- Thanh Thuỷ
Trong khi việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 đang đạt được nhiều bước tiến trên toàn cầu, với việc nhiều quốc gia bước vào Giai đoạn 3 thử nghiệm trên diện rộng, thậm chí Nga còn tuyên bố đã sản xuất thành công, thì vẫn có nhiều người bày tỏ sự nghi ngại với tốc độ sản xuất “quá nhanh.” Nhiều người cho biết họ sẽ chờ đợi nghe ngóng thêm tình hình, có người còn tuyên bố rằng sẽ không tiêm vắc-xin.
Tờ SCMP dẫn ví dụ về trường hợp cô Julia Wei ở Thượng Hải, người luôn theo dõi chặt chẽ thông tin mới nhất về phát triển vắc-xin COVID-19. Là một người thường xuyên đi công tác, cô tin rằng một loại vắc-xin hữu hiệu sẽ là chìa khoá để xã hội và nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
Mặc dù hiện tại việc phát triển vắc-xin đã có những bước tiến nhất định, với 4/7 loại vắc-xin ở Trung Quốc đang được thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả trên phạm vi rộng trước khi được đăng ký chính thức, cô Wei cho biết cô và con gái 6 tuổi của mình sẽ không tự nguyện tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
“Tôi đọc rằng quá trình phát triển vắc-xin thông thường phải mất hàng năm trời, nhưng với COVID-19 thì chỉ có vài tháng. Điều này là quá nhanh, tôi không muốn làm chuột bạch,” cô Wei nói. “Tôi sẽ đợi tới khi hoàn toàn chắc rằng chúng an toàn và hiệu quả.”
Cô Wei không phản đối vắc-xin. Con gái cô được tiêm chủng theo chương trình vắc-xin miễn phí của chính phủ cũng như tiêm thêm một số loại khác mà cô tin là cần thiết.
Nhưng những lo ngại như của cô Wei đang phủ bóng đen lên việc tiêm phòng và khả năng mở cửa xã hội trở lại hoặc cho phép cộng đồng đạt tới trạng thái “miễn dịch bầy đàn” – khái niệm cho rằng nếu đủ người trong một quần thể miễn nhiễm với căn bệnh thì nó không thể lây truyền.
Sự lưỡng lự cũng xảy ra tại nhiều nước khác. Trong một khảo sát của viện Gallup công bố tháng này, trên 35% người Mỹ bày tỏ sự do dự trong việc tiêm vắc-xin, thậm chí ngay cả khi vắc-xin COVID-19 được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp nhận và được cung cấp miễn phí.
Một khảo sát tương tự của Viện Reid ở Canada cho thấy khoảng 32% người được khảo sát lưỡng lự và sẽ chờ xem xét tình hình trước khi tiêm, trong khi 14% khác nói họ sẽ không tiêm vắc-xin COVID-19.
Thậm chí trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng chống vắc-xin trên toàn cầu, tức sự do dự hoặc từ chối dùng vắc-xin. WHO đã dẫn ví dụ về các ca bệnh đậu mùa tăng vọt tại nhiều nước dù trước đây đã xoá sổ căn bệnh này, mặc dầu cho rằng không phải tất cả các ca này là do tình trạng chống vắc-xin.
“Mọi người đang lo ngại vì họ nghe được rằng quá trình sản xuất vắc-xin bị đẩy quá nhanh… ám chỉ điều gì đó không tự nhiên,” bà Margaret Hamburg – nguyên uỷ viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, nói trong một hội thảo trực tuyến với Đại học Bắc Kinh ba tuần trước.
“Chúng tôi cũng nói về rủi ro sản xuất, nhưng đó gần như chỉ là rủi ro liên quan đến tài chính vì các chính phủ và công ty thực sự đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc tạo ra vắc-xin với số lượng lớn, vì thế họ cần nhanh chóng triển khai khi những vắc xin đó được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả. Nhưng khi người dân nghe thấy vắc-xin sản xuất có rủi ro, họ thêm phần lo ngại,” bà nói.
Các chuyên gia vắc-xin nói họ hiểu vì sao một số người do dự, nhưng trấn an rằng mọi người không nên lo lắng về tiến độ phát triển.
Ông Wilbur Chen, giáo sư y khoa tại trường Y đại học Maryland, cho biết không có đường tắt trong tiến trình chấp thuận và cấp phép cho vắc-xin vì hướng dẫn của FDA về vắc-xin COVID-19 rất rõ ràng và toàn diện.
“Mọi người không nên lo lắng quá về tính an toàn hay hiệu quả của vắc-xin COVID-19 vì chúng được cấp phép trên cơ sở những nghiên cứu được thực hiện đầy đủ và tuân thủ các hướng dẫn của FDA,” ông Chen nói.
Stephen Evans, giáo sư về dược lý học tại trường Y về vệ sinh và các bệnh nhiệt đới ở London, nói có thể hiểu được điều người dân lưỡng lự nhưng ông tin rằng các cơ quan quản lý ở Anh hay Liên minh châu Âu sẽ không chấp thuận một loại vắc-xin không đưa ra được bằng chứng hiệu quả một cách thuyết phục, rằng nó thực sự ngăn chặn sự lây nhiễm của COVID-19 thay vì chỉ kích hoạt một phản ứng miễn dịch.
Ngoài việc không tin vào chính phủ, các thể chế và những khía cạnh trong tiêm chủng, nhiều người cũng cho rằng việc tiêm vắc-xin tương tự như tiêm cúm mùa, và cho rằng có thể không cần tiêm.
Nhưng theo các chuyên gia, việc tiêm vắc-xin là quan trọng không chỉ để tự bảo vệ mình mà còn cho cộng đồng. Khi một tỷ lệ nhất định dân số miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm, thường là qua tiêm chủng, nó tạo ra một lá chắn để ngay cả khi một số người bị nhiễm bệnh, tác nhân gây bệnh không thể lan rộng trong cộng đồng, đạt tới miễn dịch cộng đồng và bảo vệ những người chưa tiêm chủng hoặc những người có hệ thống miễn dịch kém.
Ông Chen cho rằng đối với các nước đã kiểm soát được COVID-19, tiêm vắc-xin vẫn có tác dụng, bởi việc kiểm soát đạt được là nhờ các biện pháp ngắn hạn nhằm cắt đứt đường lây nhiễm như ở trong nhà, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và huỷ bỏ các cuộc tụ tập đông người. Tuy nhiên, các nước đó vẫn có thể có những đợt bùng phát mới trong tương lai. Do vậy, biện pháp dài hạn duy nhất cho phép đất nước có khả năng mở cửa trở lại an toàn là tiêm chủng các loại vắc-xin hiệu quả trên diện rộng.
Thanh Thuỷ (theo SCMP)