Ngô Nhân Dụng
Alexander Lukashenko, tổng thống xứ Belarus đang bị dân nổi lên phản kháng vì gian lận bầu cử trắng trợn. Ông ta cầu cứu Tổng thống Nga Vadimir Putin. Putin hứa can thiệp nếu Belarus bị nước khác tấn công, nhưng cho tới nay các nước Âu châu và Mỹ phản ứng rất dè dặt. Sốphận 10 triệu dân Belarus sẽ do họ quyết định trong những ngày tháng tới.
Trước ngày bỏ phiếu, 9 tháng Tám, Lukashenko, 65 tuổi, đã bỏ tù tất cả các ứng cử viên đối lập, trong đó có ông Tikhanovsky, một blogger nổi tiếng. Vợ của ông, bà Svetlana Tikhanovskaya, 37 tuổi, đã ghi danh ứng cử thay cho chồng. Bà Tikhanovskaya vốn là một giáo sư, xưa nay chỉ lo nuôi hai đứa con, không bao giờ tham gia chính trị. Lukashenko coi thường bà cho nên đã chấp nhận cho Tikhanovsky tranh cử. Bà chỉ nêu một lời hứa hẹn, là nếu đắc cử thì, trong vòng sáu tháng, sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống khác, trong sạch, công bằng.
Trong ngày bỏ phiếu, dân đã xếp hàng chờ dài nhiều cây số để mong dùng lá phiếu lật đổ chế độ Lukashenko. Ở những thùng phiếu có quan sát viên theo dõi và kiểm soát, không thể gian lận, thì bà Tikhanovskaya chiếm 70 phần trăm số phiếu. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử, một người do Lukashenko bổ nhiệm từ năm 1996, cho kéo dài thời gian bỏ phiếu, để tay chân nhét thêm phiếu vào các thùng phiếu nơi không người kiểm soát. Khi kết quả được công bố, ông Lukashenko chiếm 80% số phiếu, còn bà Tikhanovskaya chỉ được 9.9%!
Dân chúng lập tức xuống đường. Sáng ngày hôm sau, bà Tikhanovskaya đã tới trụ sở Ủy ban Bầu cử để nộp đơn khiếu nại bầu cử gian lận. Bà bị giữ trong đó ba, bốn tiếng đồng hồ. Rồi được công an áp tải đưa sang nước láng giềng Lithuania. Hai con bà cũng đã được đưa qua từtrước. Trong khi đó, đài truyền hình của chế độ đưa lên hình ảnh bà Tikhanovskaya lúc còn ởtrong văn phòng bà chủ tịch Ủy ban Bầu cử. Tikhanovskaya ngồi trên ghế bành, được một bàn tay đưa cho một bản tuyên bố, bà cúi đầu đọc với giọng ngập ngừng, yêu cầu dân Belarus hãy ngưng biểu tình, không chống lại cảnh sát, và chấp nhận ông Alexander Lukashenko tiếp tục làm tổng thống.
Alexander Lukashenko đã coi thường dân chúng hết sức; cho nên mới dàn dựng nên một màn kịch không ai có thể tin được. Ngày hôm sau, ở Lithuania, bà Tikhanovskaya đã lên tiếng phủnhận những lời lẽ bà bị ép buộc phải đọc, bà kêu gọi dân Belarus tiếp tục biểu tình. Không những người dân phản kháng, công nhân tại nhiều xí nghiệp cũng bắt đầu đình công bác bỏcuộc bàu cử gian trá.
Công nhân các nhà máy chế phân bón, nhà máy dệt và may quần áo đã đình công, sau khi bà Svetlana Tikhanovskaya kêu gọi. Ngày Thứ Hai, 5,000 công nhân một nhà máy sản xuất xe kéo máy (cầy, bừa) đã đình công và kéo nhau ra đường biểu tình, giữa thủ đô Minsk; mặc dù Lukashenko ra lệnh cấm đình công.
Công nhân là một “rường cột” của chế độ, vì hai bên cần lẫn nhau. Lukashenko vẫn bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước còn lại từ thời chế độ cộng sản, mặc dù thua lỗ liên miên. Hệ thống kinh tế quốc doanh là nơi Lukashenko phân phát quyền lợi, bảo vệ lòng trung thành của đám tay chân. Các công nhân làm trong đó cũng biết rằng họ sống nhờ chế độ, vì nếu tư doanh được tự do thì họ không thể cạnh tranh, sẽ thất nghiệp!
Lukashenko tin rằng các công nhân phải gắn bó với ông ta, theo lối “còn Đảng còn mình!” Cho nên ông ta đã tới thăm một nhà máy của công ty quốc doanh MZKT, sản xuất xe hơi, chủ yếu để bán xe cho quân đội. Khi ông ta lên diễn đàn đả kích những người dân biểu tình, ông mởmiệng nói, “Họ đang nói rằng có gian lận bầu cử …” thì các công nhân đang đứng nghe bỗng đồng thanh nói: “Đúng!” Nhiều công nhân đã hô lớn: “Ukhodi!” nghĩa là “Cút đi!”
