Phiêu đã khiến đảng CSVN rập khuôn đảng Cộng sản Trung Quốc, từ tư tưởng, hành động cho tới ý thức hệ. Tương lai chính trị VN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Về tiêu sản “bán đất nhượng biển” của Lê Khả Phiêu, điều này tôi đã viết nhiều lần.

Phiêu có trách nhiệm hệ quả hai hiệp ước 1999 và 2000 về phân định biên giới trên đất liền và phân định vịnh Bắc Việt.

Có tin đồn hiện nay cho rằng, Phiêu làm mất 15.000 cây số vuông đất cho Trung Quốc. Người viết tin này không đưa ra bằng chứng, ngoài việc so sách hai con số diện tích lãnh thổ Việt Nam do World Bank đưa ra.

Theo các nghiên cứu riêng của tôi. Nếu không tính đất mà Pháp đã nhượng cho nhà Thanh qua Công ước phân định biên giới 1887 thì trách nhiệm làm “mất đất” của Phiêu là “giới hạn” (một hai trăm cây số là nhiều).

Nhiều bài viết của tôi về Nam quan, Bản Giốc, Khấu Mai… cũng như các vùng đất của Việt Nam nhượng cho Trung Quốc theo Hiệp ước 1999, đã được công bố trên mạng từ đầu các năm 2000.

Trong vịnh Bắc Việt, nếu so sánh với “đường biên giới” thiết lập do Công ước 1887 trong vịnh Bắc Việt thì Việt Nam có thể bị thiệt hại đến 11.000 cây số vuông.

Trách nhiệm của Lê Khả Phiêu, theo tôi là quan trọng hơn hết, là nhìn nhận “có tranh chấp” với Trung Quốc trong khu vực Tư Chính (Vạn An Bắc).

Related posts