Tin thế giới sáng thứ Ba

Ngoài hạt giống lạ, người Mỹ còn nhận nhiều thứ lạ khác từ Trung Quốc

Ngoài hạt giống không xác định, người Mỹ ở ít nhất 35 bang, bao gồm Texas, đang nhận được những bưu phẩm mà họ không đặt hàng, bên trong chứa khẩu trang, đồ trang sức rẻ tiền… có xuất xứ Trung Quốc, theo News4sanantonio.

Khẩu trang rẻ tiền từ những bưu phẩm không đặt trước có xuất xứ Trung Quốc (ảnh chụp màn hình news4sanantonio).
Giấy vệ sinh đến từ những bưu phẩm lạ xuất xứ Trung Quốc (ảnh chụp màn hình news4sanantonio).

Ngoài ra, các gói hàng lạ còn có cả giấy vệ sinh, bộ dao nĩa bằng bạc và khẩu trang. Đa số người nhận đều thắc mắc làm thế nào người gửi ở Trung Quốc lại có thông tin về địa chỉ, tên tuổi của họ.

Jason Meza, thành viên Hiệp hội Kinh doanh Uy tín tại San Antonio, Texas, cho biết đây là mánh khóe của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhằm đạt được doanh số bán hàng cao hơn trên các trang thương mại điện tử (VD: Amazon), hoặc để một mặt hàng cụ thể được “bình chọn” nhiều hơn.

Chính trị gia đối lập ở Belarus tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo quốc gia

Biểu tình ở Belarus (ảnh chụp màn hình/Moscow Times).

Chính trị gia đối lập Belarus, nhà hoạt động nhân quyền và ứng viên tổng thống Sviatlana Tsikhanouskaya hôm thứ Hai (17/8) tuyên bố đã sẵn sàng lãnh đạo quốc gia. Bà kêu gọi tạo ra một cơ chế pháp lý để đảm bảo một cuộc bầu cử tổng thống mới và công bằng, theo Reuters.

Phát biểu trong một video quay sẵn từ Lithuania, bà kêu gọi các quan chức an ninh và thực thi pháp luật rời khỏi phe chính phủ Tổng thống Alexander Lukashenk. Bà cho biết hành vi trước đây của họ sẽ được bỏ qua nếu họ có thể thực hiện việc chuyển đổi ngay tức thì.

Video của bà Tsikhanouskaya được đưa ra một ngày sau khi người Belarus đổ ra đường biểu tình, tràn ngập trung tâm thủ đô Minsk và hô vang “Từ chức! (Step down)” trong cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay. Cuộc biểu tình nhằm phản kháng kết quả tái đắc cử trước đó một tuần của tổng thống nắm quyền gần 25 năm Lukashenko mà họ cáo buộc gian lận.

Sợ bị Mỹ bao vây, Trung Quốc phát triển máy bay tàng hình 2 chỗ ngồi

Trong bối cảnh nhiều tin đồn dấy lên xoay quanh việc Mỹ bao vây Trung Quốc khi trang bị cho đồng minh chiến đấu cơ tàng hình F-35 thế hệ thứ năm, Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay phản lực tàng hình mới 2 chỗ ngồi tương tự Su-34 của Nga.

Trang SCMP hôm 15/8 đưa tin, Viện thiết kế Máy bay Thành Đô (CADI) đang phát triển một biến thể “đột phá” mới của tiêm kích tàng hình J-20.

Là một máy bay cảnh báo sớm, biến thể mới của J-20 dự kiến sẽ là trung tâm chỉ huy và điều khiển cho các máy bay hoạt động trong khu vực. Nó cũng có thể được dùng để chỉ đường cho đạn tự hành phóng bởi máy bay khác trong khu vực mục tiêu chỉ định, theo Eurasian Times.

Đây sẽ là loại máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc có biến thể hai chỗ ngồi, so với loại máy bay F-22 Raptor, F-35 của Mỹ và Su-57 của Nga hiện chỉ có 1 chỗ ngồi.

Chưa thể xác định nguồn bùng phát dịch Covid-19 ở New Zealand

Gần một tuần sau khi phát hiện ra một ổ dịch Covid-19 mới ở New Zealand sau hơn ba tháng yên ổn, nguồn gốc của nó vẫn còn là một điều bí ẩn.

Ngay từ đầu đại dịch, quốc đảo Thái Bình Dương đã có nhiều lợi thế do sự xa cách với đất liền, cộng với việc nữ Thủ tướng Ardern nhanh chóng đóng cửa biên giới quốc gia và áp đặt những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất. Các biện pháp này đã góp phần ngăn chặn sự lây truyền dịch tại địa phương trong 102 ngày.

