Hương Thảo
Thượng nghị sĩ John Kennedy hôm 11/8 đã gửi một bức thư đến Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ William Barr (tương đương Bộ trưởng Tư pháp), lên án các cuộc tấn công gần đây nhắm vào các nhà thờ, giáo xứ và bức tượng Công giáo trên khắp nước Mỹ, yêu cầu ngài Bộ trưởng Tư Pháp nhanh chóng xác định và truy tố những kẻ đã thực hiện những tội ác này, tờ Daily Caller báo cáo.
Bức thư của Thượng nghị sĩ Kennedy lưu ý rằng kể từ khi các cuộc biểu tình khởi phát vào tháng 5, rất nhiều trong số đó đã rơi vào tình trạng bạo loạn, “Đã có ít nhất 19 cuộc tấn công vào nhà thờ Công giáo, tượng, cơ sở kinh doanh, nghĩa trang, giáo dân và nhân viên. Những hành động thù địch này đi ngược lại những nguyên tắc lập quốc, vốn là cốt lõi của những gì khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại, và nó phải chấm dứt”, trích nội dung thư.
Ngày 5/8, Hạ nghị sĩ Chuck Fleischmann cũng gửi một lá thư cho Bộ trưởng Tư pháp Barr bày tỏ lo ngại về số lượng cáo buộc xoay quanh các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công giáo.
“Kể từ tháng 6, đã có gần một chục cuộc tấn công được báo cáo nhắm vào các Nhà thờ Công giáo trên toàn quốc. Những cuộc tấn công đáng lo ngại này bao gồm từ đốt phá đến chặt đầu tượng Đức Mẹ đồng trinh”, ông viết trong thư.
Thượng nghị sĩ Kennedy đã nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong lịch sử đối với các tín đồ thuộc những tôn giáo khác nhau, những người đã thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo ở quốc gia của họ để đến Mỹ và được tận hưởng quyền tự do tôn giáo được bảo đảm trong Hiến pháp.
TNS Kennedy đã viết, “Để thoát khỏi sự áp bức tôn giáo, những người hành hương này đã thực hiện một cuộc hành trình gian khổ vượt Đại Tây Dương đến Mỹ, tạo tiền đề cho việc kiến lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những vị cha lập quốc đã coi tự do tôn giáo như một phần không thể thiếu đối với kết cấu quốc gia, và họ đã hệ thống hóa nó trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp. Chúng ta không thể để một số ít người phá hủy quyền lợi cơ bản này”.
Tổ chức tình nguyện Công giáo Truyền thống, Gia đình và Tài sản (TFP) đã phát hành một đoạn video về vụ hỏa hoạn tại Thánh địa Công giáo Nữ hoàng Hòa bình ở Florida, một sự cố mà ông Kennedy cũng từng đề cập.
Các nhân chứng tại khu bảo tồn kể lại rằng có một người đàn ông lái một chiếc xe tải nhỏ màu trắng, ra khỏi xe và đổ ra ít nhất 10 gallon xăng, trong khi đó có ít nhất 10 người bên trong nhà thờ. Một phụ nữ ở gần người đàn ông này đã cố gắng ngăn anh ta lại, nhưng anh ta không nghe lời cô mà thậm chí còn bắt đầu tạt xăng về phía cô. Sau đó anh ta lên xe, ném ra một mồi lửa đang cháy và lái xe rời đi.
Ngọn lửa đã bùng cháy trong ít nhất nửa giờ trước khi lính cứu hỏa đến, cảnh sát đã bắt được thủ phạm, xác định được danh tính là Steven Shields. Nhà thờ bị phá hủy một phần.
Trong một bản tin trước đó của Daily Caller, các sự cố tương tự đã được báo cáo ở nhiều bang khác nhau.
Lấy ví dụ, tại thành phố Providence, bang Rhode Island, anh Keveon Gotomera, 26 tuổi, hồi tháng 6 đã bị buộc tội phá hoại tài sản và hành hung có thể thăng cấp đến mức trọng tội, sau khi anh này tìm cách phá hoại ngôi mộ của một số thầy dòng Dominica và hành hung một nhân viên bảo vệ tại Cao đẳng Providence, một trường Công giáo.
Tại thành phố Sacramento ở California, bức tượng Thánh Junipero Serra đã bị phá hủy hôm 4/7. Hội đồng Giám mục Công giáo California đã lên án hành vi phá hoại bức tượng này.
Khu truyền giáo San Gabriel ở California, một khu truyền giáo Công giáo gần 250 năm tuổi, đã bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề sau khi một ngọn lửa thiêu rụi sân thượng và phần lớn nội thất hôm 11/7.
Ở Boston, Massachusetts, cảnh sát đang điều tra vụ đốt phá tại Giáo xứ Thánh Peter, nơi một bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh bị thiêu rụi vào đêm hôm 11/7.
Các cuộc tấn công nhắm vào người Công giáo khởi phát sau khi cựu phát ngôn viên tổ chức Người Da đen đáng sống (Black Lives Matters – BLM) kêu gọi phá hủy các bức tượng Chúa Giê-su.
Shaun King, một cựu phát ngôn viên Black Lives Matters, đã đăng một loạt dòng trạng thái trên Twitter cá nhân hôm 22/6 yêu cầu 1,1 triệu người theo dõi tài khoản của ông phá hủy các bức tượng Chúa Giêsu vì coi chúng là biểu tượng của chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và sự áp bức của người da trắng đối với người da màu.
King đã phải rút khỏi phong trào này sau khi người dùng Twitter chất vấn liệu có phải chính bản thân ông không phải là người da đen.
Patrisse Cullors, một trong những thành viên sáng lập Black Live Matters, trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2015 từng tuyên bố rằng những sáng lập viên của nó đều là “những người theo chủ nghĩa Mác”, và họ “khá thành thạo về các lý thuyết xoay quanh ý thức hệ”.
Hồi tháng 7, Người dẫn đầu phong trào Black Lives Matter tại vùng New York mở rộng cũng từng tuyên bố rằng họ sẽ “thiêu rụi chế độ này” nếu không được đáp ứng, đề cập đến việc leo thang nạn cướp bóc, phá hại của công và bạo lực trong biểu tình.
Trước tuyên bố “thiêu rụi chế độ” của các lãnh đạo Black Lives Matters, Tổng thống Trump đã bình luận trên Twitter hôm 25/6. Ông nói: “Đây chính là Phản quốc, Nổi loạn, Lật đổ!”