Trong một bài phát biểu ghi âm sẵn phát tại Viện Hudson, Washington hôm thứ Tư (12/8), Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã vạch ra một bộ các kế hoạch và nguyên tắc mạnh mẽ để định hướng tương lai Đài Loan với vai trò là nền dân chủ hàng đầu tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; mối quan hệ của đảo quốc này với Hoa Kỳ; và sự ủng hộ của họ dành cho người dân Hồng Kông.
Bà Thái cũng phát biểu chi tiết về mối quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc Đại lục, nơi chính quyền độc tài, độc đảng vẫn cai trị sau gần 71 năm lên cầm quyền.
Gia tăng mối quan hệ với Hoa Kỳ
Trong bài phát biểu gửi tới Viện Hudson, bà Thái nói rằng ngân sách quốc phòng của Đài Loan hiện chiếm 2,6% GDP của nước này, và bà dự kiến khoản chi tiêu này sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, bà Thái nói thêm: “Để quân đội chúng tôi hiệu quả, chúng tôi không thể đứng một mình… Tôi tự hào rằng mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ gần gũi hơn thế. Trên mọi lĩnh vực, chúng ta đều chia sẻ niềm tin lẫn nhau ở mức độ cao và chia sẻ bức tranh chiến lược chung về cách thức chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để bảo vệ và gìn giữ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Khái niệm duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) là sự ứng phó trực tiếp trước những yêu sách và cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi chiến lược này là “cam kết vững chắc và lâu dài” đối với khu vực trải dài từ Thái Bình Dương tới tiểu lục địa Ấn Độ. “Đó là lý do tại sao khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải là tự do và cởi mở”.
Bà Thái nói rằng “điều trước tiên trong số những ưu tiên của chúng tôi là thiết lập mối quan hệ an ninh mang tính xây dựng” với Hoa Kỳ. “Chúng tôi muốn gia tăng sự đồng thuận lớn hơn về những cách mà chúng tôi có thể gìn giữ hòa bình xuyên Eo biển Đài Loan”, bà Thái nói thêm.
Tuy nhiên “những an ninh về liên kết kinh tế và chuỗi cung ứng cho cả Đài Loan và Hoa Kỳ” cũng là rất quan trọng, bà Thái nói.
Theo đó, “lĩnh vực thứ hai mà Đài Loan tập trung vào là việc sẽ khởi động các cuộc đàm ván về FTA”, bà Thái nói, đề cập tới hiệp định thương mại song phương (FTA) với Hoa Kỳ mà bà hy vọng có thể sẽ sớm được thực hiện.
“Trong một thời gian quá lâu, các cuộc đàm phán đã bị cản trở bởi các yếu tố kỹ thuật mà chúng chỉ là một phần nhỏ của thương mại hai chiều”, bà Thái nói.
Lưu ý về việc gần đây Google và Microsoft đã gia tăng đầu tư tại Đài Loan, bà Thái nói: “Chúng tôi muốn làm việc cùng nhau để giải quyết những điều này theo một cách thức đảm bảo an toàn cho các khách hàng của chúng tôi, và cũng phù hợp với các tiêu chuẩn khoa học hiện thời”.
Bà Thái cho biết bà cũng đã được “trực tiếp” thấy rằng Hoa Kỳ đang tích cực khiến các quốc gia khác trên thế giới “thức tỉnh hơn nữa về các nhân tố độc tài”, một hiện tượng mà bà đã được chứng kiến tại Hội nghị Dân chủ Copenhagen.
Bà Thái hy vọng Hoa Kỳ cũng sẽ gia tăng ủng hộ Đài Loan tham gia vào các thể chế quốc tế.
Nhấn mạnh về sự mạnh mẽ của nền dân chủ Đài Loan, bà Thái nói “dân chủ không phải là một hiện tượng phương Tây và cũng không phải như một số người cho rằng nó không phù hợp với một số nền văn hóa nhất định”.
Kêu gọi ủng hộ Hồng Kông
Nói về việc thế giới đang chứng kiến sự gia tăng “mối đe dọa thách thức hơn đối với các xã hội tự do và dân chủ”, bà Thái nhấn mạnh rằng “không nơi đâu mà [mối đe dọa đối với xã hội tự do, dân chủ] lại rõ ràng hơn tại Hồng Kông”.
Lưu ý về việc “hàng nghìn sinh viên Hồng Kông đã học tập tại các trường đại học Đài Loan”, bà Thái nhắc nhở những người nghe rằng “chúng tôi là hai xã hội nói tiếng Trung Quốc duy nhất tổ chức kỷ niệm ngày 4/7 [Ngày Độc lập của nước Hoa Kỳ] và biết được ý nghĩa sâu sắc của ngày này đối với tự do và dân chủ”.
Những phát biểu của bà Thái cũng đề cập tới việc Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã cưỡng ép Luật An ninh Quốc gia lên Hồng Kông, từ đó xóa bỏ quyền tự do ngôn luận và tự do tụ họp của người dân Hồng Kông, cả hai quyền này đã được bảo vệ theo Tuyên bố chung mà Trung Quốc và Anh Quốc đã ký kết năm 1984.
“Chúng tôi cũng thấy cộng động quốc tế phải có bổn phận lên tiếng phản đối về sự sụp đổ tự do tại Hồng Kông”, bà Thái nói và gọi cựu thuộc địa của Anh Quốc là “ngọn hải đăng của dân quyền”.
Bà Thái hoan nghênh Anh Quốc và Hoa Kỳ đã hành động để ủng hộ Hồng Kông và “các nền dân chủ cùng chí hướng khác”, đồng thời bà cũng kêu gọi các quốc gia khác hãy học theo Washington và London.
Anh Quốc đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, một cách để phản đối chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên hòn đảo bán tự trị này. London cũng đang tìm cách mở đường cho công dân Hồng Kông sinh ra vào thời gian hòn đảo này đặt dưới sự quản lý của Anh Quốc, sẽ được trở thành công dân Anh.
Hoa Kỳ đã tước bỏ đặc quyền thương mại của Hồng Kông và chế tài nhiều quan chức Hồng Kông và Đại lục liên quan tới việc áp đặt và thực thi luật an ninh quốc gia mới.
Trong phát biểu ghi sẵn gửi Viện Hudson, bà Thái cũng chỉ rõ phản ứng nhanh chóng của Đài Loan khi các quyền tự do của Hồng Kông bị xâm phạm.
“Hồi tháng Năm, tôi đã tới thăm Hiệu sách Vịnh Causeway đã được mở lại ở Đài Loan. Hiệu sách này từ lâu đã là biểu tượng của tự do ngôn luận tại Hồng Kông”, bà Thái nói.
Bà Thái cho biết ông Lam Wing Kee chủ hiệu sách nêu trên đã bị bắt và thẩm vấn sau khi đi từ Hồng Kông sang Thâm Quyến. Sau khi được thả tự do, ông Lam đã đến Đài Loan định cư vì ông sợ rằng nếu tiếp tục ở Hồng kông, ông sẽ bị dẫn độ trở lại Đại lục.
“Những trường hợp như của Mr. Lam đã tạo động lực cho chúng tôi nhanh chóng thành lập văn phòng dịch vụ và trao đổi Đài Loan – Hồng Kông để cung cấp hỗ trợ và trợ giúp nhân đạo cho những người Hồng Kông trong việc tái định cư tại Đài Loan”, bà Thái nói.
“Đài Loan là pháo đài của tự do và dân chủ”, bà Thái nhấn mạnh.
BONNIE EVANS/ The Epoch Times
Như Ngọc dịch