Trương Nhân Tuấn
13-8-2029
Lời Việt Luận: Những quan điểm của tác giả trong bài viết dưới đây có thể làm cho một số người VN không đồng ý trong đó có góp ý phía dưới của ông Nguyễn Hữu Vinh rất sâu sắc, tuy nhiên những nhận xét của tác giả Trương Nhân Tuấn về phong trào dân chủ tại VN hiện nay cũng đáng làm cho những người quan tâm đến tình hình đất nước nên suy ngẫm, nhất là về câu hỏi lý do tại sao phong trào dân chủ tại Việt Nam quá yếu như hiện nay và không có một nhân vật lãnh đạo nào nổi bật như Hoàng Chí Phong của Hồng Kông.
Dân Hồng Kông thực sự chưa bao giờ được sống trong một chế độ “dân chủ”. Trước khi trả lại cho Trung Quốc, dân Hồng Kông được cai trị bởi một viên chức (gọi là thống đốc), là người của nữ hoàng Anh gởi đến. Tức Hồng Kông là “thuộc địa” của Anh và Anh cai trị với nền “hành chánh thuộc địa”.
Chỉ đến năm 1985, tức một năm sau khi tuyên bố chung Anh và Trung Quốc về Hồng Kông, dân Hồng Kông lần đầu tiên đi bầu đại biểu Hội đồng lập pháp Hồng Kông. Từ đó dân Hồng Kông mới trực tiếp tham gia vào các sinh hoạt chính trị ở nơi mà họ ở.
Ý thức về dân chủ của dân Hồng Kông, nhứt là nơi lớp trẻ, được phát huy mạnh mẽ từ khi lục địa can thiệp thô bạo vào “luật nền” của Hồng Kông năm ngoái, theo đó người phạm pháp (một số trường hợp) ở Hồng Kông có thể sẽ bị trục xuất về lục địa xét xử (theo luật của lục địa).
Những người trẻ Hồng Kông từ đó “dấn thân” vào chính trị, một mặt xuống đường biểu tình chống sự can thiệp của Bắc kinh (vào nội bộ của Hồng Kông). Mặt khác, ra tranh cử để hoạt động nghị trường, cạnh tranh với nhân sự thân Bắc Kinh.
Vấn đề là áp lực chính trị của lớp trẻ, qua các cuộc biểu tình trường kỳ, hay qua cuộc bầu cử quận hạt mà phe “trẻ” thắng lớn. Lại còn có yêu sách “Hồng Kông độc lập”. Các việc này đã làm “thốn” lãnh đạo Bắc kinh. Luật “an ninh quốc gia về Hồng Kông” cho thấy quyết tâm của lãnh đạo CSTQ là sớm đưa Hồng Kông trở thành một “lãnh thổ bình thường” như các “tỉnh ven biển” của Trung Quốc. Điều này Trung Quốc đã vi phạm cam kết với Anh là giữ quyền “tự trị” cho Hồng Kông đến năm 2047.
Phong trào dân chủ của Hồng Kông có sớm bị “dẹp” hay không? Thực tế cho thấy, sinh hoạt chính trị của Hồng Kông đã bị Bắc kinh hạn chế và kiểm soát chặt chẽ. Bất kỳ người nào “có ý kiến khác” với “định hướng chính trị” của lục địa đều có thể bị kết án do bộ luật mới về an ninh quốc gia Hồng Kông.
Một số nhà tranh đấu Hồng Kông, nhứt là phe “Hồng Kông độc lập”, đã rời khỏi Hồng Kông để qua Anh, Đài Loan hay xin “tị nạn” nước ngoài. Số còn lại, vừa qua đã có 7 người bị bắt, trong đó có nhà tỉ phú Jimmy Lai và cô Châu Đình.
Tương lai Hồng Kông như thế nào vẫn là khó đoán. Ý chí của dân Hồng Kông khó có thể chống lại “ý chí” của đảng CSTQ, vì đảng này nhân danh nguyện vọng của một tỉ tư dân TQ để áp đặt “luật chơi” của lục địa lên Hồng Kông. Nhưng hạt mầm dân chủ một khi đã gieo xuống và đã đâm chồi thì nó sẽ tồn tại. Sự phát triển của nó, nhanh chậm, áp đảo hay bị áp đảo, còn tùy thuộc vào “sức mạnh” của hai bên.
