- Minh Nhật
Trong vòng 10 ngày tháng 6/2020, các bác sĩ tại Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán, Trung Quốc đã chuẩn bị 4 quả tim phù hợp cho cô gái 24 tuổi Tôn Linh Linh. Trong 9 tháng trước đó, Tôn Linh Linh đã duy trì sự sống của mình bằng thiết bị thở ECMO. Tôn Linh Linh xuất hiện trên trang nhất các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ với nụ cười và tư thế chiến thắng. Truyền thông nhà nước giật các tựa bài kiểu như: “Cuộc đua sinh tử”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản gọi cuộc phẫu thuật là “huyền thoại” và coi nó là một thể hiện của tinh thần hợp tác Trung-Nhật. Tuy nhiên bản thân việc tìm được 4 quả tim trong 10 ngày lại cho thấy một thực tế khác trong ngành công nghiệp ghép tạng của ĐCSTQ.
Tôn Linh Linh, 24 tuổi, là công dân Trung Quốc, mắc một căn bệnh hiếm gặp về hệ miễn dịch khi điều trị mụn trong thời gian cô thực tập tại Nhật Bản. Căn bệnh gây tổn thương tim không thể phục hồi và phải sử dụng tim nhân tạo. Vào giữa tháng 6, đội ngũ y tế đã đưa cô đến Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán ở Trung Quốc bằng cách bao trọn một chuyến bay. Trong vòng 10 ngày, 4 quả tim phù hợp đã được chuyển tới. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài 7 tiếng, Tôn Linh Linh đang hồi phục tốt và đã có thể tự ăn uống.
Ghép nội tạng phù hợp “theo nhu cầu”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, quá trình cấy ghép tạng của Tôn Linh Linh diễn ra như sau:
Vào ngày 16/6, quả tim phù hợp đầu tiên được chuyển tới, quả tim này đến từ Vũ Hán. Bác sĩ của Tôn Linh Linh đã từ chối quả tim này sau khi đánh giá sức khỏe động mạch vành của người hiến tặng.
Ngày 19/6, quả tim phù hợp thứ hai được tìm thấy ở tỉnh Hồ Nam. Cô Tôn bị sốt và ca mổ phải hoãn lại.
Ngày 25/6, có thêm hai quả tim phù hợp của một người phụ nữ đến từ Vũ Hán và một người đàn ông đến từ Quảng Châu. Các bác sĩ lựa chọn quả tim thứ hai vì cho rằng chức năng tim của nam giới sẽ tốt hơn.
Điều đáng chú ý là với 3 quả tim không được cấy ghép thì hầu như không thể có thời gian tái phân bổ lại tim cho người khác. Việc các bác sĩ có thể dễ dàng lựa chọn từ bỏ nội tạng phù hợp, kết hợp với sự xuất hiện của 4 quả tim trong 10 ngày, cho thấy rõ sự dồi dào bất thường của nguồn tạng.
“Vấn đề nằm ở chỗ 4 quả tim này đến từ đâu?”, tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành tổ chức “Bác sĩ Chống Thu hoạch nội tạng” (DAFOH), nói.
Ông Torsten Trey chỉ ra rằng, theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2018, bệnh nhân thường phải đợi từ 6 đến 9 tháng mới có được một quả tim tương thích. Theo tỷ lệ này, 4 quả tim phù hợp được tìm thấy cho cùng một bệnh nhân đồng nghĩa với việc có 4 người đã hiến tạng của họ sau khi chết tại ICU (phòng bệnh chăm sóc tích cực) hoặc sau các tai nạn chết người khác. Như vậy việc cấy ghép tạng tương tự nếu thực hiện tại Hoa Kỳ sẽ phải mất khoảng 2 năm.
Ông Torsten Trey nhận xét, đến năm 2020, hơn 156 triệu người Mỹ, tương đương với một nửa dân số Mỹ, đã đồng ý hiến tạng với dữ liệu hiến tạng công khai minh bạch. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tuy là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng chỉ có một số ít người đồng ý hiến tạng sau khi chết. Đồng thời, dữ liệu hiến tạng của Trung Quốc không thể được kiếm chứng từ bên thứ ba, không công khai minh bạch và tồn tại nhiều mâu thuẫn trong suốt thời gian dài.
