Nghị sĩ Anh: Ấn Độ có thể đóng vai chính trong việc xóa bỏ lệ thuộc Trung Quốc

Triệu Hằng

Ông Iain Duncan Smith (ảnh: Wikimedia).

Ấn Độ có thể đóng vai chính trong việc đảo ngược sự lệ thuộc đáng báo động của các nền dân chủ trên thế giới vào Trung Quốc, ông Iain Duncan Smith, một chính khách Anh có uy tín trong đảng Bảo thủ, nhận định trên Hindustantimes ngày 12/8.

Ông Smith cho hay, dưới thời Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc thậm chí đã gia tăng sự độc tài và hung hăng hơn, và qua những gì ông Tập nói và làm, có thể thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nuôi tham vọng vào năm 2040 hoặc trong khoảng đó, chính quyền Trung Quốc sẽ sở hữu nền kinh tế và quân đội hùng mạnh nhất thế giới.

Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại đại hội đảng lần thứ 19 vào tháng 10/2017, ông Tập tuyên bố sẽ thực hiện mục tiêu “trăm năm kép”. Ông nói rằng đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xóa bỏ đói nghèo và đạt được xiao kang she hui – “tiểu khang xã hội” (là mục tiêu xã hội sung túc vừa phải mà Đặng Tiểu Bình đặt ra cho xã hội Trung Quốc). Và vào giữa thế kỷ này, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, Trung Quốc sẽ nổi lên thành một quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới, thực thi quyền lãnh đạo trên tất cả các khu vực.

Ông Smith nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc bộc lộ khá rõ việc họ muốn nâng tầm khát vọng toàn cầu của mình thành một sứ mệnh lịch sử, và lực lượng này muốn tất cả các nước xung quanh cuối cùng phải cúi mình trước họ. “Tôi nghĩ rằng toàn bộ các cuộc tập trận ở Biển Đông, nơi họ chiếm đóng các vùng lãnh thổ mà họ không có quyền, nơi họ đang xây các pháo đài quân sự trên các đảo nhân tạo – đều là một phần của dự án lớn này”, ông Smith nói.

Nhiều lần ông Tập diễn đạt rằng “đại trẻ hóa” quốc gia là mục tiêu chiến lược của ông, một mục tiêu mà nhiều người cho là nhằm biến Trung Quốc thành một vương quốc trung cổ ở thế kỷ 21.

Trung Quốc đã thiết lập các mối liên kết trong “các khu vực chiến lược” khiến “thế giới tự do” lệ thuộc vào Bắc Kinh, ông Smith nhận định.

“Đơn cử như viễn thông. Viễn thông phải được bảo mật từ trên xuống dưới. Bạn không thể an toàn một nửa. Bạn không thể cho phép những nhà cung cấp không đáng tin cậy tham gia vào hệ thống của bạn. Ví dụ, chính phủ [Anh] đã đồng ý sẽ loại bỏ Huawei, và họ đang định làm điều đó. Chúng ta cần đẩy nhanh việc này”.

Chính trị gia người Anh cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu để Trung Quốc gây ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thì rất nguy hiểm.

“Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở một nhà máy hạt nhân (tại vương quốc Anh), sắp tham gia vào một nhà máy khác nữa, và đang theo đuổi nhà máy thứ ba. Chúng ta nên xem xét điều này bởi vì đây là công nghệ hạt nhân và có khả năng là trong một thời điểm tranh chấp, Trung Quốc có thể đóng cửa các nhà máy này và chúng ta không thể khởi động nó”, ông Smith nói.

Ông cũng tỏ ra lo ngại về các lĩnh vực tăng trưởng mới như ô tô điện, ngành mà “thế giới tự do” phụ thuộc Trung Quốc do nguồn cung giới hạn khiến các nước ít có sự lựa chọn.

“Giả dụ bạn hoạt động trong một lĩnh vực nhiều tiềm năng như xe điện, đây là loại phương tiện chạy bằng pin. Nhưng ai là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, đó là Trung Quốc”.

