Lục Du
Đã xuất hiện một biến thể mới của nCoV ở Malaysia có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần chủng virus được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, quan chức Malaysia thông tin, Straits Times đưa tin.
Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, hôm Chủ nhật (16/8), thông qua Facebook, thông báo chủng D614G, một biến thể của nCoV, đã được phát hiện trong 4 ca nhiễm tại các ổ dịch ở Sivangangga và Ulu Tiram.
Ông Abdullah nói rằng, việc phát hiện biến thể D614G đồng nghĩa với việc người dân phải thận trọng hơn, tiếp tục phải chấp hành các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang. Abdullah cũng cho hay, cơ quan y tế Malaysia sẽ tiếp tục xét nghiệm các trường hợp khác trong những cụm dịch liên quan
Biến thể D614G được các nhà khoa học phát hiện vào tháng 7/2020. Ông Abdullah nhận định rằng phát hiện này có thể khiến nghiên các nghiên cứu vắc xin Covid hiện tại đứng trước nguy cơ không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ông cho biết cơ quan y tế công cộng Malaysia đã hành động kịp thời để kiểm soát sự lây lan của Covid ở các cụm dịch, tức biến thể mới bị kiềm chế khả năng lây lan ra bên ngoài.
Theo thống kê của Worldometer, tính tới ngày 17/8, Malaysia có 9,200 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 125 người tử vong, 8,859 người đã hội phục. Quốc gia này là vùng dịch lớn xếp thứ 28 ở châu Á, và thứ 87 trên thế giới.
Ông Modi gửi thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc khi căng thẳng kéo dài
- Xuân Lan
Giữa bế tắc về căng thẳng biên giới với Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố hôm thứ Bảy (15/8) rằng lực lượng vũ trang của đất nước đã và sẽ đáp trả mạnh mẽ những kẻ đang thách thức chủ quyền của Ấn Độ.
Ông Modi đưa ra lời bình luận trong diễn văn nhân ngày Độc lập từ Pháo đài Đỏ lịch sử của thủ đô vào thời điểm 2 tháng sau cuộc đụng độ ở khu vực Ladakh thuộc dãy Himalaya, khiến 20 binh lính Ấn Độ và một số lượng không rõ binh lính Trung Quốc thiệt mạng.
“Về vấn đề biên giới, bất cứ ai nhòm ngó đến chủ quyền của đất nước chúng ta, quân đội của chúng ta sẽ đáp trả thích đáng bằng thứ ngôn ngữ mà họ hiểu được,” ông Modi nói, đề cập tới Pakistan và Trung Quốc, cả hai được coi như những mối đe dọa hiện hữu đối với Ấn Độ.
“Ấn Độ đang đối phó một cách hiệu quả với cả chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bá quyền,” ông nói, ám chỉ Pakistan với các cáo buộc tiếp tay cho khủng bố trên đất Ấn Độ cũng như Trung Quốc với các chương trình nghị sự bá quyền.
“Ngày nay, láng giềng không chỉ là những nước chúng ta cùng chia sẻ biên giới địa lý mà còn chia sẻ tấm lòng đồng cảm của chúng ta,” ông Modi nói, cho biết thêm rằng Ấn Độ đã phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các nước trong một “khu vực láng giềng mở rộng,” gồm cả những nước ở Tây Á.
Lễ kỷ niệm năm nay diễn ra không quá lớn do đại dịch. Tất cả khách mời đều đeo khẩu trang và ngồi cách nhau 2 mét, trong khi học sinh các trường phổ thông không tham gia lễ kỷ niệm.
Trước đó, ông Modi đã bị nhiều người chỉ trích và kêu gọi cần cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh do không hài lòng với những gì họ cho là cách tiếp cận quá thận trọng của Ấn Độ.
Một nhóm các nhà phân tích và cựu quân nhân nói rằng tình trạng bế tắc kéo dài có thể hạn chế các lựa chọn quân sự của Ấn Độ để khôi phục hiện trạng, dẫn đến việc Ấn Độ mất quyền kiểm soát đối với những vùng đất rộng lớn có vị trí chiến lược.
Vì vậy, nhóm này đang kêu gọi New Delhi xem xét một loạt các lựa chọn, từ việc đóng cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Kolkata đến việc xây dựng một chiến dịch toàn cầu chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.
Trong bài diễn văn dài 90 phút, Thủ tướng Ấn Độ cũng nói ba loại vắc xin COVID-19 hiện đang ở các giai đoạn thử nghiệm khác nhau tại Ấn Độ.
