- Y Bình
Vào ngày Bộ trưởng Y tế Azar (Alex Azar) của Mỹ gặp Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, một máy bay quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bay qua trung tuyến eo biển Đài Loan. Trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi vụ việc xảy ra, quân đội Mỹ đã cử một số lượng lớn máy bay quân sự và tàu chiến tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn quanh Biển Đông. Theo phân tích của truyền thông Đài Loan thì quân đội Mỹ đã tăng cường gây sức ép vào không gian quân sự của ĐCSTQ ở Biển Đông, khiến truyền thông ĐCSTQ mô tả về tập trận quân sự của họ là “liên tiếp nguy hiểm”.
Chương trình bình luận “Thời khắc sinh tử” của EBC News Đài Loan ngày 22/8 đã phân tích rằng “Chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ” là miếng mồi do Mỹ tung ra khiến ĐCSTQ mắc câu, sau đó Mỹ lại lên kế hoạch “lập vòng vây” và thực tế ĐCSTQ đã bị mắc lừa.
ĐCSTQ buộc phải đối mặt trước sức ép không mong đợi từ quân đội Mỹ.
Trung Quốc mắc mưu của Mỹ
Theo thông tin, khoảng một giờ trước cuộc gặp chính thức giữa ông Azar và bà Thái Anh Văn vào ngày 10/8, ĐCSTQ đã cho máy bay J-10 và J-11 bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan để tạo dựng cái gọi là “phản công cần thiết”.
Trong chương trình, nhà bình luận thời sự Lý Chính Hạo (Lee Cheng-hao) phân tích rằng: sau khi máy bay quân sự Trung Quốc được điều động như vậy thì mọi hành động quân sự của Mỹ đều trở thành chính đáng, hệ quả ĐCSTQ buộc phải đối mặt trước sức ép quân sự không mong đợi từ quân đội Mỹ.
Nhưng chuyện lần này có gì mà khó hiểu, vì trước đây ĐCSTQ vẫn thường xuyên cho máy bay quân sự bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan?
Ông Lý Chính Hạo cho rằng điều khác biệt là lần này có quan chức cấp bộ trưởng của Mỹ đang ở Đài Loan nên việc máy bay quân sự của ĐCSTQ bay qua giữa eo biển cho phép Mỹ “bắt quả tang” nên phản ứng của quân đội Mỹ là hợp lý và có giá trị quốc tế.
Vậy là ngay lập tức Mỹ thực hiện một loạt các cuộc triển khai và hoạt động quân sự rầm rộ. Ông phân tích: “Ngày 13/8, tàu sân bay Reagan chạy từ phía đông Đài Loan đến đảo Lan Tự (Lanyu) phía đông nam Đài Loan, trực tiếp tập luyện ban đêm tại đây. Ngày 14/8, tàu Reagan lên đường đến Biển Đông. Theo thông tin mới nhất mà ông nhận được thì ĐCSTQ đã phải điều động hơn trăm máy bay để xây dựng thế trận phòng thủ đối với tàu Reagan của Mỹ”.
Quân đội Mỹ cũng đã gửi các video liên quan cho CNN để công bố. Trong video có thể thấy máy bay do thám của quân đội Mỹ đến một hòn đảo ở Biển Đông, đồng thời nghe thấy tiếng cảnh báo bằng tiếng Anh của quân đội ĐCSTQ rằng ‘xin lập tức rời đi’. Quân đội Mỹ trả lời: “Chúng tôi là máy bay quân sự của Mỹ và đang thực hiện các hoạt động quân sự hợp pháp trong không phận quốc tế.”
Như vậy, phải chăng máy bay trinh sát của Mỹ bay đến các đảo như đảo Yongxing (đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và đá Yongshu (đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà ĐCSTQ tự tuyên bố chủ quyền? Vì như vậy thì ĐCSTQ mới có thể điều máy bay quân sự đến đuổi máy bay của Mỹ. Ông Lý Chính Hạo phân tích: “Tất cả những điều này cho thấy Mỹ đã gây sức ép lớn đối với ĐCSTQ ở Biển Đông.”
Không chỉ thế, vào ngày 18/8, không quân Mỹ và Không quân Phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận quân sự tổng hợp song phương quy mô lớn ở Biển Hoa Đông. Không quân Phòng vệ Nhật Bản đã thông báo chi tiết về cuộc tập trận quân sự Mỹ-Nhật quy mô lớn này, tổng cộng hai bên có 39 máy bay chiến đấu (bao gồm cả máy bay ném bom F-15, F-35 và B-1), đã cùng tập luyện không chiến trên vùng trời giữa Biển Hoa Đông và các đảo phía tây nam Nhật Bản.
