Cả tuần nay Melbourne bị lockdown, nhà hàng ven biển của anh cũng bớt việc, chỉ nhận đặt order take way mà thôi, nên coi như anh được thảnh thơi sau mấy chục năm bận rộn không ngơi tay. Hôm nay anh không phải làm gì, chỉ cùng chị đi chợ, phụ chị đem những thứ mua được ra xe. Hình như từ ngày qua Úc tới giờ, nói không phải, chứ “nhờ” đại dịch mà anh mới có chút thì giờ cho riêng mình. Từ lúc phụ chị may vá trong lúc ổn định cuộc sống trên xứ người, đến lúc mở nhà hàng, anh chị càng lúc càng bận. Chị khéo léo, giỏi giang, nấu ăn lại rất ngon, nên nhà hàng dù không lớn, nhưng luôn luôn có khách.
Xong việc, anh ra khoảng sân phía trước ngồi nghỉ, mắt nhìn mông lung những tia nắng lung linh qua khóm lá. Dù là mùa đông, nhưng nhờ hôm nay nắng đẹp, khoảnh sân như ấm áp hẳn lên.
Cái cảm giác quen quen khi nhìn qua đám lá của nửa thế kỷ trước bỗng chốc lại hiện về trong anh.
Cũng một ngày đầy nắng như thế này, có đôi mắt to đen nhánh lâp ló sau khóm lá so đũa mé rào ngoài sân. Nhìn kỹ, anh thấy một cô bé khoảng 15, 16 tuổi đang cắp rổ hái những nhành lá. Thật là ngạc nhiên! Bông so đũa hái để về ăn, chứ lá thì làm gì nhỉ?
Cô bé có cặp mắt to thật đẹp, với làn mi cong vút, nổi bật trên khuôn mặt thanh tú. Thì ra là cô bé ở cuối xóm.
Ở trong khu xóm quận tư Sài Gòn này, nhà đầu xóm và cuối xóm ít gặp nhau. Anh biết gia đình và những đứa em của cô, nhưng lần đầu tiên anh mới có cơ hội nhìn kỹ gương mặt ấy. Hình như có cảm giác ai đang nhìn mình, cô ngẩng đầu nhìn vào, thấy anh, cô thoáng bối rối, rồi nhanh miệng : “Anh ơi, cho em xin vài lá so đũa”. Giọng cô nhẹ nhàng và êm ái làm sao !
“Em hái đi ! Mà em hái lá so đũa làm gì vậy?
“Dạ, đứa em bị ngứa, dùng lá so đũa này nấu nước tắm cho nó đó anh.”
À, thì ra là vậy.
Hái xong mớ lá, cô cảm ơn và đi về. Nhìn theo cô, lòng anh cũng vui như tia nắng lung linh trên lá.
Hôm sau cô lại đến với cái rổ trên tay để xin thêm. Anh bắt chuyện với cô như đã quen biết tự bao giờ. Cô là chị hai với thêm bốn đứa em còn nhỏ, cha mẹ bận đi làm, nên cô cai quản hết việc nhà và lũ em. Mấy bữa nay không biết lý do gì, đứa em trai của cô nổi ngứa. Nghe nói lá so đũa trị ngứa rất tốt nên ngày nào cô cũng đi hái lá nấu nước tắm cho em. Qua cách nói của cô, anh biết là cô thương các em lắm. Ngày nào cô cũng kể chuyện những đứa em của mình. Tình càm quý mến dành cho cô ngày càng lớn dần trong anh.
Ngày nào anh cũng thấp thỏm chờ cô. Khi cô đến, anh hăng hái giúp cô hái những cành ở trên cao. Anh thích nhìn đôi tay thoăn thoắt ngắt những nhánh lá, biết nên hái chỗ nào đề cây còn ra nhánh mới, rồi cô xếp gọn gàng trên rỗ. Anh như nhìn được ở nơi cô lòng yêu thương không những với em út, mà còn cho cây cỏ, sự ngăn nắp và kế hoạch cho công việc, sự khéo léo trên đôi bàn tay gầy guộc, nhất là sự dịu dàng của người phụ nữ dù cô chỉ đang còn là cô bé tuổi trăng tròn.
Rồi cô không đến nữa. Anh đoán là đứa em của cô đã lành. Không thấy cô, anh cứ đi ra đi vào, cứ mong muốn được thấy nụ cười hiền lành và giọng nói nhẹ nhàng của cô. Anh nhấm nhỏm, anh bồn chồn, anh trông ngóng. Được ba ngày, anh tìm cớ để đến nhà cô, hỏi xem đứa em đã lành chưa. Và từ đó, anh bắt đầu ghé hoặc tìm cách đi qua nhà cô, hầu như mỗi ngày.
Người ta nói ” Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân “
Anh chẳng cần ra chợ, cô cũng chẳng phải đi ra chốn ba quân làm gì. Anh và cô chỉ nhờ đám lá so đũa mà nên vợ nên chồng, vẫn cùng nhau vượt qua bao thăng trầm của cuộc đời để bên nhau đến bây giờ.