Trường hợp của Tôn Linh Linh “là có thể xảy ra, nhưng rất bất thường, ngay cả ở bất kỳ quốc gia nào có hệ thống hiến tạng tình nguyện tốt”, ông Jacob Lavee, trưởng khoa Phẫu thuật và Cấy ghép tim tại Đại học Tel Aviv, Israel cho biết. Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng ở Trung Quốc “việc xảy ra hàng loạt vụ hiến tạng như vậy trong vòng vài ngày, đã làm dấy lên nghi ngờ về bản chất của việc hiến tạng”.
Ông Torsten Trey thì cho rằng chuyện của cô Tôn là “ngoài sức tưởng tượng”. Ông tin rằng đây là một trường hợp điển hình cho thấy mô hình “ghép tạng theo nhu cầu”. “Ghép tạng theo nhu cầu” có nghĩa là khi một bệnh nhân cần cấy ghép tạng làm thủ tục tại bệnh viện, thì thông qua hệ thống dữ liệu về nội tạng, một hoặc một vài tù nhân sẽ bị hệ thống nhà tù hoặc bệnh viện quân đội giết hại để thu hoạch nội tạng phục vụ cho cấy ghép.
Tương tự như trường hợp của cô Tôn Linh Linh, trong đại dịch COVID-19, cũng xuất hiện rất nhiều ca ghép phổi đôi bất thường. Sự bất thường diễn ra một cách bình thường này là một chứng cứ sắc bén cho thấy thực tế tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc.
Một vài trường hợp “ghép tạng theo nhu cầu” điển hình khác
Kể từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát sóng về một loạt ca ghép phổi được thực hiện cho bệnh nhân COVID-19. Tất cả các ca ghép phổi này đều có chung một đặc điểm: người hiến là người chết não tới từ tỉnh khác, thời gian chờ đợi phổi hiến chỉ là chưa tới 24 giờ hoặc vài ngày.
Ngày 29/2/2020, ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19 được thực hiện bởi bác sĩ ghép phổi hàng đầu Trung Quốc là Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu) tại bệnh viện Nhân dân Vô Tích trực thuộc Đại Học Y Nam Kinh. Sau đó liên tiếp các ngày 1/3, 8/3 và 10/3, các ca ghép phổi tương tự được thực hiện.
Những bệnh nhân này đã bị nhiễm COVID-19, tuy nhiên tại thời điểm ghép tạng, họ đã âm tính. Dù âm tính với COVID-19, phổi của họ đã bị tàn phá nặng và buộc phải được ghép phổi, nếu không sẽ tử vong. Các bệnh nhân này được hỗ trợ sống bằng thiết bị trao đổi oxy qua màng tế bào (ECMO) trước khi được cấy ghép.
Nói riêng về ca ghép phổi ngày 29/2, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, bệnh nhân 59 tuổi xét nghiệm dương tính vào 26/1. Đến ngày 22/2, bệnh nhân được hỗ trợ sống sử dụng ECMO. 2 ngày sau, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Truyền nhiễm Vô Tích trong tình trạng dương tính COVID-19.
Trả lời tờ Nam Phương Đô Thị Báo, ông Trần Tĩnh Du cho biết: “Phổi của bệnh nhân bắt đầu chảy máu nghiêm trọng vào ngày 28/2. Cả phổi bị tràn máu và bị căng. Bệnh nhân gần chết. Dưới điều kiện đó, sau khi thảo luận với các chuyên gia địa phương, chúng tôi đã thực hiện một ca ghép phổi khẩn cấp. Trùng hợp là có một người hiến tạng.”
Như vậy theo trả lời của ông Trần Tĩnh Du, chỉ trong một thời gian ngắn từ khi các bác sĩ hội chẩn ngày 28/2 đến 29/2, họ đã tìm được phổi để cấy ghép cho bệnh nhân. Đây là ca cấy ghép phổi kép, có nghĩa là người hiến sẽ chết sau khi hiến hai phổi. Phổi được vận chuyển 800km từ Hà Nam tới Vô Tích, thông qua tàu cao tốc.
Các nhà điều tra độc lập đã đặt câu hỏi về việc tìm thấy nội tạng trong ca cấy ghép này, bởi vì dưới điều kiện thông thường không bị phong tỏa do COVID-19, để tìm được một người hiến phổi phù hợp chỉ trong 1 ngày đã là điều không tưởng.
Sau ca cấy ghép, ông Trần Tĩnh Du tiếp tục trả lời tờ thepaper.cn như sau: “Chúng tôi có thể lựa chọn một số bệnh nhân Vũ Hán trong tình trạng nguy kịch, phù hợp với việc ghép phổi. Đó cần là những người có khả năng cấy ghép cao ở độ tuổi từ 20 đến 50. Chúng tôi muốn cứu họ bằng cách ghép phổi.”