Ông Lý Chính Hạo tiết lộ rằng giới hâm mộ quân sự đã chia sẻ tin tức cho biết một phi công quân sự của ĐCSTQ đang bay nói rằng: không có cách nào để bay lên trước vì toàn là máy bay quân sự của Mỹ.
Tuyên bố tập trận quân sự của ĐCSTQ bất ngờ “mất tích”
Trong bối cảnh này, ngày 13/8, quân đội ĐCSTQ bất ngờ tuyên bố tiến hành “Diễn tập thực chiến liên hợp” tại eo biển Đài Loan và hai bờ nam bắc, tuyên bố lập tức khiến bầu không khí khu vực eo biển Đài Loan căng thẳng hơn, nhưng sau đó lại không thấy phía Trung Quốc có thêm thông báo chi tiết nào.
Theo tin tức do CNN và Không quân Phòng vệ Nhật Bản tiết lộ thì lý do là trên Biển Đông đã diễn ra thế trận giằng co quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho đến sáng ngày 21/8 thì truyền thông nhà nước Trung Quốc bất ngờ thông báo cuộc tập trận đã kết thúc, đồng thời gọi cuộc tập trận là “đầy mùi chiến tranh, liên tục nguy hiểm”.
Nhà bình luận Lý Chính Hạo mô tả các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ là “đầu voi đuôi chuột”. Vì trước đó truyền thông nhà nước của ĐCSTQ cũng tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự ở phía bắc và nam của Đài Loan và vùng eo biển Đài Loan để thể hiện thế trận bao vây ba mặt, thậm chí còn đe dọa “thế lực Đài Loan độc lập” không biết lượng sức, không loại trừ khả năng tương lai tiến hành các cuộc tập trận lớn quanh đảo Đài Loan và vùng không phận Đài Loan. Ông Lý Chính Hạo cho biết không ngờ kế hoạch của ĐCSTQ lại kết thúc nhếch nhác như vậy.
Theo phân tích, ngay từ đầu, ĐCSTQ đã rơi vào bẫy do Mỹ giăng ra, từ đó quân đội Mỹ tiếp tục đẩy mạnh gây sức ép, đến cuối cùng, như mô tả của truyền thông ĐCSTQ, phía Trung Quốc đã kết thúc cuộc tập trận quân sự “đầy nguy hiểm”. Theo phân tích, mỗi bước đi của xung đột quân sự Mỹ – Trung trong tháng này đã nằm trong tính toán của Mỹ.
Tàu khu trục Hạm đội 7 của Mỹ đến Đài Loan “hỗ trợ ổn định an ninh khu vực”
Ngoài ra, theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), vào ngày 19/8, Hạm đội Thái Bình Dương (U.S.Pacific Fleet) của Mỹ cũng có động thái hiếm thấy khi đăng ảnh liên quan trên Facebook người hâm mộ, kèm theo bài đăng rằng vào ngày 18/8, tàu khu trục tên lửa USS Mustin (DDG-89) thuộc Hạm đội 7 (US7th Fleet) của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan, hình minh họa chỉ ra rằng nhiệm vụ của tàu USS Mustin là hỗ trợ ổn định an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo thông cáo báo chí của Hạm đội 7, vào ngày 15/8, tàu Mustin và tàu khu trục lớp Akizuki (JS Suzutsuki, DD-117) của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận toàn diện ở Biển Hoa Đông, hoạt động được xem như là trách nhiệm chung về hợp tác ổn định khu vực.
Mới đây, tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên đưa tin, Mỹ không có ý định đóng quân ở Đài Loan, nhưng có thể cử tàu chiến cập cảng Đài Loan, đồng thời cử sĩ quan mang quân phục đến Đài Loan, và khởi động chương trình huấn luyện ở Đài Loan.
Về sự kiện thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế Mỹ
Chuyến thăm Đài Loan vào ngày 9/8/2020 của Bộ trưởng Y tế Mỹ Azar là chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ năm 1979 khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Thông tin cho biết mục đích chuyến thăm chính thức ba ngày tới Đài Loan của Azar nhằm trao đổi quan điểm về kinh nghiệm phòng chống bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Trong chuyến thăm, ông Azar đã gặp Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn nói rằng bà hy vọng Đài Loan và Mỹ có thể có nhiều trao đổi hơn nữa trong các lĩnh vực, đồng thời cũng cảm ơn Mỹ đã ủng hộ Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA).
Y Bình