Lục Du
Vào thứ Hai (10/8) tỷ phú Hồng Kông Jimmy Lai bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới. Việc một tỷ phú đã ở tuổi 72 không chọn hưởng thụ cuộc sống mà bất chấp rủi ro đương đầu với Bắc Kinh khiến nhiều người khó hiểu. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cuộc đời và lý tưởng mà ông theo đuổi thì không khó để lý giải.
Ông Jimmy Lai bắt đầu thực sự dấn thân vào con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền từ sau khi ông biết tới các cuộc biểu tình của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989. Từ một người chuyên tâm và thành công trong lĩnh vực kinh doanh đồ may mặc, ông đã quyết định chuyển hướng sang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông để có thể ủng hộ nhiều và hiệu quả hơn cho phong trào dân chủ.
Người đàn ông có tên tiếng Hoa là Lê Trí Anh đã nhiều lần bị giới chức địa phương, theo chỉ đạo của “quan thầy” Bắc Kinh, quấy rối, khiến nhà cửa của ông không ít lần bị đốt và bản thân ông nhiều lần bị đe dọa, bị bắt giam vì các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền. Mặc dù vậy người đàn ông can trường này nhất quyết không lùi bước, có lẽ vì ông không muốn Hồng Kông lại bị biến thành giống như quê gốc của ông, nơi mà ông đã phải bỏ trốn khi còn là một đứa trẻ.
Trốn khỏi ‘địa ngục’
Theo AFP, ông Jimmy Lai sinh năm 1948 trong một gia đình khá giả tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Một năm sau thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiến thắng Quốc Dân Đảng và trở thành thế lực nắm quyền cai trị Đại Lục. Toàn bộ gia sản của gia đình ông Lai bị chính quyền của ĐCSTQ tịch thu, vì thế ông phải sống trong cảnh nghèo khó ngay từ khi mới chào đời.
Những năm sau đó Trung Quốc rơi vào thảm cảnh, nền kinh tế kiệt quệ, nhân quyền bị bóp nghẹt, trong khi đó ĐCSTQ lại nóng vội muốn nhanh chóng đưa đất nước tiến lên “Thiên đường trên mặt đất”. Sau cuộc cải cách ruộng đất gây bao đau khổ cho người dân, ĐCSTQ tiếp tục thực hiện hàng loạt chính sách sai lầm có căn nguyên từ niềm tin mù quảng của họ.
Đỉnh điểm của những chính sách này là Đại nhảy vọt, diệt chim sẻ được chính quyền Mao khởi động từ năm 1958. Những chính sách bị coi là thảm họa này đã trực tiếp gây ra nạn đói khủng khiếp trong 3 năm (1958-1961) khiến hàng chục triệu người thiệt mạng.
Sau hơn một thập niên sống trong “địa ngục trần gian”, vào năm 1960, khi nạn đói đang diễn ra, ông Lai đã quyết định vượt biên tới Hồng Kông để tìm nguồn sống. Tới hòn đảo khi đó đang là thuộc địa của Anh, ông Lai với hai bàn tay trắng, trải bao khổ cực đã gây dựng nên một sự nghiệp lẫy lừng với khối tài sản khổng lồ.
Tuy nhiên, ông lại không cho rằng gia sản to lớn mà ông có được hoàn toàn là công sức của ông cùng sự may mắn, mà ông tin rằng đó là nhờ ông được sống, được lao động trong một xã hội tự do, và chính điều này mới thực sự giúp ông đạt được thành công.
“Tôi đến đây [Hồng Kông] với hai bàn tay trắng, và sự tự do của mảnh đất này đã cho tôi tất cả. Có lẽ giờ là lúc tôi cần phải đền đáp cho nền tự do này bằng cách chiến đấu vì nó”, ông Jimmy Lai nói với nhà báo Jerome Taylor của AFP.
Trả ơn Hồng Kông
Vào ngày 19/12/1984, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương đã ký một thỏa thuận trong đó London cam kết sẽ bàn giao lại Hồng Kông cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Là một nạn nhân từng sống trong không gian cai trị hà khắc của ĐCSTQ và đã phải chạy trốn để tìm lối thoát ở Hồng Kông, có lẽ hơn ai hết, ông Jimmy Lai nằm trong số những người hiểu được bản chất của chế độ cầm quyền ở Đại Lục.
Sự kiện Thiên An Môn 1989 càng khiến ông nhìn thấy rõ hơn bộ mặt tàn ác và xảo trá của ĐCSTQ. Kể từ đó ông đã quyết định dành tất cả cho các hoạt động đấu tranh vì quyền tự trị đúng nghĩa của Hồng Kông, mà về bản chất, là các hoạt động đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người – điều mà các xã hội dân chủ nâng niu nhưng lại là kẻ thù phải tiêu diệt của chính quyền Trung Quốc.
Vào năm 1990 ông xây dựng tạp chí Next Magazine, và tiếp theo là hàng loạt tạp chí khác. Đến năm 1995, ông cho ra đời tờ báo Apple Daily. Tất cả các tạp chí hay tờ báo của ông đều có nội dung hướng vào việc lên án chế độ cầm quyền ở Trung Quốc, vạch mặt bản chất gian manh, ưa bạo lực và tham lam của lực lượng này.