Trong các hệ thống hiến tạng trên thế giới, thông thường tình trạng chung là có một hàng dài bệnh nhân chờ được ghép phổi, và khi một người hiến qua đời hoặc chết não, thì chỉ có một vài bệnh nhân đang ở đầu hàng chờ được cấy ghép. Đối với việc cấy ghép phổi thì độ phức tạp khiến thời gian chờ cấy ghép có thể mất hàng năm, chưa tính đến các ca ghép phổi kép.
Sau ngày 29/2, truyền thông Trung Quốc tiếp tục đưa tin về việc ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19, và thậm chí có trường hợp thực hiện trên bệnh nhân già hơn.
Ngày 1/3, một bệnh nhân nữ 66 tuổi (dương tính COVID-19 vào ngày 31/3) đã được cấy ghép phổi kép tại Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang. Người hiến tới từ Hồ Nam.
Ngày 8/3, tại bệnh viện này, một bệnh nhân 70 tuổi được hỗ trợ sống bằng máy ECMO từ 26/2 đã nhận được hai lá phổi từ một bệnh nhân chết não tại Giang Tây.
Ngày 10/3, bác sĩ Trần Tĩnh Du tiếp tục thực hiện ca ghép phổi cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 73 tuổi, bị tiểu đường và chức năng thận suy giảm. Hai lá phổi từ một bệnh nhân “chết não” lại được chuyển tới qua đường hàng không từ Quảng Châu tới Vô Tích.
Trong khi đó, ở một bệnh viện cách Vô Tích 160km, hai ca ghép phổi được thực hiện.
Ngày 12/3, ông Trần tới Tứ Xuyên và thực hiện hai ca ghép phổi trong 1 ngày. Hai bệnh nhân đều 66 tuổi, và đều “tìm thấy” “người hiến chết não” tại cùng một bệnh viện ở Trùng Khánh vào ngày 11/3 trước đó.
Vấn đề dữ liệu và sự mập mờ trong tuyên bố của quan chức
Trong một bài báo của tờ Tiêu Tương Thần Báo (Xiaoxiang Morning Post), một tờ báo thuộc Hồ Nam, có công bố số liệu tổng hợp 9 năm. Theo đó, tính đến 8/2019, Hồ Nam có 2.233 người hiến, hiến 4.291 thận, 1.623 gan, 35 tim, và chỉ 11 cặp phổi. Với một tỉnh có dân số 70 triệu như Hồ Nam, số phổi hiến trung bình chỉ là 1,2 phổi/năm.
70 triệu là tập dữ liệu cơ sở đủ nhiều và đáng kể. Như vậy, với dân số Trung Quốc hiện nay là 1,4 tỷ người, có thể tính toán số lượng phổi hiến 1 năm không hề nhiều, chỉ khoảng 24 cặp phổi, dù tất nhiên có sự chênh lệch giữa từng tỉnh.
Tuy nhiên, bản thân bác sĩ Trần Tĩnh Du đã từng đưa ra nhiều dữ liệu trái ngược với con số ấy. Năm 2017, trong một bài báo, ông Trần đã đưa ra một biểu đồ cho thấy số lượng ca ghép phổi cho tới năm 2016.
Ông cũng nói: “Bệnh viện Nhân dân Vô Tích chiếm 70% ca ghép phổi toàn quốc. Có 2 tháng trong năm 2016, chúng tôi thực hiện 20 ca. Chúng tôi cũng từng thực hiện liền 6 ca ghép phổi trong 24 giờ. Chúng tôi có 3 đội chuyên lấy phổi từ người hiến. Ít nhất là đối với bệnh viện của chúng tôi, phẫu thuật cấy ghép phổi đã hoàn thiện. Các ca phẫu thuật như vậy là việc thông thường tại đây.”
Số ca cấy ghép phổi năm 2017 tại Trung Quốc là 299, và 2018 là 403.
