Mong muốn ‘thoát Trung’ của người Đài Loan ngày càng mạnh mẽ

Đại Nghĩa

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Chụp màn hình video của CNA)

Các động thái cứng rắn đối với chính quyền Trung Quốc của Chính phủ Đài Loan đương nhiệm tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân và nhiều đảng phái. Những chỉ trích nhắm vào chính phủ của nữ Tổng thống Thái Anh Văn từ phía Quốc Dân Đảng, lực lượng bị cáo buộc thân Bắc Kinh, đang ngày càng bị lên án

Quốc Dân Đảng vốn là lực lượng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc (1927-1949), tuy nhiên sau khi tới Đài Loan, theo thời gian, đảng này ngày càng bị nhiều người cáo buộc là có xu hướng thân Bắc Kinh. Trong khi đó, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn nổi lên như một đảng có quan điểm chống ĐCSTQ quyết liệt nhất ở Đài Loan.

Mạnh mẽ trước sức ép

Ngày 22/08/2020, cựu Tổng thống (TT) Đài Loan ông Mã Anh Cửu, đảng viên Quốc dân đảng (KMT), đã truyền đi một thông điệp gây sợ hãi bằng cách cáo buộc chính quyền TT Thái Anh Văn đang đứng về phía Hoa Kỳ để đẩy Đài Loan đến bờ vực chiến tranh với Trung Quốc.

Phản ứng trước cáo buộc này, ngày 23/08 tại đảo Kim Môn, nơi phải hứng chịu chiến dịch khiêu chiến bằng pháo kích của chính quyền Mao Trạch Đông 62 năm trước, TT Thái Anh Văn phát biểu:

“Những người được nhân dân giao phó vị trí lãnh đạo của đất nước không thể ảo tưởng rằng việc cúi đầu trước vấn đề chủ quyền và im lặng trước các giá trị dân chủ [bị đe dọa] sẽ mang lại hòa bình”.

Bà nói tiếp: “Hòa bình phải được thiết lập dựa trên nền quốc phòng vững chắc, và tất cả chúng ta nên biết ơn những người lính đã hy sinh tính mạng cho đất nước”.

Theo Focus Taiwan, ngày 22/08 Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC), cơ quan thuộc chính phủ Đài Loan chịu trách nhiệm về chính sách với chính quyền Trung Quốc cho biết:“Căng thẳng trên eo biển không phải là kết quả của chính sách quốc gia của Đài Bắc, mà là do mục tiêu bành trướng và tham vọng chiếm Đài Loan của Bắc Kinh”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Đài Loan Đinh Di Linh cho rằng cựu tổng thống Mã đang “hát giai điệu của Bắc Kinh với những hăm dọa chiến tranh”.

‘Quét sạch’ đặc vụ Hoa Nam

Vào tối Chủ nhật (23/08), cựu TT Mã tiếp tục phản đối TT Thái Anh Văn sử dụng Luật an ninh quốc gia và Đạo luật chống xâm nhập để tìm kiếm “kẻ thù” bên trong Đài Loan. Ông Mã lập luận rằng làm như vậy, bà Thái đã hạn chế quyền tự do của người dân và vi phạm các quyền con người được bảo vệ theo hiến pháp.

Ngay sau đó, Đảng Xây dựng đất nước (TSP) Đài Loan đã phản ứng gay gắt phát biểu của ông Mã. Họ cho rằng nếu ông Mã muốn chỉ trích hành động bảo vệ đất nước khỏi sự xâm nhập từ Trung Quốc, thì đảng của họ sẽ không ngồi yên và sẽ truy tìm những gián điệp mà ông Mã đã đưa vào.

TSP dẫn nguồn tin cho hay từ năm 2008 đến năm 2014, chính quyền thời ông Mã đã cho phép các đặc vụ thuộc cơ quan Mặt trận thống nhất của ĐCSTQ xâm nhập vào Đài Loan gần 4.000 lần.

TSP chất vấn: “Họ đã đi đâu? Họ đã gặp ai? Họ đã làm gì?”. TSP cũng nói rằng chính quyền của ông Mã đã không làm được gì để theo dõi những người này, và về cơ bản đã cho phép kẻ thù tự do vào đất nước.

TSP cho rằng, bây giờ là lúc cần sử dụng luật an ninh quốc gia và Đạo luật chống xâm nhập để diệt trừ kẻ thù của Đài Loan.

Chính quyền Trung Quốc thường sử dụng Mặt trận thống nhất để xâm nhập và gây ảnh hưởng lên mọi lĩnh vực ở các nước trên thế giới. Theo báo cáo hồi tháng 06/2020 của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Mặt trận Thống nhất đã điều phối hàng ngàn nhóm để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp công nghệ của Bắc Kinh.

Người dân hướng về Dân Tiến

Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng kinh tế, đe dọa quân sự và thực hiện các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ nhắm vào xã hội Đài Loan. Những chiến thuật này của Bắc Kinh đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của người dân Đài Loan. Trong cuộc bầu cử địa phương 9 trong 1 vào cuối năm 2018, Đảng Dân Tiến của TT Thái Anh Văn đã bị thất bại nặng nề.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền Hồng Kông thúc đẩy Luật Dẫn độ vào đầu năm 2019 khiến hàng triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối vì cho rằng nó xâm hại môi trường sống tự do mà họ đang được hưởng theo mô hình “một nhà nước, hai chế độ”. Các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông, cũng như việc những người tham gia vào các cuộc biểu tình này bị đàn áp bởi lực lượng an ninh được cho là thực hiện theo chỉ đạo của “quan thầy” Bắc Kinh, đã làm người Đài Loan thay đổi thái độ, họ thấy rõ hơn sự giả dối và nguy hiểm của thứ gọi là “một nhà nước, hai chế độ” mà chính quyền Trung Quốc nhiều lần đặt vấn đề với họ.

Sự chuyển biến về nhận thức của người Đài Loan đã dẫn tới chiến thắng áp đảo của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử thống vào tháng 01/2020.

Chưa dừng ở đó, ứng viên của KMT Hàn Quốc Du không những bị thua trước bà Thái Anh Văn trong cuộc đua tới vị trí tổng thống, mà sau khi quay về vị trí Thị trưởng Cao Hùng cũng đã bị cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm ngày 06/06/2020.

Tiếp đó, trong cuộc bầu lại thị trưởng Cao Hùng hôm 15/08/2020 vừa qua, ứng viên Trần Kỳ Mại thuộc Đảng Dân Tiến của TT Thái Anh Văn đã giành thắng lợi áp đảo trước ứng viên của KMT.

Có thể thấy, xu hướng mong “thoát Trung” tại Đài Loan ngày càng trở nên mạnh mẽ. Nó được thể hiện qua việc quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh của chính phủ Thái Anh Văn nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng, nhiều đảng phái và các quốc gia dân chủ trên thế giới. Sức mạnh của quân lực Đài Loan dưới thời bà Thái ngày càng được củng cố với sự giúp sức từ Hoa Kỳ và đồng minh. Vì thế tham vọng “thống nhất” Đài Loan của chính quyền Trung Quốc dường như ngày càng khó trở thành hiện thực.

Related posts