Bà Hillary Clinton nói sẵn sàng làm việc trong chính quyền Biden
Phát biểu trong một hội nghị chính trị hôm thứ Năm (13/8), bà Hillary Clinton đã nói rằng bà sẵn sàng làm việc trong chính quyền Biden nếu ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ thắng cử vào tháng Mười Một.
Khi được hỏi liệu bà có chấp nhận làm việc trong chính quyền Biden hay không, bà Clinton nói: “Tôi sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách tôi có thể, bởi vì tôi nghĩ đây là thời điểm mà mọi người Mỹ – tôi không quan tâm bạn thuộc đảng phái nào, tôi không quan tâm bạn ở độ tuổi nào, sắc tộc hay giới tính gì, tôi không quan tâm – mọi người Mỹ nên mong muốn chỉnh sửa lại đất nước ta… Do đó, nếu bạn được yêu cầu làm việc, bạn chắc chắn nên cân nhắc điều đó”.
Bà Clinton trước đây đã làm Bộ trưởng Ngoại giao cùng thời điểm ông Joe Biden là Phó Tổng thống trong chính quyền Obama. Nhiệm kỳ làm Ngoại trưởng của bà Clinton bị phe Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ, nổi bật là vụ khủng bố Benghazi 2012 và vụ máy chủ thư điện tử cá nhân năm 2016.
Đầu năm nay, bà Clinton đã chính thức lên tiếng chứng thực, ủng hộ ông Joe Biden làm tổng thống Mỹ. “Tôi muốn góp thêm tiếng nói của mình cùng với nhiều người đã chứng thực ông là tổng thống của chúng tôi”, bà Clinton nói.
“Hãy tưởng tượng bây giờ sẽ là khác biệt thế nào nếu chúng ta có tổng thống là người không chỉ biết nghe theo khoa học, đặt thực tế lên trên viễn tưởng, mà còn là người đoàn kết chúng ta, đã thể hiện lòng trắc ẩn và sự quan tâm mà chúng ta cần từ một vị tổng thống của ta và đó là những điều ông Joe Biden đã đang thể hiện trong suốt cuộc đời mình”, bà Clinton nhấn mạnh.
Sau khi ông Biden chính thức loan báo chỉ định Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm ứng viên phó tổng thống, bà Clinton đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ lớn dành cho thượng nghị sĩ Dân chủ của bang California.
“Tôi rất vui mừng chào đón bà Kamala Harris trở thành ứng viên lịch sử của Đảng Dân chủ. Bà đã chứng minh bản thân mình là một công chức, một vị lãnh đạo tuyệt vời. Và tôi biết bà sẽ là đối tác mạnh mẽ của ông Joe Biden. Hãy tham gia cùng tôi trong việc ủng hộ bà và để bà đắc cử”, bà Clinton đăng trên Twitter hôm thứ Ba (11/8).
Trong bài phát biểu tại hội nghị chính trị hôm 13/8, bà Clinton nói thêm rằng bà hy vọng bà Harris cùng với những phụ nữ sẽ tham gia tranh cử trong tương lai sẽ nhận “ít thành kiến giới tính” từ tin tức truyền thông hơn bà đã phải nhận trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
“Tôi vẫn hy vọng, đặc biệt với [sự xuất hiện] của bà Kamala trên lá phiếu bầu cử, tin tức về những phụ nữ chạy đua ghế tổng thống hoặc phó tổng thống sẽ ít thành kiến giới tính hơn, ít cảm tính hơn và ít tầm thường hơn”, bà Clinton nói.
Bà Clinton năm 2016 đã thua ông Trump phiếu đại cử tri mặc dù bà nhận được nhiều hơn ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa khoảng 2% tổng số phiếu phổ thông.
Ông Biden dự kiến sẽ chính thức được Đảng Dân chủ chuẩn thuận làm ứng viên tổng thống 2020 trong Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) sẽ diễn ra trong 4 ngày vào tuần tới tại bang Delaware – quê nhà của ông Biden.