Cấy ghép phổi không phải là trường hợp duy nhất xuất hiện vấn đề về dữ liệu trong hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã thành lập hệ thống hiến tạng tự nguyện, hứa hẹn chỉ sử dụng nội tạng được hiến tặng. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có những vấn đề với dữ liệu mà ĐCSTQ công bố.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2019 bởi tạp chí y khoa BMC cho thấy, dữ liệu hiến tặng nội tạng của Trung Quốc “gần như hoàn toàn phù hợp với các công thức toán học” và kết luận rằng dữ liệu này rất có thể là được ngụy tạo. (Xem bài: Tạp chí y khoa BMC: Trung Quốc che giấu tội ác thu hoạch tạng)
Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 2 trên tạp chí y khoa BMJ cho thấy 440 trong số 445 tài liệu y tế của Trung Quốc không ghi rõ liệu những người hiến tạng có đồng ý hiến tạng hay không. (Xem bài: The Guardian: Kêu gọi rút 400 bài báo khoa học về ghép tạng liên quan tới TQ)
Chế độ Trung Quốc đã nhiều lần mâu thuẫn trong việc minh bạch các chính sách sử dụng nội tạng tù nhân. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã sớm lên án việc Trung Quốc sử dụng tù nhân làm nguồn tạng từ những năm 1990, thông qua các phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1995 và 2001.
Phản ứng của chính quyền Trung Quốc về tất cả những điều này hoặc là phớt lờ hoặc phủ định. Sau cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ năm 2001, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ là “những lời dối trá giật gân và phỉ báng độc ác”. Nữ phát ngôn viên Trung Quốc tiếp tục khẳng định “Nguồn tạng chủ yếu đến từ hiến tặng tự nguyện”.
Một số cải cách hành chính và quản lý nhà nước đã diễn ra ở Trung Quốc vào khoảng 2005, nhưng phản ứng của chính quyền đối với sự phê phán vẫn tiếp tục là phủ định. Năm 2006, khi luật sư nhân quyền David Matas và cựu quốc vụ khanh Canada David Kilgour đưa ra một báo cáo về tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm của chế độ, phát ngôn viên Trung Quốc đã lên án bản báo cáo là “bôi nhọ”, “dựa trên những lời đồn đại và cáo buộc sai”. Đồng thời, nhiều nguồn bằng chứng trực tuyến được nêu lên trong bản báo cáo đã đột nhiên bị thay đổi, hoặc biến mất hoàn toàn. Ví dụ như, những trang web của bệnh viện trên khắp cả nước có quảng cáo thời gian chờ tạng 2 tuần đã gỡ sạch các thông tin quảng cáo như vậy.
Khi áp lực quốc tế tiếp tục gia tăng, câu chuyện chính thức dùng để đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi. Chính quyền nước này công khai thừa nhận rằng họ không có hệ thống hiến tạng tự nguyện nào, các bác sĩ phẫu thuật thừa nhận rằng hơn 90% tạng là từ các tù nhân, và các cải cách đã tăng tốc, bao gồm một bộ luật mới về ghép tạng vào năm 2007.
Ba năm sau, vào năm 2010, chính quyền Trung Quốc công bố về việc thành lập một hệ thống đăng ký hiến tạng tự nguyện trên toàn quốc. Mục đích được tuyên bố của hệ thống này là để chấm dứt việc dựa vào tạng của các tù nhân.
Cuối cùng, vào cuối năm 2014, ông Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, đã công bố rằng “Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, tất cả nội tạng sử dụng trong cấy ghép sẽ chỉ lấy từ nguồn hiến tặng tự nguyện”. Tờ Trung Quốc Nhật báo còn hùng hồn ra bài với tiêu đề “Trung Quốc sẽ bỏ việc thu hoạch tạng từ các tử tù”. Thật kinh ngạc rằng, nội dung bài báo đã mâu thuẫn với tiêu đề đó. Bài báo dẫn lời ông Hoàng rằng: “Các tù nhân vẫn nằm trong số những ứng viên đạt tiêu chuẩn cho việc hiến tạng, nhưng tạng của họ sẽ được đăng ký trong hệ thống máy tính thay vì được sử dụng để mua bán riêng tư”.
Câu chuyện cải cách này hóa ra lại là chiêu bài mang thắng lợi về cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông quốc tế chỉ đưa lại tin của báo chí nhà nước Trung Quốc về cuộc cải cách năm 2015, mà không nhận ra xảo trá luồn lách về mặt ngữ nghĩa ở đây: tái phân loại nội tạng của các tù nhân thành “hiến tặng tự nguyện”.
Các tổ chức y tế quốc tế cũng rơi vào cái bẫy này. Họ hoan nghênh việc tạo ra một hệ thống đăng ký hiến tạng, và phớt lờ thực tế rằng ngành công nghiệp ghép tạng tỷ đô của Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở lấy tạng của tù nhân.