“Chúng ta sẵn sàng cho sản xuất [vắc xin] trên diện rộng… và cũng đã sẵn sàng một lộ trình để đưa đến cho mọi người dân Ấn Độ ngay khi có thể,” ông nói.
Ông Modi cũng đề cập tới những chủ đề khác, như là tự chủ dân tộc, cơ sở hạ tầng, nhận dạng sức khỏe số cho tất cả và các chương trình khác để giúp tầng lớp trung lưu, nông dân và phụ nữ Ấn Độ.
“[Tự chủ] không phải là một từ mà là một chân ngôn đối với mỗi người dân đất nước chúng ta,” ông nói, đề cập đến mục tiêu làm Ấn Độ trở thành một cường quốc sản xuất giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. “Chúng ta hãy quyết tâm biến tiếng nói đó thành một chân ngôn cuộc sống đối với người dân.”
Về Sứ mệnh Sức khỏe Số Quốc gia, ông Modi nói: “Hôm nay, chúng ta đang bắt đầu một chiến dịch rất lớn trong đó công nghệ cũng sẽ đóng một vai trò to lớn.”
Thủ tướng ghi nhận rằng sứ mệnh này sẽ truyền cảm hứng cho “một cuộc cách mạng mới” trong lĩnh vực sức khỏe, với sự giúp đỡ của công nghệ để giảm thiểu những vấn đề trong điều trị bệnh. Mỗi người Ấn Độ sẽ có một chứng nhận sức khỏe quốc gia, trong đó có các kết quả xét nghiệm, các mô tả về bệnh tật, đơn thuốc của bác sĩ, các chuẩn đoán và các thông tin khác, ông nói.
Xuân Lan (theo Nikkei, SCMP)
Hải quan Mỹ thu giữ gần 20,000 bằng lái xe giả, chủ yếu từ Trung Quốc
- Isabel Van Brugen
Cơ quan bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ (CBP) cho biết các nhân viên của họ tại Chicago đã chặn bắt hơn 19,000 bằng lái xe giả trong nửa đầu năm nay, phần lớn đến từ Trung Quốc và Hồng Kông.
Các giấy phép lái xe giả này đã bị chặn ở Cơ sở thư tín quốc tế (IMF) tại Sân bay Quốc tế O’Hare, Chicago trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 30/6 năm nay, The Epoch Times dẫn nguồn tin theo một thông báo do CBP phát hành.
Trên Twitter, CBP viết: “Hãy xem những giấy phép lái xe này – cùng một người nhưng thông tin sinh học lại khác nhau. Các nhân viên tại Chicago đã kiểm đếm xem có bao nhiêu bằng lái xe giả đã đến qua cơ sở thư tín ở O’Hare. Từ ngày 1/1 đến 30/6, các nhân viên CBP đã chặn bắt gần 20.000 bằng lái xe giả.”
Trong số 19.888 bằng lái xe giả bị tịch thu, phần lớn đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Anh và Hàn Quốc, chủ yếu dành cho lứa tuổi “các sinh viên đại học.” Nhiều trong số đó sẽ được chuyển đến các bang lân cận Chicago.
Theo ông Ralph Piccirilli, một cán bộ của CBP, các bằng lái xe giả này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Các tổ chức tội phạm sẽ có thể sử dụng các bằng lái xe giả nhằm tránh sự chú ý đến các hoạt động bất hợp pháp của họ.
Ngoài ra, các bằng lái xe giả có thể dẫn đến các hành vi trộm cắp danh tính, giả dạng lao động, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và gian lận. Các hành vi này có liên quan đến các tội phạm về nhập cư như vận chuyển lậu người và buôn người.
“Các bằng lái xe giả này có thể được những cá nhân có liên quan đến khủng bố sử dụng để giảm thiểu sự giám sát của các biện pháp kiểm tra việc đi lại,” quan chức CBP nói.
CBP cho biết nhiều bằng lái xe giả có chung ảnh nhưng thông tin chi tiết lại khác nhau. Một trong những điều gây lo ngại là mã vạch đính kèm với các bằng lái xe giả hoạt động.
Tháng 11 năm ngoái, CBP cho biết họ đã chặn hơn 5.000 bằng lái xe giả hoặc các thẻ trắng được dùng để sản xuất các bằng giả này được gửi từ Trung Quốc tại trung tâm hoạt động giao hàng nhanh ở Louisville, Kentucky. Các bằng giả này dự định được chuyển đến các bang trên toàn quốc, bao gồm cả bang New York.