Bà Hillary Clinton cùng với chồng bà – cựu Tổng thống Bill Clinton được cho là cũng sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị DNC vào tuần tới.
Ấn Độ cấm tàu Trung Quốc tham gia vận chuyển dầu
- Xuân Lan
Các công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ đã dừng thuê tàu chở dầu của Trung Quốc vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của họ trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vẫn tiếp tục xấu đi, theo SCMP.
Theo nguồn thạo tin nói với SCMP, các tàu mang cờ và thuộc sở hữu của Trung Quốc đã bị cấm tham gia đấu thầu việc chở thuê dầu thô nhập khẩu vào Ấn Độ, hoặc xuất khẩu các sản phẩm như dầu diesel ra khỏi nước này.
Lệnh cấm này theo sau việc Ấn Độ thực hiện các quy định về kinh doanh với các quốc gia có chung biên giới vào tháng trước, bao gồm Trung Quốc và Pakistan.
Các công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch yêu cầu các nhà kinh doanh và nhà cung cấp dầu mỏ không gửi các chuyến hàng đến Ấn Độ bằng tàu Trung Quốc.
Động thái này được cho là sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sau cuộc đụng độ ở biên giới Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Hai giám đốc điều hành công ty dầu không muốn tiết lộ danh tính ở Ấn Độ cho biết, hầu hết các tàu chở dầu nước ngoài mà họ sử dụng hoặc thuê đều được gắn cờ Liberia, Panama và Mauritius. Họ nói rằng việc sử dụng các tàu của Trung Quốc bị hạn chế và chủ yếu chỉ được sử dụng trong việc vận chuyển khí hóa lỏng.
Ba nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ – Indian Oil, Bharat Petroleum và Hindustan Petroleum – đã không đưa ra bình luận về diễn biến này.
Các biện pháp kiềm chế thương mại mới của Ấn Độ đối với một số nước láng giềng chủ yếu nhằm hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào các đơn đặt hàng và đấu thầu do các công ty thuộc sở hữu của chính phủ cung cấp.
Ấn Độ – quốc gia nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 70 tỷ USD từ Trung Quốc vào năm 2019 – trước đó đã cấm hàng loạt ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc trước lo ngại về an ninh quốc gia.
Đài Loan thắt chặt giám sát đầu tư từ Trung Quốc
Đầu tư của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn sau khi Trung Quốc áp đặt Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, theo Taiwan News.
Hiện tại, các quy định về đầu tư vào Đài Loan liệt đầu tư từ Hồng Kông là “đầu tư nước ngoài” chứ không phải từ “Trung Quốc.” Tuy nhiên, việc Bắc Kinh ban hành Luật An ninh quốc gia có thể khiến các cá nhân hoặc công ty Trung Quốc lợi dụng để đầu tư vào Đài Loan và khai thác quy chế ưu đãi dành cho thành phố bán tự trị, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa cho biết vào hôm 11/8.
Do vậy, một đề xuất sửa đổi các quy tắc quản lý đầu tư của Trung Quốc vào Đài Loan dự kiến sẽ được đưa ra vào tuần tới khi các quan chức Đài Loan cho rằng tác động của Luật An ninh đã thúc đẩy sự cần thiết phải tiến hành kiểm tra các quy định hiện hành liên quan đến đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông.
Bản sửa đổi được đề xuất sẽ tìm cách làm rõ các định nghĩa về đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông, cũng như xem xét lại mức giới hạn 30% sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án được phân loại là đầu tư nước ngoài, CNA đưa tin.
Không chỉ các công ty Trung Quốc có quan hệ quân sự sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ mà những công ty có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt.
Các dự luật sửa đổi sẽ không có hiệu lực hồi tố, nhưng bất kỳ điều chỉnh nào đối với các khoản đầu tư hiện tại sẽ phải tuân theo các quy định mới, UDN dẫn lời bà Vương cho biết.
