SỰ KHÁC BIỆT VỀ DÂN CHỦ

Ls Lê Đức Minh

Trước đây tôi từng có lúc suy nghĩ rằng những giá trị nhân quyền, dân chủ, tự do của con người là những giá trị phổ quát, giống nhau trên toàn thế giới, không phân biệt quốc gia hay dân tộc. Tuy nhiên càng lúc tôi càng nhận ra rằng Châu Á và phương Tây nói chung có những quan điểm rất khác nhau về dân chủ, tự do và nhân quyền.

Điều dễ thấy trước hết là những giá trị của Khổng Giáo hoàn toàn đi ngược lại những giá trị tự do dân chủ của phương Tây. Do đó các nước Á Châu bao giờ cũng dùng Khổng Giáo để phản biện những tố cáo của phương Tây rằng các nước Á Châu vi phạm nhân quyền.

Những người mạnh mẽ sử dụng Khổng Giáo để phản biện chống lại các phê bình từ phương Tây gồm có cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore và thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia.

Trong thực tế nhìn quanh, chúng ta có thể thấy rằng chẳng có bao nhiêu nước ở Á Châu có một nền dân chủ mạnh như các nước phương Tây và nhân quyền được bảo vệ như tại các nước phương Tây. Thậm chí những quốc gia như Singapore, Nam Dương , Nam Hàn…đều là những quốc gia từ thiếu dân chủ đến độc tài.

Trong tiến trình phát triển, có khi tưởng một số nước Á Châu như Thái Lan, Miến Điện đã bứt phá được hệ thống tư tưởng Khổng Giáo lạc hậu, để du nhập những giá trị tự do dân chủ của phương Tây. Tuy nhiên sự thật cho thấy các quốc gia như Đài Loan, Nam Hàn, Phi, Indonesia, Miến Điện, Mông Cổ, Mã Lai, Thái Lan đều cuối cùng quay trở lại với những chế độ độc tài toàn trị.

Còn các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cambodia thì rõ rang đều là những nước độc tài cộng sản, sau khi thoát khỏi hàng ngàn năm phong kiến, thực dân. Những dân tộc này có thể nói rằng chưa bao giờ được hưởng dân chủ tự do thật sự, và có lẽ người dân các nước này cũng không có nhu cầu về tự do dân chủ theo kiểu phương Tây.

Năm 1995 thủ tướng Malaysia là Mahathir Mohamad đã tuyên bố rằng Châu Á không chấp nhận những khái niệm dân chủ, tự do hình thành từ những xã hội phương Tây.

Đương kiêm thủ tướng Singapore hiện nay là Lý Hiển Long, con trai của Lý Quang Diệu đã khẳng định rằng chế độ của ông ta không phải là chế độ toàn trị. Ông ta khẳng định rằng chính dân chúng Singapore đã tự mình bầu lên chính phủ của họ. Tuy nhiên ông Lý đã không nhắc đến sự thật rằng luật bầu cử của Singapore đã được thay đổi để loại tất cả các đảng phái khác ra khỏi các cuộc vận động tranh cử và chỉ có đảng Nhân dân Hành động của ông ta là đảng phái duy nhất đủ điều kiện tranh cử.

Ẩn trong cái lý luận dân chủ phương Tây không thích hợp với Á Châu là tư tưởng kỳ thị, bài ngoại, bảo thủ và khuynh hướng cho rằng người dân luôn phải là đối tượng bị cai trị, chứ không thể có quyền chỉ định những người sẽ cai trị họ. Dân là dân, chính quyền là chính quyền và chính quyền không phải của dân mà chính quyền là những người ưu tú nhất của quốc gia, có thiên mệnh đứng ra cai trị nhân dân.

Lý Quang Diệu từng được Henry Kissinger coi như một nhà hiền triết, được Tổng thống Nga Vladimir Putin xem như một chính trị gia mẫu mực và được Tổng thống Barack Obama mô tả là “người khổng lồ đích thực của lịch sử”. Những ca ngợi này phải chăng cho thấy rằng phương Tây công nhận những sự khác biệt về giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền giữa phương Tây và phương Đông?

Có một điều không thể chối cãi: Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu rất là lớn đối với nhiều nước Á châu trong đó có cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, mặc dầu quyền lực thực tế của ông không vượt khỏi biên giới của đảo quốc Singapore.

Nhiều quốc gia đã nhìn đến Singapore như một hình mẫu của việc độc tài toàn trị vẫn có thể có một nền kinh tế tư bản thịnh vượng.Lý Quang Diệu là người tiên phong của chủ nghĩa tư bản toàn trị. Đảng Hành động Nhân dân của ông, dù ít tàn bạo hơn nhiều so với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cai trị một đất nước độc đảng trên thực tế.

Như những nhà lãnh đạo độc tài khác, Lý Quang Diệu cũng từng là người theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng Lý Quang Diệu đã nhanh chóng nhận thức được sự không tưởng của chủ nghĩa cộng sản, cho nên ông đã kết hợp chủ nghĩa xã hội với Khổng Giáo của Châu Á để tạo nên một thể chế chính trị có một không hai. Sự thành công của Singapore dưới sự cai trị của đảng Hành Động Nhân Dân dường như đưa người ta đến một nhận xét rằng rằng chủ nghĩa chuyên chế, tư bản toàn trị ưu việt hơn các thể chế dân chủ, ít nhất là ở một số nơi trên thế giới. Rõ ràng sự thành công về kinh tế của Singapore khiến cho Lý Quang Diệu rất được các nhà độc tài ở mọi nơi ngưỡng mộ. Những người này cũng mong đất nước của họ trở nên giàu có trong khi thực hiện một nền cai trị độc đảng độc tài.