Các quan chức cho biết, kết quả xét nghiệm bộ gen của đợt lây nhiễm mới nhất xác định đây là một chủng mới, và khả năng bắt nguồn từ Úc hoặc Anh.

Indonesia báo cáo 1.821 ca Covid-19 mới, 57 ca tử vong

Indonesia đã báo cáo 1.821 trường hợp nhiễm Covid-19 hôm thứ Hai, nâng tổng số trường hợp nhiễm lên 141,370, theo số liệu từ lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19.

Indonesia cũng ghi nhận thêm 75 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên 6.207, đây là con số tử vong do virus corona cao nhất ở Đông Nam Á.

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 vẫn có lợi ích chiến lược với Mỹ dù quy mô bị hạn chế

image.png
Đoàn tàu quốc tế trên đường từ Guam đến Hawaii tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2020. Từ trái sang phải: Tàu tuần tra biển KDB Darulehsan (OPV-07) của Brunei, hộ tống hạm RSS Supreme (73) của Singapore, tàu hậu cần HMAS Sirius (O 266) của Úc, khu trục hạm Mỹ USS Rafael Peralta (DDG 115) và hộ tống hạm Úc HMAS Stuart (FFH 153). Ảnh chụp ngày 04/08/2020 tại miền tây Thái Bình Dương. USS Rafael Peralta – Petty Officer 2nd Class Jason Is

Kể từ ngày 17/08/2020 và kéo dài cho đến cuối tháng, Hải Quân thuộc 20 nước trên thế giới, dẫn đầu là Hoa Kỳ, bắt đầu những cuộc tập trận ngoài khơi quần đảo Hawaii trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2020, mở ra hai năm một lần.

Dù mang quy mô hạn chế hẳn so với những lần trước, cuộc tập trận năm nay được cho là vẫn sẽ mang lại lợi ích chiến lược to lớn cho Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đang càng lúc càng gay gắt trên các vùng biển châu Á.

Vào lúc dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, đe dọa những cuộc tụ tập đông người, một sư kiện được mệnh danh là “Cuộc Tập Trận Hải Quân Lớn Nhất Thế Giới” dĩ nhiên đã bị ảnh hưởng, và Mỹ đã bị buộc phải giảm hẳn quy mô cuộc tập trận, đồng thời bỏ hẳn những nội dung diễn tập bị cho là có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan.

Từ con số 26 nước tham gia vào năm 2018, với hơn 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm, 25.000 quân nhân, cuộc tập trận RIMPAC 2020 này chỉ tập hợp khoảng 10 quốc gia, với khoảng 20 chiếc tàu và 5.600 người. Thời gian tập trận cũng bị rút ngắn xuống còn nửa tháng, thay vì một tháng như lần trước.

Các nội dung tập trận cũng được lược bớt. Các nội dung như tập đổ bộ, rèn luyện chỉ huy tác chiến từ các cơ sở trên bờ đã bị bỏ hẳn, chỉ còn các bài diễn tập trên biển, và chỉ ở vùng biển ngoài khơi Hawaii chứ không tiến hành đồng thời ở vùng biển Calfornia (Hoa Kỳ) như vào năm 2018.

Trong tình hình đó, câu hỏi từng được đặt ra là có ích lợi gì khi duy trì một cuộc tập trận mà quy mô đã bị giảm hơn một nửa như trên, lại trong bối cảnh đã có cả chục ngàn người dân Hawaii lên tiếng phản đối việc duy trì cuộc tập trận, bị cho là hàm chứa nguy cơ phát tán dịch bệnh tại tiểu bang này.

Theo giới quan sát, dù quy mô cuộc tập trận đã bị thu gọn, chất lượng các cuộc tập trận vẫn là một điều hữu ích cho các nước được tham gia. Đứng về mặt thuần túy quân sự, kinh nghiệm học hỏi được từ những nội dung cùng diễn tập với cường quốc hải quân số một thế giới hiện nay là Mỹ sẽ rất quý giá cho các nước như Philippines, Singapore, Hàn Quốc vẫn sốt sắng đến Hawai tập trận.

Đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc, thậm chí Pháp và Anh, Canada, có mặt tại RIMPAC 2020, việc rèn luyện kỹ năng chỉ huy, phối hợp tác chiến cũng sẽ là những bài học quý giá, hữu dụng khi phải đối phó với một kẻ thù chung.

