Twitter gắn nhãn cảnh báo trên các phương tiện truyền thông Nga và Trung Quốc

Mai Vân

image.png

Cho đến gần đây, trên mạng Twitter, tài khoản của các phương tiện truyền thông, quan chức chính phủ, cơ quan Nhà nước, được đối xử như nhau, không phân biệt quốc tịch. Tuy nhiên, hôm 06/08/2020 vừa qua, Twitter đã loan báo quyết định gắn chú thích “truyền thông có liên kết với Nhà nước” hay “tài khoản của chính phủ” trên các tài khoản Twitter của các cá nhân hay tổ chức quan trọng.

Điểm đáng chú ý là quyết định tăng cường tính minh bạch của Twitter chủ yếu tác động đến các phương tiện truyền thông Nga và Trung Quốc.

Trong bài phân tích quyết định mới của Twitter đăng ngày 07/08 vừa qua, trang mạng Pháp chuyên về kỹ thuật số Numerama đã nêu bật hệ quả nói trên khi nhận xét hóm hỉnh rằng “Kể từ nay, Twitter chỉ rõ những tài khoản và phương tiện truyền thông do các Nhà nước chỉ đạo (nhưng không phải là tất cả)”.

Lưu ý người sử dụng
Ý nghĩa của việc được gọi nôm na là “dán nhãn” hay “cắm cờ hiệu” trên các tài khoản có liên quan là nhằm lưu ý người sử dụng Twitter nên thận trọng trước các thông tin mà họ đọc được vốn dĩ phản ánh quan điểm của quốc gia đứng phía sau tài khoản đó.

Theo Twitter, việc dán nhãn này rất cần thiết vì “mọi người có quyền được biết là một phương tiện truyền thông có liên kết một cách trực tiếp hay gián tiếp với một Nhà nước hay không ». Do vậy việc dán nhãn không chỉ liên quan đến tài khoản của các phương tiện truyền thông hay định chế Nhà nước, mà cả những nhân vật nắm giữ những vị trí chính thức hoặc rất quan trọng các ban biên tập.

Trước mắt, Twitter xác định là chỉ “dán nhãn” trên các tài khoản xuất phát từ năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Và như vậy tài khoản của điện Elysée, Nhà Trắng, các đại sứ quán, một số bộ trưởng, các phát ngôn viên chính phủ hay bộ Ngoại Giao đều được đính kèm ngay phía dưới hàng chữ: “Tài khoản chính phủ”, theo sau là tên quốc gia.

Tài khoản của tân thủ tướng Pháp Jean Castex chẳng hạn, mang ghi chú “Tài khoản chính phủ, Pháp”, trong lúc tài khoản của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp thì được cắm cờ hiệu “Tài khoản chính phủ, Trung Quốc”.

Riêng tài khoản cá nhân của lãnh đạo các nước như tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Anh hay tổng thống Mỹ Donald Trump thì chưa bị “dán nhãn. Theo Twitter, điều đó không cần thiết vì ai cũng biết đến tên tuổi của những người này”  

Riêng về các phương tiện truyền thông thì chính sách dán nhãn của Twitter có sự phân biệt rõ rệt giữa các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ và hai nước còn lại là Nga và Trung Quốc.

Tài khoản của kênh truyền thông Nga RT (Russia Today) hay tờ báo Nga Sputnik chẳng hạn, đã được dán nhãn: “Truyền thông có liên kết với một Nhà nước, Nga”. Tương tự như vậy, tài khoản của Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc hay tờ China Daily cũng được ghi chú là “Truyền thông liên kết với một Nhà nước, Trung Quốc”.

Thế nhưng các phương tiện truyền thông, kể cả các cơ quan được Nhà nước tài trợ, của 3 nước phương Tây như France 24, France Télévisions, của Pháp, BBC của Anh hay NPR (National Public Radio) của Mỹ đều không có nhãn hiệu nào..

Đây không phải là một sơ sót mà là một quyết định mà Twitter sẵn sàng nhận trách nhiệm. Trên trang blog của mình, Twitter xác định rõ ràng: “Những cơ quan truyền thông do Nhà nước tài trợ và có tính độc lập trong đường hướng biên tập thì sẽ không bị dán nhãn”. Đây là điều được áp dụng đối với truyên thông Nhà nước tại Anh, Pháp hay là Mỹ.

Theo Twitter, một phương tiên truyền thông bị cho là “liên kết với một Nhà nước” là một thực thể bị thành phần nắm quyền lực chính trị “kiểm soát nội dung biên tập thông qua nguồn tài chính, sức ép chính trị trực tiếp hay gián tiếp, và/hay bị kiểm soát trên mặt sản xuất, phân phối, và thường khi thông tin thời sự là một công cụ thực hiện lịch trình chính trị”. Đây là trường hợp của Nga và Trung Quốc.

Hệ quả
Việc bị dán nhãn truyền thông liên kết với Nhà nước đã có hệ quả cụ thể là các tài khoản này không còn được Twitter quảng bá.

Những tài khoản có dán nhãn sẽ không còn nằm trong những khuyến nghị của Twitter đối với độc giả của mạng này, và cũng không được khuếch đại cách này hay cách khác bằng những thuật toán của mạng Twitter.

Dĩ nhiên là thông tin do những tài khoản này đăng tải không hề bị chặn, nhưng không còn có được vị trí nổi trội như trước. Nói cách khác, quyết định của Twitter có tác dụng giới hạn ảnh hưởng của các “phương tiện truyền thông có liên kết với Nhà nước” thường được Nga và Trung Quốc được sử dụng để quảng bá chương trình chính trị của chính phủ họ.

Không phải là ngẫu nhiên mà Twitter lại có quyết định như trên vào lúc này. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã gần kề, và ai cũng lo ngại tái diễn tình trạng cách nay 4 năm khi Nga bị cáo buộc đã xen vào tiến trình bầu cử ở Mỹ bằng cách tận dụng các mạng xã hội.

Lần này, nhiều mối quan ngại đã xuất hiện liên quan đến khả năng Nga và Trung Quốc, cũng như một vài nước khác sẽ lại tìm cách thao túng để ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu, cách này hay cách khác

Không chỉ Twitter sử dụng hệ thống dán nhãn trên tài khoản để cho độc giả biết tính chất trang đang xem.

Trên YouTube, người ta cũng thấy những ghi chú tương tự, như đài France24 được báo là một đài Nhà nước Pháp, một đường dẫn đến Wikipédia cho phép đọc thông tin về đài này.

Facebook cũng có những biện pháp tương tự vào đầu tháng Sáu, với những “nhãn” gắn trên tài khoản các phương tiện truyền thông bị các Nhà nước kiểm soát, và cấm đưa lên quảng cáo. Twitter thì đã cấm mọi quảng cáo mang tính chính trị.

Related posts