Ông Pompeo thăm Châu Âu bàn kế chống Trung-Nga
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đến Cộng hòa Séc hôm thứ Ba (11/8), đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Âu của vị Ngoại trưởng dự kiến diễn ra từ ngày 11/8 đến 15/8. Hãng tin AP cho biết Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ tập trung thảo luận với các đối tác châu Âu về mối đe dọa mà Nga và Trung Quốc gây ra cho khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng thống Séc Milos Zeman và Thủ tướng Andrej Babis tại Prague hôm nay để thảo luận về hợp tác năng lượng hạt nhân và các cuộc “tấn công chống lại Nga và chủ nghĩa cộng sản”, cũng như hóa giải các kế hoạch “ác ý” của chính quyền Trung Quốc.
Hôm thứ Ba, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ viết trên Twitter cá nhân rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Ông nói rằng mối quan hệ này là “may mắn của chúng ta”.
Ấn Độ bắt đầu ‘sờ gáy’ các viện Khổng Tử
Sau khi cấm một số lượng lớn ứng dụng Trung Quốc, Ấn Độ đã chuyển hướng chú ý sang các Viện Khổng Tử, vốn đã gây ra nhiều tai tiếng ở nhiều nước trên thế giới, theo bản tin hôm thứ Tư của Epoch Times.
Bộ Giáo dục Ấn Độ đã quyết định rà soát hoạt động của các Viện Khổng Tử ở 7 trường đại học nước này cùng 54 biên bản ghi nhớ hợp tác liên trường mà các trường đại học Ấn Độ đã ký kết với các trường đại học Trung Quốc.
Thời báo Hindustan đưa tin, nhiều cơ quan an ninh Ấn Độ đã cảnh báo chính phủ nước này rằng ĐCSTQ đang ngày càng gây được ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Ấn Độ.
Ngày 15/7, một số nhân viên an ninh tại Ấn Độ đã báo cáo với Bộ trưởng Nội các Rajiv Gauba về sự “thâm nhập” của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông và giáo dục đại học ở Ấn Độ. Bộ Giáo dục Ấn Độ đã ngay lập tức kêu gọi điều tra lại việc này và gửi thông báo phối hợp để xử lý vấn đề tới Bộ Ngoại giao và Ủy ban Tài trợ Giáo dục Đại học.
Hai quan chức cấp cao của Séc sắp thăm Đài Loan
Thị trưởng Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Zdenek Hrib hôm thứ Ba thông báo qua Facebook rằng ông sẽ tháp tùng Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil thăm Đài Loan vào cuối tháng, theo Taiwan News.
Đây sẽ là lần thứ hai Hrib, người tự nhận mình là “một fan hâm mộ Đài Loan”, đến thăm chính thức đất nước này. Ông đã đến thăm hòn đảo lần đầu vào tháng 3/2019, gặp gỡ người đồng cấp Đài Loan, Thị trưởng Đài Bắc, Kha Văn Triết, và Tổng thống Thái Anh Văn.
Ông Hrib và Vystrcil được biết đến là những chính trị gia châu Âu dám đứng lên chống lại áp lực từ chính quyền Trung Quốc. Năm ngoái, Praha đã kết thúc mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Bắc Kinh sau khi ông Hrib từ chối thêm điều khoản “nguyên tắc một Trung Quốc” vào thỏa thuận với thủ đô Trung Quốc.
Quan chức Trung Quốc tiếp tục ‘hạ giọng’ với Mỹ
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã lên tiếng kêu gọi ngăn chặn mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khi nó đang cho thấy nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát “trong vài tháng tới”, và cho biết ông sẵn sàng đối thoại với Washington “bất cứ lúc nào”, theo SCMP.
Trả lời phỏng vấn trang tin Trung Quốc Guancha, ông Lạc nói rằng đã “sẵn sàng cho các cuộc đàm phán” với những người đồng cấp Mỹ, theo bản tin hôm thứ Tư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phát biểu của ông Lạc nối tiếp sau phát biểu hòa giải của một loạt quan chức cấp cao Trung Quốc về mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tuần trước, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ.
Biển Đông: Bắc Kinh ra lệnh không nổ súng trước Mỹ
SCMP đưa tin hôm thứ Ba, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này không được nổ súng trước trong các cuộc tranh chấp với Hoa Kỳ tại Biển Đông.
Theo SCMP, Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông tới mức mất kiểm soát. Tuy nhiên, ở trong nước, Bắc Kinh đã sử dụng những ngôn từ rất gay gắt để chỉ trích sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ tại Biển Đông.
SCMP cho biết thêm, các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu dịu giọng với Hoa Kỳ nhằm tránh tạo thêm căng thẳng trong quan hệ song phương. Việc Bắc Kinh đưa ra yêu cầu này cho quân đội là một động thái tiếp theo trong xu hướng muốn hòa giải với Washington của chính quyền Trung Quốc.
Mỹ-Ấn dự định tăng cường thỏa thuận mua bán vũ khí
Theo giới phân tích, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có khả năng sẽ tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc, theo tờ Express hôm 11/8.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng sau cuộc giao tranh khốc liệt nổ ra giữa họ và những người đồng cấp Trung Quốc gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hồi tháng 6. Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong, nhưng theo nguồn tin tình báo Mỹ có khoảng hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Vụ đụng độ được các nhà ngoại giao và nhà bình luận chính trị mô tả như một “bước ngoặt” trong quan hệ Trung-ẤnTrong những tháng gần đây, New Delhi đã ra một loạt các biện pháp nhằm loại bỏ hoặc cấm các công ty Trung Quốc tham gia thị trường tiêu dùng của họ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này từ trước khi xảy ra vụ xung đột biên giới.
