Vào hôm thứ Ba (11/8) Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố bào chế thành công vắc-xin chống virus corona mới (Sars-CoV-2), một động thái chấn động nhưng vấp phải sự hoài nghi đầy lo ngại của quốc tế vì loại vắc-xin này mới chỉ được nghiên cứu thử nghiệm ở vài chục người, theo AP.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Bộ Y tế Nga đã phê duyệt vắc-xin Sputnik V (đặt theo tên tàu vũ trụ đầu tiên Nga phóng lên vũ trụ) và một trong hai con gái của ông đã được tiêm chủng. Ông cho biết vắc-xin đã trải qua các thử nghiệm cần thiết và được chứng minh là cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài trước virus corona, mặc dù các nhà chức trách Nga không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho các tuyên bố về tính an toàn hoặc hiệu quả.
Ông Putin nói: “Tôi biết nó đã được chứng minh là có hiệu quả và tạo thành một hệ miễn dịch ổn định. Chúng ta phải biết ơn những người đã thực hiện những bước đầu tiên rất quan trọng đối với đất nước và toàn thế giới.”
Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Nga và các quốc gia khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng việc vội vàng cung cấp vắc-xin trước khi thử nghiệm giai đoạn cuối có thể phản tác dụng. Cái được gọi là thử nghiệm Giai đoạn 3 – bao gồm nghiên cứu trên hàng chục nghìn người và có thể mất hàng tháng – là cách duy nhất để chứng minh liệu vắc xin thử nghiệm có an toàn và thực sự hoạt động hay không.
Để so sánh, các loại vắc-xin bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở Hoa Kỳ yêu cầu nghiên cứu trên 30.000 người. Hai ứng cử viên vắc-xin đã bắt đầu bước vào giai đoạn nghiên cứu khổng lồ này, và ba loại vắc-xin nữa sẽ được tiến hành vào mùa thu.
Hiệp hội Các tổ chức Thử nghiệm lâm sàng của Nga cảnh báo: “Việc phê duyệt đi tắt sẽ không khiến Nga trở thành nước dẫn đầu trong cuộc đua mà chỉ khiến người tiêu dùng vắc-xin gặp nguy hiểm không cần thiết”, đồng thời kêu gọi các quan chức chính phủ hoãn phê duyệt loại vắc-xin này nếu chưa hoàn thành các thử nghiệm nâng cao.
Trong khi các quan chức Nga tuyên bố việc sản xuất quy mô lớn vắc-xin này sẽ không được lên kế hoạch cho đến tháng 9, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho hay các bác sĩ có thể được tiêm chủng trước từ ngay tháng 8 này.
Việc tiêm chủng này sẽ được giám sát chặt chẽ. Tiêm chủng đại trà có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 10.
Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, đơn vị tài trợ vắc-xin nói với các phóng viên: “Chúng tôi hy vọng hàng chục nghìn tình nguyện viên sẽ được tiêm vắc-xin trong vòng những tháng tới”.
Vắc-xin này do Viện Gamaleya ở Moscow phát triển với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Nga, sử dụng một loại virus khác – loại adenovirus gây cảm lạnh thông thường – đã được sửa đổi để mang gen cho các “gai” protein có nhiệm vụ bao phủ virus corona, như một cách để đánh động cơ thể biết nếu bị nhiễm COVID-19 thực sự.
Công nghệ này tương tự như vắc-xin đang được phát triển bởi CanSino Biologics của Trung Quốc và Đại học Oxford, AstraZeneca của Anh – nhưng không giống như các công ty đó, những nhà khoa học Nga không công bố bất kỳ thông tin khoa học nào về cách vắc-xin đã hoạt động trong các thử nghiệm trên động vật hoặc trong các nghiên cứu ở người giai đoạn đầu.
Dmitriev cho biết ngay cả khi các bác sĩ và giáo viên bắt đầu tiêm vắc-xin, các thử nghiệm nâng cao sẽ bắt đầu vào thứ Tư ( 12/4) với sự tham gia của “vài nghìn người” và trải rộng ở một số quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê-út, Philippines và có thể cả Brazil.