Trong số này, có 2.909 bằng lái xe giả và 3.123 thẻ trắng được dùng sản xuất bằng lái xe giả, CBP cho biết trong một thông cáo báo chí.
Các quan chức nói rằng một trong các bằng lái xe giả dự định gửi đến cho một kẻ hiếp dâm trẻ em đã bị kết án sống tại New York. Các nhà chức trách tin rằng cá nhân này “dụ dỗ các trẻ vị thành niên bằng rượu và các bằng lái xe giả trước khi tham gia vào hoạt động bất chính.”
Ông Timothy Lemaux, giám đốc CBP cửa khẩu Dallas-Fort Worth, cảnh báo người dân không nên nhận các bằng lái xe giả ở nước ngoài bởi vì những kẻ làm giả sẽ tiếp cận các thông tin cá nhân.
“Ngoài số lượng lớn các bằng lái xe giả mà chúng tôi đang chặn bắt, điều khiến chúng tôi lo lắng nhất về các cuộc chặn bắt này là việc rất nhiều người trẻ tuổi dễ dàng chia sẻ các thông tin cá nhân của họ cho những kẻ làm giả ở nước ngoài,” ông Lemaux cho biết trong một thông báo, Fox News đưa tin.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác với cơ quan thực thi pháp luật địa phương để cảnh báo cho công chúng và bất kỳ ai đang có ý định mua các bằng lái xe giả trực tuyến về những nguy cơ tiềm năng của việc chia sẻ các thông tin nhận dạng, cá nhân của họ liên quan đến yếu tố tội phạm,” Giám đốc CBP cho biết.
Gia Huy biên dịch, theo The Epoch Times
Báo TQ: Hơn 18,000 tàu cá Trung Quốc đã ra khơi, đánh bắt ở Biển Đông
- Nguyễn Minh
Truyền thông nhà nước của Trung Quốc loan tin ít nhất 18.000 tàu cá Trung Quốc đã ra khơi, đánh bắt tại Biển Đông kể từ hôm qua, 16/8. Thông tin được công bố công khai cho thấy Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách xâm phạm chủ quyền tại vùng biển này.
China News ngày 16/8 liên tiếp đưa hai bản tin về việc lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở Biển Đông đã kết thúc, kể từ 12h ngày 16/8, 18.000 tàu cá của nước này sẽ bắt đầu mùa thu hoạch mới ở Biển Đông.
Trang này cho hay trong ngày 16/8, hơn 16.700 tàu cá của tỉnh Hải Nam và 1.300 tàu cá của TP Dương Giang, tỉnh Quảng Đông bắt đầu ra khơi ở khu vực Biển Đông (bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ) từ 12 độ vĩ Bắc đến “đường giao nhau của biển Phúc Kiến và Quảng Đông”. Bản tin nói rõ năm nay là năm thứ 22 Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực này, bắt đầu từ 12h ngày 1/5.
Cùng ngày, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đăng một đoạn phim nói rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi sau khi lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông kết thúc. Chuyến ra khơi kéo dài khoảng 6-7 ngày. Đoạn phim chiếu thêm cảnh các tàu cá ở Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây hôm 16/8 bắt đầu ra khơi ở vịnh Bắc Bộ để đánh bắt ở “vùng biển mở”.
Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ năm 1999 tới nay. Trái với thông tin tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông do Trung Quốc đơn phương đưa ra luôn bị các quốc gia phản đối.
Hồi tháng 5/2020, Chủ tịch Hiệp hội Ngư dân Philippines đặt câu hỏi: “Trung Quốc lấy quyền gì đánh bắt trong vùng biển của Philippines, ra lệnh cấm đánh cá trong vùng biển của Philippines và phá hoại môi trường của láng giềng qua các công trình bồi đắp đảo phi pháp?”
Hôm 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 – 16/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết “Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.
Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở biển Hoa Đông nhằm khẳng định chủ quyền tại vùng biển quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono cảnh báo Tokyo sẽ hành động “cứng rắn” nếu tàu cá Trung Quốc lảng vảng gần quần đảo đang do Nhật kiểm soát, theo Đài NHK. Trong một cuộc họp báo trước đó vào cuối tháng 7, tướng Kevin Schneider, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Nhật, khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản “365 ngày trong năm, 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần” xử lý tình huống tàu nước ngoài đột nhập vào quanh các đảo trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát. Đây là động thái ủng hộ nhiều hàm ý ngoại giao khi trước đó dù công nhận quyền quản lý của Nhật Bản, Washington hầu như giữ thái độ trung lập trong tranh chấp về chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc tại vùng biển này.
Nguyễn Minh