Ngoại trưởng Pompeo giải thích lý do Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ và WHO
Trong bài phát biểu tại thủ đô Cộng hòa Séc hôm 12/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích nguyên nhân Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hôm thứ Tư (12/8), một người đã đặt câu hỏi cho ông Pompeo về cách tiếp cận của Mỹ với chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế, bởi vì gần đây Washington đã rút khỏi WHO, trước đó là Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đáp: “Câu hỏi mà Tổng thống Trump đã yêu cầu đội ngũ của chúng tôi luôn thường trực trong tâm là: Chúng có hoạt động tốt không? Chúng có làm đúng mục đích của chúng không? Liệu chúng ta, với vai trò của mình trong đó, có thể tác động đến một cách hiệu quả và có khả năng mang lại kết quả thực tiễn không?”.
Ông Pompeo nhấn mạnh vào tính hiệu quả của các tổ chức đa phương.
Bàn về Hội đồng nhân quyền LHQ, vị ngoại trưởng nhận định: “Cơ quan này không hoạt động. Chúng tôi đã cố gắng cải tổ nó không chỉ một lần, hai lần, ba lần mà đến bảy lần. Và có những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới đang ngồi ở đó để đưa ra phán quyết. Tổ chức này không hoạt động đúng cách”.
Ông Pompeo nói thêm rằng, Mỹ rất sẵn lòng làm việc về vấn đề nhân quyền với bất kỳ đối tác và bạn bè nào trong các tổ chức có thể bảo đảm quyền con người. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, Hội đồng nhân quyền của LHQ “không thể đảm bảo điều này cũng như cải thiện cuộc sống của người dân thế giới”.
Ông cho rằng: “Thật vô nghĩa nếu Mỹ gia nhập một thể chế mà có sự gắn kết chặt chẽ với các quốc gia [vi phạm nhân quyền nghiêm trọng] như Iran và Venezuela”.
Vì thế, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho rằng: “Tổ chức này không phù hợp, không hiệu quả và chúng tôi sẽ không dành thời gian, nguồn lực và tiền bạc để hỗ trợ nó”.
Sau đó, ông Mike Pompeo giải thích lý do rút khỏi WHO. Ông phát biểu:
“WHO đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản nhất của thế kỷ này. Khi một loại virus bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) tổ chức này đã đề cao chính trị lên trên khoa học. Và WHO đã đồng lõa với chính quyền Trung Quốc trong việc bưng bít thông tin, từ đó cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Một lần nữa, chúng tôi đã làm việc với WHO để cải tổ bộ quy tắc Quy định Y tế Quốc tế. Chúng tôi đã làm việc để cải tổ chính bộ quy tắc mà họ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc vi phạm”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo tiếp tục:
“Mọi người cần biết rằng chúng ta vẫn chưa biết chính xác virus này bắt nguồn từ đâu. Vẫn chưa có điều tra viên quốc tế nào được phép tiến vào phòng thí nghiệm [ở Vũ Hán]. Gần đây, họ đã cho một vài phóng viên đến. Hai phóng viên này đã nói chuyện với hai bác sĩ, hai người này trả lời chẳng chút ngạc nhiên: “[Virus] không phải bắt nguồn từ đây.” Đó là tuyên truyền của Trung Quốc. Thật sự không thích hợp để các tổ chức mà cơ bản sẽ không thực hiện sứ mệnh của nó lợi dụng sức mạnh, vị thế và sức ảnh hưởng của nước Mỹ [nếu chúng tôi gia nhập]”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ kết luận: “Bạn chỉ nên tham gia những tổ chức thật sự hoạt động. Các thể chế đa phương chỉ vì cái mác chủ nghĩa đa phương thì không có giá trị thực tiễn gì”.