“Ngành còn lại là nguyên liệu đất hiếm khai thác từ mỏ. Trung Quốc kiểm soát 95% các mỏ khai thác này, nhiều mỏ ở Congo và một vài trong số đó sử dụng lao động trẻ em, điều thật đáng hổ thẹn. Tuy nhiên, họ đã sở hữu nó. Vì vậy nếu bạn nhìn nhận về mặt chiến lược, chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát tất cả các lĩnh vực then chốt mà thế giới tự do cần đến”.

Trong một bài báo gần đây viết cho tờ Telegraph, ông Smith giải thích rằng đất hiếm rất quan trọng đối với một loạt thiết bị bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, đèn LED, bộ chuyển đổi xúc tác, máy phát và lưu trữ điện, và các loại pin cần thiết cho xe điện. Nguyên liệu này cũng rất quan trọng trong một số ứng dụng quốc phòng, bao gồm radar, hệ thống dẫn đường của tên lửa và máy đo tầm xa laser. Ngoài việc kiểm soát nguồn cung kim loại đất hiếm trên thế giới, Trung Quốc còn kiểm soát phần lớn công suất chế biến toàn cầu.

Để hóa giải sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nghị sĩ Smith chỉ ra rằng Ấn Độ có thể là quốc gia giúp thế giới tìm được lời giải cho vấn đề này. Ông cho rằng, về vấn đề địa chính trị, Ấn Độ đóng vài trò là một “đối trọng tuyệt vời” với Trung Quốc trong khu vực.

Ấn Độ có thể giúp tạo ra một đòn chí mạng để loại bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc, ông Smith quả quyết. Ví dụ, New Delhi có thể tham gia Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) mà ông là một trong những người sáng lập, liên minh này có sự tham gia của các nghị sĩ của các cường quốc như Mỹ, Nhật, Úc và Canada.

“Hiện chúng tôi có 17 quốc gia trong liên minh. Chúng tôi hy vọng sắp tới Ấn Độ sẽ tham gia cùng chúng tôi, điều này rất quan trọng. IPAC bao gồm cả những người cánh tả và cánh hữu. Tất cả họ đều là nghị sĩ như tôi. Và chúng tôi nhất trí rằng chúng tôi cần có một chiến lược đối với Trung Quốc. Vì vậy, với tư cách là một liên minh đồng thuận, chúng tôi kêu gọi các chính phủ có một đánh giá chiến lược về vấn đề lệ thuộc Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, IPAC đã đang biên soạn các tài liệu “chứng minh rằng các quan chức Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và tống giam toàn bộ những người này, theo nghĩa đen là để xóa bỏ khái niệm về người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc”.

Ông Smith cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc dưới thời ông Tập đã “đối xử tồi tệ với những người theo đạo Thiên Chúa, các học viên Pháp Luân Công hay có hành vi càn quấy trên Biển Đông, tham gia vào các vấn đề tranh chấp biên giới với Ấn Độ, đe dọa Đài Loan, và sau đó thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đưa phần lớn thế giới đang phát triển vào quỹ đạo của ông ta, dưới sự kiểm soát của ông ta”.

Ông Smith đề nghị rằng thay vì các trường đại học Anh chào mời sinh viên Trung Quốc tới học thì hãy chào đón sinh viên Ấn Độ. “Chúng ta hãy mở cửa [đối với sinh viên Ấn Độ], và bạn sẽ thấy chúng ta không cần loại tiền đến từ Trung Quốc”.

Cuối cùng, nhà lập pháp Anh nhấn mạnh rằng, Ấn Độ là một phần giải pháp để chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc cũng như sự lệ thuộc vào nước này.

“Ấn Độ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực, và ở Biển Đông cũng như tham gia vào giải quyết các vấn đề phát sinh ở vùng biển đó. Ấn Độ có một mối quan hệ tốt với các nền dân chủ như Úc, Mỹ và Anh. Tất cả những điều này có thể hình thành một cách có khả năng chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc. Chúng ta cần khẩn trương thiết lập kênh đối thoại chiến lược toàn diện với Ấn Độ để bàn thảo thấu đáo về điều này”.

Related posts