Riêng về nước Mỹ, lợi ích hiển nhiên của việc duy trì RIMPAC 2020 là cho thấy vai trò lãnh đạo của mình, đặc biệt khi dù quy mô bị thu nhỏ, cuộc tập trận năm nay vẫn quy tụ được hầu hết các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, từ Úc, Canada, Anh, Pháp, cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và cả Philippines.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, nước bị Mỹ loại khỏi cuộc tập trận từ năm 2018 vì các hành vi lấn lướt trên Biển Đông, sự hiện diện của các nước đồng minh và đối tác trên đây tại một cuộc tập trận do Mỹ chủ trương là một tín hiệu rõ ràng gởi đến Bắc Kinh.

Trong bài nhận định về cuộc tập trận RIMPAC 2020, tuần báo Anh The Economist ngày hôm qua 16/08 ghi nhận rằng dù quy mô sự kiện có bị thu hẹp, tác dụng của cuộc tập trận năm nay “vẫn cao hơn bao giờ hết”, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang càng lúc càng căng thẳng trên mọi địa bàn, từ Biển Đông, Biển Hoa Đông cho đến eo biển Đài Loan.

Theo The Economist, “vào lúc ưu thế quân sự của mình đối với Trung Quốc bị xói mòn trong thập kỷ qua, có thể hiểu được là Mỹ đang rất muốn vun bồi những tình bạn cũ và mới”, và cuộc tập trận RIMPAC là một cơ hội thuận lợi.

Tuần báo Anh đã trích lời cựu đô đốc Mỹ James Stavridis, lưu ý rằng cuộc tập trận đóng vai trò một “tín hiệu hữu hình cho thấy là quân đội quan trọng nhất của vùng Thái Bình Dương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện, chiến thuật và công nghệ”.

Cuộc tập trận cũng nêu bật lợi thế lâu dài của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc: Đó là khả năng thuyết phục rất nhiều quốc gia đa dạng và thân thiện tập hợp lại để tập trận, điều mà Bắc Kinh khó có thể làm được.

Các mạng phim độc lập trước thế ‘‘bá chủ’’ của Netflix

Thời gian phong tỏa vừa qua do dịch Covid-19 đã ít nhiều thay đổi cung cách tiêu dùng của người Pháp, đặc biệt là trong lãnh vực xem phim trực tuyến. Sau khi lệnh phong tỏa từng bước được dỡ bỏ, các rạp xinê bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng người Pháp vẫn thích xem phim trên mạng, chứ chưa vội trở lại các rạp chiếu phim.

Hiện tại, mạng Netflix của Mỹ đang thống trị lãnh vực phát hành phim, bán hay thuê video trên Internet. Theo cuộc khảo sát gần đây của Integral Ad Science, một công ty tư nhân Mỹ chuyên phân tích các thông tin liên quan đến công nghệ số, cứ trên ba người thường xem phim hay thuê video trực tuyến, là có đến hai người (67%) đăng ký dịch vụ của mạng Netflix.

Về phía các mạng phát hành phim của Pháp nói riêng hay của châu Âu nói chung, các mạng này không thể nào có đủ sức để cạnh tranh trực tiếp với Netflix, cho nên phải tạo cho mình những nét khác lạ, đặc thù để lôi cuốn người xem hay đặc biệt nhắm vào một số thành phần khán giả. Mạng Netflix gần đây đã hợp tác với MK2 để mua lại quyền phát hành dòng phim ‘‘di sản’’, trong đó có các bộ phim của François Truffaut và Charlie Chaplin. Thế nhưng, Netflix chỉ mới đi bước đầu, trong khi đó là sở trường từ lâu của các mạng phim độc lập.

Bên cạnh đó, hầu hết các tập đoàn hay công ty cỡ lớn đều lao vào cuộc cạnh tranh để giành lấy thị phần, trong đó có Amazon Prime, Disney+ và gần đây hơn nữa là mạng Starzplay với các loạt phim truyện nhiều tập như ‘‘Outlander’’ hay là ‘‘American Gods’’. Tất cả các mạng này đều cố gắng sản xuất những nội dung ‘‘nguyên tác’’, phát hành theo mô hình độc quyền, gồm cả phim truyện hay phim truyền hình nhiều tập. Mục tiêu là để “giữ khách”, cầm chân khán giả tránh cho họ lọt vào tay các đối phương, trong đó lợi hại nhất vẫn là mạng Netflix.

Công ty Disney+ gần đây đã “đi hớ” một bước khi tung lên mạng bộ phim ‘‘Hoa Mộc Lan’’ với Lưu Diệc Phi trong vai chính. Khán giả phải chi 29 đô la, chỉ để xem bộ phim mới này, nhưng nếu muốn xem các nội dung khác như Star Wars, Chiến binh Mandalorian hay các tuyến ngoại truyện của Avengers thì họ vẫn phải đăng ký dịch vụ của Disney+.