Israel và UAE đạt thỏa thuận lịch sử
Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm thứ Năm (13/8) tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và xây dựng một mối quan hệ mới cởi mở. Reuters bình luận, đây là một động thái lịch sử có khả năng định hình lại trật tự chính trị Trung Đông.
Theo thỏa thuận được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây mà họ đang quản lý. Israel cũng ủng hộ cuộc chiến chống lại chính quyền Iran, lực lượng mà UAE, Israel và Hoa Kỳ coi là mối đe dọa chính ở Trung Đông.
Israel đã ký các hiệp định hòa bình với Ai Cập hồi năm 1979 và Jordan hồi năm 1994. Nhưng UAE, cùng hầu hết các quốc gia Ả Rập khác, không công nhận Israel và cho đến nay không có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế chính thức với quốc gia Trung Đông này. UAE đã trở thành quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh đầu tiên đạt được thỏa thuận như vậy với nhà nước Do Thái.
Mỹ điều 3 máy bay ném bom tới đảo gần Biển Đông
Lần đầu tiên kể từ năm 2016, không quân Mỹ đã triển khai ba máy bay ném bom tàng hình B-2 tới hòn đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng các cuộc tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, theo SCMP.
Các máy bay ném bom Spirit có khả năng mang đầu đạn hạt nhân B-2A của Mỹ đã cất cánh hôm thứ Ba (11/8) từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, bay qua miền bắc Australia và tới đảo san hô quân sự Diego Garcia. Các máy bay được tiếp nhiên liệu trên không nhiều lần, theo thông tin từ quân đội Mỹ.
Lần cuối cùng các máy bay ném bom Mỹ được triển khai tới Diego Garcia là bốn năm trước, trùng thời điểm căng thẳng ở Biển Đông leo thang sau khi tòa án quốc tế La Hay bác bỏ tuyên bố yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đối mặt khoản nợ xấu khổng lồ
Quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết các ngân hàng nước này đang phải đối mặt với khoản nợ xấu trị giá 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (489,5 tỷ USD) vào năm 2020, tăng 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ so với khoản nợ xấu hồi năm trước. Theo SCMP, khoản nợ xấu khổng lồ này là một rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng ở đại lục.
Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã rằng sự gia tăng các khoản nợ xấu (NPL) – các khoản nợ sắp vỡ nợ hoặc gần như không trả được nợ – sẽ gây áp lực rất lớn lên các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
“Khi nhiều khoản vay được chuyển sang [từ năm 2020], một số vấn đề sẽ xuất hiện trong năm tới”, ông Guo được Tân Hoa dẫn lời, và cho biết thêm rằng rủi ro của các khoản nợ xấu là “không thể tránh khỏi” vì cú sốc Covid đã ảnh hưởng xấu đến rất nhiều công ty.
Đài Loan phản ứng tuyên bố tập trận của Trung Quốc
Bộ Quốc phòng (MND) Đài Loan hôm thứ Năm (13/8) đã nhắc lại khả năng bảo vệ người dân hòn đảo khi Trung Quốc thông báo rằng mới đây họ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại eo biển Đài Loan, theo Taiwan News.
Trước đó cùng ngày, Quân đội Trung Quốc, trong một cuộc họp báo, tuyên bố họ đã tổ chức một số cuộc tập trận thực chiến gần Đài Loan với mục đích duy nhất là “loại bỏ tất cả các nhà hoạt động ủng hộ Đài Loan độc lập” và bảo vệ chủ quyền Trung Quốc. Lực lượng này cho biết nhiều đơn vị đã tham gia vào cuộc tập trận bắn đạn thật trong và xung quanh vị trí thuộc cực bắc và nam của eo biển Đài Loan.
Đáp lại, MND nhấn mạnh rằng tất cả các động thái quân sự gần Đài Loan đang được giám sát và người dân không cần phải lo lắng. MND cũng tuyên bố sẽ bảo vệ quyền tự do và dân chủ của Đài Loan, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội sẽ tiếp tục nâng cao khả năng chiến đấu của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt nghi phạm IS có ý định đánh bom
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một tay súng bị tình nghi thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) bị nghi đang dự tính tấn công một đồn cảnh sát, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency (AA) đưa tin hôm thứ Năm.