Lukashenko là một “sản phẩm tàn dư” của chế độ cộng sản, sau khi Belarus tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập. Vốn đứng đầu một nông trường tập thể, ông ta biết lợi dụng các cuộc tranh cử, dùng các khẩu hiệu “chống tham nhũng” hấp dẫn nên đắc cử tổng thống năm 1994. Nhưng ông củng cố địa vị độc tài bằng các công cụ của chế độ cũ: Guống máy công an mật vụ (vẫn còn mang tên KGB như cũ); hệ thống báo, đài do nhà nước kiểm soát; đàn áp đối lập, bầu cử gian lận; rồi thay đổi hiến pháp để có thể cai trị suốt đời.
Trên mặt ngoại giao, Lukashenko lại biết và đu dây giữa Nga và các nước Âu, Mỹ. Putin vốn là một “đồng chí” thân thiết. Khi kinh tế Nga xuống dốc, phải giảm bớt viện trợ, Lukashenko đã nhiều lần chống Putin, để lấy lòng các nước Tây phương. Nhưng khi dân chúng biểu tình và đình công, bãi thị, cảm thấy địa vị nguy khốn, Lukashenko đã kêu gọi Putin giúp đỡ.
Nhưng tại sao giới công nhân các doanh nghiệp nhà nước đã quay đầu chống Lukashenko? Cũng chỉ vì con vi khuẩn coronavirus!
Ngay từ khi bệnh dịch Covid 19 dang lan truyền khắp thế giới, Lukashenko đã nhắm mắt không chịu nhìn thấy mối nguy hiểm. Khi nước Belarus đã có 70 ngàn người mắc bệnh, thì ông ta vẫn không đóng cửa biên giới, không cấm cung những người mắc bệnh, không bảo dân chúng phải cách ly xa nhau, không dùng mạng che mặt.
Các trận đá banh vẫn được tổ chức, Lukashenko ra lệnh các trường học mở cửa. Không những thế, ông ta chỉ trích những người để cho mình nhiễm bệnh, còn không che dấu ý nghĩ rằng khi nhiều người già, yếu chết đi thì ngân sách bớt thâm thủng! Dân Belarus kinh ngạc và phẫn nộ!
Giới công nhân là những người dễ bị lây nhiễm Covid 19 nhất, vì họ phải tiếp tục làm việc trong điều kiện không thay đổi chút nào, cho nên dễ bị lây nhiễm. Bản “hợp đồng ngầm” giữa giới lao động quốc doanh và Lukashenko đã bị xé bỏ: Chế độ độc tài không bảo vệ được người dân, nhất là các công nhân!
Lukashenko đã quay sang kêu gọi Putin bảo vệ mình, khiến giới công nhân càng phẫn nộ. Vì nước Nga đối với dân Belarus cũng không khác gì nước Tàu đối với dân Việt Nam. Trong mấy năm qua, Lukashenko đã đưa ra chương trình giải tư một số doanh nghiệp nhà nước, một số sẽbán cho các công ty Nga.
Năm 1989, lãnh tụ cộng sản Rumani, Nicolae Ceausescu, và bà vợ Elena, đã bị dân chúng biểu tình lật đổ, rồi hành quyết. Nhưng lúc đó cộng sản Nga còn đang lo chính số phận của họ cho nên không thể cứu. Năm nay tình hình khác hẳn. Putin đủ sức can thiệp và đang cần một hành động ngoại giao mạnh để cho dân Nga quên cảnh kinh tế suy sụp và nỗi bất mãn vì chế độ độc tài.
Dân chúng Belarus còn lo một đòn cuối cùng mà ông Putin có thể tung ra, là chiếm đóng Belarus, như ông ta đã làm ở Crimea năm 2014, để bảo vệ chế độ Lukashenko! Nga và Belarus có một bản hiệp ước cho phép quân Nga tiến vào bảo vệ chế độ nếu Belarus bị quân nước ngoài xâm lăng. Ông Lukashenko đang hô hoán rằng quân đội khối NATO đang chuẩn bị tiến đánh, mặc dù khối này cải chính!
Không thể đoán trước số phận dân Belarus sẽ ra sao. Họ có thể kéo dài các cuộc đình công, biểu tình đến bao giờ? Nếu quân đội Belarus đứng lên ủng hộ người dân thì liệu ông Putin có để yên hay không? Ông Lukashenko đã tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý, có thể thay đổi hiến pháp, để chia sẻ bớt quyền hành, nhưng con đường hòa giải đó có thể thành hình hay không?
Cuối cùng, chính người dân Belarus sẽ phải quyết định số phận của họ. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện họ có đủ khôn ngoan và bền chí để thoát khỏi một chế độ độc tài mà chủ nghĩa Marx Lenin còn để lại!