Bước đột phá ngoạn mục nhất, có lẽ là khi đạo diễn kỳ cựu  Martin Scorsese về đầu quân cho mạng Apple TV+. Sau khi thành công rực rỡ với bộ phim “The Irishman” do Netflix phát hành, đạo diễn Martin Scorsese đã không tiếp tục làm việc với Netflix mà lại ký thỏa thuận hợp tác nhiều năm cho mạng Apple TV+, trong đó có việc sản xuất dự án phim truyện với kinh phí cao ‘‘Killers of the Flower Moon’’ quy tụ các ngôi sao hàng đầu như Leonardo DiCaprio và Robert De Niro.

Bộ phim đang ở trong giai đoạn tiền kỳ và theo dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào năm 2021, tác phẩm mới của đạo diễn Martin Scorsese sẽ được hãng phim Paramount phân phối trên thị trường quốc tế. Còn trên mạng, bộ phim này sẽ do Apple TV+ độc quyền phát hành, sau khi công ty này trở thành nhà sản xuất chính thức, về đầu trong cuộc đấu giá với một ngân sách hơn 180 triệu đô la dành cho bộ phim, vượt trội hẳn so với các công ty sản xuất khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của công ty Integral Ad Science, ngoại trừ sự kiện đáng chú ý này ra, dường như vẫn chưa có đối thủ nặng ký nào có thể soán ngôi của mạng Netflix, phần lớn cũng vì theo phản hồi của các cư dân mạng, cho tới thời điểm này, Netflix vẫn có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn hơn so với các mạng phim khác. Một trong những điểm yếu của Netflix có lẽ nằm trong cách tổ chức và sắp xếp cơ sở dữ liệu, hầu tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một tác phẩm, một nội dung hay một tựa phim.

Đối với giới thích xem phim Pháp, thì họ có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm mới trên mạng UniversCiné. Mạng này chẳng những khai thác phim Pháp mà còn hỗ trợ dòng phim ‘‘nghệ thuật’’ . Đáng chú ý hơn cả là bộ phim “Les Misérables” của đạo diễn Ladj Ly hay là  “La Belle Époque” của Nicolas Bedos. Dòng phim ‘‘nghệ thuật’’ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất, qua đó tác phẩm phản ánh nhãn quan riêng của một tác giả, khác với dòng phim thị trường chẳng hạn như dòng phim theo mô hình sản xuất của đạo diễn Luc Besson. Trên mạng UniversCiné, khán giả có thể thuê hoặc mua phim trực tuyến.

Về phía mạng Tënk, mạng này được dành riêng cho thể loại phim tài liệu nói chung, bao gồm dòng phim tài liệu theo chuyên đề như lịch sử, kiến trúc kỳ quan, khoa học không gian, động vật hoang dã. Ngoài ra còn có dòng phim tài liệu của những đạo diễn nổi tiếng như David Fincher hay là Martin Scorsese từng quay phim tài liệu về Bob Dylan hay nhóm The Rolling Stones. Trong thời gian gần đây, ngoài các đợt lưu diễn có thu hình hay phim tiểu sử dưới dạng tài liệu, Tënk đã cố gắng cập nhật dòng phim tài liệu của Pháp. Một cách tương tự, mạng phim Bref chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu phim ngắn, trong đó có rất nhiều tác phẩm đầu tay các đạo diễn nổi tiếng hay là phim ngắn từng đoạt giải César hay là Oscar.

Cuối cùng, giới yêu chuộng phim Pháp không thể nào bỏ qua mạng  La Toile, đặc biệt phong phú về mặt nội dung và khá chi tiết trong cách sắp xếp, giới thiệu và trình bày. Ngoài việc giới thiệu cả hai dòng phim nghệ thuật và thương mại, mạng La Toile đã có sáng kiến hỗ trợ các rạp chiếu phim cũng như các đạo diễn chuyên làm phim độc lập. Mạng này cung cấp dịch vụ xem phim theo yêu cầu, nhưng với đặc điểm là đại diện cho 230 rạp chiếu phim ở Pháp. Mỗi rạp chiếu phim độc lập ở đây tham gia cung cấp chương trình chiếu phim hàng tuần, khán giả dựa vào danh sách để tuyển chọn bộ phim mà họ muốn xem. Một phần thu nhập từ các dịch vụ của mạng La Toile sau đó được chia cho các chủ rạp phim. Có thể nói, đây là một trong những phương thức hỗ trợ tài chính hiệu quả nhất, vào lúc khán giả Pháp vẫn chưa vội đi xem phim ở rạp.

