Trung Quốc: ‘Vạch trần thân phận’ người lãng phí đồ ăn, ăn thừa có thể ảnh hưởng tới học bổng

Tâm Thanh

Nhà hàng ăn uống ngoài trời ở Quảng Tây, Trung Quốc (ảnh: Shutterstock).

Một loạt các biện pháp kỳ cục nhằm tránh lãng phí đồ ăn được triển khai. Người dân nói rằng các nạn đói ở Trung Quốc chưa bao giờ là do dân lãng phí đồ ăn, chính sách này nên dành cho quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Gần đây, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cấm lãng phí thực phẩm, chính quyền các cấp trên cả nước đã ngay lập tức hiện thực hóa lời ông. Hiệp hội ngành Ẩm thực Vũ Hán kêu gọi các cửa hàng có hệ thống gọi món mới mang tên “N-1”, tức là số món gọi ra phải ít hơn một món so với số người đi ăn. Phản ứng với hệ thống gọi món này, có người hỏi rằng, nếu số lượng người đi ăn là 1, vậy thì số món được gọi sẽ là 0? Soundofhope đưa tin.

Các địa phương triển khai theo cách kỳ lạ

Không chỉ vậy, Thượng Hải thậm chí còn đưa ra cơ chế tố cáo và khiếu nại, danh tính của người bị tố cáo có thể sẽ bị tiết lộ. Ngoài ra, căng tin của nhiều trường học cũng ra nhiều quy định vô lý khác nhau. Một trường học ở Hồ Nam đã trực tiếp đánh giá việc thức ăn thừa của học sinh có liên quan tới học bổng. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn “lãng phí đồ ăn” này khiến người dân phàn nàn. Họ đặt nghi vấn rằng, cơ quan chức năng đã quản lý không đúng đối tượng. Vì vốn dĩ nguy cơ khủng hoảng lương thực và các nạn đói trong lịch sử, chưa một lần nguyên nhân là do dân chúng lãng phí thức ăn mà tạo thành.

Ngày 16/8, Ủy ban Xây dựng Văn minh tinh thần Thượng Hải đã đưa ra thông báo, cần phải chấn chỉnh mạnh mẽ việc lãng phí thức ăn. Có nghĩa là, chính quyền cần tăng cường công khai cấm lãng phí đồ ăn, đồng thời thiết lập cơ chế tố cáo và khiếu nại: Tập trung tăng cường giám sát thức ăn thừa của các bữa tiệc chiêu đãi, đám cưới và đám tang. Đồng thời, thực hiện giám sát thông qua phương tiện truyền thông, đại biểu nhân dân, thành viên Hiệp thương Chính trị Nhân dân (CPPCC) và các lực lượng xã hội khác. Kịp thời khuyên can và ngăn chặn những hành vi phô trương, xa hoa, lãng phí, nếu người bị tố cáo vẫn kiên quyết không sửa đổi sẽ bị “phê bình và vạch trần thân phận”.

Secretchina dẫn thông tin từ đài nước ngoài, trích dẫn phân tích của học giả độc lập Ngô Tộ Lai: “Cơ chế tố cáo này thực sự giống như Đại nhảy vọt trong năm 1957 và 1958, phương thức của Cách mạng Văn hóa “vô tình” lại được đem ra sử dụng. Sự việc này lẽ ra có thể giải quyết một cách văn minh nhưng bây giờ nó lại được xử lý theo cách rất thấp, rất thô bạo và mang tính chính trị”.

Một trường nữa là tại trường cấp 2 ở Lỗi Dương, Hồ Nam, Trung Quốc cũng dựa trên những tính toán “tích cực” mà hành động. Theo đó, trường Chính Nguyên ở Lỗi Dương tiến hành cân đồ ăn thừa của học sinh sau mỗi bữa ăn. Nếu lượng thức ăn thừa trung bình của mỗi người trong lớp vượt quá 100 gr/ngày thì việc xét duyệt học bổng cho học sinh đã đủ điều kiện sẽ bị hủy bỏ. Đồng thời, các học sinh liên quan sẽ bị phạt 100 nhân dân tệ.

