- Shi Jiangtao
Tháng 6, những căng thẳng tại biên giới Himalaya đã bùng nổ thành một cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong vòng 50 năm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vụ đụng độ xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ. Cuộc giao tranh chí mạng đã xát muối vào vết thương cũ chưa lành của cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 và làm dấy lên câu hỏi về tính toán chiến lược của Trung Quốc đối với sự trỗi dậy của Ấn Độ.
Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy những căng thẳng giữa hai bên sẽ sớm được giải quyết ổn thoả.
Thay vào đó, cả hai bên đã điều động lượng lớn binh lính và vũ khí dọc biên giới. Trong tuần này, các máy bay chiến đấu tân tiến nhất của cả hai đã được điều đến các căn cứ không quân gần khu vực xảy ra xung đột.
Các nhà quan sát cho hay sẽ là một cơn ác mộng đối với Bắc Kinh khi mối quan hệ với New Delhi ngày càng xấu hơn trong khi đang phải đối mặt với sự thù địch từ Mỹ cũng như hàng loạt phản ứng quốc tế dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ về các mưu mô ngoại giao của Trung Quốc và khả năng phạm tội của họ trong đại dịch virus corona.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những nhà ngoại giao hàng đầu ở Bắc Kinh đã tìm cách để tăng cường các mối quan hệ song phương trong hai năm qua, nhưng sự cả gan của Bắc Kinh trong việc tăng cường quân đội tại biên giới Ấn Độ đã khiến tình trạng tiến thoái lưỡng nan trở nên ngày càng lớn trong mối quan hệ với quốc gia láng giềng.
Trong khi Ấn Độ đang trỗi dậy như một cường quốc trong khu vực, cán cân quyền lực đang chuyển đổi giữa Ấn Độ và Pakistan cùng sự xuất hiện của liên minh Ấn Độ – Mỹ, khiến Ấn Độ đã chiếm vị trí cao hơn trong chương trình nghị sự của Trung Quốc.
Pang Zhongying, một nhà phân tích quốc tế tại Đại học Ocean của Trung Quốc, cho biết trong hai thập kỷ qua Ấn Độ đã tự chuyển đổi từ một gã khổng lồ Nam Á thành một cường quốc ở châu Á. Ông cho rằng điều thực sự không may là Bắc Kinh đang bị phân tâm vào vấn đề biên giới với Ấn Độ trong khi cần tập trung vào mối quan hệ Trung – Mỹ đang rơi tự do.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã trải qua nhiều thăng trầm với tình anh em nồng thắm trong giai đoạn ngắn ngủi những năm 1950 và đóng băng sau 1962. Từ những năm 1980, mối quan hệ chính trị dần dần tan băng và các quan hệ thương mại và kinh tế bắt đầu khởi sắc sau khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ vào năm 2008.
Cả hai nước đều đầu tư rất nhiều vào việc giải quyết mâu thuẫn biên giới qua các cuộc đàm phán về quân sự và ngoại giao. Kể từ năm 1981, các cuộc đàm phán về biên giới đã đưa ra ít nhất 5 thoả thuận về xử lý căng thẳng và xây dựng lại lòng tin tại khu vực biên giới, nhưng hai bên vẫn chưa đưa ra được một lộ trình khả thi để giải quyết vĩnh viễn hoặc ngăn chặn những cuộc giao tranh biên giới thường xuyên.
Một bước ngoặt tệ hại đã xảy ra vào năm 2017 khi một số lớn binh sĩ bị giam hãm 73 ngày ở Doklam – hay Donglang trong tiếng Trung – một khu vực xa xôi hẻo lánh của dãy Himalaya, nơi ba nước Sikkim, Tibet và Butan giao nhau.
“Đối với Trung Quốc, cuộc giao tranh Doklam đã làm dấy lên những câu hỏi nền tảng liên quan đến bản chất của mối đe dọa Ấn Độ,” bà Yun Sun, một nhà nghiên cứu cao cấp tại trung tâm Stimson ở Washington nói.
Trong khi Ấn Độ xem Trung Quốc như mối đe dọa chính, thì Trung Quốc chỉ coi Ấn Độ là thách thức thứ yếu vì Bắc Kinh phải tập trung vào đối phó với Mỹ ở vùng tây Thái Bình Dương.
Từ quan điểm của Trung Quốc, dù tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Trung Quốc ngày càng tăng, “quan điểm của Trung Quốc ở khu vực châu Á vẫn dựa trên sự phân cấp chặt chẽ: Trung Quốc phải là người đứng đầu, và Ấn Độ không được coi là đối thủ ngang hàng,” bà Sun nói.
Nhưng khi chính sách đối ngoại theo đuổi chủ nghĩa dân tộc phiêu lưu của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi ngày càng gia cường, và vấn đề quan trọng hơn – Washington đã thay đổi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương chỉ ba tháng sau vụ Doklam để nhắm vào Bắc Kinh, đã “đẩy Trung Quốc vào tình trạng điên cuồng nhằm giảm thiểu thiệt hại.”
“Kể từ đó, Mỹ đã trở thành nhân tố cần phải cân nhắc nhất trong chính sách của Trung Quốc hướng tới Ấn Độ. Đối với Trung Quốc, viễn cảnh phải đối mặt với quân đội Mỹ trên biển và quân đội Ấn Độ dọc theo biên giới miền nam của họ và tại biển Ấn Độ Dương trở nên thực tế và nguy hiểm hơn nhiều sự hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ,” bà Sun nói.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Ấn Độ bằng cách làm chỗ dựa cho Pakistan và các quốc gia Nam Á khác và cản trở những nỗ lực của Washington lôi kéo Ấn Độ vào một liên minh chống Trung Quốc.
Trung Quốc không vội vã giải quyết tranh chấp biên giới vì có thể sử dụng nó như một “đòn bẩy khiến Ấn Độ sa lầy trong khu vực và phá hoại ảnh hưởng trên thế giới của họ,” bà nói.
Các chuyên gia khác, đặc biệt là những người ở Ấn Độ, cũng nói Trung Quốc thường thi hành chiến thuật trì hoãn trong vấn đề biên giới, mặc cho thái độ nôn nóng giải quyết xung đột của Ấn Độ.
Cũng có những ý kiến cho rằng một Trung Quốc ngày càng bị cô lập cũng cần Ấn Độ để chống đỡ lại cuộc công kích của Mỹ trên bình diện toàn cầu thông qua các tổ chức đa phương.
Bắc Kinh cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ của New Delhi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án chính sách đối ngoại và đầu tư nước ngoài hàng đầu của ông Tập.
Trong khi Bắc Kinh hy vọng ngăn chặn nỗ lực của New Delhi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, phần thách thức nhất đối với Bắc Kinh là duy trì áp lực mà không làm nổ ra xung đột vũ trang, điều có thể dẫn đến cơn ác mộng chiến tranh biên giới với cả Mỹ và Ấn Độ.
Shi Jiangtao
Gia Huy dịch và biên tập