Ông Tập kiên định nền kinh tế Mác-xít

Nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc sẽ tiếp tục thích ứng với môi trường quốc tế và những biến động trong nước, nó sẽ vẫn phải là cơ sở để xây dựng tương lai đất nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, SCMP đưa tin hôm Chủ nhật (16/8).

“Nền tảng của nền kinh tế chính trị Trung Quốc chỉ có thể là nền kinh tế chính trị theo chủ nghĩa Mác, và không được dựa trên các lý thuyết kinh tế khác”, ông Tập nói trong một bài báo đăng hôm thứ Bảy (15/8) trên tờ Lý thuyết chính trị định kỳ Qiushi.

Theo SCMP, ông Tập đã bác bỏ những ý kiến cho rằng nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc đã lỗi thời, khi cho rằng nó cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực nhưng cũng đồng thời nâng cao vai trò của chính phủ.

Ông Tập nói, Trung Quốc phải hỗ trợ và phát triển nền kinh tế thuộc sở hữu công của mình, đồng thời hỗ trợ các loại hình sở hữu khác.

Belarus biểu tình lớn nhất trong lịch sử

Hôm Chủ nhật (thứ Hai ở Úc) hàng chục nghìn người ủng hộ phe đối lập ở Belarus đã tham gia một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử ở Thủ đô Minsk để phản đối và yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Tuy nhiên vị tổng thống đã tại vị gần 30 năm đáp lại bằng một bài phát biểu thách thức, theo SBS News.

Đám đông người biểu tình tuần hành qua các đường phố đến Quảng trường Độc lập, một nhà báo AFP ước tính số người tham gia đoàn biểu tình khổng lồ này là hơn 100.000 người. SBS News cho hay, đây là một cuộc biểu tình có quy mô chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô tan rã.

Những người biểu tình cầm những tấm biểu ngữ với những dòng chữ như “Ông không thể rửa sạch máu” và “Lukashenko phải trả lời cho hành vi tra tấn và giết người”.

Phản ứng trước yêu cầu người biểu tình, ông Lukashenko tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống là hợp pháp, gián tiếp khẳng định ông sẽ không từ chức.

Iran phản đối UAE thiết lập quan hệ với Israel

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên án thỏa thuận hòa bình giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel, ông nói trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy rằng UAE đã phạm phải “sai lầm lớn”, Fox News đưa tin hôm Chủ nhật.

Ông Rouhani nói việc UAE đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel là “sự phản bội ý chí của người dân Palestine và ý chí của người Hồi giáo”.

Trong một động thái lịch sử, UAE trong tuần qua đã quyết định trở thành quốc gia thứ ba ở Trung Đông chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, trong một nỗ lực được cho là nhằm ngăn chặn Israel sáp nhập Bờ Tây.

Somali: Khách sạn bị tấn công, ít nhất 7 người chết

Các chiến binh đã xông vào một khách sạn cao cấp bên bờ biển ở Thủ đô Mogadishu, Somali, hôm Chủ nhật, bắn chết ít nhất 7 người và làm bị thương hơn 20 người sau khi kích nổ một quả bom xe bên ngoài khách sạn, Reuters đưa tin.

Nhóm phiến quân Hồi giáo al Shabaab tuyên bố rằng họ chính là lực lượng đã thực hiện vụ tấn công vào khách sạn Elite ở bãi biển Lido, Mogadishu, và các tay súng của nhóm này đã chiến đấu với lực lượng an ninh Somali.

Hãng thông tấn nhà nước SONNA hồi tối muộn Chủ nhật cho biết sự việc đã kết thúc và 205 người đã được giải cứu khỏi khách sạn “bao gồm các bộ trưởng, nhà lập pháp và dân thường”.

Ý tái áp dụng biện pháp phòng dịch Covid

Italia sẽ đóng cửa các vũ trường và câu lạc bộ, đồng thời bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở một số khu vực vào ban đêm khi lần đầu tiên tái áp dụng các hạn chế trong bối cảnh các trường hợp nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán gia tăng trên khắp đất nước, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, theo Reuters.

Số ca mắc mới Covid trong tuần qua ở Italia cao hơn gấp đôi so với số ca nhiễm bệnh trong ba tuần trước. Độ tuổi trung bình của những người nhiễm loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã giảm xuống dưới 40.

Quy định mới sẽ bắt đầu áp dụng từ thứ Hai và sẽ kéo dài tới đầu tháng Chín. Người dân sẽ phải đeo khẩu trang từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng tại các khu vực gần quán bar và quán rượu, nơi có nhiều người tụ tập.

Related posts