Các quan chức Trung Quốc lại được mời đến các hội nghị y tế quốc tế. Các chuyên gia quốc tế cũng lại bắt đầu tham dự các cuộc họp ở Trung Quốc. Tại một hội nghị ở Côn Minh vào tháng 8/2017, các đại diện của ba tổ chức quốc tế lớn gồm Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp Hội Ghép tạng và Viện Hàn lâm Khoa học của Giáo hoàng đã khen ngợi những cải cách của Trung Quốc.
Sau hơn hai thập kỷ phủ định, chính quyền Trung Quốc tuyên bố là họ đã dừng việc lạm dụng từ ngày 1/1/2015. Không nhận ra bộ mặt thật của câu chuyện cải cách, các tổ chức y tế thế giới đã chuyển từ việc gây sức ép sang khen ngợi Trung Quốc. Và từ đó, thay vì đưa ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc ra trước vành móng ngựa vì tội danh diệt chủng, thế giới lại tạo điều kiện để nó tự khoác lên mình vai trò lãnh đạo toàn cầu về ghép tạng.
Tiếng nói của các tổ chức điều tra độc lập uy tín và chính phủ các nước
Bất chấp sự phủ nhận của ĐCSTQ, nhiều nhà nghiên cứu uy tín đã buộc tội chính quyền này sử dụng nội tạng từ tù nhân lương tâm trong ngành công nghiệp cấy ghép trị giá 1 tỷ USD của Trung Quốc.
Từ tháng 12/2018, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã đưa ra một phán quyết tạm thời về tội ác của chính quyền ĐCSTQ trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này. Phán quyết có đoạn:
“Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn…”
Theo đó, nạn nhân của tội ác này chủ yếu là người tập Pháp Luân Công, nhưng nó đã lan sang cộng đồng các tù nhân lương tâm khác như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các tín đồ Kitô giáo.
Đến tháng 6/2019, Tòa lại tuyên bố chính quyền ĐCSTQ phạm tội ác Chống lại loài người.
Chủ tọa của tòa án độc lập là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Ngay từ khi phán quyết tạm thời được công bố, nó đã trở thành một nền tảng quan trọng để cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên tiếng về ngành công nghiệp ghép tạng tội ác của Trung Quốc. Các động thái lên án và lập pháp được thực hiện kéo dài suốt từ 12/2018 cho đến hiện nay:
Tại Hoa Kỳ, 4 ngày sau khi Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công khai lên án tội ác thu hoạch tạng của ĐCSTQ trong một cuộc họp báo. Ông Sam Brownback, Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nhấn mạnh: “ĐCSTQ thu hoạch tạng của tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Phật giáo Tây Tạng và Ki-tô giáo. Điều này gây chấn động với lương tâm mỗi người.” Tiếp đó ngày 2/8/2019, 168 thành viên thuộc Ủy ban Cộng hòa Quốc gia (RNC) của Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua một nghị quyết lên án việc thu hoạch tạng cưỡng bức do ĐCSTQ hậu thuẫn, gọi đó là “hành vi đồi bại”.
Trong “Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế” được công bố ngày 28/4/2020, Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục liệt Trung Quốc vào nước cần chú ý đặc biệt và chỉ ra, ĐCSTQ tiếp tục thu hoạch tạng người tập Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Ngày 27/5/2020, “Ủy ban về Nguy cơ Hiện tại: Trung Quốc” (Committee on the Present Danger: China – CPDC) đã gửi đến tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump danh sách 12 lời khuyên nhằm ứng phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong số đó kêu gọi tổng thống Donald Trump chú ý và hành động trước nạn “diệt chủng bằng thu hoạch tạng” (organ genocide) tại Trung Quốc.
Tại Canada, tháng 12/2019, một dự luật được đệ trình nhằm khiến những quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan tới hoạt động thu hoạch nội tạng bị cấm nhập cảnh vào Canada. Dự luật S-204 quy định các hành vi phạm tội hình sự là “bất cứ hành vi nào liên quan tới việc lấy nội tạng ra khỏi cơ thể một người, theo chỉ đạo hoặc hợp tác với người lấy tạng, biết rõ rằng người bị lấy tạng hoặc người có quyền hợp pháp đồng ý thay mặt cho người bị lấy tạng đã không đồng ý với việc lấy tạng, hoặc thiếu nhận biết về việc nội tạng lấy ra có được chấp thuận hay không.” Ngày 26/5/2020, một Đạo luật sửa đổi Bộ luật hình sự và một Đạo luật bảo vệ người nhập cư và tị nạn được Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau ủng hộ cũng xếp việc nhận được tạng mà không có sự đồng ý từ người bị lấy tạng vào hành vi phạm pháp.
