Trump sẽ thua và yếu tố Murdoch

Phạm Đức Đồng Hùng

Sử gia Allan Lichtman – Giáo sư Dại học American ở Washington DC – cho rằng ông Donald Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Sử gia này đã dự đoán chính xác mọi cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ kể từ năm 1984, chỉ gặp trục trặc với cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Lúc đó ông tiên đoán ứng cử viên Al Gore sẽ thắng cử thế nhưng cuối cùng cờ lại về tay Bush, dẫu vậy ông cho rằng mình vẫn không sai vì kết quả cuối cùng cho thấy Al Gore có tổng số phiếu cao hơn: Bush chỉ thắng là do vấn đề là kỹ thuật, sau khi Tối cao Pháp viện bác đơn kiện của ông Al Gore, muốn kiểm tra lại phiếu đếm.

Mới đây, chỉ bốn năm trước, vào tháng Chín năm 2016, giữa lúc chỉ số thăm dò của bà Hillary Clinton luôn vượt lên cao so với ông Trump, nhà sử học này dự đoán rằng bà Clinton sẽ đạt nhiều phiếu hơn nhưng sẽ thua ông Trump.

Bây giờ, tuyên bố trên CNN ngày 7.8.2020, ông Lichtman khẳng định: “Ông Trump sẽ thua trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch ốc năm nay”.

Sự thật thì các kết quả thăm dò liên tiếp trong thời gian qua đều cho thấy ông Joe Biden dẫn trước ông Donald Trump. Tuy nhiên đó không phải là yếu tố chính khiến ông Allan cho rằng ông Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Theo ông thì vấn đề chính ở đây là bức tranh tổng thể về sức mạnh và sự vận hành của chính quyền hiện hành chứ không phải là cuộc thăm dò dư luận, ý kiến các chuyên gia hay thay đổi hàng ngày của các chiến dịch tranh cử.

Bức tranh lớn

Bức tranh lớn mà nhà sử học này nhìn vào là 13 yếu tố chính mà ông đã tống kết từ lịch sử các cuộc bầu cử tống thống, trình bày trong cuốn Keys to the White House (Chìa khoá bước tới Toà bạch ốc) xuất bản năm 1986. Đây là thành tựu của nỗ lực nghiên cứu để rút ra những “mẫu số chung” của các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1860 cho tới 1980.

“Mẫu số chung” đó là 13 vấn đề, dựa trên 13 câu hỏi dành cho hai ứng cử viên với lời đáp là đúng hay sai:

  1. Lợi tức bình quân từ mức tăng trưởng kinh tế, hay mức tăng trưởng trung bình so với thời điểm của hai nhiệm kỳ trước.
  2. Kinh tế không bị suy thoái trong giai đoạn tranh cử.
  3. Xã hội vẫn ổn định, không có vụ đình công hay phản đối lớn nào trong thời gian tuyển cử.
  4. Chính quyền đã tạo những thay đổi lớn trong các chính sách đối nội.
  5. Chính phủ đã có những thành tựu đáng kể về mặt đối ngoại.
  6. Chính phủ gặp thất bại lớn trong chính sách đối ngoại.
  7. Chính quyền có bị ảnh hưởng bởi những vụ tai tiếng lớn hay không?
  8. Đảng cầm quyền đang có bị chia rẽ trầm trọng hay không?
  9. Tổng thống có được xem là nhà lãnh đạo đầy uy tín hay không?
  10. Tổng thống có phải là khuôn mặt mới kể từ cuộc bầu cử trước?
  11. Phe đối thủ có bị chia rẽ nghiêm trọng hay không?
  12. Ứng cử viên đối lập bị xem là người thiếu uy tín?
  13. Chính quyền chỉ mới nắm quyền có một nhiệm kỳ thôi?      

Giáo sư Lichtman khẳng định trên CNN rằng mô hình dự đoán của ông không chịu ảnh hưởng của các sự kiện bất thường xảy ra trên thế giới, ví dụ như đại dịch Covid-19. Ông khẳng định: “Mô hình của tôi hoạt động theo nguyên tắc từ năm 1860. Nó đã tồn tại qua nhiều sự thay đổi lớn, dù là chính trị hay kinh tế”.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, giáo sư Lichtman tin rằng đây sẽ là một cuộc bầu cử gay cấn với kết quả chênh lệch sít sao. Trong 13 yếu tố, có 7 nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, 6 yếu tố nghiêng về ông Trump.