Sau khi Hồng Kông nằm dưới sự quản lý của chính quyền Trung Quốc, không gian tự do vốn có của hòn đảo này dẫn bị ĐCSTQ thu hẹp, các buộc biểu tình chống âm mưu và các hành vi đàn áp quyền con người của người dân đảo cũng theo đó mà dần tăng lên.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện các bước đi nhằm tước đoạt bằng được các quyền cơ bản của người dân Hồng Kông, các quyền mà họ được hưởng “nhờ” sống dưới “chế độ” vẫn bị lên án là “thực dân”. Đỉnh điểm là vào ngày 21/9/2014, Quốc hội Trung Quốc tuyên bố người Hồng Kông không được phép tự do lựa chọn lãnh đạo đặc khu mà phải thông qua một ủy ban bầu cử, và ai cũng biết rằng Bắc Kinh sẽ thông qua ủy ban này để chọn người theo yêu cầu của họ.
Sát cánh cùng người dân Hồng Kông, ông Jimmy Lai tham gia vào hầu hết các cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh chà đạp nhân quyền. Vị tỷ phú ở tuổi thất thập không ngần ngại dầm mưa dãi nắng cùng với sinh viên và người dân Hồng Kông trong các cuộc tuần hành đòi lại tự do cho hòn đảo.
Chính vì điều này mà ông nhiều lần phải đối mặt với sự đe dọa và nhà tù cùng những lời vu khống, mạt sát của giới truyền thông và dư luận viên làm việc cho Bắc Kinh. Nhưng những điều đó không thể làm ông chùn bước.
Kiên định niềm tin
Theo New York Times, truyền thông Trung Quốc gọi ông Jimmy Lai là kẻ phản bội, một “bàn tay đen” lớn đứng sau những cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, là đặc vụ của CIA và nói rằng ông là kẻ đứng đầu nhóm “Tứ Nhân Bang” (Bè lũ bốn tên) nuôi “âm mưu phá hoại đất nước”.
Trong nhiều năm, nhà của ông bị những kẻ bịt mặt ném bom xăng, bị đốt. Một nhóm người “ái quốc” Trung Quốc thường xuyên đến trước cổng nhà ông bằng một chiếc xe buýt nhỏ màu trắng, hát quốc ca Trung Quốc, giương băng rôn bêu xấu và thóa mạ ông. Những người này nói ông là “con chó chạy theo Mỹ”, dùng tiền để dụ dỗ người dân biểu tình.
Ông cũng bị tờ Ta Kung Pao, một tờ báo Hồng Kông thân Bắc Kinh, dẫn lời những người tự xưng là họ hàng với ông nói rằng ông là kẻ xấu tới mức bị dòng họ xóa tên, những người này gọi ông là “Lai mập”, là kẻ “phản bội” lại tổ tiên và đất nước.
Tất cả các can nhiễu lớn nhỏ đến từ thế lực đen đều không khiến ông từ bỏ con đường đấu tranh cho dân chủ, vì như ông chia sẻ với New York Times, sự kiện thảm sát Thiên An Môn đã làm ông tỉnh ngộ, nó cho thấy ĐCSTQ không thể thay đổi để trở nên tốt hơn. “Tôi đã luôn hy vọng rằng Trung Quốc đang thay đổi và sẽ trở thành một nền dân chủ. Tôi đã sai. Đó là một suy nghĩ viển vông”, ông Lai nói.
Ông vẫn lừng lững tiến về phía trước vì biết rằng các chiêu thức chính trị nhắm vào ông xuất phát từ thế lực đen tối đang hàng ngày vấy bẩn môi trường tự do của Hồng Kông và Đại lục. Ông nói với New York Times rằng, từ lâu, ông đã không còn chú ý đến tất cả những lời lăng mạ, mặc dù ông không thích bị quấy rầy bởi những bài hát quốc ca Trung Quốc ông ổng trước cửa nhà.
Nếu chỉ cần thỏa hiệp với Bắc Kinh, thì tài sản của ông có thể lớn hơn hiện tại nhiều lần, đơn giản vì chính quyền Trung Quốc sẽ không quấy nhiễu và sẽ cho ông tiếp cận thị trường hơn 1 tỷ dân. Nếu ông chỉ cần nhún mình một chút trước cường quền thì ông có thể sẽ được sống ung dung trong những lời ca tụng.
Nhưng ông quyết chọn con đường đối đầu với ĐCSTQ vì ông tin rằng đây là thế lực hắc ám cần phải bị đẩy lùi, bởi như những gì ông nói sau khi được phóng thích vào sáng sớm ngày 12/8 rằng lực lượng này “đi ngược lại các giá trị của thế giới” và “Nếu chúng ta không thay đổi [ĐCSTQ], thì thế giới sẽ không có hòa bình“.
Niềm tin kiên định của ông vào con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền càng được củng cố thêm khi ông nhận được sự ủng hộ và cổ vũ từ người dân. Sau khi ông bị bắt, giá cổ phiếu công ty của ông không những không giảm mà còn tăng mạnh, tờ Apple Daily do ông sáng lập bán được nhiều hơn khi người dân Hồng Kông đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông thông qua việc mua cổ phiếu và báo in Apple Daily. Và khi ông được phóng thích, người dân xứ đảo đã đón chào ông như một người hùng của họ.
Ngoài ra, sự ủng hộ của những người thiện lương ở các nước tự do cũng giúp ông có thêm tín tâm và sức mạnh để bước tiếp trên con đường ông đã chọn.
“Chưa có giây phút nào trong đời tôi cảm thấy xúc động và hạnh phúc đến thế. Tôi cảm thấy những gì tôi đã làm là đúng, cho dù thách thức có lớn đến đâu”, ông Jimmy Lai nghẹn ngào nói sau khi nhận được những lời động viên và tình cảm yêu mến của giới chuyên gia Hoa Kỳ sau khi ông tại ngoại.