Hương Thảo
Sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia mới nhắm vào Hồng Kông, các cuốn sách nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc đã biến mất khỏi các kệ sách ở thư viện công cộng, nhưng nhiều nhà sách vẫn dũng cảm duy trì truyền thống kinh doanh vốn được hình thành trong thế giới tự do.
Nỗi sợ hãi của các nhà sách độc lập ở Hồng Kông lần đầu xuất hiện vào năm 2015, khi 5 nhân viên của nhà sách Causeway Bay Books, xuất bản các sách chính trị, bỗng nhiên biến mất. Sau đó, vào năm 2018, có thông tin rằng Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông đã sở hữu nhà xuất bản Sino United Publishing (SUP), và thông qua đó kiểm soát hơn một nửa các nhà sách ở Hồng Kông.
Nhưng vẫn có những nhà sách ở Hồng Kông can đảm chống lại ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc. Ông Albert Wan chủ của nhà sách Bleak House Books nói rằng ông sẽ không thay đổi cách điều hành doanh nghiệp của mình. Điều này bao gồm việc nhà sách của ông tiếp tục phát hành các tựa sách chính trị nhạy cảm với Bắc Kinh.
Ông Wan không phải là chủ cửa hàng sách duy nhất thất vọng với luật an ninh. Bà May Fung của ACO Book – một cửa hàng sách địa phương chuyên bán sách về nghệ thuật và văn hóa – cũng bày tỏ sự lo ngại đối với đạo luật này: “Mỗi ấn phẩm về bất kỳ chủ đề nào đều phải tuân theo luật an ninh quốc gia này. Tôi nghĩ điều đó thật nguy hiểm và tôi hơi lo lắng”, bà nói với HKFP.
Cũng giống như ông Wan, bà Fung sẽ không thay đổi nguyên tắc kinh doanh của mình, trừ khi bị buộc phải làm khác đi. “Tôi sẽ không dừng hoạt động vì lý do [chính quyền] có thể cấm hoặc không cấm một số đầu sách nhất định. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đã đang làm cho đến khi chúng tôi bị dồn tới đường cùng”, bà nói.
Lợi ích kinh doanh
Ở những nhà sách khác đang áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn theo luật an ninh mới. Một người đàn ông làm quản lý tại một cửa hàng sách, xin giấu tên, nói với HKFP rằng doanh nghiệp của ông đã phải tự kiểm duyệt để bảo vệ việc kinh doanh.
“Sau khi luật an ninh quốc gia thông qua, chúng tôi cảm thấy rằng sự tự do trước đây đã bị cướp đoạt”, người quản lý này nói. “Ví dụ, [trước đây] chúng tôi thoải mái trưng bày sản phẩm của mình trong các hội chợ nghệ thuật, chúng tôi thậm chí còn trưng bày một cuốn sách về Tây Tạng trong những năm gần đây”, ông nói.
Tuy nhiên, từ khi có luật an ninh mới, mọi chuyện đã thay đổi. “Chúng tôi bán rất nhiều sách về các chủ đề. Nhưng chắc chắn chúng tôi phải tự kiểm duyệt. Vì cuối cùng, chúng tôi là một thực thể kinh doanh”, ông nói.
Tự do nhất có thể
Khi được hỏi về việc ông có nhận thấy sự thay đổi diễn ra ở các khách hàng của mình không, ông Wan trả lời: “Chúng tôi đã nghĩ rằng mọi người sẽ thay đổi thói quen mua sách sau khi có luật an ninh, vì chúng tôi có những sách và tài liệu mà một số người có thể cho là nhạy cảm. “Tuy nhiên, khách hàng vẫn mua những cuốn sách theo thói quen trước khi luật [an ninh] được thông qua”.
Quản lý một cửa hàng sách có trụ sở ở Đức cũng cho biết điều tương tự. “Khách hàng của chúng tôi đang thực hiện quyền mua hàng tự do như trước đây”.
Ông Wan nói rằng, ông có niềm tin nhiều nhà sách sẽ tiếp tục đóng vai trò thầm lặng nhưng rất quan trọng của họ trong việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận kiến thức.
“Chỉ cần [giữ] kinh doanh theo cách họ đã từng làm trước khi luật được thông qua. Chỉ cần duy trì cảm giác tự do vốn là thương hiệu của xã hội Hồng Kông. Đây là những gì khiến Hồng Kông khác biệt với Hoa lục. Duy trì bầu không khí đó và văn hóa đó là vô cùng quan trọng”, ông Wang chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Wang, bà Fung cho biết: “Các nhà sách đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp quyền truy cập vào kiến thức trong cộng đồng. Không phải ai cũng được hưởng một nền giáo dục chính thức”.
“Người Hồng Kông đi con đường nào, các nhà sách chúng tôi sẽ đi con đường đó. Ngay bây giờ bầu trời đang mây mù, nhưng ai biết được? Chúng ta chỉ cần gìn giữ hy vọng và tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm”, ông Wang trải lòng.
Theo HongKongFP