Akhi Bery, nhà phân tích Nam Á tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết vụ ẩu đả hồi mùa hè này sẽ khiến Ấn Độ nghiêng về phía Mỹ nhanh hơn. Ông nói với CNBC: “Xung đột biên giới với Trung Quốc có khả năng sẽ thúc đẩy một xu hướng đã châm ngòi”.
Một lĩnh vực quan trọng mà Ấn Độ sẽ tập trung vào trong quan hệ đối ngoại là Đối thoại An ninh Tứ giác. Đây là diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được gọi là Quad (Bộ tứ).
Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ tại Myanmar và Mexico, cho biết: “Rõ ràng, một nhân tố then chốt trong việc cân bằng chiến lược đối ngoại của Ấn Độ là việc tăng cường sự thống nhất và gắn kết của quan hệ đối tác trong nhóm Bộ Tứ”.
“Khá nhiều bước tiến đã được thực hiện. Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra sự gắn kết này sẽ ngày càng gia tăng, tương ứng với cách thức Trung Quốc thể hiện sự hung hăng của mình đối với nhóm Bộ Tứ nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung”.Đầu năm nay, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ, ông Trump đã được những người dân Ấn ở phía bên kia thế giới chào đón như một ngôi sao. Sự kiện mang tên “Namaste Trump” chào mừng Tổng thống Mỹ tại Ấn độ, và sự kiện “Howdy Modi” tổ chức ở Houston, Texas mà người Mỹ dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ, là những cái gật đầu thể hiện sự gắn kết giữa hai bên.
Cả hai đều là những nhà lãnh đạo dân túy thu hút được lòng dân.
Hiện ông Trump đang dựa vào việc bán vũ khí để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với Ấn Độ.
Cuộc đụng độ ở biên giới với Trung Quốc đã làm thức tỉnh mong muốn của New Delhi trong việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Washington, theo trao đổi của các quan chức Mỹ với tờ Foreign Policy.
Trong vài tháng qua, cả hai nước đã đặt nền móng cho một thỏa thuận vũ khí mới.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ bao gồm việc Mỹ bán cho Ấn Độ các hệ thống vũ khí dài hạn với trình độ công nghệ và độ tinh vi cao hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái có vũ trang.
Ngoại trưởng Mỹ: Cần phải ‘không tin và kiểm chứng’ ngôn hành của Trung Quốc
Trong bài phát biểu hôm 23/7 tại Thư viện Richard Nixon, bang California, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc cần phải là “không tin tưởng và cần kiểm chứng”. Trong cuộc phỏng vấn với Newsmax TV hôm 10/8, ông Pompeo đã nhắc lại điều đó và giải thích nguyên nhân đằng sau.
Trên chương trình “Spicer and Co.” của Newsmax TV phát sóng hôm 10/8 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc ngoại giao với chính quyền Trung Quốc, đó là “không tin tưởng và cần chứng thực”.
Ông nói với người dẫn chương trình Sean Spicer, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng rằng: “Chúng ta sẽ không tin tưởng rồi sau đó đi chứng thực, và chúng ta nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong hành vi của ĐCSTQ. Đơn giản là vậy”.
Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Lý do đằng sau chính sách đó chính là sự thất hứa của họ. Tất cả chúng ta đều biết điều đó, Sean”. Ông nói rằng ĐCSTQ “hướng tới sự bất tín và như vậy là không được”.
Ông Pompeo nói thêm:
“Chúng ta đã chứng kiến họ phá vỡ lời hứa, những điều mà họ đã cam kết với người dân Hồng Kông. Chúng ta đã chứng kiến họ thất hứa với Tổ chức Y tế Thế giới, mà hiện đã khiến hàng trăm nghìn người dân trên khắp thế giới mắc phải virus viêm phổi Vũ Hán”.
“Họ từng hứa họ sẽ cho thế giới biết thông tin sớm nếu họ phát hiện được một loại virus có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu, nhưng họ đã không làm vậy. Thay vì thông báo cho thế giới, họ lại bưng bít thông tin. Họ đã cho phép công dân của họ [tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh] đi sang các nước khác”.
Họ đã tạo ra mối nguy hiểm thực sự, và giờ đây, mối nguy hiểm đó đã gây ra sự tàn phá khổng lồ, không chỉ đối với các sinh mạng, mà còn khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD – rất nhiều việc làm, rất nhiều người sẽ phải chịu thiệt hại vì sự thất hứa của ĐCSTQ”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đi đến kết luận:
“Mọi người không nên tin tưởng họ. Mọi người không được tin những gì họ nói. Mọi người cần phải đi xác minh khi Trung Quốc hứa hẹn điều gì. Tất nhiên khi Trung Quốc làm điều đó, khi họ đưa ra cam kết và họ chứng thực điều đó, thì chúng ta sẽ rất hoan nghênh. Nhưng chúng ta sẽ không còn ủng hộ và cho phép họ thực hiện những hành động đe dọa tất cả chúng ta”.