Một điều mà người ta cần nghiên cứu về Singapore của Lý Quang Diệu đó là đại đa số các chế độ độc tài đều nghèo rớt mồng tơi, trong khi Singapore độc tài lại trở nên giàu có. Có thể mọi sự bắt đầu từ việc Lý Quang Diệu không lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính quân sự và sau đó đem hết những người đối lập ra bắn chết hết hay tống hết vào tù. Những người bất đồng chính kiến ở Singapore thường bị giam giữ và ngược đãi, nhưng không ai bị tra tấn cho đến chết. Chính phủ của Lý Quang Diệu, trong khi cho phép bầu cử diễn ra có tính cách dân chủ , vẫn khống chế những người đối lập mình bằng cách đe dọa và hạ gục bằng cách đánh vào kinh tế. Những người dám chống lại Lý Quang Diệu sẽ bị làm cho phá sản trong các vụ kiện tốn kém.

Và mặc dầu được đào tạo tại phương Tây, đại đa số các nhà độc tài Á Châu vẫn có khuynh hướng quay về cội nguồn văn hóa Á Châu của mình, và dựa trên Khổng giáo, Phật giáo…tức là dựa trên thái độ thụ động và thần phục chính quyền của người dân để xây dựng lên những chế độ độc tài.

Lý Quang Diệu chưa bao giờ tuyên bố rằng nền dân chủ tự do ở phương Tây là sai lầm. Tất cả những gì ông muốn nói là nó không phù hợp đối với “người châu Á.” Lập luận của ông là người châu Á đã quen với việc đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Người châu Á về bản chất là tuân phục giới cầm quyền. Những đặc điểm này bắt nguồn từ lịch sử châu Á, từ Khổng Giáo và Phật giáo.

Nhưng có những người thách thức quan điểm của Lý Quang Diệu khi ông ta cho rằng dân chủ theo kiểu phương Tây không thích hợp cho người Á châu. Người Á Châu nào? Có thể người Singapore, người Trung Quốc, người Việt Nam… đồng ý với ý kiến của ông Diệu vì họ có chung nền văn hóa, cùng nguồn gốc. Nhưng có thể người Ấn Độ, người Nam Dương không chia xẻ cái gọi là đặc tính Á Châu của ông Diệu. Hay là người Ấn Độ, người Mã Lai họ không có theo Khổng giáo, không theo Phật giáo.

Nhưng cũng có nhiều người Trung Quốc, không chỉ ở Đài Loan và Hồng Kông, bắt đầu không đồng ý với lời biện minh bằng văn hóa của Lý Quang Diệu cho chủ nghĩa toàn trị. Ngay cả người Singapore cũng đang dần thức tỉnh.

Liệu có đúng theo Lý Quang Diệu là dân chủ kiểu phương Tây sẽ khiến Singapore trở nên kém phát triển, thịnh vượng, và hòa bình hơn? Nhiều người Singapore có thể cũng nghĩ như vậy. Nhưng không thể chắc chắn rằng họ có đúng vì giả định trên chưa bao giờ được kiểm nghiệm trên thực tế. Hàn Quốc và Đài Loan đều đã trải qua tiến trình dân chủ hóa vào những năm 1980, sau khi kết thúc việc áp dụng phiên bản chủ nghĩa tư bản toàn trị của mình, và đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chắc chắn, dân chủ kiểu phương Tây cũng không gây phương hại đến nền kinh tế Nhật Bản.

Nhưng cần phải thấy một bí quyết khác của việc tại sao Singapore trở nên giàu mạnh, đó là triệt để sử dụng nhân tài. Và khi đã sử dụng nhân tài thì trả lương thật hậu hĩ cho nhân tài để bít lại những kẻ hở của vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên Singapore cũng là một đất nước khô khan, vắng bóng những sang tạo nghệ thuật, văn hóa có giá trị bởi vì tư duy của con người ở Singapore không phải là mẫu mực tư duy tự do sáng tạo như con người của các nước phương Tây.

Những thứ có thể phát huy tác dụng trong một quốc gia nhỏ bé như Singapore khó có thể trở thành một hình mẫu hữu hiệu cho các quốc gia rộng lớn ví dụ như Việt Nam. Nỗ lực của Trung Quốc và Việt Nam trong việc áp dụng chủ nghĩa tư bản toàn trị đã tạo nên một hệ thống tham nhũng tràn lan, với sự bất bình đẳng trầm trọng về mức độ giàu có. Và Putin cũng phải nhờ đến chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến để che đậy những khuyết điểm xã hội và kinh tế dưới chính quyền của mình.

Những nói gì thì nói, càng ngày càng có nhiều người trẻ ở Á Châu,ví dụ những thế hệ trẻ hiện nay tại Hong Kong tin rằng nền dân chủ phương Tây hoàn toàn phù hợp với các quốc gia Châu á. Cựu tổng thống Kim Đại Trọng của Nam Hàn từng nói rằng Châu Á phải kiên định con đường phát triển và xây dựng dân chủ, mở rộng nhân quyền. Trở ngại lớn của các nước Á Châu với dân chủ và nhân quyền là bởi vì đại đa số các chính khách Á Châu là những người thuộc thế hệ già cả, bảo thủ, phong kiến được một bộ phận quyền lực của xã hội ủng hộ.

Related posts