Trước đó, trình bày trên tờ New York Times, ông Lichtman nhận xét ông Trump có lợi thế là tổng thống đương nhiệm cũng như không phải đối mặt với ứng viên nặng ký trong đảng hay ứng viên nặng ký của đảng thứ ba.

Nhìn lại cuộc bầu cử măm 2016 thì ứng cử viên thứ ba Gary Johnson của đảng Libertarian có chủ trương nửa Dân Chủ nửa Cộng Hòa đã gây bất lợi khi cho bà Hillary Clinton.

Trong cuộc bầu cử năm đó bà Clinton mất dần thế dẫn đầu, không phải vì ông Trump đang lên, mà bởi vì chính do bà Clinton dần tụt lại.

Lúc đó bà Clinton không phải là tổng thống đương nhiệm nhưng trong vai trò cựu ngoại trưởng trong chính quyền Barack Obama, bà phải “thừa hưởng” những lợi điểm lẫn khuyết điểm của ông Obama. Hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama đã “không đạt nhiều thành tích đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại” trong khi bà Clinton lại vướng nhiều tai tiếng, do đó bà dễ thua khuôn mặt mới Trump.

Bây giờ thì ông Trump đang tụt lại và ngoài những yếu tố trên, còn phải kể đến yếu tố Murdoch.

Yếu tố Murdoch

Nhà tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch 89 tuổi hiện vẫn là Chủ tịch điều hành News Corp, nắm trong tay 247 tờ báo in hay truyền hình, truyền thanh, trong đó nổi tiếng nhất là hệ thống truyền hình Fox, BskyB, The 20th Century Fox; Myspace – một mạng Internet phổ biến nhất trên thế giới, nhà xuất bản HarperCollins v.v. Chỉ cần ra lệnh những ông chủ bút này chống ai hay ủng hộ ai, Murdoch sẽ lèo lái được dư luận.

 Năm 2011 tạp chí Foreign Policy của Mỹ (10-2011) đã dẫn lời nhà bình luận Michael An Thế, người Mỹ gốc Trung Quốc, so sánh các tờ báo của Murdoch không khác với tờ “Thời Báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc. Theo học giả này thì tờ báo cực hữu của Trung Quốc lấy chủ nghĩa dân tộc làm để kiếm chác lợi nhuận, còn các báo lá cải của Murdoch cũng làm trò tương tự trong chuyện bảo vệ các quan điểm bảo thủ và thành kiến chính trị.

Trên thực tế thì dù có lập trường thiên hữu, Murdoch chỉ ủng hộ những ai giúp ông ta làm ăn thuận lợi và giúp những người mà ông ta “ngửi” được là chắc thắng. Năm 2011 đài BBC đã thực hiện phóng sự Murdoch: Breaking the Spell nói về ảnh hưởng của Rupert Murdoch trong nền chính trị Anh Quốc. Theo BBC ảnh hưởng này bắt đầu từ sự câu kết giữa Murdoch và nguyên Thủ tướng Magaret Thacher. Murdoch dốc lòng ca ngợi bà Thather và đổi lại ông ta, một công dân Mỹ, có thể sở hữu đến 40 phần trăm hệ thống báo chí tại Anh. Nhưng khi thấy chính phủ Bảo Thủ Anh không còn có lợi cho mình, Murdoch đã ủng hộ cho nhân vật trẻ hơn của Lao Động là Tony Blair, và sau đó có thể sai khiến Blair một cách dễ dàng.

Tại Úc, khi thấy cử tri chán nguyên Thủ tướng John Howard, Murdoch quay sang ủng hộ ông Kevin Rudd, mời ông Rudd đi ăn trưa tại New York. Đến khi thấy ông Rudd đưa ra dự án phát triển đài ABC, có nguy cơ cạnh tranh với hệ thống truyền thông của mình, Murdoch đã dùng báo chí đánh ông Rudd tơi bời, khiến ông Rudd bị chính đảng mình đảo chính. Cũng chính Murdoch ủng hộ ông Tony Abbott lên rồi đánh ông Abbott tơi bời, khiến ông bị đảo chính, đưa ông Malcolm Turnbull lên. Sau đó, cũng chính báo chí của Murdoch lại đánh ông Turnbull, dẫn đến vụ đảo chính năm 2018.