Tại Đức, ngày 8/5/2019, Ủy ban Hạ viện Đức về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo đã tổ chức một phiên điều trần về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số ở Trung Quốc. Nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm cũng được nhắc đến trong phiên điều trần này.
Tại Anh, cuối tháng 3/2019, một cuộc tranh luận đã được tổ chức tại Nghị viện Anh về vấn đề thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Tại đây, các nghị sĩ đã kêu gọi quốc hội xem xét các bằng chứng về tội ác thu hoạch nội tạng, tiến tới việc cấm hoạt động du lịch ghép tạng, và mở một cuộc điều tra quốc tế về tội ác này. Đến 6/2020, quốc hội Anh lại một lần nữa tổ chức tranh luận về vấn đề thu hoạch tạng tại Trung Quốc. Các nghị sĩ giận dữ yêu cầu các quan chức có trách nhiệm nghiêm túc xem xét tội ác thu hoạch tạng “kinh hoàng cùng cực” của chính quyền Trung Quốc. Ngoại trưởng Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung, ông Nigel Adams cho biết quốc hội Anh đang xem xét các báo cáo về thu hoạch tạng “vô cùng nghiêm túc”.
Tại Úc, một số nghị sĩ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc đã phát đi những thông điệp nặng nề. Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC, thượng nghị sĩ Eric Abetz đã gọi tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc là “man rợ” và là sự “sụp đổ mọi khái niệm về nhân quyền”. Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton phát biểu vào ngày 11/10 rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác “vô cùng quan trọng” của Úc về kinh tế, nhưng các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không phù hợp với các giá trị quan của Úc.
Tại Séc, từ tháng 5/2019, chính phủ đã thúc đẩy và hoàn thiện một sửa đổi luật mới nhằm ứng phó với các hoạt động cấy ghép nội tạng phi pháp. Dự luật sửa đổi này nhằm chống lại tội ác buôn bán nội tạng người trên phạm vi toàn cầu. Thượng nghị sĩ Marek Hilser, đồng bảo trợ cho dự luật, đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc khi nói về dự luật này. Đến này 28/11/2019, năm đảng chính trị tại Séc lại đệ trình một nghị quyết lên án sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc, trong đó hướng sự chú ý đến việc đàn áp tín ngưỡng và thu hoạch tạng kéo dài nhiều năm.
Tại Pháp, Bản sửa đổi Luật Đạo đức Sinh học (Bioethics Law) của Pháp đã được chuyển lên Thượng viện vào tháng 1/2020. Bản sửa đổi này thiết lập một hệ thống đăng ký cho các công dân Pháp nhận cấy ghép tạng ở nước ngoài và theo dõi nguồn gốc của các cơ quan tạng. Bà Agnès Buzyn, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp, cho biết: “Hiệp ước này quy định, tại châu Âu và các quốc gia còn lại khác trên thế giới, việc mổ lấy nội tạng từ người sống hoặc người chết [mà không có sự đồng thuận] chính là tội ác. Đây là một nguyên tắc mà nước Pháp sẽ bảo vệ, và chiểu theo đó, chúng tôi xây dựng luật pháp của chúng tôi.”
Tại Bỉ, ngày 25/4/2019, toàn bộ 134 thành viên của Hạ viện Bỉ đã bỏ phiếu đồng ý thông qua dự luật cấm tất cả công dân Bỉ mua tạng tại bất kể địa điểm giao dịch nào trên thế giới, qua đó mở rộng sang cả việc cấm công dân Bỉ du lịch ra nước ngoài để cấy ghép tạng. Dự luật nhằm xử lý hình sự tất cả các bên liên quan đến việc mua và bán nội tạng người vì mục đích thương mại. Những người vi phạm phải đối mặt với án tù có thể lên tới 20 năm nếu tham gia vào tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ngày 12/6/2020, Bỉ cũng phê chuẩn một nghị quyết lên án việc tiếp tục hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Tại Áo, ngày 23/6/2020, Nghị quyết chống buôn bán nội tạng người được Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Áo nhất trí thông qua. Quyết định này của Quốc hội Áo là nhằm đáp lại một thỉnh nguyện thu thập chữ ký của công dân Áo hồi tháng 10 năm ngoái, trong đó tuyên bố: “Người Áo chúng tôi không muốn nội tạng tới từ Trung Quốc, những nội tạng đã khiến những người vô tội bị giết hại.”
Minh Nhật