Dầu sao thế hệ tương lai của Hồng Kông vẫn hãnh diện vì họ đã làm tất cả những gì có thể. Các thế hệ dân Hồng Kông còn tranh đấu, Hồng Kông có (và còn) hy vọng một ngày được dân chủ hóa.
***
Trở lại vấn đề dân chủ của Việt Nam. Theo tôi, phong trào dân chủ của Việt Nam, trên bề mặt vốn đã xơ xác, nay đã tàn lụi. Lớp trí thức thực sự yêu nước thập niên 90 thế kỷ trước, những người có khả năng nhận thức rằng sinh hoạt dân chủ là một lối thoát cho Việt Nam, đa số “im lặng” và “nhường sân” lại cho lớp người mới. Họ không chịu đựng được sự ồn ào náo nhiệt của lớp người “tranh đấu mới”.
Việt Nam đến nay vẫn được xếp trong “tứ ác”, gồm Trung cộng, Việt Cộng, Triều cộng và Cu cộng. Có bao nhiêu người Việt Nam cảm thấy xấu hổ về chuyện này? Bao nhiêu người còn sỉ diện để thấy mình thua kém dân Hồng Kông?
Trước đây tôi có ảo tưởng rằng trí thức Việt Nam cũng như trí thức Đài Loan. Có lần tôi “hiến kế” cho những nhà dân chủ trong nước nên noi gương những nhà tranh đấu Đài Loan thế hệ 80-90, bằng cách ra ứng cử đại biểu quốc hội.
Trước năm 1990, sinh hoạt chính trị Đài Loan vẫn “độc quyền” cho nhân sự Quốc dân đảng, khá tương đồng với sự độc quyền của đảng CSVN. Khi Quốc hội “hé cửa”, cho phép người ngoài đảng ứng cử, giới tranh đấu Đài Loan đã nhân dịp này “tông của” chạy vô dành ghế Quốc hội. Và họ đã thành công.
Còn Việt Nam, khi ý kiến của tôi đề nghị, một số cũng “chạy” ra. Vấn đề là những người này không có kế hoạch để “thắng”. Họ thua hoặc vì thiếu “tham mưu”, hay vì chủ quan nghĩ rằng mình tài giỏi, không cậy nhờ ai nữa. Đây là thất bại chua cay cho “phe dân chủ” Việt Nam.
Vấn đề là không thấy ai “học bài học” để lấy kinh nghiệm. Rốt cục nền tảng do họ dựng lên, vì không bảo trì và tiếp nối, dĩ nhiên tàn lụi theo thời gian.
Tôi cũng có một số ý kiến từ hơn thập niên trước, thấy có hoạt động hữu hiệu như các tổ chức, đảng phái người Việt nên có quan hệ thân thiết với phe dân chủ ở Đài Loan. Hoặc là lớp trí thức mới nên đặt nền tảng tranh đấu trong việc xây dựng “quốc gia pháp trị”… Đó là những tích cực cho việc “dân chủ hóa Việt Nam” trong tương lai.
Những “nhà tranh đấu” tự xưng ở Việt Nam hôm nay không phải là “nhà dân chủ” đích thực.
Để xây dựng dân chủ, người ta cần “trí thức chính trị lương thiện” dẫn đường. Nhưng để xây dựng một nước “Việt Nam tốt đẹp hơn” ai cũng có thể làm được và làm bất kỳ lúc nào. Và đây là cách cụ thể để thể hiện “lòng yêu nước”.
Những “nhà tranh đấu” hiện nay ở Việt Nam đa số tự “hạ giá trị” của mình xuống, khi họ đánh tráo các khái niệm “tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền” và “lòng yêu nước” với “lòng thù hận Trung Quốc”.
Nguyên nhân nào khiến người Việt “thù hận” Trung Quốc? Vì họ giàu có, phát triển hơn Việt Nam? Đây là lòng ganh tị, lâu ngày sinh ra thù hận. Vì Trung Quốc “cướp đất cướp biển” của Việt Nam? Chuyện này cần xét lại nguyên ủy. Từ lâu Trung Quốc đã phổ biến các tài liệu, và báo chí Việt Nam cũng nhìn nhận tài liệu đó là có thật, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng (mặc nhiên nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc). Tức thủ phạm ở đây là lãnh đạo CSVN chớ đâu phải Trung Quốc?
