Đặc phái viên Mỹ cùng Tổng thống Đài Loan thăm đài tưởng niệm quân đội

  • Đức Thiện

Đặc phái viên Mỹ hôm Chủ Nhật (23/8) đã cùng Tổng thống Đài Loan tới viếng thăm đài tưởng niệm quân sự trên một hòn đảo gần Trung Quốc Đại lục. Đây là động thái mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Washington và Đài Bắc.

Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan, chức danh tương đương với Đại sứ, ông William Brent Christensen đã cùng Tổng thống Thái Anh Văn tham gia sự kiện thường niên tưởng niệm binh lính Đài Loan bị thiệt mạng khi Trung Quốc ném bom tấn công vào đảo Kinmen năm 1958. Bà Thái, ông Christensen cùng những người tham dự buổi lễ đã đeo khẩu trang để phòng ngừa virus corona. Sĩ quan quân đội thắp nhang lên các mộ liệt sĩ. Tất cả người tham dự dành một phút mặc niệm những chiến sĩ đã hy sinh từ hơn 6 thập kỷ trước.

William Brent Christensen đã cùng Tổng thống Thái Anh Văn tham gia sự kiện thường niên tưởng niệm binh lính Đài Loan bị thiệt mạng khi Trung Quốc ném bom tấn công vào đảo Kinmen năm 1958

Những binh lính được tưởng niệm này đã hy sinh sau khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành nã pháo tấn công vào Kinmen trong khoảng hơn một tháng từ ngày 23 tháng 8 năm 1958. Hòn đảo này nằm gần bờ biển Trung Quốc nhưng do Đài Loan kiểm soát. Sự kiện này được thế giới biết đến là Cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ hai hay còn gọi là Cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1958.

PLA ném bom vào Kinmen và dọc theo quần đảo Matsu do Đài Loan kiểm soát khoảng hơn một tháng từ ngày 23/8, bao gồm cả tấn công hải quân và không quân, nhằm tìm cách ép Đài Loan phải quy phục Đại lục.

Vào thời điểm đó, Đài Loan đã chống chọi lại quân đội Trung Quốc nhờ vào sự hỗ trợ từ Mỹ. Washington khi đó đã gửi thiết bị quân sự, trong đó có các tên lửa chống hạm Sidewinder tối tân, giúp Đài Loan có công nghệ quân sự tiên tiến, theo Reuters.

Cuộc khủng hoảng này lâm vào bế tắc và diễn ra âm ỉ kéo dài, chỉ kết thúc hoàn toàn khi Washington và Bắc Kinh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, theo AP.

Reuters dẫn tuyên bố của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) cho biết ông Christensen cũng đã đặt vòng hoa tại tượng đài tôn vinh hai sĩ quan quân đội Mỹ đã hy sinh trong một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Kinmen năm 1954.

Những sự tưởng niệm như này gợi nhắc chúng ta rằng hợp tác an ninh Mỹ – Đài Loan dựa trên lịch sử lâu dài và tự hào, minh chứng cho khẩu hiệu ‘Những người bạn thật, Tiến bộ Thật’’’, tuyên bố của AIT nói.

Văn phòng tổng thống Đài Loan đã gửi lời cảm ơn ông Christensen vì đã tham gia ngày tưởng niệm mà họ coi là để nhắc nhở người dân Đài Loan về tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do và dân chủ.

Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ năm 1979, nhưng vẫn luôn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là đồng minh quan trọng nhất của quốc đảo dân chủ này.

Chính quyền Trump thời gian qua cũng đã gia tăng mối quan hệ với Đài Loan khi căng thẳng với Trung Quốc Đại lục ngày càng leo thang. Trong tháng này, Bộ trưởng Y tế và Dân sinh Mỹ Alex Azar đã trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất tới thăm Đài Loan trong hơn 40 năm qua.

Viện Mỹ tại Đài Loan chỉ là một tổ chức phi lợi nhuận, không phải là đại sứ quán chính thức, nhưng chịu sự quản lý điều hành của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Việc ông Christensen xuất hiện tại lễ tưởng niệm thường niên tại Kinmen hôm 23/8 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên một giám đốc AIT có mặt tại sự kiện này.

Ông Christensen trước đó đã từng tham gia cùng Tổng thống Thái Anh Văn ở nhiều sự kiện khác. Song buổi lễ hôm 23/8 là sự kiện đáng chú ý nhất. Một số kênh truyền hình Đài Loan đã tường thuật trực tiếp buổi lễ tưởng niệm này.

Cả bài Thái và ông Christensen đều không phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm nêu trên. Hai người cũng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo giới.

Trong khi đó, Chuẩn Tướng Liu Qiang-hua, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy Phòng vệ Kinmen nói với Reuters rằng việc ghi nhớ một sự kiện có tầm trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh của Đài Loan là điều quan trọng.

Tất nhiên chúng tôi hy vọng sẽ không có chiến tranh, nhưng sẽ là nguy hiểm nếu lãng quên chiến tranh. Đây là tinh thần mà chúng ta cần gìn giữ”, ông Liu Qiang-hua nói.

Phía Trung Quốc cho đến chiều ngày 23/8 vẫn chưa lên tiếng bình luận về việc đại diện Mỹ tham gia sự kiện tưởng niệm chiến tranh tại Đài Loan.

Đức Thiện

Related posts