- Xuân Lan
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho hải quân Philippines không tham gia các cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu tại biển Đông, động thái có thể làm suy yếu nỗ lực của Washington nhằm xây dựng liên minh chống Trung Quốc tại vùng biển này. Vậy đâu là nguyên do?
Theo SCMP, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 3/8 cho biết Tổng thống Duterte đã có lệnh rằng Manila sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tập trận nào với Mỹ trên Biển Đông, ngoại trừ trong vòng 12 hải lý tính từ vùng biển quốc gia của nước này.
Ông Lorenzana nói lệnh cấm nhằm mục đích giữ căng thẳng khu vực trong tầm kiểm soát trong bối cảnh bất ổn đang tăng cao khi các cuộc tuần tra và giám sát của Mỹ tăng vọt tại vùng biển tranh chấp.
Gần đây, Mỹ đã từ bỏ lập trường trung lập về tranh chấp lãnh thổ liên quan đến nhiều quốc gia ở biển Đông và thẳng thừng tuyên bố những yêu sách của Bắc Kinh trong khu vực là “bất hợp pháp.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm của người đứng đầu Philippines rõ ràng là một nỗ lực để xoa dịu Trung Quốc và tạo khoảng cách giữa Philippines với đồng minh truyền thống của họ: nước Mỹ.
Cựu Thượng Nghị sĩ Antonio Trillanes, một sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu, cho biết mệnh lệnh này thể hiện rõ sự ủng hộ của Philippines đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại vùng biển Tây Philippines. Đây là tên gọi chính thức của chính phủ nước này đối với vùng phía đông biển Đông nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Philippines.
Ông Jose Antonio Custodio, chuyên gia phân tích an ninh và một nhà nghiên cứu tại Viện Stratbase ADR đặt tại Manila, nói rằng động thái này phù hợp với chính sách giảm thiểu các cuộc tập trận chung với Mỹ của ông Duterte từ khi trở thành Tổng thống năm 2016. Ông Duterte đã có vài lần nói về việc Philippines xoay trục hướng sang Trung Quốc và tránh xa Mỹ.
Trong số các sự kiện bị ảnh hưởng có cuộc tập Balikatan hàng năm (nghĩa là “sát cánh”), Phiblex (Cuộc tập trận đổ bộ Mỹ – Philippines) và Carat (Cuộc tập trận phối hợp sẵn sàng ra khơi và huấn luyện), theo SCMP.
Quyết định của ông Duterte đã gây tranh cãi và tạo ra sự bất bình trên khắp cả nước, đặc biệt khi nó liên quan tới biển Đông, nơi Manila và Bắc Kinh xung đột với nhau liên quan tới nhiều yêu sách lãnh thổ.
Dưới thời chính quyền ông Benigno Aquino III trước đó, Philippines đã đệ đơn kiện phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Toà án Trọng tài Thường trực tại The Hague.
Philippines đã thắng kiện, với phán quyết của tòa năm 2016 – ngay trước khi ông Duterte lên nắm quyền – rằng “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nào. Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định của toà án, trong khi ông Duterte nhiều lần nói rằng ông có thể gạt nó sang một bên đổi lấy mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Theo cựu Thượng Nghị sĩ Trillanes, “chỉ thị [không tham gia tập trận quân sự] rõ ràng là một chính sách thân Trung Quốc. Công chúng sẽ không biết đến nếu ông Lorenzana không tình nguyện cung cấp thông tin.”
Ông nói: “Đây không phải lần đầu tiên điều này xảy ra trong khi ông Duterte cầm quyền; trên thực tế, có một mệnh lệnh thường trực với lực lượng hải quân Philippines là không tiếp tục tuần tra vùng biển Tây Philippines để xoa dịu Trung Quốc.” Ông tiết lộ biết được điều này từ một sĩ quan chỉ huy cấp cao trong quân đội Philippines từ năm 2017.
“Thông điệp của chính phủ Duterte với Trung Quốc là sự quỵ luỵ rõ ràng, ông Duterte muốn biểu thị lòng trung thành với Trung Quốc vào thời điểm họ bị bao vây trên quá nhiều mặt trận,” ông Trillanes nhận định.
Ông Custodio nói nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana là “phù hợp với lập trường thân Bắc Kinh của chính quyền Duterte,” bổ sung thêm rằng “dưới thời ông Duterte, rất khó để có những cuộc diễn tập đa phương.”
Ông nói khi cuộc tập trận Balikatan diễn ra, lực lượng quân sự Philippines không muốn truyền thông đưa tin để tránh gây thù địch với Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc cho ông Duterte nhiều lần nói ông có ý định cắt đứt quan hệ quốc phòng với Washington, Philippines vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ và nhận sự trợ giúp quân sự từ Mỹ.
Trong tháng này, Philippines đã gửi tàu chiến tham gia RIMPAC 20 (cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2020) ở Honolulu, Hawaii. Tàu khu trục mang tên lửa đầu tiên của nước này, Josse Rizal, cùng nhiều tàu hải quân sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế được cho là lớn nhất thế giới. RIMPAC 20 dự kiến diễn ra từ 17-31/8.
Dù vậy, ông Custodio nói thật “lố bịch” khi ông Lorenza gợi ý có thể tiến hành các cuộc tập trong vòng 12 hải lý từ bờ biển bởi nó quá chật chội và không thể thực hiện được một cuộc diễn tập hoàn chỉnh.
“Thực tế nó loại trừ sự tham gia của Philippines trong bất cứ hoạt động đa phương nào tại biển Đông,” ông Custodio nói.
Hồi cuối tháng 7, ông Duterte thừa nhận trước Quốc hội rằng ông “không thể làm gì” để chống lại âm mưu bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông vì nước này sẽ không thể đấu lại được Trung Quốc nếu xảy ra một cuộc chiến trên biển, theo tờ Inquirer.
Tổng thống Philippines nói rằng Trung Quốc có lực lượng quân sự mạnh hơn, vì vậy theo một nghĩa nào đó, Trung Quốc đã “sở hữu” các vùng biển tranh chấp. Ông cũng cho rằng đất nước nên “hạ nhiệt” và xử lý tình hình bằng “các nỗ lực ngoại giao”. Ông nói thêm rằng “các tàu chiến của đất nước sẽ bị đánh bại bởi các tên lửa hành trình của Trung Quốc trước khi chúng ra khơi,” theo báo Inquirer.
Sau đó, trong bài phát biểu của mình, ông Duterte cũng nói rằng ông đã liên lạc với Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình về khả năng tiếp cận với vắc-xin ngừa virus corona ngay khi Trung Quốc phát triển thành công. Ông nói rằng vắc-xin của Trung Quốc sẽ có thể khôi phục Philippines và “chôn vùi” loại virus chết người này, theo New Talk.
Hiện Philippines là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á với gần 130.000 ca nhiễm, tăng hơn 3.000 ca nhiễm so với ngày trước đó. Hơn 2.200 người đã tử vong vì dịch bệnh tại nước này.
Xuân Lan (t/h)