Ngoài hiện tượng trên, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay cảnh một chủ nhà hàng ở Ninh Hạ, Ngân Xuyên, Trung Quốc ăn thức ăn thừa. Chủ quán đã ăn hết đồ ăn thừa của một bữa tiệc và nói: “Nhìn mấy món xào này, tôi không muốn động đũa, tôi chỉ ngồi xuống và nếm thử một chút. Thứ nhất, tôi không muốn lãng phí nó; thứ hai, thông qua việc nếm thử, tôi muốn xem có vấn đề gì trong quá trình tìm đầu bếp nấu ăn không“. Người ta cũng nói rằng, những món mà khách hàng không ăn nhiều sẽ trở thành bữa ăn của nhân viên. Nhiều trang thông tin điện tử ở đại lục cũng đưa tin về vụ việc và tuyên bố đây là một “cảnh tượng ấm lòng”.

Các nhà chức trách đã rất nỗ lực để tạo ra thành quả nhằm ngăn chặn “lãng phí đồ ăn”. Một báo cáo phát triển nông thôn do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố vào ngày 17/8 chỉ ra rằng, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 từ năm 2021 đến năm 2025, Trung Quốc có thể thiếu 130 triệu tấn lương thực, trong đó, thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc (ba mặt hàng chủ lực: lúa mì, gạo và ngô) là khoảng 25 triệu tấn.

Chính sách không triệt để và sai đối tượng?

Từ trước đến nay, vấn đề dân sinh luôn được ưu tiên hàng đầu, cho nên tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc đã buộc các nhà chức trách phải xem xét một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, người dân và ngoại giới lại thấy rằng, cơ quan chức năng đã áp dụng những quy định đó sai đối tượng. Trong khi đời sống người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lũ lụt và giá thịt tăng cao, người dân thường hầu như không thể lãng phí đồ ăn thức uống được.

Nếu đếm tất cả các loại nạn đói trong lịch sử Trung Quốc và nước ngoài, không phải do thiên tai thì chính là do những hành vi điên cuồng nào đó của con người, nhưng chưa lần nào nó bị gây ra do người dân phung phí thực phẩm. Nạn đói lớn ở Trung Quốc vào cuối những năm 1950 là do bước tiến Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông. Mao cho rằng sản xuất thép như là cột trụ chính của phát triển kinh tế. Mao đã đưa lao động nông thôn đến Đại Liên để sản xuất thép. Ông tiên đoán rằng, trong vòng 15 năm kể từ Đại nhảy vọt, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ vượt qua sản lượng thép của Vương quốc Anh, đuổi kịp Hoa Kỳ và trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa dẫn đầu trận doanh. Hậu quả là cây trồng bị thối rữa trên mặt đất và không ai thu hoạch, gây mất mùa nghiêm trọng.

Đồng thời, ĐCSTQ đã sử dụng một số lượng lớn tiền bạc và lương thực để viện trợ nước ngoài, khiến những người dân đang thiếu ăn rơi vào tình trạng tuyệt vọng cuối cùng.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc ngày nay dường như đang lặp lại lịch sử của 60 năm trước. ĐCSTQ ở trong nước thì thích hư vinh phù phiếm. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, chính phủ đã tiêu tốn 160 tỷ nhân dân tệ (có người cho rằng con số này có thể lên đến 300 tỷ nhân dân tệ). Một cuộc diễu hành quân sự vào năm 2019 đã chi 32,2 tỷ nhân dân tệ tiền thuế của người dân; ngoài ra, chính quyền còn “rải tiền” cho châu Phi hàng trăm tỷ đô la. Nếu số tiền sử dụng cho những dự án “đánh bóng tên tuổi” này được tiết kiệm dùng để mua lương thực thì sẽ không xuất hiện cảnh tượng huyền ảo mà chân thực sắp xảy ra: những người dân trong tầng lớp “xã hội khá giả” phải thắt lưng buộc bụng để kiểm soát lượng đồ ăn hàng ngày.

Theo Nguyên Minh Thanh, Soundofhope
Tâm Thanh biên dịch

Related posts