Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Nhật Bản và “Ngũ nhãn” xích gần nhau hơn

  • Xuân Lan

Tờ Nikkei của Nhật mới đây đã có bài dẫn lời chuyên gia nhận định rằng Nhật Bản đã có thể được coi là thành viên không chính thức thứ 6 của liên minh tình báo “Ngũ nhãn” chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eyes) bao gồm 5 nước thành viên gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand, được lập ra với mục tiêu cùng nhau chống lại một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên trường quốc tế.

Các nước thành viên của “Ngũ nhãn” thời gian qua đã liên tiếp có những động thái phản ứng lại Trung Quốc đối với một loạt vấn đề: Nguồn gốc virus corona, Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, mạng Huawei, hay xung đột trên biển Đông.

Gần đây, các nước đều đã đình chỉ Hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, đồng thời xem xét việc mở đường hỗ trợ công dân Hồng Kông định cư và có cơ hội nhập tịch tại nước sở tại. Trên biển Đông, Mỹ và Úc đã bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến “đường lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Những phản ứng tương tự đối với chính quyền Bắc Kinh có thể được nhìn thấy tại Nhật Bản.

Đại dịch COVID-19 đã khiến chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản với tư cách nguyên thủ quốc gia, vốn được dự kiến diễn ra vào tháng Tư của Chủ tịch Tập Cận Bình bị hoãn vô thời hạn. Tokyo cũng chưa cho thấy dấu hiệu nào để sắp xếp lại thời gian cụ thể của chuyến viếng thăm này.

Giữa đại dịch, Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu khởi động chính sách “tránh xa” Trung Quốc, với việc chi hơn 2 tỷ USD khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc về lại trong nước hoặc đa dạng hoá nguồn cung ở các thị trường khác.

Gần đây, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 17/7 đã tiết lộ 87 công ty Nhật Bản đầu tiên được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc về Nhật Bản.

Cuộc họp tuần vừa qua tại London giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã cho thấy dấu hiệu chung giữa hai nước trong việc đối phó với Trung Quốc.

“Nhật Bản là người bạn thân thiết của Vương Quốc Anh, là đối tác an ninh chủ chốt ở châu Á,” ông Raab nói trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư (5/8) sau cuộc hội đàm với ông Motegi.

Cả hai nhà ngoại giao đã chia sẻ “những quan ngại nghiêm trọng” về tình hình gần đây liên quan tới cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc trong vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo tờ Nikkei, dù một thỏa thuận thương mại song phương là mục đích chuyến thăm của ông Motegi, nhưng có nhiều lý do hơn trong việc cánh tay phải của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại chọn nước Anh là quốc gia đến thăm đầu tiên sau vụ dịch virus corona.

Khi căng thẳng Trung – Mỹ leo thang, hai đồng minh của Mỹ rõ ràng đang điều chỉnh lại vị trí của họ trong phe của Washington và thảo luận những biện pháp để ngăn chặn các kế hoạch của Trung Quốc. Những chủ đề thảo luận bao gồm vai trò của Anh trong an ninh khu vực châu Á và khả năng Nhật chia sẻ thông tin với liên minh “Ngũ nhãn”.

Theo ông Arthur Herman, một nghiên cứu viên cao cấp tại viện nghiên cứu Hudson ở Washington, Nhật Bản đã được coi là thành viên không chính thức thứ sáu và có thể sẽ chính thức tham gia trong thời gian tới.

Xuân Lan

Related posts