Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát Biển Đông bằng cách dùng bạo lực và những lời dối trá để đe doạ nhằm chiếm đoạt cái mà Bắc Kinh xem là “lợi ích cốt lõi” không thể bỏ.
Hôm thứ Hai (24/8), tờ South China Morning Post (SCMP) có bài viết về việc sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa ra quan điểm về Biển Đông, ngay lập tức chính quyền Trung Quốc tìm cách đối thoại trở lại với các nước ASEAN để cùng thảo luận các vấn đề liên quan vùng biển này. Trong đó, có cả việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bài báo cho biết, quan chức Trung Quốc kêu gọi các thành viên ASEAN làm việc với Bắc Kinh, cần nối lại các cuộc đàm phán COC càng sớm càng tốt để “cho thấy một số tiến bộ”.
Trung Quốc nói không muốn quá trình hợp tác vừa nêu bị “xâm hại” bởi quốc gia không tham gia thương lượng. Không khó để thấy đây là một câu nói ẩn ý nhắm vào Mỹ, dù đại diện Trung Quốc không đề cập “quốc gia không tham gia thương lượng” là nước nào.
Dùng bạo lực và lừa dối để đe doạ nhằm chiếm đoạt lợi ích
Tuy nhiên trên thực tế, điều mà chính quyền Trung Quốc nói đều đi ngược lại với những gì họ làm. Có thể thấy rõ nhất ở vấn đề Biển Đông khi chính quyền nước này liên tục gây hấn, dùng chiêu bài “tự châm ngòi gây chiếm” với nhiều nước nhằm theo đuổi cái mà Bắc Kinh xem là “lợi ích cốt lõi”.
Mới đây nhất, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam trong 6 ngày, từ ngày 24/8, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 23/8 đưa tin. Cùng ngày, truyền hình trung ương Trung Quốc cũng cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tập trận bắn đạn thật ở Biển Bột Hải từ ngày 24/8 đến 30/9.
Chưa hết, hồi đầu tháng 8, chính quyền Bắc Kinh đã điều động oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào tháng 7, Trung Quốc cũng điều động các oanh tạc cơ H-6J và H-6G cùng một số loại máy bay khác tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông. Hay như nhiều vụ đâm chìm tầu đánh cá Việt Nam và hăm dọa các nước trong vùng.
Hôm 24/8, Thanh Niên dẫn lời PGS-TS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) về việc Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận ở Biển Đông rằng: “Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận với mức độ ngày càng tăng ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp đến Mỹ và các bên liên quan trong khu vực rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ theo đuổi những gì mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi”.
Vị TS Nagy này không bỏ qua khả năng Trung Quốc sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận khi càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm khẳng định “ý chí” của Bắc Kinh trong bối cảnh bị Washington gia tăng áp lực. Không chỉ nhằm vào Mỹ, ông Nagy còn nhận xét: “Động thái này của Trung Quốc đồng thời để tăng cường vị thế trong quá trình đàm phán COC với các nước ASEAN”.
Liên quan COC, Bắc Kinh cũng đang có những chiêu trò hòng “đắc lợi”. Ngày 1/8, tờ SCMP đưa tin Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này. Qua đó, Bắc Kinh định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”.
Các động thái này được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là gây ra nhiều quan ngại và đe dọa an ninh khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump trả lời bằng cách điều các chiến hạm tới khu vực Biển Đông sẵn sàng nghênh chiến.
Quan ngại thêm tình hình khi Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển
Hôm 24/8 đại diện của phía Trung Quốc là ông Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long) trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển nhiệm kỳ 2020 – 2029, theo Hãng tin Tân Hoa xã.
Như vậy, Trung Quốc sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996.
Bày tỏ quan ngại việc ứng viên Đoàn Khiết Long được chọn, vị quan chức Mỹ – David R. Stilwell nói: “Lựa chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê một kẻ đốt phá để giúp điều hành cơ quan cứu hỏa”.