AA cho hay, nghi phạm, tên viết tắt là M.A., có ý định tổ chức một vụ khủng bố ở huyện Inegol, tỉnh Bursa, nằm trong khu vực Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát đã thu giữ một chiếc áo dùng cho đánh bom tự sát và các vật liệu nổ khác.
Theo AA, nghi phạm bị cảnh sát theo dõi sau khi xảy ra 5 vụ tấn công đốt phá các cơ sở kinh doanh ở Inegol trong hai tháng gần đây. AA cho biết thêm, M.A. đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm và thực hiện các hành vi nhân danh I.S ở Syria từ năm 2017 đến 2018.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 2,81 nghìn tỷ USD
Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ đã tăng lên 2,81 nghìn tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm tài khóa năm nay, phá vỡ mọi kỷ lục, bộ Tài chính cho biết hôm thứ Tư (12/8).
Kết thúc năm tài chính này vào ngày 30/9, thâm hụt dự kiến cuối cùng sẽ đạt mức dự báo cao hơn gấp đôi so với mức thâm hụt hàng năm lớn nhất được ghi nhận.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết ngân sách chính phủ liên bang đã thâm hụt 63 tỷ đô la trong tháng Bảy, tuy nhiên đây là một số tiền tương đối khiêm tốn so với con số khổng lồ vào những tháng mùa xuân khi chính phủ cố gắng vực dậy một nền kinh tế đang bị đình trệ do sự bùng phát của đại dịch virus corona.
Mức thâm hụt của tháng Bảy thấp hơn rất nhiều so với mức 864 tỷ đô la tháng 6, một phần do chính phủ đã thu được số tiền thuế kỷ lục là 563 tỷ đô la, sau khi kéo dài thời hạn nộp hồ sơ thuế đến ngày 15/7. Việc gia hạn đó cho phép người Mỹ có thêm thời gian để vượt qua sự tàn phá kinh tế bởi đại dịch.
Các khoản chi trợ cấp của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ lên tới 511 tỷ đô la vào tháng 6 khi chính phủ thực hiện Chương trình Bảo vệ Tiền lương cho người lao động. Số tiền này giảm xuống còn khoảng 26 tỷ đô la vào tháng Bảy.
Cho đến thời điểm hiện tại trong năm ngân sách này, tổng thu của chính phủ Mỹ là 2,82 nghìn tỷ đô la, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Tài chính ghi nhận có “sự tái sắp đặt thu nhập” do các gói viện trợ khác nhau của chính phủ cung cấp. Nói cách khác, trợ cấp thất nghiệp và các khoản viện trợ khác vẫn phải chịu thuế.
Các khoản chi cho năm ngân sách này đạt tổng cộng 5,63 nghìn tỷ đô la, tăng tới 50% so với 3,73 nghìn tỷ đô la cùng kỳ năm 2019, với phần lớn chi tiêu bổ sung liên quan đến việc củng cố nền kinh tế của đất nước trước đại dịch.
Quốc hội đã thông qua các gói giải cứu tổng trị giá gần 3.000 tỷ đô la trong năm nay, nhưng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn còn tranh cãi trong một dự luật cứu trợ khác trong bối cảnh trợ cấp thất nghiệp mở rộng 600 đô la mỗi tuần đã hết hạn vào ngày 31 tháng 7.
Tổng thống Donald Trump đã ban hành một loạt sắc lệnh vào cuối tuần trước để kéo dài thời gian trợ cấp thất nghiệp ở mức 400 đô la một tuần, với 25% sẽ được các bang chi trả. Nhưng không rõ phần kéo dài sẽ tác động như nào tới phát triển kinh tế, trong khi nguồn tài trợ có thể cạn kiệt sau 5 tuần.
Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua một dự luật khác với khoản viện trợ 3 nghìn tỷ USD, nhưng Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo lại lập riêng một dự luật giá trị gần 1 nghìn tỷ USD và chưa đưa dự luật xuống Hạ viện để bỏ phiếu trước kỳ nghỉ tháng 8.
Trước đó, văn phòng Ngân sách Quốc hội đã dự báo thâm hụt 3,7 nghìn tỷ USD cho năm tài chính này khi nước Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng hồi tháng Hai, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong gần 11 năm do dịch bệnh. Chính quyền Trump dự đoán rằng nền kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, nhưng nhiều nhà dự báo khác lo ngại người tiêu dùng sẽ giữ chặt hầu bao khi tình trạng nhiễm bệnh vẫn tăng các bang như Florida. Tiêu dùng cá nhân là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 70% tổng hoạt động kinh tế.
Tháng trước, chính phủ báo cáo rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm kỷ lục 32,9% so với năm ngoái, trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, do sự bùng phát trở lại của dịch virus đã đẩy các doanh nghiệp phải đóng cửa lần 2 ở một số khu vực.
Trong 20 tuần liên tiếp, hơn một triệu người Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng trước đã giảm xuống 10,2% nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Đó cũng là thời điểm chính phủ liên bang lập kỷ lục về mức thâm hụt hàng năm, đạt 1,4 nghìn tỷ đô la năm 2009 khi họ cố gắng đưa đất nước thoát khỏi suy thoái. Kỹ lục này đã bị vượt qua vào tháng 5/2020.
‘Vua trái phiếu’ phố Wall dự đoán ông Trump tái đắc cử
Tỷ phú Mỹ Jeffrey Gundlach, người được mệnh danh “vua trái phiếu” ở Phố Wall, hôm thứ Ba đã dự đoán rằng ông Trump sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, theo Epoch Times.
Ông Gundlach, 60 tuổi, từng dự đoán chính xác việc ông Trump sẽ đắc cử ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 ngay tại thời điểm đối thủ của ông Trump là bà Hillary đang chiếm ưu thế.
Tỷ phú Gundlach cho rằng dữ liệu thăm dò xu hướng ủng hộ của người dân cho các ứng viên tổng thống nhiệm kỳ tới tại thời điểm này không đáng tin cậy vì Hoa Kỳ đang ở trong một môi trường chính trị bị nhiễm độc cao.
Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực
Bắc Kinh đang kêu gọi người dân tiết kiệm thực phẩm khi nguy cơ thiếu hụt lương thực ở Trung Quốc đang hiển hiện trước mắt do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, đại dịch Covid, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thiên tai nghiêm trọng thời gian qua.
Reuters hôm thứ Năm cho hay, trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi tình trạng lãng phí thực phẩm là “đáng xấu hổ” . Hôm thứ Ba, ông Tập trong một bài phát biểu được truyền thông nhà nước đăng tải đã tuyên bố việc lãng phí lương thực ở Trung Quốc là điều “gây sốc”.
Ở Trung Quốc có những người nổi tiếng trên mạng nhờ khả năng ăn được một lượng lớn thực phẩm trong một thời gian ngắn. Hiện những người này đang bị chỉ trích nặng nề trong bối cảnh nguồn cung lương thực cho hơn một tỷ dân ở Đại Lục không còn dồi dào như trước.
Hồng Kông hủy hiệp ước dẫn độ với Đức và Pháp
Chính quyền Hồng Kông đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Đức vào thứ Tư, và cũng đã tạm hoãn một hiệp ước tương tự, nhưng chưa được thực thi với Pháp, theo Hong Kong Free Press.
Phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông nói rằng các động thái của hai quốc gia châu Âu là hành vi “can thiệp công khai vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực cơ bản trong điều chỉnh quan hệ quốc tế”.