AP không thể tìm thấy tài liệu trong hồ sơ của Bộ Y tế Nga cho thấy rằng quyền bắt đầu các thử nghiệm nâng cao đã được cấp. Bộ này cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Putin cho biết một trong hai con gái của ông đã được tiêm hai liều thuốc và có những tác dụng phụ nhỏ như sốt nhẹ, và hiện “cảm thấy khỏe và có một số lượng kháng thể cao”. Hiện chưa rõ người này có phải là một trong những người tình nguyện của nghiên cứu hay không.
Bộ Y tế cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng vắc-xin này dự kiến sẽ cung cấp khả năng miễn dịch khỏi virus corona trong tối đa 2 năm, dẫn lại kinh nghiệm của họ với vắc-xin được sản xuất bằng công nghệ tương tự.
Tuy nhiên, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã cảnh báo rằng ngay cả khi các loại vắc xin tiềm năng được chứng minh là có tác dụng, thì sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa để biết được khả năng bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu.
Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann của Đại học Imperial College London cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba: “Tổn thất ngoài dự kiến do phát hành một loại vắc-xin kém an toàn và không hiệu quả sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại đến mức không vãn hồi được”.
Tổ chức Y tế Thế giới vào hôm thứ Ba đã kêu gọi rằng tất cả các ứng cử viên vắc xin phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ trước khi được tung ra thị trường và cho biết họ đang liên lạc với các nhà khoa học Nga và “mong được xem” dữ liệu nghiên cứu. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng vắc-xin không được kiểm tra đúng quy trình có thể gây hại theo nhiều cách – từ gây hại cho sức khỏe đến tạo cảm giác an toàn giả tạo hoặc làm xói mòn niềm tin vào việc tiêm chủng.
Trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc-xin là một vấn đề mang tính uy tín quốc gia đối với Điện Kremlin khi họ cố gắng khẳng định hình ảnh của Nga như một cường quốc toàn cầu. Putin liên tục ca ngợi phản ứng hiệu quả của Nga trước sự bùng phát dịch bệnh trong các bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc, trong khi một số quan chức hàng đầu của Moscow – bao gồm cả thủ tướng và người phát ngôn của chính Putin – đã bị nhiễm bệnh.
Mỹ, Anh và Canada vào tháng trước đã cáo buộc Nga sử dụng tin tặc để đánh cắp nghiên cứu vắc xin từ các phòng thí nghiệm phương Tây. Nga đã phủ nhận liên quan.
Giám đốc của Viện Gamaleya, Alexander Gintsburg vào tháng 5 đã khiến người ta sửng sốt khi nói rằng ông và các nhà nghiên cứu khác của Nga đã tự thử vắc xin trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người.
Những thử nghiệm đó bắt đầu vào ngày 17 tháng 6 với 76 tình nguyện viên. Một nửa được tiêm vắc xin ở dạng lỏng và nửa còn lại tiêm vắc xin dạng bột hòa tan. Một số người trong nhóm đầu tiên được tuyển chọn từ quân đội, điều này làm dấy lên lo ngại rằng các quân nhân có thể đã bị ép phải tham gia. Thử nghiệm đã được tuyên bố đã hoàn thành vào đầu tháng này.
Tiến sĩ Michael Head, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton của Anh cho biết: “Còn quá sớm để đánh giá thực sự liệu nó có hiệu quả hay không”.
Đây không phải là loại vắc-xin gây tranh cãi đầu tiên của Nga. Trước đó, ông Putin đã khoe rằng các nhà khoa học Nga đã phát triển một loại vắc-xin Ebola “được chứng minh là hiệu quả nhất trên thế giới” và “có đóng góp thực sự trong việc chống lại dịch virus Ebola ở châu Phi”. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy hai loại vắc xin Ebola được phê duyệt ở Nga đã được sử dụng rộng rãi ở châu Phi. Tính đến năm 2019, cả hai loại vắc xin này mới chỉ được WHO liệt kê là “vắc xin ứng cử viên”.
Trần Minh (theo AP)