Tin thế giới sáng thứ Ba

Nhà hoạt động dân chủ Chu Đình bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ

Hôm 10/8, cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành một hoạt động quy mô lớn và bắt giữ 9 người trong đó có ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh), người sáng lập Next Media với tội danh vi phạm Luật An ninh Quốc gia. Vào buổi tối cùng ngày, cảnh sát cũng đã bắt giữ Chu Đình (Agnes Chow), một cựu thành viên của Đảng Demosistō Hồng Kông.

Tối ngày 10/8, Facebook của Chu Đình đăng thông tin cho biết, “Hiện tại có một nhóm cảnh sát đã đến nhà, chưa rõ liệu có hành động bắt bớ hay không, được biết Chu Đình vẫn chưa rời khởi nơi ở, luật sư của cô đang gấp rút đến đó.” (Ảnh: Facebook Chu Đình).

Theo thông tin mới cập nhật trên Facebook Chu Đình, cô đã bị cảnh sát đưa đi khỏi nơi ở với cáo buộc “kích động ly khai” theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Luật sư cho biết cảnh sát đã đến nơi ở của cô với lệnh khám xét được ban hành vào ngày 6/8.

Lúc 8:30 tối ngày 10/8, Facebook của Chu Đình cho biết “Một nhóm cảnh sát đã đến nhà của Chu Đình và không biết liệu họ có hành động bắt giữ hay không. Được biết, Chu Đình vẫn chưa rời khỏi nơi cư trú và luật sư đang gấp rút đến đó. Mọi tin tức sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.”

Chu Đình bị cảnh sát đưa đi tối ngày 10/8 (Ảnh: Facebook Chu Đình)

Một số người hàng xóm cho biết khoảng 8 giờ tối, có khoảng 3 – 4 xe ô tô cá nhân chạy vào khu nhà, và khoảng hơn 10 người đã vào để khám xét, luật sư cũng đến nơi ở của Chu Đình để tìm hiểu tình hình.

Hôm qua, Chu Đình cho biết trên Facebook rằng cô nhận thấy có một số người đàn ông lạ lảng vảng bên ngoài nhà mình từ sáng đến tối. Họ liên tục sử dụng điện thoại di động để hình ảnh tình trạng bên trong nhà cô, có vẻ như họ thay phiên nhau làm việc này, hành động vô cùng lạ lùng.

Chu Đình nói rằng đây là lần đầu tiên xảy ra việc này ở nơi cô đã sống hơn 20 năm. Cô nói thẳng: “Tôi luôn làm mọi việc một cách trung thực, vì vậy xin đừng sử dụng những thủ đoạn thấp kém này.” Chu Đình cho biết, rất nhiều người hỏi cô liệu có sợ hay không, “Nhiều người đàn ông thế này vây quanh nhà, còn muốn chụp ảnh nơi ở của mình, nếu nói tôi hoàn toàn không kinh sợ thì là đang lừa bạn. Là có chút sợ hãi, nhưng tôi sẽ chỉ làm những việc mà bản thân mình tin tưởng.”

Biểu tình gia tăng ở Thái Lan chống chủ nghĩa độc tài

Biểu tình gia tăng ở Thái Lan chống chủ nghĩa độc tài
Cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ từ chức, giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới theo hiến pháp sửa đổi, tại khuôn viên Rangsit của Đại học Thammasat bên ngoài Bangkok, Thái Lan hôm 10 /8/2020 (ảnh: Jorge Silva/Reuters).

Những người Thái trẻ tuổi đang yêu cầu sự thay đổi từ chính quyền mang màu sắc quân sự của họ, một chế độ đã khiến đất nước rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế và bị xói mòn nghiêm trọng các quyền tự do cá nhân kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, theo Taiwan News ngày 9/8.

Hồi tháng 7/2019, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chấm dứt chính quyền quân sự đã nắm quyền trong 5 năm từ 2014. Tuy nhiên, ông Prayuth vẫn là Thủ tướng Thái Lan với sự hậu thuẫn của các đảng thân quân đội trong quốc hội.

Sau cuộc biểu tình FreeYOUTH tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở trung tâm Bangkok ngày 18/7, các cuộc biểu tình chống chính phủ – vốn giảm dần trong bối cảnh đại dịch – đang tăng trở lại trên khắp quốc gia Đông Nam Á này. Người biểu tình đã thúc giục nhà cầm quyền giải tán quốc hội, chấm dứt việc gây khó dễ cho những người bất đồng chính kiến và sửa đổi hiến pháp do quân đội soạn thảo.

Cựu tướng lĩnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã tiến hành một cuộc đảo chính năm 2014, nhờ đó lật đổ thành công chính phủ của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Quân đội của ông sau đó đã sửa đổi hiến pháp và yêu cầu tất cả các thành viên Thượng viện Thái Lan phải được quân đội bổ nhiệm trong một động thái mở đường cho tướng Prayuth đảm nhận vai trò thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Các cuộc biểu tình gần đây, dẫn đầu bởi các nhà hoạt động trẻ tuổi, nhằm mục đích lấy lại tương lai cho đất nước. Hồi đầu năm 2020, tòa án hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết bãi nhiệm đảng Tương lai, một đảng ủng hộ dân chủ đang nổi, cấm lãnh đạo đảng này tham gia chính trị trong 10 năm. 

Đối với Tattep Ruangprapaikitseree (biệt danh Ford), tổng thư ký phong trào FreeYOUTH, một tổ chức thanh niên ủng hộ dân chủ, lấy lại tương lai có nghĩa là khắc phục tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo và phân bổ quyền lực tại đất nước.

“Có một người đàn ông Thái Lan đang kiểm soát cấu trúc xã hội, còn 99% những người khác phải vật lộn để tồn tại dưới chân ông ta với mức lương bèo bọt. Dân chủ mới là nền tảng của sự cải thiện kinh tế”, anh nói với Stand News.