Động thái này nối tiếp quyết định của Đức và Pháp đình chỉ các hiệp ước dẫn độ của họ với Hồng Kông để phản đối luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh gần đây thông qua, vốn được các nhà phân tích nhìn nhận là đang hạn chế các quyền cơ bản của người dân thành phố cảng.
Bà Thái Anh Văn muốn Mỹ giúp bảo vệ quê hương
Trong một bài phát biểu trước một nhóm các chuyên gia của viện Hudson (Mỹ) hôm thứ Tư, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã bàn về tương lai của Đài Loan, vai trò của nền dân chủ, mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington, và sự ủng hộ của Đài Loan với người dân Hồng Kông, theo Epoch Times.
Bà Thái cũng đã nói nhiều về mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc Đại lục, nơi ĐCSTQ đã cầm quyền suốt 71 năm qua và liên tục quấy rối cũng như đe dọa chủ quyền hòn đảo quê hương bà.
Trao đổi với các chuyên gia của Viện Hudson, bà Thái nói rằng Đài Loan dành 2,6% GDP cho hoạt động quốc phòng, và sẽ cố gắng tăng con số này hơn nữa để gia cố thêm sức mạnh của quân đội.
Tuy nhiên, bà Thái cho biết: “dù quân đội của chúng tôi có hiệu quả đến mấy, thì chúng tôi không thể [chiến đấu] đơn độc. Tôi tự hào rằng mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ thân thiết hơn. Chúng ta chia sẻ sự tin cậy lẫn nhau ở mức độ cao và chiến lược chung về cách thức chúng ta có thể làm việc cùng nhau để bảo vệ và gìn giữ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Tướng Mỹ: Tàn quân IS đang xây dựng lại lực lượng
Các phần tử của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cố gắng kiến thiết lại lực lượng của họ ở phía tây Syria, nơi mà Mỹ có ít sự hiện diện, tướng Frank McKenzie, chuyên trách vấn đề Trung Đông, đưa ra cảnh báo hôm thứ Tư, theo AP.
Theo Tướng Frank McKenzie, khu vực phía tây sông Euphrates nơi lực lượng chính phủ Syria đang nắm quyền kiểm soát, tình hình đang trở nên “kém hoặc thậm chí tồi tệ” khi lực lượng phiến quân IS nổi dậy đang gia tăng.
Ông McKenzie cho hay hoạt động của các nhóm tàn quân IS đang làm dấy lên quan ngại rất lớn, và cho biết Mỹ và các đồng minh không tin tưởng chính phủ Syria có thể làm điều gì đó để trấn áp lực lượng khủng bố nguy hiểm này.
75% người Mỹ được phép bỏ phiếu qua thư trong bầu cử tổng thống 2020
Hơn 75% người Mỹ sẽ được phép bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, theo tờ New York Times ngày 11/8.
Kết quả phân tích của tờ New York Times cho biết nếu tỷ lệ cử tri đi bầu gia tăng như dự kiến, ước tính có khoảng 80 triệu lá phiếu qua thư sẽ được chuyển đến các văn phòng bầu cử vào cuối năm, nhiều hơn gấp đôi số phiếu đã được hồi lại 4 năm trước.
Mỗi tiểu bang đều có một số hình thức bỏ phiếu qua thư, nhưng năm nay 24 tiểu bang, bao gồm Đặc khu Columbia đã hoan nghênh các lá phiếu dạng này do dịch bệnh.
Tại 9 bang, cùng với Washington DC, các cử tri đã đăng ký sẽ được gửi một lá phiếu trước kỳ bầu cử. Cử tri ở 33 bang sẽ được phép bỏ phiếu vắng mặt mà không cần lý do. Ở 8 bang, cử tri sẽ được gửi đơn đăng ký để yêu cầu bỏ phiếu vắng mặt. Ở 25 tiểu bang, cử tri phải tự nộp đơn xin bỏ phiếu vắng mặt. Ở tám tiểu bang khác, cử tri sẽ phải có lý do, ngoài dịch Covid, để bỏ phiếu vắng mặt.
