- Xuân Lan
Theo Thời báo Tài chính (Financial Times), Ấn Độ đang dần loại bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc khỏi hệ thống viễn thông của nước này trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới sau vụ đụng độ biên giới hồi tháng Sáu.
Theo Financial Times, Công ty Công nghệ Huawei nằm trong số các mục tiêu mà chính phủ Ấn Độ nhắm tới, nhưng thay vì cấm hoàn toàn công ty này như một vài nước khác đã làm, chính phủ Ấn Độ được cho là sẽ lặng lẽ dỡ bỏ các thiết bị hiện có từ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Cơ quan Viễn thông Ấn Độ đã cấm thử nghiệm mạng 5G từ các nhà cung cấp Trung Quốc, trong khi đó Văn phòng Thủ tướng Narendra Modi cũng đã gia tăng cảnh giác với đầu tư của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng nhạy cảm, theo báo cáo của Financial Times.
Tờ báo dẫn lời một quan chức cao cấp trong chính phủ Ấn Độ cho biết New Delhi không chính thức nêu lệnh cấm Huawei hay các công ty thiết bị Trung Quốc khác do điều này có thể gây nên phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh, mà tư duy của chính phủ là “Hãy làm mạnh hơn là nói mạnh.”
Một người phát ngôn từ Huawei đã nói với SCMP rằng công ty “không bình luận về tin đồn.”
Ấn Độ, thị trường di động lớn thứ hai thế giới với 850 triệu người dùng, đã cho phép Huawei tham gia vào thử nghiệm 5G vào đầu năm nay.
Huawei đã có khả năng đảm bảo các hợp đồng quan trọng với Bharti Airtel, Vodafone và công ty thuộc sở hữu nhà nước BSNL. Tuy nhiên, hiện không rõ điều gì sẽ xảy ra với những hợp đồng này.
Lập trường chống các công ty công nghệ Trung Quốc của Ấn Độ đã thay đổi sau vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp của hai nước ở dãy Himalaya hồi tháng Sáu.
Tình cảm chống Trung Quốc tại Ấn Độ đã bùng phát mạnh mẽ từ sau vụ đụng độ. TikTok của ByteDance, WeChat của Tencent, trình duyệt của Alibaba và bản đồ điện tử của Baidu nằm trong số 59 ứng dụng của Trung Quốc bị chính phủ Ấn Độ cấm.
Động thái mới nhất của Ấn Độ diễn ra khi công ty Huawei đang phải đối mặt với sức ép chính trị gia tăng ở các nước phương tây, từ Vương quốc Anh tới Úc, nơi đã ban hành lệnh cấm cung cấp gói 5G do những quan ngại Bắc Kinh có thể xâm nhập vào hệ thống và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Huawei luôn phủ nhận là họ cho phép Bắc Kinh tiếp cận các hệ thống khách hàng của mình.
Đầu tuần trước, hôm 17/8, Huawei đã tiếp tục hứng chịu lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ khi Washington tuyên bố cấm hãng này mua chip tiêu chuẩn và các linh kiện điện tử từ các nhà cung cấp không phải của Mỹ nhưng được phát triển hoặc sản xuất từ phần mềm hoặc công nghệ của Mỹ. Quy định này được cho là sẽ cắt đứt “đường sống” của Huawei.
Lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng 8 đã đưa ra hai lệnh hành pháp cấm các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là WeChat và TikTok từ ngày 20/9 do cáo buộc rủi ro an ninh quốc gia. TT Trump cũng cho biết ông đang xem xét thêm các lệnh chống lại nhiều công ty Trung Quốc hơn, bao gồm cả tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding.
Xuân Lan (t/h)