Thù hận Trung Quốc vì họ xâm lược? Chuyện này cũng xét lại nguyên ủy. Lãnh đạo CSVN đã làm những cái gì để Đặng Tiểu Bình “cho Việt Nam một bài học”? Thế giới tự do, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, các quốc gia ASEAN… tất cả đều ủng hộ họ Đặng để “dạy Việt Nam một bài học”.
Thù hận là đập phá. Dân chủ và yêu nước là xây dựng.
Phe gọi là “tranh đấu” ở Việt Nam mục tiêu của đa số là được “nổi tiếng” và được “cho tiền”. Mục tiêu khác là “đi Mỹ”.
Khi thấy Châu Đình và Jimmy Lai được báo chí quốc tế ca ngợi. Họ cũng xúm vào tung hô, ca ngợi. Họ có biết rằng đang lúc đó, hay trước đó, đã có những người Việt Nam tranh đấu cho các mục tiêu cao đẹp đã bị tù đày. Họ ở đâu sao không lên tiếng?
Khi họ đem tiền bạc vào vòng tranh đấu là họ đã “tự thiêu”. Tiền bạc là vũ khí hữu hiệu cho đảng CSVN “khai tử” các phong trào tranh đấu…
Đôi lời: góp ý với tác giả Trương Nhân Tuấn.
Nếu như tác giả muốn so sánh phong trào dân chủ của Hong Kong với Việt Nam thì sẽ rất khập khiễng. Sao không so sánh Trung Quốc với Việt Nam? Có thấy ở Trung Quốc, phong trào này nó tàn lụi tới mức nào không?
Tác giả cũng lại cho là nền chính trị “độc đảng” ở Đài Loan trước 1990 “khá tương đồng” với chính trị độc đảng ở Việt Nam. Đây là một so sánh quá khập khiễng thứ hai.
Có một loạt những đánh giá rất đoan chắc, ví như “những “nhà tranh đấu” tự xưng ở Việt Nam hôm nay không phải là “nhà dân chủ” đích thực”, hay “những “nhà tranh đấu” hiện nay ở Việt Nam đa số tự “hạ giá trị” của mình xuống, khi họ đánh tráo các khái niệm “tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền” và “lòng yêu nước” với “lòng thù hận Trung Quốc” “, v.v.. Không hiểu tác giả dựa vào đâu mà có những đánh giá “cả gói” như vậy?
Một tiến trình tranh đấu cho dân chủ ở một quốc gia có phải chỉ nhìn vào, dựa vào một số nhân vật nổi lên, bị đàn áp không?; hay là phải nhìn sâu vào đời sống xã hội, từng người dân, kể cả từng cán bộ, đảng viên (họ âm thầm và có cách riêng của mình mà tác giả khó có thể biết được), hay đơn giản là có thể qua mạng xã hội (rất thuận lợi cho người ở xa như tác giả bài này)?
Có vẻ tác giả coi việc tranh đấu với Trung Quốc của người Việt là chỉ ở “lòng thù hận với Trung Quốc“. Chỗ này xin được gợi ý với tác giả một chút về chiến thuật tranh đấu: – Chỉ trích Trung cộng là gián tiếp chỉ trích thể chế cộng sản độc tài, trong đó có Việt Nam; – Đòi kiện Trung Quốc liên quan Biển Đông là gián tiếp đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải bạch hóa những mối quan hệ ngầm với Trung cộng; – Biểu tình, viết bài … chống Trung cộng gây hấn là những phương cách tuyên truyền cho người dân thêm hiểu biết lĩnh vực này; – Cũng vậy, các hoạt động đó là tập dượt cho một xã hội tiến tới văn minh dân chủ trong điều kiện khắc nghiệt hiện nay; v.v.. Mấy cách đó có phải là chỉ từ “lòng thù hận với Trung Quốc” không?
Và còn nhiều nữa những đánh giá của tác giả nặng tính võ đoán, kiểu “răn dạy” mà thiếu hiểu biết thực tế Việt Nam và thiếu phân tích chiều sâu, thậm chí có thể nói là còn … non nớt về chính trị, ví như bàn khi về “ứng cử” vào Quốc hội.
https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam/posts/311987420050160Like · Reply · 10h