Theo The New York Times, các bang cho phép người dân bỏ phiếu qua thư đã có tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn trong các cuộc họp kín và bầu cử sơ bộ.
Hồi năm ngoái, một cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư đã nổi lên giữa hai chính đảng. Phần lớn Đảng Cộng hòa phản đối hình thức này, trong khi Đảng Dân chủ hoàn toàn ủng hộ nó.
Các thành viên Đảng Dân chủ lập luận rằng việc bỏ phiếu qua thư là phù hợp nhất vào tháng 11 khi dịch virus corona tiếp tục lan rộng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không đồng ý với luận điểm này.
Ông Trump đã chất vấn tính an toàn và bảo mật của quá trình này, cho biết nó có thể dẫn đến các vấn đề như gian lận bầu cử. Ông Trump cũng cáo buộc các đảng viên Dân chủ “can thiệp” và nói rằng bỏ phiếu qua thư khiến các thế lực hải ngoại (VD: Nga, Trung Quốc, …) dễ dàng can thiệp vào kết quả bầu cử ở Mỹ.
Trong một tuyên bố hồi tháng 7 với Fox News, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) đã cam kết sẽ không có lá phiếu gửi qua thư nào bị xâm phạm.
“USPS cam kết giao thư bầu cử đúng thời hạn … tình hình tài chính của USPS sẽ không tác động đến khả năng của chúng tôi trong việc xử lý và chuyển giao thư bầu cử và thư chính trị”, USPS tuyên bố.
Thượng nguồn Tam Hiệp sắp có lũ số 4, áp lực xả nước mạnh trong hôm nay
Các dự án kiểm soát lũ trên lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài đã phải đối mặt với 5.237 nguy hiểm trong mùa mưa năm nay.
Miền trung ngập lụt của Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với một đợt lũ mới. Dự báo mới nhất cho thấy đỉnh lũ của các đoạn sông Phù Giang, Gia Lăng, Khúc sông Dương Tử đoạn đi qua Trùng Khánh sẽ tiếp tục xuất hiện trong 2 ngày tới. Lũ 4 thượng nguồn Tam Hiệp sắp thành hình.
Theo báo chí Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 10/8, khu vực phía tây của lưu vực Tứ Xuyên đã hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong năm nay, thậm chí là mưa rất lớn đã xảy ra ở nhiều nơi trong hai ngày liên tiếp. Vào ngày 12/8, lượng nước đoạn đi qua Trùng Khánh của sông Dương Tử, sông Gia Lăng, sông Phúc Kiến và các nhánh sông khác bắt đầu tăng đáng kể.
Dự báo mới nhất từ Cục Thủy văn thượng nguồn sông Dương Tử cho thấy, trong hai ngày tới, đỉnh lũ trên các sông kể trên sẽ tiếp tục dâng lên, trong đó, mức nước tại trạm Tiểu Hà Bá trên sông Phù Giang sẽ vượt mực nước đảm bảo từ 1 đến 2m, trạm Từ Khí Khẩu trên sông Gia Lăng cũng sẽ vượt mực nước đảm bảo từ 1 mét, và nhánh sông Dương Tử đoạn qua Trùng Khánh có thể sẽ vượt quá mực nước đảm bảo 0,5 mét.
Cục Kiểm soát Nguồn nước Trùng Khánh chỉ ra rằng “Trận lũ lụt số 1 trên sông Gia Lăng vào năm 2020” đã hình thành tại Phù Giang, một phụ lưu của sông Gia Lăng và trận lũ số 4 trên sông Dương Tử sẽ sớm hình thành. Hồ chứa Tam Hiệp sẽ đạt đỉnh lũ với sức nước đầu vào hơn 55.000 mét khối / giây vào ngày 14/8.