Theo một số quan sát viên thì có vẻ như ông Murdoch đang chuyển hướng, sau khi hàng loạt cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump liên tiếp bị ông Biden bỏ xa.

Tuy nhiên cũng phải nhắc qua chuyện trong nhà.

Chuyện trong nhà

James Murdoch – con trai út 47 tuổi của Ruppert Murdoch – đã “từ cha” vào cuối tháng Bảy vừa qua và việc này đã hé mở những bất đồng chính trị trong nội bộ gia đình này.

Dồn nén sau nhiều năm bất đồng với cha và anh trong các vấn đề chính trị toàn cầu và chính trị nước Mỹ trong “vấn đề Trump”, cuối tháng qua James Murdoch dứt khoát từ chức và rút khỏi đế chế truyền thông của gia đình.

James Murdoch đã cùng cha Rupert Murdoch và anh trai Lachlan Murdoch điều hành “đế chế” News Corp vững vàng trong nhiều năm, gây ảnh hưởng sâu rộng với các vấn đề văn hóa và chính trị thế giới. Ông cha quản trị chung, phụ trách thị trường Mỹ, Lachlan phụ trách thị trường Úc và James phụ trách thị trường Âu châu.

Năm 2011 News Corp gây tai tiếng tại Anh khi “hack” vào điện thoại của một nạn nhân bị bắt cóc, gián tiếp gây trách nhiệm đến cái chết của nạn nhân, dẫn đến việc đóng cửa News of the World, một trong những tờ báo bán chạy nhất tại Anh. Trách nhiệm này dồn lên đầu James Murdoch và làm căng thẳng mối quan hệ với cha mình. Sau vụ này James đã từ London chuyển đến New York để tham gia điều hành đài truyền hình Fox và đầu tư vào kỹ thuật quảng cáo kỹ thuật số.

Tuy nhiên khoảng cách lớn nhất giữa hai cha con này là hố sâu tư tưởng. Thời gian qua báo chí vẫn đề cập đến căng thẳng giữa James với cha vì quan điểm ủng hộ môi sinh, ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó thì báo chí của Murdoch thì luôn bác bỏ chuyện này, xem chuyện biến đổi khí hậu là chuyện vớ vẩn và tại Úc chỉ cần đọc các bài xã luận trên The Australian hay The Daily Telegraph là thấy. Tháng Hai năm nay, giữa lúc lửa rừng hoành hành tại Úc, James đã công khai chỉ trích hệ thống truyền thông của gia đình là đã che đậy tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhưng yếu tố gây mâu thuẫn sâu sắc nhất giữa cha con này này lại là Trump. James công khai chống lại Trump trong khi Fox News của Rupper Murdoch thì ra mặt ủng hộ. Hạ tuần tháng Bảy, chỉ vài tuần trước khi từ chức, James và vợ đã cùng nhau đóng góp hơn một triệu Mỹ kim quỹ vận động tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Trong toàn bộ hệ thống truyền thông tại Mỹ thì ông Trump chỉ thích mỗi một đài Fox News vì luôn bênh vực mình, với hai nhà dẫn chương trình hàng đầu như Sean Hannity và Laura Ingraham luôn công khai cổ vũ cho Trump.

Mà James Murdoch cũng nói toạt ra điều này trong lá thư từ chức khỏi Hội đồng quản trị News Corp ngày 31.7.2020, nêu rõ: “Quyết định từ chức của tôi xuất phát từ sự bất đồng về nội dung biên tập do hệ thống báo chí thuộc công ty xuất bản và một số quyết định chiến lược khác.”

Thế nhưng như đã nói ở trên, Murdoch không hề trung thành với một lý tưởng chính trị nào mà chỉ trung thành với tiền và càng ngày nhà tài phiệt này trở nên bất an với Trump.

Trong cuốn “Tình trạng vây khổn” (State of Siege) xuất bản năm 2019, tác giả Michael Wolff dẫn lời James Murdoch, cho biết cha mình từng thổ lộ rằng gia đình đã từng ủng hộ ông Trump và trong tương lai công ty có thể gặp khó khăn.

