Mỹ tăng tốc bán vũ khí cho các quốc gia ở Ấn Độ – Thái Bình Dương

  • Lê Vy

Hôm 20/8, chính quyền TT Trump cho biết sẵn sàng hỗ trợ hơn nữa các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tăng cường khả năng quốc phòng, theo tờ Nikkei. Động thái này diễn ra sau các hợp đồng bán hàng quốc phòng trị giá 32 tỷ USD đã được phê duyệt cho các đồng minh và đối tác trong tháng 7.

Máy bay F-35A Lightning II (Ảnh: Không quân Hoa Kỳ)

Ông Clarke Cooper, trợ lý thư ký về các vấn đề chính trị – quân sự của Bộ Ngoại giao cho biết tháng Bảy là tháng ký kết được các hợp đồng thương mại quốc phòng cao thứ hai trong lịch sử.

Ông cho biết phần lớn giá trị hợp đồng nêu trên đến từ việc Nhật Bản mua 105 chiếc máy bay tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter trị giá 23,1 tỷ USD.

Danh sách bán vũ khí của Mỹ cho các đối tác vào năm 2020 cho thấy các mặt hàng và dịch vụ liên quan đến không quân và hải quân được chú ý nhất đối với các khách hàng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

Các hợp đồng này bao gồm 8 máy bay Osprey và các thiết bị liên quan cho Indonesia với giá 2 tỷ USD; gói nâng cấp 620 triệu USD cho tên lửa Patriot Advanced Capability-3, hay PAC-3, cho Đài Loan; 250 triệu USD hỗ trợ và nâng cấp máy bay trinh sát Peace Krypton cho Hàn Quốc; và trực thăng tấn công AH-64E Apache và AH1-Z Viper cũng như các tàu trinh sát, tấn công và hỗ trợ hạng nhẹ cho Philippines với trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Ông Cooper cho biết Mỹ cam kết “cùng tiến” với các đối tác và tiếp tục đảm bảo rằng các quốc gia này và Mỹ “có thể tương tác với nhau.

Động thái này diễn ra vào thời điểm Washington bác bỏ các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông; tăng cường quan hệ đối tác ngoại giao với các nước trong khu vực; và tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Ấn Độ – Thái Bình Dương với các đối tác với các kịch bản khác nhau dành cho Trung Quốc.

“Hợp tác an ninh sâu rộng hơn với ‘các đối tác cùng chí hướng” là điều tối quan trọng, và việc bán vũ khí với tính chất này sẽ hỗ trợ các nước cư trú trong ‘Chuỗi đảo thứ nhất’ cải thiện khả năng chống tiếp cận và từ chối khu vực (A2 / AD) để chống lại quân đội Trung Quốc,” ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corp có trụ sở tại California nói, đề cập đến một nhóm đảo – bao gồm các đảo chính của Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan, phía bắc Philippines và bán đảo Mã Lai – mà Trung Quốc coi là một tuyến quốc phòng chiến lược.

“Bằng cách cải thiện năng lực A2 / AD của các quốc gia trong Chuỗi đảo thứ nhất, hy vọng Bắc Kinh sẽ suy nghĩ kỹ về việc điều chỉnh lực lượng hải quân, tuần duyên và lực lượng dân quân hàng hải, nếu không bất kỳ một tính toán sai lầm nào có thể leo thang thành cuộc chiến vũ trang có sự tham gia của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp các đồng minh hiệp ước của Mỹ như Philippines có liên quan,” ông nói.

Ông Cooper cho biết mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Washington với Ấn Độ đang “mở rộng.” Ấn Độ là nước láng giềng và cũng là một đối thủ của Trung Quốc. Nước này được xếp là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới trong 5 năm qua, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Tuy vậy, Moscow vẫn là bên cung cấp lớn nhất của New Delhi.

Ông Cooper hy vọng sẽ thay đổi điều này. Ấn Độ gần đây đã có cuộc đụng độ dữ dội với Trung Quốc trên dãy Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Nước này cũng tham gia vào một cuộc không chiến hiếm hoi với đối thủ Pakistan vào năm 2019, dẫn đến việc một trong những chiếc MiG-21 thời Liên Xô bị bắn hạ bởi một chiếc F-16 của Pakistan do Mỹ cung cấp.

Sự việc đã để lộ những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ấn Độ và cũng khiến các quan chức nước này bắt đầu suy nghĩ lại về việc tái tổ chức lại phòng thủ, bao gồm cả việc mua thêm vũ khí từ Mỹ.

Sameer Lalwani, một thành viên cấp cao và là giám đốc chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, nói rằng “chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia ở Ấn Độ – Thái Bình Dương đang mua nhiều vũ khí cao cấp hơn từ Mỹ.”

Nhiều trong số các quốc gia này đã nhận thức về mối đe dọa đang tăng lên khi Trung Quốc thể hiện cách tiếp cận quyết đoán và hung hăng hơn trong khu vực, ông Lalwani nói, dẫn ví dụ về Indonesia và Philippines gần đây đã đối đầu với các tàu cá Trung Quốc được hỗ trợ bởi các tàu hộ tống có vũ trang.

Việc nâng cấp vũ khí hiện đại chắc chắn sẽ nâng cao khả năng của các quốc gia trong việc bảo vệ lãnh thổ trước các nguy cơ từ Trung Quốc, ông Lalwani nói, đề cập đến việc Bắc Kinh hay có các hành vi xâm phạm trong các vùng đặc quyền kinh tế. Ông cũng nhận định các quốc gia này đang tham gia một cách gián tiếp vào tầm nhìn của Mỹ về “’tự do hàng hải và thương mại.”

Về việc bán vũ khí cho Đài Loan, ông Cooper khẳng Mỹ vẫn cam kết cung cấp cho Đài Loan khả năng tự vệ như được quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.

Lê Vy (theo Nikkei)

Related posts