Nhà hoạt động trẻ này hy vọng các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp đất nước sẽ tiếp diễn trong hòa bình, đồng thời mong muốn Thái Lan có thể giành được nhiều mối quan tâm hơn của quốc tế đối với tình trạng xã hội độc tài đang diễn ra. Chính phủ hạn chế các nhà hoạt động ra nước ngoài, trong khi việc xin tị nạn chính trị thậm chí còn khó khăn hơn.

Ford tự tin rằng áp lực dư luận sẽ khiến phe bảo thủ phải thỏa hiệp, và một số nhà lập pháp phải thay đổi quan điểm về việc sửa đổi hiến pháp. “Bước đầu tiên là tiếp tục thúc đẩy các nhà chức trách chấp nhận ba yêu cầu của chúng tôi; thứ hai là tích lũy thêm nguồn lực và nguồn quyên góp để tiếp tục phong trào này”, anh nói.

Núi lửa Indonesia ‘bừng tỉnh’ phun ra đám mây tro bụi khổng lồ, phát tiếng động như tiếng sấm và bầu trời tối sầm lại

Núi Sinabung phun ra tro bụi ở Karo, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia, ngày 10/8/2020 (ảnh: Antara Foto/ Sastrawan Ginting/ Reuters).

Núi lửa Indonesia ‘bừng tỉnh’ phun ra đám mây tro bụi khổng lồ, phát tiếng động như tiếng sấm và bầu trời tối sầm lại

Một ngọn núi lửa ở Indonesia đã phun ra một đám mây tro khổng lồ cao tới 5 km vào bầu trời vào sáng ngày 10/8, phát ra tiếng động như tiếng sấm và khiến bầu trời trở nên tối sầm.

Núi lửa Sinabung trên đảo Sumatra phun trào xảy ra sau hơn một năm “ngủ yên” và đây là vụ phun trào thứ hai của ngọn núi này trong 3 ngày trở lại đây, kể từ 8/8 khi chính quyền cảnh báo người dân và khách du lịch về khả năng núi lửa phun trào dung nham.

Cảnh quay ấn tượng của vụ phun trào vào sáng sớm được người dân ghi lại cho thấy một đám mây tro bụi tầng tầng lớp lớp dày đặc bốc lên từ đỉnh núi cao 2.460 km ở Karo, Bắc Sumatra.

Hải quân Ecuador giám sát 340 tàu đánh cá của Trung Quốc gần đảo Galapagos

Hải quân Ecuador đang tiến hành giám sát đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đang hoạt động gần khu bảo tồn biển của đảo Galapagos, do lo ngại về những tác động môi trường từ việc đánh bắt cá quá mức trong các khu vực nhạy cảm về sinh thái quanh hòn đảo, theo Reuters.

Họ cho biết, tổng cộng 340 tàu hiện đang ở trong khu vực, so với 260 được báo cáo trong tháng trước. Những hình ảnh được chụp lại trong chuyến bay tuần tra, với sự tham gia của các nhà báo, cho thấy ít nhất một trong những con tàu đã quá cũ và cần được bảo dưỡng, theo Reuters.

Tư lệnh Hải quân Ecuador, Chuẩn đô đốc Darwin Jarrin, cho biết hầu hết các tàu cá này có năng lực đánh bắt lên đến 1000 tấn.

Bộ trưởng Y tế Mỹ đến Đài Loan, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu bay qua eo biển

Chính phủ Đài Loan cho biết, ngay trong lúc Bộ trưởng Y tế và và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đến thăm Đài Loan thể hiện sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump cho hòn đảo này, thì các máy bay phản lực của không quân Trung Quốc đã nhanh chóng bay qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan vào ngày 10/8. Các máy báy chiến đấu của Trung Quốc đã bị xua đuổi bởi các chiến đấu cơ tuần tiễu của Đài Loan, lực lượng không quân Đài Loan nói trong một tuyên bố.

Ông Azar đã tới Đài Loan trong hôm 9/8 với tư cách quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan này trong vòng 4 thập niên, một chuyến thăm bị Trung Quốc chỉ trích.

Trung Quốc áp chế tài trừng phạt các quan chức Mỹ

Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt đối với 11 công dân Hoa Kỳ bao gồm các nhà lập pháp vào hôm thứ Hai (10/8) để đáp trả việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc với cáo buộc tước đoạt các quyền tự do chính trị ở thuộc địa cũ của Anh.

Hãng Reuters cho biết, trong số những người bị nhắm mục tiêu có Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio, Tom Cotton, Josh Hawley và Pat Toomey và Hạ nghị sĩ Chris Smith, cũng như các cá nhân tại các nhóm nhân quyền và phi lợi nhuận.

Tháng trước, Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các ông Cruz, Rubio, Smith và các quan chức Mỹ khác sau khi Washington trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc về việc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực tự trị Tân Cương.

Công viên cá sấu lớn nhất Ấn Độ sắp hết tiền

Công viên cá sấu lớn nhất Ấn Độ có thể chỉ còn có 4 tháng nữa là hết tiền để nuôi bầy động vật và trả lương cho nhân viên cũng như để thực hiện nghiên cứu, do doanh thu từ bán vé tham quan công viên đã giảm sau khi khu vực bị phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch virus corona, dẫn tới việc bít chặt dòng khách tới thăm, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức công viên cho biết.

Thông thường, doanh thu hàng năm của công viên đến từ 5 triệu chiếc vé được bán ra, chiếm tới một nửa doanh thu của cả công viên. Công viên nằm cách Chennai 40km đã đóng cửa kể từ ngày 16/3 và trước mắt chưa có triển vọng mở cửa trở lại.

Related posts