Chính vì thế nên càng ngày càng xuất hiện những thay đổi trong giọng điệu của hệ thống bao chí trong tay Murdoch về Trump, khi ông tổng thống này có dấu hiệu đi xuống.

Murdoch bỏ rơi Trump

The relationship between Rupert Murdoch and Donald J. Trump, a presidential candidate at the time, reached a turning point when they met at Trump International Golf Links Scotland on June 25, 2016.
Murdoch và Trump

Đầu tháng Bảy, trên tạp chí Vanity Fair nhà bình luận Gabriel Sherman dẫn nguồn tin bên trong cho hay ông Murdoch dang nghĩ rằng ông Trum sẽ bị thua thê thảm (crash and burn). Sau đó, chúng ta chỉ cần đọc lại những bài xã luận trên hệ thống báo chí của Murdoch sẽ thấy rằng nguồn tin trên là đúng.

Ngày 25.6.2020 tờ The Wall Street Journal đăng bài bình luận “The Week It Went South for Trump” (Tuần này là một tuần bị hạ giá của Trump), của bà Peggy Noonanm, nhà bình luận hàng dầu của tờ này, nguyên là phụ tá viết diễn văn cho Tổng thống Ronald Reagan. Bài viết đưa ra những nhận xét khiến ông Trump bầm gan tím ruột, rằng “ngoài những lời than phiền ca cẩm” thì ông Trump “vẫn chưa đưa ra một thông điệp nào cho nhiệm kỳ thứ hai” (He still has no second term message beyond his own grievances); rằng ông Trump “không phải cỡ người có thể đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng” và bất kể tình hình tươi sáng hay đen tối, ông Turmp “hiếm khi nào làm tình hình khá hơn” (He hasn’t been equal to the multiple crises. Good news or bad, he rarely makes any situation better) và đó là chuyện mà “bất cứ ai cũng phần nào biết được” (And everyone kind of knows).

Trên thực tế thì ông Murdoch không nể nang gì ông Trump. Trong cuốn Ngọn lửa và sự cuồng nộ (Fire and Fury) Michael Wolff – người viết tiểu sử của Murdoch, cho biết Murdoch từng gọi Trump là “một thằng ngốc” (an idiot).

Trong cuốn State of Siege đã dẫn ở trên, tác giả này dẫn lời Murdoch nói về Trump: “Tôi chẳng thể nào dứt khỏi cuộc điện thoại với cái thằng đam này” (I can’t get the asshole off the phone).

Năm 2019, ký giả Sherman còn cho hay rằng nhà bình luận của Fox News mà ông Trump ưa thích là Sean Hannity, đã từng thổ lộ với ông Trump rằng ông Murdochs “ghét tổng thống”.

Mà ông Trump cũng đủ thông minh để cảm nhận ra rằng Murdoch đang bỏ rơi mình. Ngày 22.5.2020 ông Trump đã “xổ” ra trên mạng Twitter: “FoxNews chẳng làm gì cả để giúp đảng Cộng Hòa và tôi tái đắc cử vào ngày 3 tháng 11 cả.”

Theo giới bình luận thì hiện ông Trump hiện đang chơi trò tháu cáy với Murdoch: độc giả trung thành với Fox News là nhờ ông Trump, nếu đài này bỏ ông Trump, họ sẽ mất độc giả và do đó Murdoch sẽ mất tiền.

Giới phân tích cho rằng ông Trump có thể đang tính toàn việc bỏ ông Murdoch trước khi ông Murdoch bỏ mình. Trump hiện đang nhắm đếm hệ thống truyền hình dây cáp One America News Network (OAN) có khunh hướng bảo thủ. Nếu Trump quay sang OAN, những khán giả của Fox sẽ bỏ sang OAN và Murdoch sẽ bị thiệt hại nặng về tài chính.

Tin cho hay gia đình Trump đang xoay xở thành lập một tổ hợp để mua lại OAN, bất kể chủ nhân đã khẳng định là sẽ không bán. Mà giả như chủ nhân có bán đi nữa thì cũng quá trễ vì chỉ còn không đầy ba tháng nữa!

Related posts